Tin tức: Những điều giáo viên dễ “quên” khi dạy học

Những điều giáo viên dễ “quên” khi dạy học

Nội dung

GD&TĐ - Ngoài việc soạn giáo án, lựa chọn phương pháp dạy học, việc chú ý tăng tính thực hành trong các tiết dạy thì cách tương tác với học sinh, ngôn ngữ sử dụng khi giảng bài cũng là yếu tố vô cùng quan trọng trong giờ dạy Giáo dục công dân. Tuy nhiên không phải giáo viên nào cũng lưu ý đến những vấn đề này.

Nhung dieu giao vien de “quen” khi day hoc - Anh 1

Cô Nguyễn Thị Mận và các học sinh trong giờ học

Tăng tính thực hành trong các tiết dạy

Nếu giáo viên cứ dạy và truyền đạt như cấu tạo sách giáo khoa sẽ còn rất ít thời gian dành cho thực hành và rèn các kĩ năng. Vì vậy, trong mỗi tiết dạy, mỗi nội dung bài dạy, giáo viên cần linh hoạt để tăng tính thực hành.

Là giáo viên dạy Giáo dục công dân lớp 6, cô Nguyễn Thị Mận – giáo viên Trường THCS Đoàn Kết (Thanh Miện, Hải Dương) – cho biết: Mỗi bài học môn Giáo dục công dân lớp 6 có cấu trúc 3 phần: Thông tin, sự kiện; Nội dung bài học; Luyện tập.

Có nhiều cách triển khai các nội dung trên, nhưng ở Thanh Miện thống nhất tìm hiểu theo 3 mục trong sách giáo khoa. Phần liên hệ thực tế được lồng ghép trong mỗi nội dung của bài học. Chính vì thế học sinh được liên hệ ít, các em chủ yếu liên hệ một vài biểu hiện tương tự như phần tìm hiểu thông tin, sự kiện, ít được liên hệ mở rộng.

Phần nội dung bài học, giáo viên thường hỏi học sinh các câu hỏi liên quan, học sinh nhìn sách giáo khoa trả lời, giáo viên kết luận và cho học sinh ghi vào vở. Thời gian dành cho ghi chép rất lâu. Thường giáo viên không cho học sinh liên hệ ở phần này. Còn phần luyện tập, đa số cả giáo viên và học sinh đều cho là đơn giản nên học sinh thường tự giải quyết một mình.

Từ thực tế trên, cô Nguyễn Thị Mận cho rằng, mỗi giáo viên cần phải tìm phương pháp dạy phù hợp để tăng tính thực hành, liên hệ cho học sinh trong mỗi tiết học, nhất là ở phần nội dung bài học.

Cụ thể, phần thông tin sự kiện, giáo viên cho học sinh tìm hiểu, mỗi biểu hiện giáo viên nên cho học sinh liên hệ với bản thân, bạn bè và những người xung quanh xem đã thực hiện tốt hay chưa tốt, đối với biểu hiện tốt mà học sinh liên hệ, giáo viên cần định hướng để học sinh biết đồng tình, biểu dương và làm theo, còn biểu hiện chưa tốt giáo viên cũng định hướng để học sinh lên án, loại bỏ…

Phần nội dung, những nội dung bài học đều có sẵn và rất đầy đủ. Vì thế giáo viên có thể không hỏi học sinh mà gọi học sinh đọc nội dung và hỏi xem học sinh hiểu các nội dung ấy như thế nào, sau đó cho học sinh liên hệ thực tế. Học sinh về nhà học nội dung trong sách giáo khoa, không cần mất thời gian cho học sinh ghi chép.

Phần luyện tập, giáo viên nên cho học sinh làm trên lớp, mỗi bài tập khác nhau sử dụng phương pháp khác nhau cho phù hợp. Phần luyện tập, giáo viên nên cho học sinh tự đặt ra nhiều tình huống khác nhau ngoài thực tế để các em nhận xét, định hướng cách ứng xử cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân và địa phương, xã hội.

Cô Nguyễn Thị Mận ví dụ, ở bài 14: Thực hiện trật tự an toàn giao thông – đây là bài học có nội dung dài, khô khan, giáo viên cần làm cho nội dung dễ hiểu và đưa ra nhiều câu hỏi, tình huống gần gũi để các em liên hệ và định hướng được các hành vi của bản thân như:

Câu 1: Em biết những phương tiện giao thông nào? Nhà em có những phương tiện nào?

Câu 2: Khi điều khiển xe máy, bố em có bao giờ uống rượu và không đội mũ bảo hiểm? Em có đội mũ khi ngồi trên xe mấy không?

Câu 3: Em có thực hiện đúng quy định về trật tự ATGT khi tham gia giao thông không? (Đi bộ, đi xe đạp…)… Hay nhưng câu hỏi về việc đổ vật liệu ở đường giao thông; thả vật nuôi ra đường…

Mặt khác, trong tất cả các phần của bài học, giáo viên đều có thể sử dụng thêm các tình huống liên quan đếncuộc sống để học sinh tham gia giải quyết tình huống, từ đó định hướng kiến thức và hành động cho bản thân và mọi người.

Ví dụ, bài Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, giáo viên sử dụng tình huống nói về em Hòa để tìm hiểu ý nghĩa công ước và định hướng việc làm của học sinh.

Thái độ và quan hệ của giáo viên với học sinh trong giờ học

So với tiểu học, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh THCS có thay đổi. Lên lớp 6, các em được học nhiều thầy cô với nhiều bộ môn khác nhau. Từ đó, nảy sinh nhu cầu so sánh, đối chiếu giữa các thầy cô cả về trình độ, các kĩ năng sư phạm và cách ứng xử của giáo viên với học sinh. Các em không thần tượng hóa giáo viên như khi ở tiểu học nữa.

Đưa ra nhận định trên, cô Nguyễn Thị Mận cũng cho rằng, thái độ lựa chọn của các em đối với các môn học hầu như do chất lượng và trình độ giảng dạy quyết định. Các em quý mến, tôn trọng và đánh giá cao những giáo viên giảng bài hay, quan tâm tới học sinh, hiểu tâm lí học sinh, hay động viên, khuyến khích các em trong học tập. Từ đó các em cũng thấy hứng thú với môn học.

Nếu giáo viên giảng dạy không hấp dẫn, cư xử không công bằng, không tôn trọng các em, các em sẽ không thích giáo viên và môn học do giáo viên đó phụ trách. Như vậy sự gắn bó với trường lớp và môn học phụ thuộc rất lớn vào thái độ và cách ứng xử của giáo viên. Chính vì thế giáo viên phải có thái độ và cách ứng xử phù hợp với các em nói chung và từng em nói riêng.

“tôi cho rằng, giáo viên cần có thái độ thân thiện, luôn gần gũi học sinh để tìm hiểu rõ hoàn cảnh sống, tâm sinh lí của các em. Từ đó đánh giá đúng thái độ và hành vi của các em trong từng tiết học. Công việc này, giáo viên bộ môn vẫn coi đó không phải của mình mà của giáo viên chủ nhiệm.

Trong quá trình học tập cũng như khi giải quyết những vấn đề thực tế (liên quan đến bản thân học sinh, gia đình, bạn bè và xã hội…), khi học sinh lúng túng, gặp khó khăn, giáo viên cần động viên, khích lệ các em. Khi các em hoàn thành câu trả lời, dù tốt hay chưa tốt, giáo viên cũng cần tán thưởng, có thể bằng lời, cho lớp hoan hô và đôi khi chỉ là ánh mắt thân thiện , là cái gật đầu đồng tình.

Giáo viên cũng nên thường xuyên quan tâm, trò chuyện với học sinh ngoài giờ học để hiểu thêm về các em cũng như tìm hiểu suy nghĩ của các em về bộ môn, về cách giảng dạy của mình” – cô Nguyễn Thị Mận chia sẻ.

Ngôn ngữ giáo viên sử dụng trong giờ học

Khẳng định ngôn ngữ cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng trong dạy học, đặc biệt với môn học vừa khô khan, vừa trừu tượng như Giáo dục công dân, cô Nguyễn Thị Mận cho biết việc lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ của giáo viên trong quá trình giảng dạy có ý nghĩa rất lớn.

Theo đó, giáo viên cần sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, mang tính giáo dục cao. Mỗi từ, mỗi câu giáo viên sử dụng phải chính xác, phù hợp với nội dung từng bài. Không những thế, ngôn ngữ của giáo viên cũng ảnh hướng đến ngôn ngữ của học sinh. Các em quý giáo viên nào thì học theo cách nói, cử chỉ, thậm chí cả chữ viết của giáo viên đó.

Ngôn ngữ giáo viên sử dụng trong các tiết dạy cũng cần dễ hiểu, gần gũi và sinh động. Với môn Giáo dục công dân, có nhiều nội dung khó, trừu tượng, đối tượng học sinh lại nhỏ, hiểu biết còn hạn hẹp nên giáo viên không thể sử dụng cách nói sách vở. Lúc này giáo viên cần lựa chọn ngôn ngữ dễ hiểu, gần gũi với các em. Mặt khác có thể sử dụng cách nói hình ảnh, ví von để tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Học sinh có hiểu bài thì mới liên hệ thực tế được. Vì thế, ngôn ngữ sử dụng khi giảng bài của giáo viên góp một phần quan trọng. Mỗi giáo viên nên trau dồi vốn từ phong thú, rèn cách nói sinh động để tạo hứng thú học tập cho học sinh.

GD&TĐ - Ngoài việc soạn giáo án, lựa chọn phương pháp dạy học, việc chú ý tăng tính thực hành trong các tiết dạy thì cách tương tác với học sinh, ngôn ngữ sử dụng khi giảng bài...

Nguồn: www.baomoi.com/nhung-dieu-giao-vien-de-quen-khi-day-hoc/c/19353796.epi


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận