Tin tức: Làn sóng ngôi sao tới Trung Quốc: Đời cầu thủ ngắn lắm

Làn sóng ngôi sao tới Trung Quốc: Đời cầu thủ ngắn lắm

Nội dung

Làn sóng những cầu thủ di cư từ châu Âu sang Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Với người trong cuộc, họ được và mất gì từ cuộc phiêu lưu này?

Làn sóng ngôi sao tới Trung Quốc: Đời cầu thủ ngắn lắm
Alex Teixeira (phải) nhận nhiều sự chỉ trích và châm biếm vì quyết định sang Trung Quốc thi đấu khi mới 26 tuổi. Ảnh: Internet.
Một ngày sau phi vụ Alex Teixeira đầu quân cho Jiangsu Suning, tiền vệ người Brazil bị cựu trung vệ Mark Lawrenson chỉ trích nặng nề. Ông cho rằng, Alex Teixeira “phải có tham vọng chuyên nghiệp của một con muỗi” mới từ chối Liverpool để đầu quân cho đội bóng vô danh ở phương Đông xa xôi.

Trong khi đó, chứng kiến cuộc đổ bộ tới Trung Quốc của Jackson Martinez, Ramires, Freddy Guarin, báo The Sun (Anh) mô tả cảnh tượng đó bằng khái niệm “Một mẻ cá lớn của Trung Quốc”. Từ bình luận Mark Lawrenson đến báo The Sun, người ta cảm nhận có một sự châm biếm rõ rệt.

Việc cầu thủ rời châu Âu và tìm kiếm thử thách ở lục địa khác không phải chuyện lạ. Hàng năm, vẫn có nhiều tên tuổi tìm đến nước Mỹ thi đấu. Tuy nhiên, tính chất giữa sang Mỹ và tới Trung Quốc tồn tại sự khác biệt rất lớn. Những David Beckham, Thierry Henry, Andrea Pirlo hay Frank Lampard cập bến xứ cờ hoa khi sự nghiệp đã gần kết thúc.

Với họ, danh tiếng xây dựng được trở thành công cụ tạo ra sức hút cho vùng đấu của những đồng USD. Còn với những ai bắt chuyến tàu tới viễn Đông, đó toàn ở đỉnh cao sự nghiệp. Rất nhiều người trong số họ từng chạy theo tiếng gọi của đồng tiền từ lúc còn trẻ. Chính vì vậy, sẽ là bất công nếu châm biếm cái tên nào đó vì họ sang Trung Quốc.

Ngày trước, những cầu thủ Nam Mỹ giống như tay đánh thuê rời quê hương để tới châu Âu tìm kiếm giấc mơ danh vọng. Song, thế giới chỉ sản sinh ra mỗi Lionel Messi hay Neymar và Thượng Đế không phải lúc nào cũng ban phát sự công bằng cho mỗi số phận.

Làn sóng ngôi sao tới Trung Quốc: Đời cầu thủ ngắn lắm
Ramires sang Trung Quốc thi đấu vì bản thân hiểu mình cần những gì để tiếp tục sự nghiệp bóng đá. Ảnh: Internet.

Họ không biết điều gì chờ đợi mình. Thậm chí, cơ hội được ra sân cũng phụ thuộc vào nhiều thứ. Từ góc nhìn, tư duy chiến thuật và cả thói quen cũng như sở thích, tất cả đều phải chờ quyết định của HLV. Rồi lúc thi đấu, rủi ro bắt đầu xuất hiện. Một cú tắc bóng hơi thô bạo hay tiếp đất không đúng kỹ thuật, giấc mơ đổi đời với một cầu thủ trẻ hoàn toàn có thể kết thúc.

Lúc này, liệu người ta có nên suy nghĩ lại khi chỉ trích những cầu thủ vì ham tiền mà chạy sang Trung Quốc?

Bóng đá thời nay khác với quá khứ rất nhiều. Thời còn tung hoành 30 năm, Lawrenson chơi cho Liverpool, đội bóng đáng để thi đấu khi đó. Ông sinh ra ở miền Bắc nước Anh, vì vậy, không cần di chuyển quá xa nhà khi khoác áo đại diện thành phố cảng. Bản thân cũng chẳng buồn học thêm ngoại ngữ mới hay băn khoăn về cách quản lý ở Liverpool ra sao.

Làn sóng ngôi sao tới Trung Quốc: Đời cầu thủ ngắn lắm
Ramires sẽ nhận được mức lương rất cao khi đầu quân cho Jiangsu Sunning. Ảnh: Internet.

Lúc Lawrenson gia nhập “Lữ đoàn đỏ”, mọi thứ vô cùng hoàn hảo vì Liverpool là một trong những gã khổng lồ ổn định nhất. Hơn ba thập niên sau, thời gian làm mọi thứ thay đổi chóng mặt. Khái niệm duy trì sự ổn định hiếm khi tồn tại. Có lẽ phải còn lâu người ta mới chứng kiến nhiều hơn những trường hợp vị trí không thể bị xâm phạm như Ronaldo hay Lionel Messi.

Từ Alex Teixeira tới Ramires, rồi Jackson Martinez… họ ra đi vì bản thân hiểu điều phải làm. Gắn bó với một nơi không nhìn thấy tương lai sáng sủa chỉ khiến sự nghiệp bị chôn vùi. Theo cây bút Rob Hughes của New York Times, vụ chuyển nhượng Alex Teixeira sang Trung Quốc cần được thông cảm, thay vì dùng những lời lẽ nặng nề.

Tiền vệ người Brazil ra đi vì lý do đúng đắn, thậm chí đó là khi anh chối từ Liverpool. Thời còn tuổi teen, Alex Teixeira cùng nhiều đồng hương Brazil khác rời quê nhà để tìm đến Shakhtar Donetsk, nơi một trong những người giàu nhất Ukraine nắm quyền sở hữu đội và quyết tâm đưa bóng đá nước nhà khẳng định vị thế trên bản đồ bóng đá thế giới.

Nhưng cuộc xung đột chính trị ở quốc gia Đông Âu khiến mọi thứ trở nên bất ổn. Từ sân tập, các cầu thủ thỉnh thoảng vẫn nghe rõ tiếng bom đạn nổ cách đó không xa. Đó còn chưa kể liên tiếp những vụ phá sản của các tập đoàn mẹ từ Brazil và điều này khiến tương lai các đội bóng trở nên bấp bênh.

Dù không muốn bị gán mác phản bội, song, Alex Teixeira phải ra đi hòng cứu lấy sự nghiệp. Anh không sợ bị quỵt tiền lương, tuy nhiên, sự hỗn loạn tại Ukraine mới trở thành cơn ác mộng. Không chỉ vậy, Alex Teixeira từng theo dõi Liverpool và Shakhtar tiến hành đàm phán. Vào phút chót, vụ chuyển nhượng thất bại.

Điều này đồng nghĩa cầu thủ người Brazil phải chờ tới kỳ chuyển nhượng mùa hè và hy vọng Liverpool nối lại cuộc đàm phán. Song, cơ sở nào đảm bảo điều đó? Sáu tháng là thời gian dài, vì vậy, cầu thủ 26 tuổi bắt buộc phải nắm bắt cơ hội khi những lời mời gọi hấp dẫn khác tìm đến.

Làn sóng ngôi sao tới Trung Quốc: Đời cầu thủ ngắn lắm
Bóng đá Trung Quốc đang phát triển và những cuộc bạo chi của họ thật sự đe dọa nhiều CLB tại châu Âu. Ảnh: Internet.

Việc Alex Teixeira sang Trung Quốc suy cho cùng vẫn chỉ là bản chất con người. Cầu thủ này có tài, vậy tại sao không thể tới một CLB khác để nhận mức lương hậu hĩnh hơn. Và tại sao đó không thể là Trung Quốc? Với Alex Teixeira, bản thân nhìn thấy một sự phi thực tế nếu từ chối bản hợp đồng do đội bóng châu Á đưa ra.

Ngoài ra, anh cũng không có gì phải e dè bởi từ nhiều năm trước đã xuất hiện nhiều đồng hương sang Trung Quốc thi đấu. Điều đó giúp Alex Teixeira không cảm thấy cô đơn. Thống kê cho thấy có hơn 150 cầu thủ Brazil hành nghề ở giải vô địch quốc gia Trung Quốc. Một cộng đồng nhỏ dân Nam Mỹ cũng xuất hiện. Phía đội chủ quản cũng chăm lo kỹ lưỡng cho gia đình các cầu thủ Brazil. Họ tìm trường cho những đứa trẻ, hướng dẫn phong tục tập quán, tư vấn cả chế độ dinh dưỡng…

Sang vùng đất mới, Alex Teixeira nói riêng và nhiều tên tuổi khác nói chung không phải lo bị vắt kiệt sức bởi lịch thi đấu 3 trận/10 ngày như các giải VĐQG châu Âu. Rồi khi hè đến, những đội bóng lớn tại châu Âu cũng không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi vì bận dự các tour du đấu để kiếm tiền. Nơi phương Đông, Alex Teixeira, Ramires, Jackson Martinez hay Freddy Guarin chẳng cần bận tâm đến vấn đề đó.

Và để trả lời cho câu hỏi Alex Teixeira được và mất gì khi sang Trung Quốc, anh được rất nhiều thứ, và không mất gì. Đời cầu thủ vô cùng ngắn ngủi và mỗi con người mang số phận khác nhau. Lẽ đó, họ hiểu những gì phải làm để mưu sinh.

Nguồn: Nguyên Trí - Zing.vn
Đăng lúc: 15:00 11/02/2016
Làn sóng những cầu thủ di cư từ châu Âu sang Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Với người trong cuộc, họ được và mất gì từ cuộc phiêu lưu này?

Nguồn: www.bongda.com.vn/?p=1671492


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận