Những tưởng việc nợ thuế chỉ là chuyện giữa ngành Thuế với doanh nghiệp, nhưng giờ đây, sau khi danh sách các doanh nghiệp nợ thuế được công bố công khai thì nó đã trở thành đề tài rất được giới đầu tư BĐS, khách mua nhà quan tâm.
Người mua tỏ ra khá dè chừng trước những doanh nghiệp có dự án còn nợ đọng tiền sử dụng đất, vì họ cho rằng nếu chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất lớn, có thể việc cấp sổ đỏ sẽ bị chậm trễ hoặc gặp khó khăn. Thậm chí, nếu chủ đầu tư vẫn chây ỳ, có thể Nhà nước sẽ thu hồi lại dự án, khi đó khách hàng là người mất trắng.
|
Ngoài pháp lý dự án, người mua nhà hiện nay cũng rất quan tâm đến việc chủ đầu tư có đảm bảo nghĩa vụ tài chính hay không và dự án đã được ngân hàng ký bảo lãnh chưa. Ảnh: cafef |
Bên cạnh câu chuyện nợ thuế, từ sau ngày 1/7, khi Luật Kinh doanh bất động sản đã chính thức có hiệu lực, trong đó, quy định chủ đầu tư phải thực hiện việc mua bảo lãnh cho dự án và chỉ được bán hàng khi xây xong cốt 00 cũng rất được người mua nhà quan tâm và có tác động rất mạnh đến tâm lý của họ. Do đó, sau thời gian khủng hoảng, các dự án mở bán thời điểm này vẫn tiếp tục có sự sàng lọc mạnh mẽ. Nếu muốn bán được hàng, chủ đầu tư bắt buộc phải đảm bảo các tiêu chuẩn như thủ tục pháp lý hoàn chỉnh, không nợ đọng tiền sử dụng đất, dự án đã được ngân hàng cam kết bảo lãnh và xây dựng xong móng.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Vũ - Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Đầu tư Đồng Phát - chủ đầu tư dự án Đồng Phát Parkview Tower (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cuối tuần qua, doanh nghiệp này đã chính thức mở bán 700 căn hộ. Nếu theo quy định trước đây, thì dự án có thể ký ngay hợp đồng mua bán với khách vì đã xây xong móng. Nhưng, hiện tại, nhiều khách hàng tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư phải cho xem hồ sơ pháp lý, xem xác nhận của cơ quan thuế về nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất của chủ đầu tư. Thậm chí, có những khách hàng còn đòi được xem hợp đồng bảo lãnh tín dụng cho cho dự án.
Ông Vũ cho biết, doanh nghiệp ông đã phải "trưng" ra tất cả các giấy tờ pháp lý liên quan, gồm cả xác nhận của Chi cục Thuế Hoàng Mai về việc đã nộp thuế đầy đủ và cam kết bảo lãnh tín dụng với khách hàng của ngân hàng. Theo ông Vũ, sau khi được cung cấp đầy đủ thông tin, khách hàng cũng đưa ra quyết định nhanh hơn hẳn.
Còn theo chủ đầu tư dự án Handireco (Lê Văn Lương, Hà Nội), mặc dù dự án này hiện đã xây xong cốt 00, đủ điều kiện để kí hợp đồng, tuy nhiên, mới đây, doanh nghiệp vẫn phải tạm dừng hoạt động kinh doanh để tiến hành đàm phán, ký hợp đồng bảo lãnh tín dụng với ngân hàng. “Việc được ngân hàng đồng ý ký kết bảo lãnh cho dự án không phải dễ dàng. Tuy nhiên, để tăng thanh khoản dự án và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, chúng tôi xác định, dù có thể chậm lại việc kinh doanh nhưng phải chắc chắn. Hiện tại, nếu dự án không chuẩn chỉnh về giấy tờ pháp lý thì rát khó bán được hàng"- chủ đầu tư dự án Handireco khẳng định.
Tìm hiểu của PV cũng cho thấy, thời gian qua, thị trường bất động sản có rất nhiều dự án được chào bán. Nhưng, nếu soi kỹ từng dự án thì không phải tất cả chủ đầu tư đều chấp hành đúng quy định của pháp luật. Thậm chí, có không ít dự án dù chưa xây dựng xong móng nhưng chủ đầu tư đã huy động vốn, "bán lúa non" trên thị trường.
Việc mua bảo lãnh tín dụng cho dự án tại thời điểm này cũng không phải chuyện đơn giản với các doanh nghiệp. Bởi trước đó, hầu hết các chủ đầu tư đã dùng chính dự án làm tài sản thế chấp tại ngân hàng để có tiền triển khai, nên doanh nghiệp hầu như không có đủ tài sản thế chấp để mua bảo lãnh tín dụng. Do vậy, để lách luật, nhiều chủ đầu tư dự án cũng cố tình "lờ" luôn việc mua bảo lãnh cho khách hàng.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia khuyến cáo, thời điểm này khách hàng vẫn nên hết sức thận trọng trong việc giao dịch mua bán bất động sản để tránh rủi ro. Ngoài việc tìm hiểu kỹ thông tin về năng lực tài chính chủ đầu tư, về tình trạng pháp lý dự án thì thời điểm này, người mua phải xem xét dự án có đáp ứng 3 yêu cầu sau hay không: chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính của dự án, dự án đã được ngân hàng ký bảo lãnh và đã xây dựng xong cốt 00.