Phòng bếp dù có diện tích nhỏ đến mấy cũng sẽ trở nên rộng rãi không ngờ nếu bạn biết cách áp dụng một số bí quyết dưới đây.
1. Giảm chiều sâu tủ bếp
Không nhất thiết phải đảm bảo chiều sâu tiêu chuẩn của tủ bếp dưới là 61cm. Rất nhiều dòng tủ bếp hiện nay được thiết kế với chiều sâu tủ bếp trên chỉ từ 30-40cm.
Bạn sẽ được hưởng một vài lợi ích nếu biết cách sử dụng tủ bếp "mỏng" hơn ở một số khu vực nhất định. Điều này cho phép gia tăng diện tích sàn, tạo sự hiệu quả lớn đối với phòng bếp chật chội.
2. Sử dụng tủ bếp không tay nắm
Tủ bếp không tay nắm mang đến cảm giác gọn gàng, độc đáo. Thay vì sử dụng những chiếc tay nắm truyền thống, tủ bếp không tay nắm được thiết kế cách mở tủ rất thông minh nhằm đánh lừa thị giác, tạo cảm giác phòng bếp rộng hơn, rất phù hợp với không gian phòng bếp chật hẹp.
3. Từ bỏ chậu rửa đôi
Chậu rửa bát 2 hố cho phép bạn làm đồng thời 2 việc khác nhau như vừa rửa bát, vừa có thể ngâm rau hay những vật dụng khó rửa. Tuy nhiên, diện tích của chậu rửa 2 hố khá lớn, sẽ chiếm chỗ của tủ đựng đồ hay bàn chế biến nên chỉ phù hợp với những gia đình có diện tích phòng bếp rộng rãi. Trong trường hợp phòng bếp nhà bạn khá chật chội thì nên suy nghĩ đến việc sử dụng chậu rửa đơn.
Chẳng hạn, bạn có thể chuyển từ bồn rửa đôi 91cm sang bồn rửa đơn 61cm, như vậy bạn sẽ tiết kiệm được một khoảng 30cm đủ diện tích để đặt thêm một ngăn tủ đựng thìa dĩa và dao.
4. Chọn máy rửa bát nhỏ gọn
Hầu hết các máy rửa bát tiêu chuẩn đều có chiều rộng khoảng 61cm nhưng bạn cũng vẫn có thể dễ dàng tìm được những chiếc máy rửa bát với kích thước chỉ 46cm trên thị trường hiện nay. Nhờ vậy mà bạn sẽ tiết kiệm được khoảng 15cm cho phần diện tích tủ bếp.
5. Ốp gương cho phần backsplash
Backsplash chính là phần bề mặt phía sau bồn rửa, vừa có tác dụng bảo vệ mảng tường khu vực nấu ăn, vừa làm tăng tính thẩm mỹ cho phòng bếp. Ốp gương ở blacksplash sẽ giúp phòng bếp trông có vẻ rộng hơn, đặc biệt là khi nhìn gần.
6. Sử dụng cánh tủ kính
Thêm một cách nữa để cải thiện phòng bếp chật hẹp nhà bạn đó là sử dụng cánh tủ bằng kính thay vì cánh tủ gỗ hay inox. Dù không làm thay đổi diện tích lưu trữ đồ nhưng nhờ vậy mà phòng bếp trông sẽ sáng sủa hơn, rộng rãi hơn.
7. Lắp đặt hệ thống đèn tủ bếp
Nhiều người thường không chú trọng tới việc lắp đặt hệ thống đèn ở khu vực nấu ăn và cho rằng, chỉ cần một bóng đèn trần hay đèn áp tường trong bếp là đủ. Tuy nhiên, ít ai nhận thấy rằng ánh sáng ở khu vực bếp thường không đủ vừa gây khó khăn cho công việc nấu nướng vừa tạo cảm giác không gian bị thu hẹp lại do bóng tối bao trùm. Để khắc phục tình trạng này, hãy lắp đặt thêm hệ thống đèn LED ở dưới tủ để tăng độ sáng. Việc bổ sung thêm ánh sáng ở dưới, trên và thậm chí là bên trong tủ bếp sẽ giúp khu vực nấu ăn sáng hơn, tạo cảm giác rộng hơn.