Sau khi phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cung cấp thông tin cho Sở Y tế thì ngay lập tức, Thanh Hằng Beauty xóa dấu vết trên trang web của mình.
Sử dụng bác sĩ nước ngoài “không phép”
Căn cứ vào Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các bác sĩ nước ngoài khi hành nghề tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận hành nghề.
Mặc dù chưa có giấy phép hành nghề tại Việt Nam nhưng Thanh Hằng Beauty Medi vẫn cho bác sĩ ngoại quốc khám chữa bệnh tại Trung tâm.( Ảnh chụp màn hình trước khi Thanh Hằng gỡ bỏ)
Tuy nhiên, trong một thời gian dài, Thẩm mỹ viện Thanh Hằng Beauty Medi đã sử dụng bác sĩ khi chưa được Bộ trưởng Bộ Y tế cấp phép hành nghề tại Việt Nam.
Không những vậy, Thanh Hằng không hề "che đậy" còn công khai thông tin này trên website của mình. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng là Sở Y tế, Bộ Y tế lại không hề có biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Bài viết đăng trên website Thanh Hằng Beauty công khai thông tin khám và chữa bệnh của bác sĩ Caroline Low từ cuối năm 2015. (Ảnh chụp màn hình trước khi Thanh Hằng gỡ bỏ)
Cụ thể, trên website của Thẩm mỹ viện Thanh Hằng Beauty Medi (beautymedi.vn) công khai thông tin “Đội ngũ bác sỹ” trong đó có người mang tên Caroline Low; quốc tịch: Singapore; chuyên khoa đào tạo: chống lão hóa; phần giấy phép hành nghề tại Việt Nam không có thông tin.
Tuy chưa được cấp phép hành nghề tại Việt Nam nhưng theo giới thiệu của Thẩm mỹ viện Thanh Hằng Beauty Medi thì bác sỹ Caroline Low đã hành nghề khám chữa bệnh tại trung tâm này từ nhiều năm nay.
Trên trang beautymedi.vn có bài viết giới thiệu về bác sỹ Caroline Low xuất bản tháng 12/2015 có đoạn viết: “Ngoài ra, từ ngày 13/12, bên cạnh những dịch vụ làm đẹp an toàn và hiệu quả như Thermage, phẫu thuật thẩm mỹ, trị liệu da với laser, giảm béo, Viện chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp Thanh Hằng Beauty Medi lần đầu tiên tại Việt Nam mở dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe và nhan sắc do tiến sĩ, bác sĩ Chống lão hóa Caroline Low thực hiện. Tiến sĩ sẽ thăm khám trực tiếp cho từng khách hàng và dùng phương pháp phân tích máu, kiểm tra hoóc môn, kiểm tra các chỉ số khác trong cơ thể…”.
Cơ quan chức năng “mật báo” cho Thanh Hằng?
Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã đặt lịch làm việc, cung cấp thông tin cho Sở Y tế từ ngày 29/4/2016. Tuy nhiên, suốt từ khi đặt lịch đến nay, Sở Y tế vẫn chưa tiến hành cung cấp thông tin cho phóng viên.
Mặc dù phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mới đặt lịch làm và cung cấp thông tin cho Sở Y tế nhưng Thanh Hằng Beauty Medi đã vội vàng gỡ bỏ thông tin về bác sĩ Caroline Low trên website của mình.
Không những thế, sau khi đặt lịch, phóng viên đã nhiều lần đến Sở Y tế Hà Nội để hỏi lại thông tin nhưng lãnh đạo Phòng Quản lý hành nghề y tư nhân (Sở Y tế) lại “câu giờ” bằng cách... sẽ trả lời bằng văn bản sau.
Ngược lại, dường như phía Thẩm mỹ viện Thanh Hằng Beauty Medi lại nhanh chóng “nắm được” toàn bộ thông tin do phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cung cấp cho Sở Y tế.
Bằng chứng của sự việc này là, vào ngày 09/5/2016, Thanh Hằng Beauty “vội vàng” gỡ bỏ toàn bộ thông tin về bác sĩ Caroline Low trên trang web của mình.
...Tuy nhiên, bản lưu cache của google vẫn còn.
Tuy nhiên, công cụ tìm kiếm google vẫn còn lưu bản webcahe toàn bộ thông tin về vị bác sĩ chưa có phép.
Đây rõ ràng là có sự mập mờ giữa cơ quan chức năng và phía Thẩm mỹ viện Thanh Hằng.
Phải chăng việc “âm thầm” xóa dấu vết sai phạm của Thanh Hằng Beauty Medi đã được Sở Y tế "bật đèn xanh"?
Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng phản ánh sự việc mặc dù chưa được Bộ Y tế cấp phép nhưng Thẩm mỹ viện Thanh Hằng Beauty Media vẫn ngang nhiên rao bán, quảng cáo thuốc “chống tăng cân” nhập khẩu từ Đức. Mặc dù, phóng viên đã đặt lịch làm việc với Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa có thông tin trả lời Báo.
Đề nghị cơ quan chức năng sớm kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh sự việc trên.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Việc cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Để được cấp chứng chỉ hành nghề, người hành nghề phải nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 26 Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, thẩm quyền cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề được quy định như sau:
“1. Bộ trưởng Bộ Y tế cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp sau đây:
a) Người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế;
b) Người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các bộ khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;
c) Người nước ngoài đến hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam.
Những trường hợp hành nghề không phép, không có chứng chỉ hành nghề sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng và đình chỉ hành nghề. Với bác sĩ người nước ngoài tái phạm việc hành nghề không phép, hoặc hành nghề đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hành nghề thì sẽ bị buộc trục xuất về nước.
Còn cơ sở khám chữa bệnh sử dụng bác sĩ nước ngoài khám chữa bệnh không phép hoặc đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hành nghề, thì trong khoản 4, Điều 28, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế Số: 176/2013/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng. Ngoài ra những cơ sở sai phạm trên còn có thể bị tước giấy phép hoạt đồng trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng.
Hải Minh