Tin tức: Tăng tốc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng

Tăng tốc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng

Nội dung

Dự thảo Báo cáo chính trị đặt ra yêu cầu phải xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho các lĩnh vực trọng tâm như hạ tầng ngành điện, bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn và cần thiết, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao đời sống của người dân.

Được biết, Nghị quyết số13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI đưa ra 4 lĩnh vực trọng tâm, trong đó có việc đảm bảo về hạ tầng cung cấp điện, bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đi đôi với tiết kiệm, giảm tiêu hao điện năng.

Theo Nghị quyết 13, định hướng phát triển hạ tầng cung cấp điện đưa ra những mục tiêu, trong đó phát triển cân đối công suất nguồn trên từng miền: Bắc, Trung, Nam; Ưu tiên phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời, điện gió; Nghiên cứu đưa nhà máy thủy điện tích năng vào vận hành phù hợp với sự phát triển của hệ thống điện; Tập trung đầu tư phát triển các nhà máy điện hạt nhân. Đặc biệt, phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ, phù hợp với tiến độ vận hành các nhà máy điện. Nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng lưới điện phân phối, kết nối, hòa mạng đồng bộ hệ thống điện Việt Nam với hệ thống điện các nước trong khu vực. Thực hiện sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Từ nhiều năm qua, ngành điện lực luôn đặt lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng trên lợi ích của doanh nghiệp với việc đưa điện đến vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo góp phần bảo vệ chính trị, an ninh quốc phòng của đất nước, góp phần làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam. Các nhà máy thủy điện đã cung cấp nước phục vụ nông nghiệp, cắt lũ trị thủy sông Hồng... Đặc biệt, ngành điện đã khắc phục mọi khó khăn đưa điện lưới về khắp mọi miền của Tổ quốc, nâng cao tỷ lệ số hộ dân nông thôn được sử dụng điện. Những kết quả đó đã nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, với đất nước.

Bên cạnh việc đầu tư phát triển hạ tầng ngành điện, tôi đề nghị trong thời gian tới, Nhà nước cần có cơ chế chính sách huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng điểm, kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn và giữa các trục giao thông đầu mối; hạ tầng thủy lợi đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hạ tầng đô thị lớn hiện đại, đồng bộ, từng bước đáp ứng chuẩn mực đô thị xanh của một nước công nghiệp.

Dự thảo Báo cáo chính trị đặt ra yêu cầu phải xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho các lĩnh vực trọng tâm như hạ...

Nguồn: www.baomoi.com/Tang-toc-xay-dung-he-thong-co-so-ha-tang/c/17756679.epi


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận