Ðô thị có thật sự hiện đại ?
Ngoài những đô thị cổ nổi tiếng là Thăng Long, Phố Hiến và Hội An, hầu hết các đô thị ở nước ta khởi đầu từ thế kỷ 19, định hình ở thế kỷ 20, hiện nay Việt Nam đã có gần 800 đô thị lớn, nhỏ, trong đó có hai đô thị lớn là Hà Nội và Tp.HCM. Qua thời gian, các khu đô thị ngày càng trở nên hiện đại.
Hà Nội cách đây hơn 20 năm chỉ có khoảng hai triệu người. Khi đó Thủ đô còn là một tổng thể hài hòa với hệ thống hồ ao, mặt nước đan xen; các làng hoa, làng nghề truyền thống, khu vực trung tâm lác đác nhà cao tầng. Cấu trúc khu phố cổ, khu phố Pháp còn tương đối nguyên vẹn, chưa hề xuất hiện những khu đô thị mới, nạn kiến trúc "nhại" cổ, "nhại" Pháp...
|
Phố cổ nay đã không còn nét thanh tịnh cổ xưa. Ảnh minh họa: Nguồn Internet |
Giờ đây, diện mạo Thủ đô đã thay đổi rất nhiều, nhất là sự lộn xộn trong khu phố cổ. Do sự quá tải về mật độ dân số, sự thay đổi của nhu cầu cuộc sống hiện đại dẫn đến kiến trúc không gian nhiều nơi bị phá vỡ. Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng, một phần do người dân tự ý cải tạo, nâng cấp, thậm chí ngang nhiên phá bỏ để xây dựng nhà ống bằng bê-tông cốt thép. Nhiều nhà mặt đường và trong ngõ cao đến bảy, tám tầng; bên cạnh những nhà cũ được gia cố, cơi nới muôn hình vạn trạng, nhan nhản ba-lô, chuồng cọp treo lơ lửng ngay mặt phố.
Trong khi tốc độ đô thị hóa nhanh chóng mặt thì công cuộc bảo tồn và tôn tạo di tích lại rất chậm chạp. Thêm vào đó là hệ lụy từ quá trình xây dựng và phát triển giao thông, đô thị. Thiết kế đô thị tại hầu hết các tuyến đường mới mở ở Hà Nội bao giờ cũng đi sau mở đường dẫn đến tình trạng xây dựng lộn xộn không ngăn chặn được; nhà siêu mỏng, siêu méo tràn lan và liên tục "tái xuất". Không chỉ các khu tập thể, khu đô thị cũ đã già nua, chật chội mà các làng mới lên "phường" có đường sá chật hẹp, hạ tầng kỹ thuật yếu kém, điều kiện sống thấp, tiếp tục tạo nên những gánh nặng cho đô thị. Thêm vào đó, sự xuất hiện các khu đô thị mới, chung cư cao cấp, bên cạnh những yếu tố tích cực vẫn còn nhiều điều bất ổn. Ðó là tính tự phát trong kiến trúc, không có sự gắn kết tổng thể.
Các khu đô thị tại Việt Nam hiện nay đều không có bản sắc riêng mà sử dụng lối kiến trúc sao chép, nhang nhác giống nhau, không có nhịp điệu ăn khớp của các công trình nhà cao tầng trong cùng một dự án hoặc đan xen không hài hòa về thẩm mỹ với các dự án chung quanh; mật độ xây dựng cao và hệ số sử dụng đất quá lớn dẫn đến thiếu không gian mở, không gian công cộng cho quảng trường, công viên, cây xanh, mặt nước và các công trình hạ tầng, xã hội...
|
House For Trees - Công trình nhà bê-tông cốp-pha của KTS Võ Trọng Nghĩa từng đoạt giải kiến trúc tại Anh 2014. |
Phai nhạt làng quê truyền thống
Làng quê của Hà Nội, nhất là khu vực ven đô đang chịu sự biến động mạnh mẽ, sâu sắc trong cơn lốc "đô thị hóa". Nhiều ngôi làng nổi tiếng như Ðường Lâm, Cự Ðà, Tây Mỗ, Tả Thanh Oai... rơi vào tình trạng nửa phố nửa quê. Xóm Cầu Bươu đầu làng Tả Thanh Oai, Thanh Trì đã trở thành xóm dịch vụ với đủ loại hàng quán. Nhiều nhà cao tầng mầu sắc xen lẫn những nếp nhà loang lổ rêu phong. Bên kia sông là làng nghề truyền thống Cự Ðà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, trong khoảng ba năm nay chỉ còn hơn nửa số nhà cổ, những ngôi nhà trên dưới 300 năm tuổi lần lượt bị xóa sổ. Nhiều ngôi nhà với kiến trúc Pháp độc đáo xuống cấp nặng nề nhưng người dân không có tiền tu sửa, một phần do một số gia đình làm ăn buôn bán phát đạt tự đập đi xây mới cho thời thượng. Còn làng Mơ (còn gọi là Kẻ Mơ) với sản vật đặc trưng của Hoàng Mai và kinh thành Thăng Long là rượu mơ, rượu cúc nay trở thành phường, mất đi cảnh quan thiên nhiên, cổ xưa; phố không ra phố, làng không ra làng với những con đường cũ nhỏ hẹp, lộn xộn...
