Apollo cũng là vị thần tiên tri, thi ca, âm nhạc, lý trí và y thuật (có lẽ vì ánh sáng, nguồn sáng được xem là biểu trưng của trí tuệ, ý tưởng, sáng tạo).
Vì mãi đến năm 1879 Thomas Edison mới phát minh ra bóng điện, nên tổ tiên người phương Tây cổ đại đã bí quá mà sáng tạo ra một ông thần lửa kiêm luôn nghề rèn có tên là Hephaestus. Ông này đại diện cho cái gọi là sở trường ánh sáng nhân tạo.
|
Ảnh minh họa |
1. Có nghĩa là, ngay từ thời xa xưa, con người đã cảm nhận và phân biệt có rất nhiều loại ánh sáng trong đời sống tự nhiên. Người ta gửi cảm nhận sắc thái từng loại ánh sáng thông qua tính khí mỗi vị thần. Lịch sử triết học phương Tây còn có một giai thoại thú vị liên quan đến ánh sáng. Dioneges là một triết gia sống tại Hy Lạp khoảng 404 – 323 TCN, cha đẻ trường phái khuyển nho (Cynieism). Trường phái triết học của ông này thật quái đản: chủ trương sống phá bỏ hình thức, lề lối mà thiên hạ gọi là văn minh, cố ý bừa bãi, bẩn thỉu, ăn mặc rách rưới, có khi trần truồng, hành xử tục lậu nơi công cộng để chống lại các công ước đương thời (nên khuyển nho trong tiếng Hy Lạp là kynikos, nghĩa là “như chó”). Một lần, Alexander đại đế đích thân đến thăm Dioneges và thấy triết gia đang nằm trong một cái vạc đựng tro hoả táng nhem nhuốc. Nhà vua nói: “Ta là Alexander đại đế. Một người thống lĩnh thiên hạ như ta liệu có thể giúp được gì cho một triết gia như ông?”. Bình thản thò đầu ra khỏi “ngôi nhà” nhem nhuốc của mình, triết gia điềm đạm: “Vâng, điều mà ngài có thể làm được đó là hãy né người sang một bên, đừng che ánh mặt trời của tôi!”.
Hẳn, sau câu nói đó, bậc quân vương hơi bị sốc. Nhưng, có lẽ lấy lại bình tĩnh, Alexander ngạc nhiên và kính phục tay quái kiệt này ở tư cách hiền triết, một khí chất ngạo nghễ và hùng hồn bày tỏ sự khinh miệt trước thứ uy quyền trần tục mà nhiều triết gia trước đó đã không làm được. Nhà vua (chắc đã né mình sang một bên) và nói: “Nếu không là Alexander, thì ước gì ta có thể làm một Dioneges”.
Thứ quý giá mà bậc quân vương, người giàu có, kẻ bị coi “như chó” và cả những thần dân sống dưới đáy cuộc đời bình đẳng sở hữu, không thế lực nào thể truất hữu được: Ánh sáng. Ánh sáng về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
2. Như vậy, từ xa xưa, ánh sáng, thoát ra khỏi tư duy nguyên thuỷ và tôn giáo – gắn với niềm tin về nguồn năng lượng thần linh, sự huyền nhiệm nằm ngoài khả năng lý giải – con người đi đến nhận thức đó là dạng thể đem lại năng lượng thể chất và tinh thần. Trong tiến trình văn minh, kiến trúc phương Tây bỏ công đi quan trắc, nghiên cứu, tính toán chi li về tương quan giữa từng chỉ số cường độ ánh sáng cụ thể tác động tới cơ chế sức khoẻ, tâm lý con người ra sao để tìm kiếm giải pháp thiết kế khoa học, chi li, tinh tế thì phong thuỷ phương Đông lại chú trọng tới việc phân loại quang phổ, đặc tính âm, dương sử dụng, bố trí ánh sáng trong công trình sao cho phù hợp, hài hoà với tạng, mạng, giới của người sử dụng và đặc thù không gian.
|
Ảnh minh họa |
Dù bằng hướng tiếp cận nào cũng cho thấy một điều, nghiên cứu và thấu hiểu ánh sáng là một công việc bắt buộc trong nghệ thuật kiến trúc.
Ánh sáng, đã trở thành mối quan tâm, ưu tiên trong thiết kế xây dựng công trình. Với cư dân ở xứ nhiệt đới gió mùa như Việt Nam thì yếu tố sáng sủa hợp lý phải đi đôi với mát mẻ, thoáng đãng. Quan trắc hướng nắng, gió kỹ lưỡng, tính toán giải pháp để thiết lập hệ thống vận hành năng lượng trong ngôi nhà là điều mà các kiến trúc sư và gia chủ luôn phải tính kỹ. Tận dụng chế độ chiếu sáng tự nhiên hợp lý được xem như một yếu tố quan trọng tác động đến đời sống tinh thần, tâm lý con người, gia tăng tính thẩm mỹ cho công trình; là một tiêu chí quan trọng để xác định giá trị của công trình.
Ngay từ sơ sinh, con người đã nhờ phân biệt chế độ ánh sáng để hình thành đồng hồ sinh học. Rồi cũng nhờ ánh sáng, con người trưởng thành và nhận thức thế giới, vạn vật bên ngoài thay đổi, mùa màng tuần hoàn, hình thành cảm xúc và nhận thức về giới tự nhiên, vũ trụ quan, nhân sinh quan.
Ánh sáng là nguồn năng lượng kết nối giữa con người và vạn vật. Thậm chí trong nhiều nền văn minh, người ta còn tin rằng ánh sáng là năng lượng còn lại của linh hồn, hay là nhịp cầu để đưa con người đi qua thế giới khác khi đời sống này khép lại. Nên trên đỉnh các mộ vua chúa xưa, hay nhiều đền đài các tôn giáo, thường có trổ một lỗ thông sáng để ánh nắng chính ngọ có thể chiếu xuyên xuống mộ phần các vua chúa, nhân thần hoặc các tượng thần linh được thờ phụng. Bản thân tia sáng huyền hoặc kia trong không gian âm u đền đài cổ kính đã đem lại một hiệu ứng cảm xúc linh thiêng.
3. Người ta thường phân định khái quát hai dạng ánh sáng: tự nhiên và nhân tạo. Trong nhiều trường hợp, dù cố gắng đến mấy, ánh sáng nhân tạo cũng khó có thể thay thế chức năng của nguồn sáng tự nhiên. Nhưng, với nền văn minh đã chọn, những cuộc chơi mô phỏng luôn có sức hấp dẫn riêng đối với con người. Và ngược lại, cũng trong nhiều điều kiện khác, ánh sáng nhân tạo không thể thiếu.Việc chiếu sáng nơi đô thị phân luồng giao thông, chiếu sáng nhà cửa, công xưởng, xí nhiệp, cửa hàng... về đêm, tất cả đang nhờ đến năng lượng điện.
Càng ngày con người càng nhận ra, chiếu sáng không chỉ dừng lại ở công năng là để soi sáng mà còn là một thứ nghệ thuật công phu, thú vị. Một căn nhà khiêm tốn diện tích, nếu biết chiếu sáng hợp lý sẽ cho cảm giác không gian rộng hơn, hạn chế cảm giác chật chội bí bức khó chịu. Ngược lại, ánh sáng cũng có thể co hẹp, ấm áp hơn với những không gian quá rộng. Ánh sáng đẹp, phù hợp trong một góc quán có thể làm mát dịu hay ấm cúng, lãng mạn hay bay bổng hơn cho một cuộc hẹn hò. Ánh sáng cũng là tín hiệu tâm lý, tình cảm, là một công cụ giao tiếp phi ngôn ngữ mà con người dành cho nhau trong những tình huống đặc biệt tế nhị. Vậy mới có chuyện mấy ông nhậu xỉn hay lén vợ rủ nhau đi càphê đèn mờ hay sang Singapore đi phố Đèn Đỏ.
Một con phố văn minh nếu nhà quy hoạch, công ty chiếu sáng ý thức thẩm mỹ trong việc sử dụng thiết bị ánh sáng công cộng sẽ tôn vinh những gì tinh tế nơi các góc phố, tôn lên những công trình đẹp trong một tổng thể văn minh, hài hoà. Đáng tiếc, ánh sáng các công trình công cộng hiện nay tại các đô thị Việt Nam còn rất tuỳ tiện và phung phí, thiếu thẩm mỹ, nhất là vào các mùa lễ tết cuối năm.
Ánh sáng quyết định độ tinh tế, ấn tượng cho nội thất. Một căn phòng nếu ánh đèn hợp lý sẽ nhấn nhá được những điểm mạnh của nó và nhấn... chìm đi những điểm yếu mà gia chủ muốn giấu. Việc ánh sáng với màu sắc và cường độ hợp lý sẽ tạo ra hiệu quả thẩm mỹ cho khách, sự thoải mái hài hoà cho gia chủ. Tuy nhiên, ở đây lại nảy sinh một thực tế khác; ngày nay nhiều người khá giả đã mắc chứng “sính đèn”, sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu, cả tỉ bạc cho những bộ đèn trang trí mà khi đặt vào tổng thể, thì chúng lại “chửi nhau ỏm tỏi” với kiến trúc căn phòng và những vật dụng chung quanh. Đôi khi sự phô trương và thiếu óc thẩm mỹ đã biến nhiều gia chủ trở thành nạn nhân của chính mình ngay trong chính căn nhà của mình.
Việc quá đà trong sử dụng chiếu sáng nhân tạo trước hết gây ra sự phung phí nguồn năng lượng, tác động tiêu cực đến môi trường, chi phí tốn kém, sau đó là ảnh hưởng xấu đến đời sống con người. Gần đây, nhiều nghiên cứu cho rằng tỷ lệ thị dân người sống trong những thành phố hiện đại có các công trình chiếu sáng cường độ mạnh mắc các chứng mất ngủ, rối loạn nhịp sinh học, trầm uất phổ biến hơn con người sống ở thôn quê. Lý do được đưa ra là: ở đô thị, sự phung phí năng lượng chiếu sáng, ô nhiễm ánh sáng nhân tạo đang ở mức báo động.
4. Ngày nay, việc nghiên cứu sử dụng ánh sáng nhân tạo hợp lý hướng đến sự hài hoà, sinh thái đang trở thành mối quan tâm lớn trong thiết kế một không gian sống văn minh. Tận dụng chế độ chiếu sáng tự nhiên phù hợp, tìm kiếm giải pháp vật liệu chắn, lọc những nguồn sáng ô nhiễm để tối đa hoá những nguồn sáng có ích. Cần phải phối kết nhịp nhàng với chế độ chiếu sáng tự nhiên và nhân tạo một cách hài hoà sẽ đem lại công năng, hiệu quả sử dụng cao cho công trình, góp phần nâng cao chất lượng sống. Bên cạnh đó, việc thấu hiểu, nắm bắt, làm chủ được ngôn ngữ chiếu sáng tinh tế và sáng tạo sẽ đem lại hiểu quả thẩm mỹ cao cho công trình. Le Corbusier, người Thuỵ Sỹ, một trong những kiến trúc sư đặt nền móng cho trào lưu kiến trúc hiện đại của thế kỷ 20 đã trả lời cho câu hỏi “Kiến trúc là gì?” xem ra thật đầy đủ và không kém tinh tế: “Đó là trò chơi thông minh và tuyệt diệu của các hình khối trong ánh sáng”.
Trong khi đó, chủ nhân giải Pritzker 2008, kiến trúc sư người Pháp Jean Nouvel, tác giả của hơn 200 công trình lớn, được giới chuyên môn đánh giá là tay phù thuỷ trong sử dụng ánh sáng đã nói rất đơn giản mà rất trực tiếp, rằng, với ông, ánh sáng là một thứ vật liệu.
5. Con người tiếp tục sự bất tận kỳ thú của mình trong trò chơi có tên kiến trúc ánh sáng. Trong trò chơi đó, ta bất ngờ thấy ông Dioneges ngái ngủ thò đầu ra khỏi cái vạc tro của lò thiêu xác và nói với bậc quân vương khệnh khạng rằng, vì ánh sáng, xin ngài hãy né ra.
Thử hỏi, người có cung điện nguy nga, quyền uy lẫy lừng chắc gì đã có được những phút tận hưởng thứ ánh sáng vũ trụ chiếu qua cái cửa vạc tro như gã triết gia quái kiệt lẫm liệt kia đang có!
Thần Apollo đang bắn cung và chơi đờn trên núi Olympus, nghe tin này, hẳn hả hê lắm vì có một người phàm lì đòn vì... mê ánh sáng (về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) như vậy.
(Theo SGTT)