Tin tức: Mang phong cách công nghiệp khoáng đạt vào nhà

Mang phong cách công nghiệp khoáng đạt vào nhà

Nội dung

Phong cách công nghiệp đề cập đến một xu hướng thẩm mỹ trong thiết kế nội thất, mang những gì đặc trưng nhất từ các nhà máy công nghiệp cũ hay những công trình tương tự vào không gian sống như căn hộ, nhà hàng hay văn phòng. Những điểm đặc trưng nhất của phong cách công nghiệp bao gồm: Sự trần trụi, không gian rộng mở, tông màu trầm, tính thực tế, nội thất kim loại và gỗ. Kết quả là chúng ta sẽ có được một không gian sống phóng khoáng, tối giản, hoài cổ nhưng ấn tượng. Nếu bạn muốn đem phong cách thiết kế công nghiệp vào trong căn phòng của mình, đừng quên bỏ qua những chi tiết dưới đây.

Phong cách thiết kế công nghiệp đặc trưng bởi sự trần trụi và không gian rộng mở

1. Tường gạch thô, trần nhà để lộ đường ống và dây dẫn

Một yếu tố mang tính biểu tượng của phong cách thiết kế công nghiệp là sự hiện diện của những chi tiết như các mảng tường gạch thô, đường ống và dây dẫn mà các phong cách thiết kế nội thất khác thường cố gắng che giấu đi. Phong cách công nghiệp mô phỏng lại sự phô bày thường thấy trong các nhà máy công nghiệp, khu chế biến sản xuất hay nhà kho, đây là những nơi có tần suất làm việc cao nên khả năng hỏng hóc, bong tróc là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy mà, những không gian áp dụng thiết kế công nghiệp sẽ cần để lộ nguyên phần tường gạch, các đường ống, dây điện... nhưng vẫn được sắp xếp gọn gàng.

Những bức tường gạch thô là điểm nhấn cho phong cách thiết kế công nghiệp.

2. Chất liệu gỗ và kim loại

Phong cách công nghiệp tôn vinh những chất liệu thường thấy trong công nghiệp như gỗ và kim loại, đặc biệt là sắt, thép. Trong phong cách công nghiệp, một chiếc giường ngủ bằng sắt với thiết kế tối giản, tủ bếp bằng hợp kim vừa có độ bền cao lại vừa tạo được sắc thái công nghiệp cho không gian. Các vật dụng như bàn, ghế, tủ, kệ... cũng được làm từ vật liệu kim loại. 

Chất liệu gỗ và kim loại được tìm thấy ở mọi nơi trong không gian được thiết kế theo phong cách công nghiệp

Một chi tiết không thể bỏ qua khi trang trí nhà với phong cách thiết kế công nghiệp đó là sử dụng các loại đèn trang trí kiểu dáng công nghiệp như đèn dạng đơn, đèn chùm treo có đồ chụp to, đèn đứng chân thấp hay đèn ống dài áp trần... Những loại đèn này không chỉ mang đến "hương vị" công nghiệp cho không gian mà còn tạo được vẻ sang trọng và hiện đại. 

Những kiểu đèn như này có tác dụng nhấn nhá giúp phong cách công nghiệp thêm đậm nét hơn.

Do phong cách công gnhiệp thường gây cảm giác trầm, lạnh và cứng nhắc nên chúng ta cần phối chọn thêm một số đồ dùng làm từ gỗ. Bạn có thể sử dụng sàn nhà bằng gỗ hay kệ bếp, bàn ăn bằng gỗ để tạo sự ấm áp. 

3. Nội thất và đồ trang trí cổ điển

Với phong cách này, bạn nên sử dụng những món đồ nội thất hơi cũ kỹ và bong tróc một chút. Chẳng hạn như một chiếc bàn cà phê, bàn ăn được ghép bằng những tấm pallet cũ hoặc tủ đựng đồ kim loại kiểu cổ đã tróc sơn. Các loại ghế da cũng rất phù hợp với phong cách này nhưng nên sử dụng màu xám, trầm chứ không chọn các màu chói.

Những món đồ trang trí mang phong cách hoài cổ.

4. Màu sắc trầm

Trong các nhà máy, phân xưởng, màu sắc thường không sáng sủa mà thiên về trầm, sẫm tối. Vì thế, màu sắc của phong cách công nghiệp thường có sắc thái trầm của tông nâu và xám. Những vật liệu như gạch thô, bê tông, ống mạ kẽm cũ, ống đồng, gỗ tự nhiên sẽ mang đến cho bạn những màu sắc phù hợp nhất với phong cách công nghiệp.

Màu sắc của phong cách công nghiệp thường thiên về màu trầm và nâu sẫm.

5. Đừng quên ánh sáng tự nhiên và không gian rộng mở

Do các đồ nội thất được sử dụng trong phong cách công nghiệp thường thô lạnh, trầm nên việc đem ánh sáng vào nhà cần được chú trọng. Điều này có thể thực hiện bằng cách tạo ra những khung cửa sổ rộng, chiều cao gần chạm trần. Nhờ vậy mà phần diện tích tường bê tông sẽ giảm rõ rệt, không gian bên trong cũng dễ dàng tiếp nhận ánh sáng tự nhiên hơn. 

Thiết kế cửa lớn giúp mang ánh sáng tối đa vào nhà.

Để tạo không gian rộng mở, thiết kế nội thất phong cách công nghiệp thường tạo ra sự liên thông giữa phòng bếp và phòng khách. Thậm chí, nhiều căn hộ nhỏ còn có thể tích hợp liên thông phòng ngủ, phòng khách và bếp ăn.

6. Trang trí một cách ngẫu hứng

Những đồ trang trí trong phong cách công nghiệp thường là những vật dụng đơn giản, có đường nét rõ ràng, không rườm ra và được trang trí một cách ngẫu hứng. Mỗi vật dụng sẽ được sắp đặt theo kiểu bừa bộn, tùy tiện nhưng sự thật lại rất ngăn nắp và có ý đồ riêng. Đó có thể là những chồng sách, chai lọ được đặt trên nền nhà, những khung ảnh được đặt tựa vào tường thay vì treo lên cao...

Những đồ vật tưởng chừng như được đặt một cách tùy tiện nhưng lại là dụng ý trong trang trí.

Hiện nay, phong cách công nghiệp đang là xu hướng thiết kế được yêu thích trong những quán cà phê hay trong những căn hộ dành cho người độc thân. Những ai yêu thích sự hiện đại, tối giản, mạnh mẽ và phóng khoáng thì đây là một sự lựa chọn lý tưởng.

Hiện đại, tinh tế mà phóng khoáng, phong cách công nghiệp đang trở thành niềm cảm hứng trong thiết kế hiện nay, nhất là trong lĩnh vực thiết kế và trang trí nội thất.
Phong cách nội thất công nghiệp

Nguồn: batdongsan.com.vn/toan-canh-ngoi-nha/mang-phong-cach-cong-nghiep-khoang-dat-vao-nha-ar86162


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận