Chặt chém”, “làm giá”, “cắt cổ”… đã trở thành những cụm từ ám ảnh khách thập phương tại chùa, đình, đền trong dịp rằm tháng Giêng. Tại nhiều nơi ở TP.HCM, Bình Dương, giá giữ xe thực tế tại các địa điểm trên cao gấp 3 lần giá niêm yết; cây như ý có giá triệu đồng trong khi niêm yết chỉ 750.000 đồng; bó hoa huệ 80.000 đồng, thay vì chỉ 20.000 - 30.000 đồng/bó.
Các dịch vụ ăn theo lễ hội rằm tháng Giêng mọc lên nhan nhản quanh chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu (Bình Dương).
Giá trông xe… trên trời
Theo quan niệm của người Việt, đi chùa cả năm không bằng ngày rằm tháng giêng, vì thế trong mấy ngày rằm này nhà nhà, người người thi nhau đi chùa với mong muốn cầu trời, khấn phật cho một năm thuận buồm xuôi gió. Trong các ngày 13, 14, 15, 16 tháng Giêng, tại chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu (đường Cách mạng tháng 8, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), chùa Bà Châu Đốc 2 (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè), đình Ngọc Hoàng (quận 1, TP HCM)… trở nên đông đúc hơn.
Trước nhu cầu khách thập phương, nhiều hàng quán, dịch vụ mọc lên nhan nhản như “nấm sau mưa” rồi thỏa sức “chặt chém” khách hàng như: điểm bán nhang đèn, mâm trái cây, dịch vụ giữ xe, dịch vụ bán động vật phóng sanh chim, cá… Ngày 21/2 (tức 14 tháng Giêng), tại đình Ngọc Hoàng – địa chỉ quen thuộc của khách thập phương khi muốn cầu con, cầu duyên…, lượng khách đổ về đây khá đông. Nhằm giải quyết một lượng lớn xe đến chùa cầu may, nhà nhà mở dịch vụ giữ xe dọc theo chùa và thu với giá ngất ngưởng từ 15.000 – 20.000 đồng/chiếc. Nhận biết được sẽ thu lợi nhuận nhiều từ việc “đội” giá giữ xe lên cao nhiều cửa hàng ăn uống chủ động nghỉ ngơi dài ngày dành chỗ giữ xe khách đi lễ chùa.
Thậm chí, một số cửa hàng kinh doanh điện tử lớn bên cạnh chùa Bà cũng mải mê giữ xe khách thập phương mà quên đi lĩnh vực kinh doanh chính. Bà Nguyễn Hiền Hậu thảng thốt: “Trời ơi! “Cắt cổ” người ta hay sao vậy trời? Niêm yết giá giữ xe 6.000 nhưng lại thu 15.000 đồng/chiếc. Tưởng phải trả 18.000 đồng cho 3 xe máy ai ngờ 45.000 đồng cho 3 chiếc”.
Theo ghi nhận của PV báo Đại Đoàn Kết, hầu hết các địa điểm giữ xe gần chùa Bà đều được UBND phường Phú Cường niêm yết với mức 4.000 đồng đối với xe đạp, 6.000 đồng dành cho xe máy, 9.000 đồng cho xe mô tô. Tuy nhiên giá thu thực tế luôn cao gấp 3 lần giá niêm yết. Thắc mắc về mức giá gởi xe nhân viên giữ xe tại trường mần non Măng Non (đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Phú Cường) nói giọng chắc nịch: “Làm gì có giá 6.000 đồng/chiếc vào những ngày này. Ngày mai đúng ngày Rằm tháng Giêng 20.000 đồng/chiếc không biết có nhận giữ hay không chứ ở đó mà thắc mắc!”.
Tại chùa Bà Châu Đốc 2 (huyện Nhà Bè), TP HCM, các điểm giữ xe có vẻ như mềm dẻo hơn bằng cách kêu gọi khách đến những điểm giữ xe miễn phí nhưng trước khi ra khỏi bãi giữ xe thì xin quý khách nhớ mua giúp một lễ vật với giá khá cao.
“Giá niêm yết không áp dụng cho những ngày cao điểm”
Không riêng gì các điểm giữ xe “cắt cổ” khách thập phương, các dịch vụ khác cũng “không thua chị kém em” nên chủ động ra sức “chém đẹp”. Chỉ vào cây như ý khá to cầm trên tay, bà Nguyễn Thị Liên (Đồng Nai) cho hay, bà đã mua cây như ý này với giá gần 1 triệu đồng một cây này. “Mức giá trên khá đắt và không đúng với giá niêm yết nhưng vì muốn thành tâm trả lễ cho Bà, tôi không thể kì kèo bớt một, thêm hai”, bà Nguyễn Thị Liên phân trần. Không chỉ cây như ý, nhang đèn bị đẩy giá lên cao mà nhiều loại lễ khác cũng được giới kinh doanh hét giá.
Đơn cử, một bó huệ có giá 80.000 đồng/bó, 100.000 – 120.000 đồng/mâm quả, 20.000 đồng/con chim phóng sanh… “Ngày thường một bó huệ chỉ khoảng 20.000 – 30.000 đồng/bó. Vậy mà ngày rằm tháng Giêng giá huệ lên đến 80.000 đồng mặc cho giá niêm yết là 60.000 đồng/bó. Chủ cửa hàng còn cho biết, giá niêm yết không áp dụng cho những ngày cao điểm này”, một khách hàng bức xúc than thở. Chứng kiến cảnh lễ vật dâng Phật, dâng Bà bị “làm giá” nhiều người cảm thấy bất bình song vì mong muốn sắm đủ lễ dâng cầu may đành phải cắn răng chịu.
Với mong muốn phục vụ tốt để khách thập phương thoải mái trong việc đi lễ chùa đầu năm, chính quyền các địa phương chủ động lên kế hoạch điều động lực lượng túc trực đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khẳng định khó có thể can thiệp tình trạng cố ý “chặt chém” của các dịch vụ ăn theo.
Đại diện Ban điều hành an ninh, trật tự của UBND phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thông tin, phường đã cố gắng xây dựng hình ảnh văn hóa văn minh bằng cách yêu cầu các điểm giữ xe đúng giá, bán hàng đúng giá. Thế nhưng, tình trạng giá niêm yết và giá bán thực tế khác nhau là có thật. Khó giải quyết triệt để vấn nạn “chặt chém”, “làm giá” trong dịp lễ hội bởi các giao dịch này chỉ là giao dịch tức thời và trực tiếp nên không có gì làm bằng chứng xử phạt những điểm bán hàng hay điểm giữ xe vi phạm quy định của chính quyền địa phương.
Đi lễ chùa đầu năm cầu may mắn là nét văn hóa đẹp của người Việt Nam nói riêng, người phương Đông nói chung. Song điều không hay khi khách thập phương lại trở thành “miếng mồi béo bở” cho các chiêu trò “cắt cổ”, “chém đẹp” của giới kinh doanh. Rõ ràng tư duy kinh doanh “ăn xổi ở thì” cũng như quản lý lễ hội yếu kém, vô hình trung tạo điều kiện cho nạn “chặt chém” tung hoành. Kết quả, cơ quan chức năng “bó tay”, khách thập phương thì ngang nhiên bị giới kinh doanh móc túi mà không biết kêu ai.
Thanh Giang