Một số nơi vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhà ở nông thôn nhìn chung đang mất dần bản sắc, không phù hợp cảnh quan truyền thống. Nhiều nhà được xây dựng theo hình mẫu nhà ống đô thị những năm 90 của thế kỷ 20, chỉ lấy ánh sáng từ mặt trước nên bị tối, thông gió kém; đồng thời bỏ bớt đi nhiều chức năng như sân vườn, chuồng trại chăn nuôi nên không còn đáp ứng được các tiêu chí về sinh hoạt, ăn ở kết hợp sản xuất nông nghiệp. Loại nhà tại các trục đường làng, đường liên xã xây tự phát, kiến trúc tùy tiện, lộn xộn. Còn dạng nhà ở tại các điểm giãn dân và khu vực trung tâm thị tứ đang xây dựng cho thấy sự cứng nhắc, khô khan trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở việc phân khu kiểu bàn cờ, chia lô.
Gian nan hành trình tìm bản sắc?
Trước khi tên tuổi của KTS Võ Trọng Nghĩa và KTS Nguyễn Hòa Hiệp được thế giới biết đến, một số KTS Việt Nam cũng đã nhiều lần được vinh danh tại các hội đồng chuyên ngành thế giới và khu vực. Gây ấn tượng với bốn giải thưởng Kiến trúc xanh năm 2014 (Green Good Design 2014) của Trung tâm Nghiên cứu Thiết kế kiến trúc nghệ thuật châu Âu và Viện Kiến trúc và thiết kế Chi-ca-gô (Mỹ), KTS Võ Trọng Nghĩa cho thấy hướng đi đúng với xu hướng xanh hóa đô thị bằng những vật liệu gần gũi thiên nhiên, tận dụng nắng, gió. Anh quan niệm: "Xanh không phải là một thứ mốt nhất thời mà chính là kiến trúc Việt tương lai, vì nó phù hợp với khí hậu, phong thổ và con người Việt Nam. Mục tiêu chính của tôi trong thời gian tới là phát triển và cải tạo nhà ống thành nhà xanh với giá thành thấp nhất, góp phần xanh hóa đô thị với tốc độ nhanh nhất". Cũng theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, kiến trúc xanh (KTX) đã phản ánh được tất cả tâm hồn người Việt. Ông cho rằng, bản sắc không phải chỉ là chuyện kết cấu ba gian hai chái, mái tôn hay mái ngói... mà là không gian sống của người Việt, một không gian luôn gắn liền thiên nhiên. KTX chính là bản chất sâu xa của tính dân tộc, truyền thống.
Thật đáng buồn về thực trạng kiến trúc Việt Nam hiện nay khi công tác quy hoạch và quản lý xây dựng chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của cả đô thị và nông thôn, nhất là việc quản lý xây dựng của nhiều cấp, ngành, địa phương còn hết sức lỏng lẻo. Cao hơn nữa là tầm nhìn quy hoạch, chiến lược và quản lý thực hiện kèm theo một hệ thống chính sách, pháp luật còn nhiều bất cập của địa phương và ngành xây dựng. Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/CP về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị. Trong đó nêu rõ nguyên tắc các công trình phải có tính kế thừa, phù hợp điều kiện, đặc điểm tự nhiên; đồng thời phải tôn trọng tập quán, văn hóa địa phương, gìn giữ bản sắc vùng miền...Tuy nhiên, đến nay nhiều địa phương vẫn chưa lập quy chế quản lý, quy hoạch kiến trúc đô thị, nhiều công trình xây dựng chưa tuân thủ quy định. Rõ ràng, hành trình giữ gìn và phát huy bản sắc Việt trong xu hướng phát triển của kiến trúc thời hiện đại không phải quá khó nhưng hóa ra lại rất khó vì chưa có sự đồng thuận, đồng bộ; vì sự phát triển quá nóng hiện nay.
"Việc xây dựng ở nước ta rất tự do. Người dân tự lo, Nhà nước chỉ quản lý. Song tình trạng "trăm hoa đua nở" đó dẫn đến đô thị ngổn ngang. Như vậy, kiến trúc, đô thị dở là do yếu tố tự phát, KTS kém và quản lý không tốt. Ðô thị là sản phẩm của toàn xã hội chứ không riêng của KTS nên đừng chỉ đổ lỗi cho họ". KTS NGUYỄN TẤN VẠN (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) "Kiến trúc Việt Nam hiện đại có bản sắc cần bảo đảm tính bền vững về kỹ thuật và văn hóa. Do vậy cần nghiên cứu làm rõ nguồn gốc văn hóa của các không gian kiến trúc truyền thống. Xây dựng các chính sách hợp lý để các không gian kiến trúc mới được hình thành bảo đảm trong môi trường văn hóa truyền thống một cách năng động và hấp dẫn, phát huy mọi nguồn lực văn hóa của người dân trong khu vực". TS, KTS NGUYỄN VŨ PHƯƠNG (Trường đại học Kiến trúc Hà Nội) |