Tin tức: Nhân chứng khủng bố Paris: 'Ai cũng dính máu đầy mình'

Nhân chứng khủng bố Paris: 'Ai cũng dính máu đầy mình'

Nội dung

Một người lạ hét lên giục chạy trốn, tất cả như bừng tỉnh, bắt đầu tháo chạy khỏi những kẻ khủng bố đang nã súng vào nhà hát Bataclan ở Paris.
co-gai-19-tuoi-ke-lai-cau-noi-cuu-song-cua-nguoi-la

Emma Parkinson kể lại giây phút kinh hoàng trong nhà hát Bataclan. Ảnh: 60 Minutes

Emma Parkinson, 19 tuổi, là người Australia duy nhất bị thương trong vụ tấn công khủng bố nhà hát Bataclan hôm 13/11, khiến 89 người thiệt mạng.

Parkinson kể lại, cô đang xem ban nhạc Mỹ Eagles of Death Metal biểu diễn, đứng cách sân khấu chỉ vài mét thì những tên khủng bố bước vào, bắt đầu nã súng.

"Tôi tưởng có ai đó bắn pháo hoa, như kiểu loại pháo nhỏ vẫn bán trong siêu thị", Parkinson kể lại với Channel Nine. "Tôi nhớ mình đã nghĩ rằng, 'Thật là vớ vẩn, sao lại làm chuyện đó trong buổi hòa nhạc cơ chứ?"

"Bỗng nhiên, có ai đó hét lên chạy đi. Nếu không có người đó hét lên, chắc chúng tôi vẫn còn đứng đó", Parkinson nói. Mọi người bắt đầu tháo chạy.

Bởi vì đứng gần sân khấu, nên cô gái 19 tuổi quyết định nhảy qua rào chắn thoát thân. Tuy nhiên, nhiều người cũng đang cố nhảy qua rào chắn như cô, nên chân của Parkinson bị kẹt trong khi người đang vắt qua rào chắn.

"Đó là lúc tôi bị bắn", Parkinson nhớ lại. Viên đạn xuyên qua đùi lên hông. "Nó không đau như tôi tưởng, cảm giác chỉ như bị tát mạnh một cái".

"Đầu tôi thoáng nghĩ, 'Xong, thế là mình bị bắn. Có bị thương chỗ nào quan trọng không? Hình như là không', tôi lại chạy tiếp. Người nào cũng máu me dính đầy, còn tôi giục bản thân phải chạy nhanh lên", Parkinson kể. Trong lúc đó, đạn vẫn xối xả bắn vào đám đông.

co-gai-19-tuoi-ke-lai-cau-noi-cuu-song-cua-nguoi-la-1

Mẹ và bác của Parkinson vội chạy đến bệnh viện ở Paris chăm sóc con gái. Ảnh: AAP

Cô thoát qua lối cửa vào sân khấu, chạy ra ngoài phố, cùng với khoảng 10 người nữa, đến một tòa căn hộ gần đó nhờ giúp đỡ.

"Chúng tôi chạy lên bậc cầu thang, tôi đau thấu xương và ôm chầm lấy người đầu tiên mình nhìn thấy, lảm nhảm liên tục bằng tiếng Anh, nên có lẽ anh ta biết tôi không phải người Pháp. Anh ta ôm lấy tôi và nói, 'Ổn rồi, qua rồi. Cô sẽ bình phục thôi".

"Lúc đó, mọi thớ thịt trong người tôi mới giãn ra", Parkinson nhớ lại. Họ trốn trong đó gần hai giờ, trước khi cảnh sát xông vào, kết thúc vụ bắt giữ con tin. Ba kẻ tự kích nổ đai bom tự sát, còn một kẻ bị bắn chết.

Parkinson nói rằng, vụ thảm sát nhằm 'kích động sự thù hằn và nỗi sợ hãi", cũng như khiêu khích sự phân biệt chủng tộc và thái độ chống đối đạo Hồi. Tuy nhiên, những kẻ khủng bố đã thất bại.

"Tôi sẽ không thu mình lại, mà sẽ cởi mở hơn. Tôi thích quen biết, trò chuyện với mọi người. Và tôi thật may mắn, khi còn được sống để tiếp tục chuyện này", Parkinson nói. Thù lao mà Parkinson có được nhờ chia sẻ câu chuyện sống sót của mình, sẽ được cô quyên góp cho Hội chữ thập đỏ.

Khoảnh khắc xả súng trong nhà hát Bataclan:

Hồng Hạnh

Một người lạ hét lên giục chạy trốn, tất cả như bừng tỉnh, bắt đầu tháo chạy khỏi những kẻ khủng bố đang nã súng vào nhà hát Bataclan ở Paris.

Nguồn: vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/cuoc-song-do-day/nhan-chung-khung-bo-paris-ai-cung-dinh-mau-day-minh-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận