Tin tức: Sai lầm khi đổ 'núi tiền' vào sửa chữa căn hộ bình dân

Sai lầm khi đổ 'núi tiền' vào sửa chữa căn hộ bình dân

Nội dung

Đó là câu chuyện của anh Phạm Tùng (tên nhân vật đã thay đổi), 33 tuổi hiện sống tại Hà Nội:

Năm 2004 tôi ra trường và làm trong ngành báo chí truyền thông. Vì có đứa bạn thân làm bên công ty chứng khoán, nên khi nhận lương thì tôi thường đưa bạn để cùng nó đầu tư vào chứng khoán. Nhờ đó, đến năm 2008, tôi cũng tích lũy được một khoản tiền khoảng 500 triệu đồng. Thực ra, khi đó tôi chưa nghĩ đến việc mua nhà vì còn độc thân, chỗ ở với tôi không quan trọng lắm, sống ở dãy trọ cũng rất vui. Tuy nhiên một lần, tài sản của tôi gồm laptop, điện thoại, máy ảnh, thậm chí cả cái tivi không hề nhẹ đã biến mất chỉ sau một đêm xem bóng đá, ngủ quên không khóa cửa. Sự cố này khiến tôi thay đổi ý định.

Bố tôi gợi ý mua đất, khi xây nhà, ông sẽ trực tiếp lên trông coi thợ giúp. Nếu thiếu tiền, bố mẹ có thể vay họ hàng giúp tôi từ 100-200 triệu đồng. Số tiền 500 - 700 triệu ở thời điểm giữa năm 2008 có thể mua được những miếng đất nhỏ nhỏ khoảng 40m2 tại quận Hà Đông hoặc Lĩnh Nam. Khi xem đất, tôi phải đi qua những con đường trông vẫn còn đầy vẻ nông thôn, hàng quán trên đường trông rất sơ sài, các ngôi nhà hai bên cũng tuềnh toàng… Lúc đó tôi cảm thấy không khí ở đây mang tiếng là Hà Nội mà không sầm uất, sôi động bằng cái thành phố hạng ba quê tôi nên tôi gần như mất hết hứng thú với đất nền. Cuối cùng được sự động viên của bạn thân, tôi mua một căn hộ tái định cư trong khu Đền Lừ, thuộc quận Hoàng Mai. Bạn tôi cũng mua một căn ở đó hồi cuối năm 2007. Lúc bạn mua, giá căn hộ chỉ 13 triệu/m2, nhưng khi tôi mua, giá đã ngót 14 triệu/m2. Khi đó khu chung cư này mới đi vào sử dụng được khoảng 2-3 năm, trông vẫn còn khá mới.

Tôi mua một căn diện tích hơn 50m2, chưa hề qua sửa chữa. Khi mới về ở, căn hộ của tôi thực sự chẳng khá hơn phòng trọ là mấy.

mua căn hộ bình dân
Anh Tùng khuyên mọi người không nên đổ quá nhiều tiền sửa chữa vào
căn hộ bình dân nếu không xác định ở lâu dài. Ảnh minh họa

Tôi cứ ở như thế đến năm 2010, khi chuẩn bị cưới vợ, tôi quyết định sửa sang lại căn hộ của mình. Lúc này, khu chung cư cũng có vẻ xuống cấp như bậc thềm dẫn vào nhà gửi xe bị nứt, tường bên ngoài có nhiều mảng trông đen và cũ. Ngay trong căn hộ tôi ở, một số thiết bị nội thất đã hư hỏng. Trần nhà có dấu hiệu ngấm nước từ nhà trên tầng nên xuất hiện nhiều mảng bị đen. Tiện công sửa chữa nhà, tôi làm một lèo, từ làm thêm trần giả đến lát sàn gỗ, ốp gỗ ở chân tường, từ lắp thêm bồn tắm đứng trong nhà vệ sinh đến thay toàn bộ hệ thống chậu rửa, vòi nước ở nhà bếp và phòng tắm. Do tất cả các nguyên vật liệu tôi mua đều là loại tương đối cao cấp nên tổng số tiền tôi bỏ ra lên tới hơn 300 triệu.

Có điều trái khoáy là, trong khi tôi nâng cấp nhà mình thì chung cư này ngày càng xuống cấp. Từ thang máy, cầu thang bộ cho tới hành lang, sân chơi chung đều thể hiện rõ đây là một chung cư bình dân, dành cho người thu nhập thấp.

Sau đó thì vợ tôi sinh liền hai đứa con, ông bà ở quê rất quý cháu nên cũng thường xuyên lên chơi, thấy nhà chật chội quá, tôi bắt đầu tính chuyện đổi nhà vào năm 2013. Tuy nhiên khách đến xem nhà tôi đều không thích những thay đổi nội thất của tôi. Hay nói chính xác hơn, họ cũng thích nhưng họ không muốn trả tiền cho những thứ khá đắt tiền đó. Thực sự, nếu có nhiều tiền và muốn sống tiện nghi thì chắc hẳn mọi người cũng không thích ở khu chung cư bình dân, tái định cư như thế này. Khách mua nhà thường so sánh nhà tôi với các căn hộ bên cạnh và chỉ muốn trả giá cao hơn những căn hộ nguyên thủy chưa sửa chữa khoảng vài chục triệu.

Thực sự tôi rất tiếc công cũng như số tiền mình đã bỏ ra sửa chữa căn hộ nên không hề muốn giảm giá. Thế nhưng, sau khi tiếp khoảng 20 vị khách,  tôi đành chấp nhận giảm giá. Cuối cùng, tôi bán nhà được một tỷ đồng.

Đúng là số tiền tôi bán căn hộ cũng không bị mất giá so với số tiền tôi đã bỏ ra mua và sửa chữa là bao, nhưng tính đi tính lại vẫn là tôi đã mất tiền trầm trọng. Cụ thể nếu tôi đem số tiền đó gửi ngân hàng rồi thuê một căn hộ tương tự để ở, chắc chắn đến lúc tôi nhận tiền về sẽ là hơn một tỷ. Còn nếu ngày trước tôi mua đất Lĩnh Nam hay Hà Đông thì đến giờ tôi đều lãi to. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói nhất là việc sửa chữa nhà thành cao cấp trong khi môi trường xung quanh lại bình dân là nguyên nhân khiến tôi rất khó khăn khi bán nhà. Do đó tôi khuyên nếu cá bạn mua căn hộ mà xác định sau này sẽ chuyển thì không nên đầu tư sửa chữa quá nhiều tiền như tôi.

Anh Tùng mua căn hộ chung cư bình dân và đầu tư quá nhiều tiền để sửa chữa, nhưng đến khi muốn bán, anh không thể tìm được khách mua phù hợp.
Kinh nghiệm mua bán nhà

Nguồn: batdongsan.com.vn/loi-khuyen-cho-nguoi-mua/sai-lam-khi-do-nui-tien-vao-sua-chua-can-ho-binh-dan-ar84...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận