Tin tức: Lại ngập "rác" quảng cáo địa ốc

Lại ngập "rác" quảng cáo địa ốc

Nội dung

Từ đường phố tới điện thoại

"Rác trời" góp phần làm nhếch nhác cảnh quan đô thị Hà Nội được biết đến như một căn bệnh kinh niên hiễn vẫn chưa thuốc chữa. Đã rất nhiều lần, Hà Nội lên kế hoạch xử lý triệt để các loại rác trời (chủ yếu là các loại băng rôn, phướn quảng cáo BĐS treo sai quy cách, quy định) với nỗ lực của cả chính quyền sở tại lẫn các ban ngành chức năng. Thế nhưng, đã thành "lệ", sau mỗi đợt ra quân quyết liệt của liên ngành, các loại quảng cáo địa ốc lại giăng mắc lủng lẳng tới từng ngã tư đường phố và vô khối con ngõ nhỏ. 

Nếu nhìn ở góc độ kinh doanh PR sản phẩm dự án BĐS, mô hình quảng cáo ngoài trời (được phép hoặc tự ý) quay trở lại là điều dễ hiểu, nhất là khi đối chiếu với biểu đồ hồi phục thanh khoản địa ốc. 

Bắt đầu "khởi động" từ quý IV/2014, hàng loạt dự án thuộc tầm trung - cao cấp rậm rịch chào thị trường, cùng với đó là hàng loạt băng rôn, cờ phướn...tập nập trên cao suốt 3 tháng cuối năm. Một trong những dự án đang tiếp cận khách hàng rầm rộ theo cách này là Home City Trung Kính (Văn Phú Invest làm chủ đầu tư). Dọc các phố từ Chính Kinh, Nguyễn Trãi, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, cho tới Lê Văn Lương đều là địa bàn "trải thảm" của rất nhiều loại băng rôn trên từng cành cây, cột điện, trụ đèn giao thông…

quảng cáo bất động sản
Nhiều phướn quảng cáo bất động sản treo khắp các tuyến đường lớn của thủ đô

Chưa dừng ở đó, chủ nhân của nhiều số điện thoại (từng giao dịch trực tuyến hoặc hay thanh toán bằng tài khoản ngân hàng) còn bị "hành" bởi các kiểu tin nhắn spam. Không ít khách hàng đã nhờ tổng đài chặn tin nhắn rác nhưng chẳng mấy tác dụng vì phương thức spam tin nhắn bao giờ cũng "đi trước một bước" với thủ thuật ngày càng cao. 

Chị Mỹ - một công chức ngành giáo dục, không khỏi bức xúc khi nhớ lại: "Tôi đã mua nhà tại Hà Nội và sinh sống ổn định suốt 5 năm nay, vậy mà số điện thoại vẫn lọt vào tay đội quân bán hàng và bị đeo bám dai dẳng. Nhiều dự án thuộc hàng cao cấp nhưng dùng cách bán hàng tiếp thị kiểu này không chỉ khiến khách hàng bất bình mà còn suy nghĩ lại về sự cao cấp mà họ khoác lên". 

Spam nhầm còn hơn bỏ sót?

Điểm chung của những dự án cao cấp nói trên là biết sử dụng cách truyền tải thông tin rất khéo léo tới khách hàng. Đơn cử, tại một dự án trên đường Lê Văn Lương, đơn vị kinh doanh tung chiêu gia tăng khuyến mãi kèm theo tỷ lệ giá trị căn hộ nhích nhẹ (bình mới - rượu cũ). Một dự án khác ở Cầu Giấy, vào tháng 11, khi móng công trình còn ngổn ngang sắt thép thì đơn vị phân phối đã chính thức đợt 1 với số lượng căn hộ nhất định được "vào tiền"…

Cũng thời điểm này, một năm trước, thị trường từng chứng kiến những dự án cao cấp có giá căn hộ từ 1,6 - 4 tỷ đồng tại các quận như Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm liên tục "tấn công" người dùng điện thoại bằng tin nhắn. 

Tại khu vực giao điểm giữa quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai, đang xuất hiện khá nhiều tờ phướn quảng cáo một dự án có tên mới toanh, cách Ngã tư Sở chỉ 500m; tặng hàng trăm triệu đồng cho 30 khách hàng đầu tiên… 

Khi liên lạc với số điện thoại đính kèm (0914.075.xxx), PV mới hay thực ra đây là dự án đã triển khai từ lâu của chủ đầu tư Videc, nay lại được đổi tên mới. Đầu dây bên kia cho biết: Chủ đầu tư đổi tên dự án nên bên bán hàng chúng em cũng chỉ biết như vậy (!) Thực chất, việc thay tên đổi họ cho dự án, hoặc cung cấp thông tin kiểu úp mở, nửa vời (nhưng hấp dẫn về giá cả, khuyến mãi, chiết khấu) chủ yếu nhằm đánh vào sự tò mò của khách hàng. 

Tiếp tục, một dự án khá "hot" khác tại khu vực Nguyễn Huy Tưởng - Nguyễn Tuân hiện đang được 4 đơn vị bán hàng cùng lúc tham gia phân phối, cũng trình diễn cách thức chăm sóc khách hàng khá thú vị. Sau khi biết rõ người gọi đến là phóng viên, có đầy đủ thông tin về dự án, K. (làm việc cho đơn vị môi giới thuộc hệ thống phân phối BĐS quy mô bậc nhất thủ đô) vẫn nhiệt tình tư vấn từ chi tiết căn hộ cho tới giá bán. 

"Số điện thoại của anh là do phòng tư vấn cung cấp trong danh sách khách hàng. Chắc họ nhầm lẫn quên "lọc"… Nhưng không sao, biết đâu sắp tới anh cũng muốn mua căn hộ dạng này", K. chữa cháy. 

Một trong những kênh bán hàng gián tiếp giúp tăng thanh khoản cho các sản phẩm địa ốc là tận dụng mọi hình thức như tin nhắn, email, tờ rơi...để quảng cáo, thu hút khách hàng quan tâm. Đây cũng là những chiêu bài từng bị chê phản cảm thời gian trước nhưng nay được áp dụng trở lại một cách mạnh mẽ.
Bất động sản Hà Nội

Nguồn: batdongsan.com.vn/tin-thi-truong/lai-ngap-rac-quang-cao-dia-oc-ar72772


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận