Hơn 500 năm tồn tại, trải qua các cuộc chiến tranh binh lửa và sự tàn phá của thiên nhiên. Có thể nói, Phước Tích còn giữ gìn gần như nguyên vẹn vẻ đẹp nguyên sơ của đời sống sinh hoạt làng quê Việt với phong cảnh hữu tình, yên ả, với cây đa, bến nước, sân đình… Phước Tích đẹp như một bức tranh cổ về làng quê Việt Nam.
Ngôi làng cổ thứ 2 Việt Nam
Cách thành phố Huế khoảng 40 km về phía bắc, làng cổ Phước Tích nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị. Theo sử sách, Phước Tích được thành lập từ năm 1470 dưới thời Lê Thánh Tông và được bao bọc hầu như toàn bộ bởi dòng sông Ô Lâu huyền thoại, nước sông luôn trong xanh khiến nơi đây gần như một hòn đảo, quanh làng có di tích 12 bến nước tượng trưng cho 12 con giáp.
Những ngôi nhà rường ở làng cổ Phước Tích có tuổi đời từ 100-200 năm
Đến thăm làng cổ Phước Tích vào dịp cuối năm, cảm nhận của chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi Phước Tích đẹp như một bức tranh cổ. Với những ngôi nhà rường cổ kính với nghệ thuật kiến trúc đặc sắc bên dòng sông trong xanh, hiền hòa, dịu mát. Được khám phá, trải nghiệm cuộc sống thanh bình của một miền quê yên ả, gần gũi, thân thiện là sự kết hợp hài hòa giữa trời, đất và con người.
Ngay đầu làng, chúng tôi được ngắm cây thị cổ thụ khoảng 700-800 năm tuổi và ngôi miếu thờ thần linh. Đi vào trong làng là những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, những khu vườn rộng rãi với những cây cổ thụ xanh tốt, như cây hoàng lan hơn 100 tuổi trước nhà mệ Tràng đến mùa vẫn nở hoa thơm ngát, hay cây tùng, mai, mít… vẫn đổ bóng xuống làng quanh năm.
Điều lý thú là những ngôi nhà rường ở Phước Tích không ngăn cách bằng hàng rào xây gạch và có cổng mà chỉ cách nhau một khu vườn rộng với những hàng rào hở bằng cây chè tàu xanh mướt được cắt tỉa gọn gàng, uốn lượn theo trục đường làng, ngõ xóm và lối đi vào cổng nhà tạo nên sự hấp dẫn kỳ lạ hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên.
Bên trong những ngôi nhà rường cổ là hệ thống kiến trúc gỗ tinh tế, hệ thống vì kèo, xà, cửa, hoành phi, câu đối cho tới bàn ghế, tràng kỷ, bô ngựa (phản), bàn thờ, tủ,…đều được trạm khắc kĩ lưỡng, tinh xảo không thua kém gì các kiến trúc gỗ ở Hoàng cung triều Nguyễn đã trở thành bảo tàng của từng gia đình dòng họ.
Cùng với hệ thống nhà rường, Phước Tích còn có hàng chục các đình, chùa, miếu, đền thờ… Tất cả mang đậm nét tín ngưỡng của người dân xứ Huế cũng như miền Trung.
Bà Nguyễn Thị Phẩm, du khách đến từ Hà Nội không khỏi ngạc nhiên và ấn tượng về nét cổ tự nhiên của làng cổ Phước Tích. “Tôi cùng với bạn bè đã đi tham quan một số ngôi làng cổ của Việt Nam như: làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), làng cổ Túy Loan (Đà Nẵng)… nhưng chỉ làng cổ Phước Tích mới có một không gian, khung cảnh làng quê cổ kính tuyệt đẹp với hệ thống nhà rường cổ dày đặc. Chúng tôi rất thích thú mỗi khi thăm thú những ngôi nhà rường nơi đây”.
Hàng năm có rất nhiều đoàn du lịch, các nhà nghiên cứu về tham quan và tìm hiểu về làng cổ Phước Tích. Trong ảnh đoàn tham quan người Đức đang tham quan nhà ông Hồ Văn Tế.
Phước Tích còn nổi tiếng với nghề gốm từ hơn 500 năm nay với kỹ thuật nung bằng rơm, tạo ra những sản phẩm nổi danh một thời với câu thơ:“Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế/ Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân”. Tuy nhiên, nghề gốm đã không hoạt động từ hơn 20 năm nay cho đến kỳ Festival Huế 2006 nó đã bắt đầu hồi sinh qua tour Hương Xưa làng cổ.
Bên cạnh đó, Phước Tích còn biết đến là làng học khi dân làng xây dựng đền thờ Khổng Tử từ mấy trăm năm trước để tôn vinh sự hiếu học của các thế hệ người dân trong làng và cầu mong cho con cháu học hành đến nơi đén chốn. Nhiều người trong làng đỗ đạc cao với các chức vị lớn.
Người già giữ nhà cổ
Làng cổ Phước Tích hiện có 117 hộ với 320 nhân khẩu. Cả làng hiện vẫn còn hơn 30 ngôi nhà rường truyền thống với tuổi thọ hàng trăm năm, tập trung nhiều nhất ở xóm Đình với 20 ngôi nhà rường loại ba gian hai trái và một gian hai trái (còn gọi là nhà bánh ú), nhiều ngôi nhà có giá trị đặc biệt về kỹ thuật và mỹ thuật.
Thế nhưng, nhiều người khi đến thăm làng cổ Phước Tích không khỏi ngạc nhiên khi vào những ngôi nhà rường chỉ gặp những người già trông coi, gìn giữ nhà cổ chứ không còn thấy cảnh 2-3 thế hệ cùng chung sống trong những căn nhà cổ đó. Dạo quanh làng cũng chỉ thấy hầu hết là người già và trẻ nhỏ, còn những người trong độ tuổi lao động đều đi làm ăn xa, ít khi trở về làng. Do không có người trông coi hay chỉ có người già ở đó nên nhiều ngôi nhà rường đã bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng.Chỉ có dịp Tết là con cháu trong làng về sum họp cùng gia đình nhưng cũng không còn nhiều như xưa vì đời sống mưu sinh khó khăn.
Hơn 10 năm nay, mệ Lương Thị Hén (1914) chỉ có một mình trông coi ngôi nhà rường cổ mà cha ông đã để lại khi qua đời. bà Hén cho biết, “con cái trong gia đình đã đi làm ăn xa hết rồi, thỉnh thoảng có đứa cháu mua đồ ăn rồi đưa tới. Ngồi nhà rường 100 năm tuổi đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng giờ tôi đã già lại một thân, một mình nên cũng không làm gì để sửa sang cho ngôi nhà được”.
Mệ Trương Thị Thú say xưa kể chuyện về ngôi nhà rường của mệ được truyền từ đời ông cố để lại.
Bà Trương Thị Thú (84 tuổi) một mình ở trong căn nhà rường 3 gian 2 chái, nhưng hàng ngày mệ vẫn dọn dẹp, lau chùi các đồ đạc trong căn nhà được sạch sẽ để đón những đoàn khách du lịch về tham quan, tìm hiểu. “Con cháu trong nhà đều lên thành phố và đi làm ăn xa rất ít khi về nhà nên chỉ còn mình tôi ở lại gìn giữ và bảo quản căn nhà. Nhiều lần tôi cũng nói con cháu về quê sinh sống để thay tôi gìn giữ căn nhà do tổ tiên để lại nhưng cũng không đứa nào về vì về quê công việc không có thì biết lấy gì mà ăn” – mệ Thú tâm sự.
Trao đổi với PV Dân trí về tình trạng xuống cấp của những ngôi nhà rường, một vị lãnh đạo huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) cho biết, UBND huyện đang nỗ lực tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân và du khách, để mọi người biết đến Phước Tích là một trong hai làng cổ Việt Nam. Trong thời gian trước mắt, huyện cũng đang tập trung kinh phí để tu sửa một số ngôi nhà rường đã bị xuống câp. Còn với nghề gốm, huyện cũng đang kêu gọi đầu tư và cũng muốn thành lập HTX gốm để khôi phục nghề gốm cổ.
Không những người dân mà cả khách du lịch đang rất lo lắng về tương lai của những ngôi nhà rường cổ ở Phước Tích đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Một vài năm nữa nếu không được tu sửa, quan tậm kịp thời, số phận những ngôi nhà này sẽ ra sao? Và liệu sẽ có bao nhiêu ngôi nhà rường phải đóng cửa vì không có người trông coi, gìn giữ?
Dưới đây là chùm ảnh do PV Dân trí ghi lại tại ngôi làng cổ Phước Tích độc đáo của Huế:
Cây thị hơn 700-800 năm tuổi ở giữa làng và miếu Cây Thị - của làng Phước Tích.
Miếu cây thị nhìn từ cổng vào.
Bình phong và Yoni ở miếu Quảng Tế – một dấu tích của người Chăm còn sót lại tại làng cổ Phước Tích.
Những năm gần đây nghề gốm Phước Tích đang được khôi phục lại.
Những sản phẩm gốm Phước Tích đang được hoàn thiện
Đình làng, nhà thờ họ vẫn được lưu giữ
Dòng sông Ô lâu bao bọc quanh làng cổ Phước Tích nước quanh năm trong xanh.
Một ngôi nhà cổ trong làng Phước Tích
Ngôi nhà cổ phong một gian rêu hai chái của cụ Hén.
Trước những ngôi nhà cổ luôn có bức bình phong để che gió độc
Bức hoành phi của vua Duy Tân (1909-1916) ghi công vị quan thanh liêm được để trang trọng giữa ngôi nhà rường của ông Hồ Đình Lan.
Phía bên trong ngôi nhà chính quy mô lớn (nhà bà Trương Thị Thú).
Họa tiết điêu khắc trên tường.
Họa tiết điêu khắc trên kè và xà nhà.
Hướng dẫn viên dẫn khách du lịch đi tham quan nhà cổ trong làng
Phía Nam làng Phước Tích dọc bờ sông Ô Lâu là làng mộc Mỹ Xuyên. Tất cả những ngôi nhà rường tại làng Phước Tích đều do bàn tay của những nghệ nhân mộc làng Mỹ Xuyên làm nên.
Bến nước hàng trăm năm của làng
Đi quanh làng chỉ gặp những người già tất bật với những công việc sinh hoạt hàng ngày và trẻ nhỏ đi học.
Mệ Lương Thị Hén đang giới thiệu về một kiểu loại cửa theo kiến trúc cổ xưa mà theo mệ hiện chỉ ngôi nhà rường cổ của mệ mới có.
Hàng ngày mệ Hén ngồi buồn thiu cùng chú mèo nhìn ra ngoài sân.
Mệ Thú vẫn hay lau chùi, chăm sóc, bảo vệ căn nhà rường được gọn gàng, sạch sẽ.
Một ngôi nhà rường đóng cửa im lìm khi không có ai trông coi, chăm sóc.
Ông Hồ Văn Tế trong ngôi nhà rường có tuổi thọ gần 150 năm tuổi. Ông Tế là đời thứ 4 ở trong ngôi nhà rường này.
Làng cổ Phước Tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích quốc gia theo Quyết định số 832/QĐ-BVHTTDL ngày 03 tháng 3 năm 2009. Đây là ngôi làng cổ thứ 2 Việt Nam được xếp hạng Di tích quốc gia.
Tham gia vào các kỳ Festival Huế gần đây, làng cổ Phước Tích với thương hiệu “Hương xưa làng cổ” thu hút đông đảo người dân và khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu về ngôi làng cổ hàng trăm năm của Việt Nam.
Nếu làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) mang dấu ấn kiến trúc đậm nét của đồng bằng Bắc bộ, thì làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) lại mang một nét rất riêng của miền Trung.