"Hạ tầng giao thông Quảng Ninh không bất lợi, có ai gần Trung Quốc hơn Quảng Ninh? Nhà đầu tư cần tính đến đây là thị trường có tiềm năng lớn. Bản thân Quảng Ninh cũng là thị trường đẳng cấp, khách du lịch hơn 7 triệu người”.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Tại Hội nghị Tăng cường đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp Quảng Ninh , sáng 7/5, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định: Quảng Ninh có rất nhiều lợi thế để đầu tư vào nông nghiệp.
Với thị trường khách du lịch rộng lớn, thu hút được nhiều khách Trung Quốc, giá nông sản ở đây cao, ông Tuấn cho rằng: “Đầu tư vào nông nghiệp ở Quảng Ninh có hiệu quả hơn ở các tỉnh khác”.
Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư lớn, song số tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp trên địa bàn vẫn còn ít ỏi. “Vậy vì đâu sức hấp dẫn đầu tư kém, rủi ro cần được lý giải?”, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt câu hỏi tại hội nghị.
Toàn cảnh tọa đàm Tăng cường đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp Quảng Ninh
Bàn về việc giải tỏa những nút thắt khó khăn, ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định, có 3 vấn đề tỉnh đang đặt ra với tỉnh gồm hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin và thủ tục đầu tư.
Về vấn đề thứ nhất, ông Hậu cho biết, nút thắt kết cấu hạ tầng giao thông là cần giải quyết đầu tiên. Các nhà đầu tư rất ngại vì đường đi đến Quảng Ninh mất hơn 3 tiếng, thời gian này phải rút ngắn xuống chỉ còn 1,5 tiếng thôi để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thuận lợi hơn. Giao thông là lĩnh vực quan trọng nhất trong việc mời gọi vốn đầu tư, ông Hậu nhấn mạnh.
Thứ hai, ông Hậu cho biết, vấn đề hạ tầng về công nghệ thông tin cũng đáng quan tâm. Vấn đề kết cấu về điện cũng đang gặp khó khăn. Tuy nhiên đến nay, Quảng Ninh đã khắc phục bằng việc gần như phủ kín hết điện lưới quốc gia, kết cấu hạ tầng, đảm bảo giao thông thuận lợi.
Khó khăn nữa, theo ông Hậu là cơ chế có đất tích tụ cho nhà đầu tư thuê đất, liên kết với nông dân, hợp tác xã Hoa Phong thuê đất của dân và dân làm công nhân, nông dân nhận tiền thuê đất và có công ăn việc làm ổn định. Mặt bằng đất khó khăn địa hình nhưng đây là cách tháo gỡ.
Phản hồi về một số vấn đề được ông ông Hậu đưa ra, ông Thiên nói “hạ tầng giao thông không bất lợi, có ai gần Trung Quốc hơn Quảng Ninh? Nhà đầu tư cần tính đến đây là thị trường có tiềm năng lớn. Bản thân Quảng Ninh cũng là thị trường đẳng cấp, khách du lịch hơn 7 triệu người”.
TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên viện trưởng viện chính sách chiến lược, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cho cho rằng: “Có vẻ như Quảng Ninh có tất cả. Có đất, có nước, có điện, giao thông và đặc biệt là có thị trường. Xét về cơ bản thì điều kiện là sẵn sàng”.
Tuy nhiên, trong khi tất cả các doanh nghiệp và lãnh đạo đã cùng "ngồi xuống mâm" thì vấn đề bây giờ là phải “ăn mâm cỗ như thế nào”, tức là Quảng Ninh chăm sóc khách hàng, tạo nên nên kinh tế tổng hợp, lấy du lịch làm gốc…
Ông Sơn cho biết cần khuyến khích ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nông nghiệp.
Ngoài ra, cần phải kể đến vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm và vệ sinh lao động. Trong quy hoạch, sẽ nảy sinh mâu thuẫn giữa doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp và sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Thậm chí trong ngành nông nghiệp cũng có thể có mâu thuẫn giữa ngành trồng trọt và chăn nuôi.
Do đó, việc quy hoạch làm sao để sản phẩm của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp kia, tận dụng được các phụ phẩm của từng ngành.
Ông Sơn bổ sung thêm, rõ ràng chúng ta đều biết đối với doanh nghiệp, vốn là vấn đề quan trọng nhất, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Câu chuyện là làm thế nào doanh nghiệp xây dựng phương án đầu tư an toàn cả đối với ngân hàng. Cần sự tham gia của nhà khoa học, nhà kinh tế xây dựng các đề án, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thông thoáng là việc quan trọng. Các cơ quan cấp vốn cũng chính là nhà đầu tư đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ông Thiên nói thêm, câu chuyện về vốn phức tạp, đặc biệt là vốn trong nông nghiệp còn ảnh hưởng bởi rủi ro thiên tai, thị trường và các chính sách thay đổi.
“Đây là vấn đề rủi ro đặt ra nên tiếp cận vốn khó khăn từ góc độ cho vay. Nhà đầu tư có uy tín cao càng dễ tiếp cận hơn. Sự yểm trợ của chính quyền và nhà nước cũng giúp việc tiếp cận vốn của nhà đầu tư”, ông Thiên cho biết.
MẠNH NGUYỄN