Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, những diễn biến trong cơn sốt tại Tp.HCM có tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cơn sốt đất tại khu vực vùng ven Tp.HCM mang tính chất lây lan như một cơn "địa chấn", bắt đầu từ khu vực phía Đông chuyển sang phía Nam, sau đó là khu phía Tây và các loại đất nuôi trồng thuỷ sản, đất canh tác cũng được đà sốt theo.
Liệu có một cơn “địa chấn” sốt đất tại vùng ngoại thành Hà Nội?
Để tìm câu trả lời, trước tiên chúng ta sẽ quay lại giai đoạn 2007-2010, thị trường đất tại khu vực ngoại thành thậm chí những tỉnh gần Hà Nội đã xảy ra một cơn sốt tương tự.
Thời điểm đó, cơn sốt bắt đầu từ phía Tây Hà Nội tại Ba Vì, Xuân Mai, Hoà Lạc, Sơn Tây, Miếu Môn thậm chí lan tới Lương Sơn, Hoà Bình. Cơn "địa chấn" sốt đất bắt đầu lan sang vùng Tây Bắc và Bắc Hà Nội là khu vực Đông Anh, Sóc Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh... Khi đó, mọi người tranh nhau mua từ đất thổ cư, đất dự án đến đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp... miễn sao cắm được mốc giới là có giao dịch. Đa phần người mua là giới đầu cơ đợi quy hoạch để bán kiếm lời.
Ông Đoàn Xuân Lương, trú tại quận Ba Đình cho biết, năm 2008, ông mua một khu đất hơn 3.000m2 tại Ba Vì. Mảnh đất ông mua dù chỉ là đất lâm nghiệp nhưng 3 tháng sau khi mua đã có người trả lãi được hơn 700 triệu. Do ông nghĩ giá sẽ lên cao nữa nên ông chưa bán. Đến năm 2010, khi Hà Nội chính thức công bố quy hoạch thì muốn bán lỗ cũng không có người mua.
|
Hà Nội khó có thể xảy ra cơn sốt đất như tại Tp.HCM. Ảnh: Internet |
Hà Nội không thể xảy ra cơn sốt đất ngoại thành
Tại Hà Nội, tuy mức độ sốt của những cơn "địa chấn" không lớn như cơn sốt vừa rồi tại Tp.HCM những hệ luỵ của nó cũng không kém phần khốc liệt. Với bài học đáng giá từ cơn "địa chấn" trước đây thì thị trường đất ven đô Hà Nội khó có thể diễn ra một cơn sốt tương tự như tại Tp.HCM.
Thực tế vừa qua, thị trường nhà đất tại những huyện ngoại thành Hà Nội cũng sôi động bất thường. Tại Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, giao dịch nhà đất trong những năm 2016 và 2017 khá sôi động và mới đây là sốt giá nhẹ tại khu vực huyện Hoài Đức. Những giao dịch này chủ yếu do giới đầu cơ bất động sản nhưng đều nằm trong việc phân tích cơ hội của các nhà đầu tư. Việc cầu Nhật Tân thông xe nối sân bay quốc tế Nội Bài tới trung tâm Hà Nội, cùng với những khu địa ốc và dịch vụ 2 bên đường cao tốc trong tương lai sẽ là cơ hội cho đất Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn tăng giá. Thông tin đồn thổi Hoài Đức sẽ được quy hoạch lên quận cũng khiến thị trường nhà đất của huyện này trở nên sôi động. Thực tế cũng cho thấy, dù giao dịch có sôi động nhưng giá cả tại các khu ngoại thành Hà Nội vẫn không có sự đột biến.
Là một nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp, bà Lương Thị Thanh Thảo cho biết, bà mới mua một mảnh đất tại trục đường nhánh nối từ cao tốc Hà Nội, Thái Nguyên thuộc Đông Anh. Bà cho biết dù khu đất này còn rất hoang vu nhưng bà tin trong thời gian ngắn nữa, khu dân cư, dịch vụ gần kề sẽ khởi sắc và khi đó, mảnh đất của bà sẽ có vị trí đắc địa với tính thanh khoản cao và giá sẽ tăng đáng kể.
Những năm cuối của thập kỷ trước, tại các khu vực ngoại thành Hà Nội như Hoài Đức, Mê Linh, Sóc Sơn, Bắc Ninh... các khu đất nền thậm chí các biệt thự đang được hoàn thiện đang nằm chết thì đến nay đã có khởi sắc. Do đó, về ngắn hạn, nguồn cung vẫn khá dồi dào.
Tuy nhiên về cơ sở hạ tầng, dù là Thủ đô nhưng Hà Nội chưa thể bắt kịp Tp.HCM nên các nhà đầu tư vẫn còn khá e dè.
Tuy giao dịch bất động sản ở các khu ngoại thành Hà Nội có sự khởi sắc nhưng nếu so giá thị trường tại cùng thời điểm thì Hà Nội bao giờ cũng cao hơn Tp.HCM (khoảng 30-40%) nên khả năng tăng cao bất thường ở ngoại ô Thủ đô là khó xảy ra.
Một nguyên nhân khác là tâm lý của những nhà đầu tư bất động sản tại miền Bắc khác hoàn toàn với miền Nam. Nhà đầu tư miền Bắc thường ít táo bạo hơn, họ đặc biệt quan tâm đến yếu tố pháp lý khi đầu tư. Với họ, những bài học về các cơn sốt bất động sản thời gian qua vẫn còn nguyên giá trị.
Từ những yếu tố trên, chắc chắn trong tương lai, giao dịch bất động sản tại các khu vực ngoại thành Hà Nội sẽ sôi động hơn nhưng sẽ không tạo ra một cơn sốt "địa chấn" như tại Tp.HCM.