Tin tức: Túi khí có phải 'cứ đâm là nổ'?

Túi khí có phải 'cứ đâm là nổ'?

Nội dung

Đâm vào cột điện túi khí nổ, đâm vào đuôi xe trước mặt túi khí không nổ, xe lật nhào, lao xuống mương túi khí cũng không nổ.

Hệ thống túi khí trên xe hơi nhằm mục đích bảo vệ tài xế và hành khách trước những chấn thương nặng, nhưng thực tế lại có rất nhiều trường hợp túi khí không hề bung, dù xe bị đâm nát tươm, trong khi có những trường hợp khác khá đơn giản lại bung. 

Trước đây tôi có một người bạn, do mới mua xe, nên tay lái không vững, một lần chạy xe không hiểu vì sao nhảy lên vỉa hè đâm vào cột điện. May mắn là anh chàng này không sao vì có thắt dây an toàn, nhưng lại bị choáng một lúc vì bị chính túi khí đập vào mặt lúc nổ. 

Khi đó anh ta nói túi khí nhạy quá, sao mới chỉ đơn giản như thế này đã bung. Nhưng đến lần khác, anh ta lại hoài nghi vì nhận định của mình. Một chiếc xe giống hệt loại đó của người bạn khác, lại không hề bung túi khí, khi anh này lái xe về trong tình trạng xay sỉn, lái xe loạng choạng, đâm vào cột mốc dựng bên đường rồi lao xuống hố, lật ngửa. Người dân đến giúp lôi ra thì anh ta chỉ bị đau phần mềm, không chấn thương, và không có cái túi khí nào bung cả. 

Thậm chí tôi còn có người chứng kiến cảnh xe rúc vào gầm xe tải nhưng cũng không nổ túi khí. Vậy thực sự trong trường hợp nào thì túi khí mới phát nổ?

Một lần đi tham gia chương trình của hãng xe, chuyên viên kỹ thuật giải thích, phải đâm đúng cách túi khí mới phát nổ. Đâm đúng cách ở đây tất nhiên không phải là tài xế cố cho đâm theo cách sẽ nổ. Hệ thống cảm biến sẽ tiếp nhận những xung lực va chạm trên xe, báo về bộ điều khiển trung tâm để tính toán trường hợp có cần nổ túi khí hay không. 

Thông thường, nếu xe nhận thấy gia tốc dừng của xe đủ lớn, thường từ 2G trở lên, với G là gia tốc trọng trường, túi khí sẽ bung. Nếu gia tốc dừng của xe nhỏ hơn 2G, tức không quá đột ngột, túi khí sẽ không bung, vì lúc này chỉ cần dây an toàn là đủ bảo vệ người trên xe. 

Điều này lý giải nguyên nhân vì sao một xe đang chạy 70 km/h, đâm vào xe trước chạy với tốc độ khoảng 50 km/h, đầu xe hỏng nặng, nhưng túi khí vẫn không bung. Chính là vì lúc này xe không dừng đột ngột so với tốc độ của xe đi trước, chưa kể người lái chủ động phanh giảm tốc. Ngược lại, chỉ chạy khoảng 50 km/h mà đâm thẳng vào tường không phản ứng gì từ phanh, túi khí sẽ bung lập tức.

Như vậy có nghĩa là túi khí chỉ bung khi thực sự cần thiết để bảo vệ người ngồi trên xe không va đạp vào phần cứng. Khi chưa đủ nguy hiểm mà túi khí bung như một cú đấm vào thẳng mặt, dễ gây choáng, ngoài ra chi phí thay thế túi khí mới cũng không phải nhỏ. Có thể đây là những nguyên nhân mà hãng thiết lập để túi khí chỉ bung trong những trường hợp cần thiết nhất. 

Các bạn có những trường hợp thực tế nào hãy chia sẻ cùng để xem nhận định của tôi và giải thích của bị chuyên gia kỹ thuật kia có thực sự chính xác không nhé. 

Tất nhiên, không loại trừ những trường hợp túi khí bị lỗi mà không bung. Khi đó thật tiếc cho người sử dụng đã không chọn được chiếc xe có khả năng bảo vệ mình.

Độc giả Hân Phạm

Đâm vào cột điện túi khí nổ, đâm vào đuôi xe trước mặt túi khí không nổ, xe lật nhào, lao xuống mương túi khí cũng không nổ.

Nguồn: vnexpress.net/tin-tuc/oto-xe-may/dien-dan/tui-khi-co-phai-cu-dam-la-no-3307457.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận