Tin tức: Thực hiện Chương trình 02 giai đoạn 2016-2020: Nông thôn sẽ thực sự mới

Thực hiện Chương trình 02 giai đoạn 2016-2020: Nông thôn sẽ thực sự mới

Nội dung

Chương trình 02 giai đoạn 2011-2015 đã khép lại với kết quả toàn diện, nổi bật với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình 02 về "Phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân" tiếp tục được Thành ủy tập trung chỉ đạo. Dự kiến, sẽ có hơn 72 nghìn tỷ đồng được đầu tư cho nông thôn trong giai đoạn này với mục tiêu tạo ra chuyển biến mạnh, xây dựng nền sản xuất nông nghiệp chuyên canh, hiện đại; hơn 80% số xã sẽ "cán đích" NTM, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng cao.

Vượt chỉ tiêu, dẫn đầu cả nước

Nhìn lại 5 năm thực hiện xây dựng NTM, nông thôn Hà Nội đã có những đổi thay vượt bậc. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2015 đạt 233 triệu đồng/ha, tăng 44,6 triệu đồng/ha so với năm 2011, tăng 2 triệu đồng/ha so với mục tiêu đề ra. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch rõ rệt theo hướng giảm trồng trọt, tăng chăn nuôi, dịch vụ. Sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa 76.891ha, đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 14 triệu đồng năm 2011 lên 33 triệu đồng năm 2015, vượt 8 triệu đồng so với mục tiêu.

Thuc hien Chuong trinh 02 giai doan 2016-2020: Nong thon se thuc su moi - Anh 1

Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao là một trong những mục tiêu phát triển trong các năm tới. Ảnh: Giang Sơn

Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa phân tích, thành công lớn nhất của huyện 5 năm qua là việc hoàn thành DĐĐT. Đây là tiền đề để đưa cơ giới vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh chất lượng cao. Tại huyện Đan Phượng, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hoàng cho rằng, thành công lớn nhất là hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn. Từ những cơ chế, chính sách hỗ trợ của thành phố, huyện đã vận động nhân dân đóng góp công sức, vật lực, hiến đất để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn và các công trình dân sinh. Hạ tầng bảo đảm đã tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa Đan Phượng trở thành huyện NTM đầu tiên của Thủ đô.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ: Nếu như năm 2010, TP Hà Nội chưa có xã đạt chuẩn NTM thì đến hết 2015 đã có 201/386 xã (hơn 52%) đạt chuẩn NTM, vượt hơn 12% so với mục tiêu đề ra (không tính 15 xã của huyện Từ Liêm đã chuyển thành phường). Huyện Đan Phượng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM năm 2015; 3 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM.

Năm 2015, Hà Nội là một trong 13 tỉnh, thành phố được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất do có nhiều thành tích trong thực hiện phong trào xây dựng NTM và là địa phương dẫn đầu phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM" giai đoạn 2011-2015.

72 nghìn tỷ đồng cho khu vực nông thôn

Theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội: Phát huy kết quả đạt được, Chương trình 02 giai đoạn 2016-2020 tiếp tục đặt ra mục tiêu: Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 3,5-4%/ năm trở lên; giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 250 triệu đồng/ha trở lên. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao được chú trọng; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất NN của thành phố.

Trong xây dựng NTM, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn NTM nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập. Phấn đấu đến năm 2020, thành phố có 80% số xã trở lên đạt chuẩn NTM và 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn NTM. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70-75%, phấn đấu tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt từ 80% trở lên...

Điểm nổi bật trong triển khai Chương trình 02 nhiệm kỳ này là thành phố quan tâm bố trí nguồn lực lớn, có phân cấp rõ ràng cho xây dựng NTM. Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2016-2020 là hơn 72 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư hơn 59 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước gần 13 nghìn tỷ đồng. Ngân sách thành phố hỗ trợ ngân sách huyện đầu tư xây dựng NTM ở các xã theo nguyên tắc: Tập trung hỗ trợ một phần vốn đầu tư hạ tầng thiết yếu, các chương trình, dự án phát triển vùng sản xuất NN chuyên canh tập trung; ưu tiên hỗ trợ các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, xã dân tộc miền núi. Ngân sách cấp huyện, ngân sách xã đầu tư cho các công trình, dự án do cấp huyện, cấp xã quản lý.

Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa cho biết, trong năm 2016, huyện sẽ đặc biệt tập trung vào các nhóm tiêu chí nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân bằng việc đầu tư, xây dựng thêm các sân chơi, bể bơi, cải thiện môi trường. Bên cạnh đó, phấn đấu nâng cao tỷ lệ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân. Còn tại Đan Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thạc Hùng cho biết, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao thu nhập cho người dân. Mục tiêu đặt ra lớn cùng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở đang tiếp tục mở ra kỳ vọng mới để khu vực nông thôn phát triển văn minh, hiện đại, nông thôn trở thành "nơi đáng sống".

Nguyễn Mai

Chương trình 02 giai đoạn 2011-2015 đã khép lại với kết quả toàn diện, nổi bật với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình 02 về "Phát...

Nguồn: www.baomoi.com/thuc-hien-chuong-trinh-02-giai-doan-2016-2020-nong-thon-se-thuc-su-moi/c/19350724.epi


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận