Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng: "CPI xuống thì lãi suất cũng phải xuống!"
Với nguyên tắc nay, diễn biến lạm phát năm nay hoàn toàn là điều kiện khả thi cho yêu cầu bức thiết hạ lãi suất đối với DN. Điểm lại những tháng gần đây thì thấy, tháng 9, CPI tuy tăng mạnh 2,2% nhưng tháng 10, đã xuống 0,82 và tháng 11, xuống tiếp 0,47%.
"Nếu tháng 12, CPI cỡ như tháng 11 thì CPI cả năm nay sẽ thấp hơn mục tiêu đề ra. Nằm trong tầm tay của chúng ta, lạm phát sẽ ở khoảng 7,5%. Và với mức lạm phát thấp như vậy, năm 2013, chúng ta có thể thực hiện lạm phát ở mức độ thấp hơn nữa, từ 6,5-7%", ông Muốn ước tính.
Trần lãi suất cho vay sẽ theo hướng giảm xuống ? (Nguồn ảnh: Techcombank)
Vị Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tính toán: "Trong mặt bằng đó, đưa lãi suất huy động giảm xuống khoảng 7,5-8%/năm, cộng với 2,5- 3% chi phí thì các ngân hàng hoàn toàn có thể thực hiện lãi suất cho vay tầm 10% trở lại".
Theo ông Muôn, chỉ với mức hạ lãi suất như vậy thì doanh nghiệp mới đỡ khó khăn hơn.
"Với tinh thần đó, đến 2015, mục tiêu hướng tới là lạm phát tiếp tục giảm được xuống 6% thì lãi suất có thể trở về như thời kỳ trước, tức chỉ 8% lãi cho vay. Cùng với việc nợ xấu được giải quyết, ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn thì chênh lệch lãi suất cho vay và huy động sẽ thu hẹp lại", ông Muốn nhấn mạnh.
Để đạt được những mục tiêu trên, vấn đề điều hành giá cả sẽ đóng vai trò quan trọng, liên quan mật thiết.
Ông Muôn cũng lo ngại, hiện, chúng ta điều hành giá theo nguyên tắc thị trường song vẫn có yếu tố hành chính. Nếu cứ thả nổi giá cả hết thì nguy hiểm. Giả dụ như đến Tết, giá lại bùng lên và tiếp tục duy trì như vậy trong năm 2013 thì việc kiềm chế lạm phát sẽ rất gay go.
Với tinh thần đó, Chính phủ dự kiến giai đoạn 2014-2015, lạm phát có thể đạt mức trung bình thấp mà chỉ tiêu Quốc hội đề ra là từ 5-7%, đến năm 2015 , lạm phát cỡ khoảng 6%.
TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, lãi suất cho vay đối với DN là một trong những vấn đề tồn tại nhất của năm 2012.
"Mặc dù năm 2012, chúng ta đã giảm được 5-6 điểm phần trăm đối với tỷ lệ lãi suất cho vay. Nhưng đối với sản xuất thực, không có những yếu tố lách luật thì sau khi trừ chi phí, còn lãi được 14-15% để mà trả được nợ vay ngân hàng theo mức hiện nay quả vẫn là cực kỳ khó khăn cho các nhà quản trị doanh nghiệp", ông Kiên đánh giá.
Áp trần lãi suất cho vay?
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 29/11, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã "bật mí", định hướng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét áp dụng trần lãi suất cho vay và giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất này sẽ phải đảm bảo đồng bộ với yêu cầu không để lạm phát quay trở lại.
Theo cơ quan này, hiện lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ dao động quanh mức 10 - 13%/năm, đối với lĩnh vực kinh doanh khác ở mức 12 - 15%/năm.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ nhận định theo quy luật thì lạm phát xuống, lãi suất phải xuống. Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước để trong tháng tới, cơ quan này sẽ đưa ra phương án cụ thể về điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2013.
Thực tế, Những kỳ trước, lãi suất rất cao, Chính phủ đã yêu cầu giảm thì lại có ý kiến cho rằng, tại sao lại áp dụng can thiệp hành chính. Tuy nhiên, Việt Nam đang là nền kinh tế chuyển đổi, việc điều hành lãi suất và một số công việc khác vẫn cần có các biện pháp hành chính nhưng các giải pháp này vẫn phù hợp với thị trường. Chúng ta không cực đoan thị trường là phải hoàn toàn để thị trường quyết định.
Dự kiến trong tuần này Chính phủ sẽ bàn việc hạ lãi suất cho vay. Theo TS Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất này đưa về mức 10% trở xuống thì doanh nghiệp mới đỡ khó khăn.