Tin tức: Thị trường bất động sản vẫn có sức hút lớn

Thị trường bất động sản vẫn có sức hút lớn

Nội dung

Doanh nghiệp BĐS ồ ạt gia nhập thị trường

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong tháng 8/2016 có 9.282 doanh nghiệp được thành lập mới, so với tháng 7 đã giảm 3,5%. Tổng số vốn đầu tư đăng ký là 70.968 tỷ đồng, so với tháng trước đẫ tăng 2,6%. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp của tháng 8 đạt 7,6 tỷ đồng, tăng 6,3% so với tháng 7. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 8 trên cả nước là 2.005 doanh nghiệp, so với tháng 7 đã tăng 11,1%.

Thị trường BĐS
Thị trường BĐS còn nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: Lê Toàn

Lũy kế, trong 8 tháng đầu năm 2016, tổng số doanh nghiệp được thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 92.115 doanh nghiệp, trong đó, có 73.404 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 567.926 tỷ đồng (tăng 19,7% về số doanh nghiệp và tăng 50,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015) và 18.711 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Trong 8 tháng đầu năm, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 7,7 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2015 đã tăng 26%.

Trong số các doanh nghiệp được thành lập mới và trở lại hoạt động trong 8 tháng qua, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS tăng đột biến. Cụ thể, trong 8 tháng, số doanh nghiệp thành lập trong lĩnh vực kinh doanh BĐS là 1.904 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 133.375 tỷ đồng, tăng 101,3% về số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 268,4% vế số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.

Ngoài ra, số doanh nghiệp BĐS quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm cũng đã tăng tới 52,6% so với cùng kỳ năm ngoái với 299 doanh nghiệp, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, không đăng ký hoặc chờ giải thể lại giảm tới 47,5%, chỉ còn 198 doanh nghiệp. Số tạm ngừng hoạt động có thời hạn cũng tăng nhẹ 34,8%, với 112 doanh nghiệp.

Đánh giá về các con số nêu trên, các chuyên gia nhận định, đây có thể coi là một tín hiệu đáng mừng cho thấy niềm tin vào thị trường BĐS vẫn tiếp tục được củng cố. So với vài năm trước, cơ hội kinh doanh trong thị trường bBĐS hiện nay đã được mở rộng và tăng lên rất nhiều.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, trong năm 2016, dù thị trường BĐS có phần trầm lắng hơn so với năm trước nhưng nhờ khung pháp lý mới có nhiều điểm tiến bộ và cởi mở hơn, minh bạch hơn, nên thị trường đang được cải thiện theo chiều sâu.

Khung pháp lý mới đã yêu cầu vốn pháp định thành lập doanh nghiệp kinh doanh BĐS tối thiểu nâng lên 20 tỷ đồng (so với mức trước đây là 6 tỷ đồng), hay chủ đầu tư dự án BĐS phải có vốn tự có không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô dưới 20 ha và không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô từ 20 ha trở lên... Đây là những yêu cầu manh tính chuẩn hóa cao hơn, có tính thực tiễn hơn, đảm bảo các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính tham gia hoạt động và vận hành trong một thị trường BĐS minh bạch và lành mạnh.

Theo khảo sát của phóng viên, không chỉ các doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực kinh doanh BĐS tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ, số doanh nghiệp chuyển hướng sang hoạt động kinh doanh BĐS cũng tăng lên khá mạnh. Ngoài việc bổ sung thêm ngành nghề thuộc lĩnh vực hoạt động BĐS như xây dựng, đầu tư, quản lý, một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính hoặc có quỹ đất cũng chủ động hợp tác với các doanh nghiệp khác để cùng nhau phát triển dự án BĐS.

Những doanh nghiệp đầu tư thông qua hình thức này trong thời gian qua có thể kể đến Tập đoàn Đồng Lực với hàng loạt dự án hợp tác phát triển như Hanoi Aqua Central (số 44 Yên Phụ, Hà Nội), Khách sạn Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Tổ hợp nhà ở - văn phòng 671 Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội), Dự án Diamond Flower Tower (quận Thanh Xuân, Hà Nội); hay ThaiGroup đã mua cổ phần của Khách sạn Kim Liên (quận Đống Đa), đơn vị đang sở hữu khu đất vàng 3,5 ha tại Đào Duy Anh, Hà Nội; Công ty CP Cao su Sao Vàng với dự án 231 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân)…

Sức hấp dẫn của thị trường BĐS trong thời gian gần đây đã khiến cho các doanh nghiệp, giới đầu tư không thể làm ngơ trước lợi ích mà các dự án BĐS mang lại. Có nhiều doanh nghiệp tưởng như chỉ chuyên tâm đầu tư vào lĩnh vực thương mại - sản xuất như Tập đoàn FPT, Alphanam, Licogi 13, cũng đã đầu tư vốn vào BĐS. Tập đoàn FPT đang đầu tư vào Dự án Khu đô thị FPT Đà Nẵng, trong khi đó Alphanam cũng đang triển khai Dự án Tổ hợp khách sạn, căn hộ Four Points by Sheraton & Luxury Apartment tại đường Võ Nguyên Giáp, TP. Đà Nẵng…

đầu tư vào lĩnh vực BĐS
Nhiều doanh nghiệp "ngoại đạo" cũng tham gia liên kết với doanh nghiệp khác để đầu tư vào lĩnh vực BĐS

Nhà đầu tư ngoại mạnh dạn rót vốn vào thị trường BĐS

Ngoài các doanh nghiệp BĐS trong nước, từ đầu năm đến nay, thị trường cũng chứng kiến sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, hay mua bán, sáp nhập (M&A).

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), trong 8 tháng đầu năm 2016, kinh doanh BĐS vẫn là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 với 34 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 836,2 triệu USD, chiếm 5,8% trong tổng vốn đầu tư đăng ký.

Thương vụ gây chú ý nhất với thị trường thời gian qua là việc Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) đầu tư gần 300 triệu USD vào dự án The Manor Central Park (Hoàng Mai, Hà Nội).

Trước đó, thị trường cũng chứng kiến làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào BĐS Việt Nam.

Một số thương vụ tiêu biểu khác như Quỹ Creed rót 200 triệu USD vào An Gia thông qua việc mua cổ phần và cùng với công ty này phát triển hàng loạt dự án tại Tp.HCM. Tiếp đó, Creed cùng An Gia đã hợp tác với Phát Đạt để phát triển Dự án River City với tổng vốn đầu tư là 500 triệu USD. Trước đó, quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản này cũng đã rót 100 triệu USD để cùng Năm Bảy Bảy phát triển 3 dự án BĐS.

Ngoài ra, có thể kể đến sự hợp tác khá thành công giữa Nam Long và 2 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad. Sau khi thành công với Dự án Flora Anh Đào (quận 9, Tp.HCM), 3 đối tác này lại bắt tay nhau phát triển một dự án mới cũng tại quận 9 mang tên Fuji Residence. Hay thương vụ Mapletree Investments (Singapore) bỏ ra hàng trăm triệu USD để mua lại Kumho Asiana Plaza (Tp.HCM) từ các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Điều này cho thấy, dù thanh khoản thị trường BĐS đang có dấu hiệu chững lại, nhưng thị trường này vẫn có sức hấp dẫn rất lớn với các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài.

Sẽ có cuộc sàng lọc các doanh nghiệp BĐS

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, việc có thêm nhiều doanh nghiệp mới đưcọ thành lập sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh nhưng không quá gay gắt. Bởi đối với lĩnh vực BĐS, số vốn cần thiết mà một doanh nghiệp phải có để thực hiện hoạt động đầu tư là rất lớn, nên số doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện được các dự án đầu tư sẽ ổn định chứ không có tăng sự đột biến.

Ông Quang cũng kỳ vọng rằng, bằng sự cạnh tranh này, các doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ nhanh chóng lớn lên và chuyên nghiệp hơn, các doanh nghiệp mới thành lập có chiến lược đúng đắn sẽ đứng vững và phát triển, trong khi những doanh nghiệp dù thành lập lâu, nhưng không thay đổi theo xu hướng thị trường sẽ chịu đào thải, nhất là khi dòng vốn tín dụng cho BĐS sẽ bị siết dần lại.

Do đó, khi tham gia vào thị trường, các doanh nghiệp cần nhận định rõ cơ hội và thách thức của mình. Chưa kể, trong thời gian tới, khi Nhà nước kiểm soát chặt hơn điều kiện về vốn tự có khi triển khai một dự án BĐS, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ không đủ điều kiện, họ chỉ thực hiện được những dự án rất nhỏ hoặc thực hiện những mảng như dịch vụ BĐS, còn những chủ đầu tư thực sự phải là những chủ đầu tư có số vốn lớn.

Dù thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) đang có dấu hiệu chững lại và nỗi lo tồn kho tăng lên, nhưng thị trường vẫn đang rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước.
Thị trường BĐS 2016

Nguồn: batdongsan.com.vn/tin-thi-truong/thi-truong-bat-dong-san-van-co-suc-hut-lon-ar79800


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận