Từ những năm 90 của thế kỷ trước, toàn cầu hóa đã được khẳng định là chặng đường mới của chủ nghĩa tư bản. Nó kèm theo nhiều tai họa, khó khăn và thách thức chưa từng có cho nhân loại: hố ngăn cách giàu nghèo ngày một tăng giữa các quốc gia và trong từng quốc gia, sự tàn phá môi trường thiên nhiên, sự tài chính hóa cực đoan của kinh tế gây nên cuộc khủng hoảng ngân hàng thế giới hôm nay. Tình hình bất ổn về mọi mặt là kết quả một nền văn hóa "đồng tiền là thống soái".
Nhiều nhà tư tưởng tiến bộ trông xa nhìn rộng e là với tình trạng này, nhân loại có thể tự diệt vong (auto destruction) hoặc trở lại sự man rợ (triết gia Pháp trứ danh Edgar Morin). Chủ nghĩa tiêu thụ khiến con người cạnh tranh nhau ác liệt, bị tha hóa, xã hội chỉ còn là thị trường.
Việc đánh bom khủng bố ở New York (11/9/2001) làm cho giả thuyết của Giáo sư người Mỹ Samuel P. Huntington được coi là có lý: Sau chiến tranh Lạnh sẽ là các cuộc chiến tranh, đụng độ giữa các nền văn minh. Thực ra, nhất thiết có phải như vậy, nhất thiết toàn cầu hoá chỉ có thể dẫn đến ngõ cụt?
Nhà luật học Bỉ Thierry Verhelst bác quan điểm bi quan ấy và trả lời là "không!" trong một bài nghiên cứu của tập san Phát triển và các nền văn minh (số 369 - tháng 12/2008 Lebret Irfed, Paris). Tôi xin tóm lược và trích dịch để các bạn tham khảo.
Theo tác giả, toàn cầu hóa có mặt tiêu cực, nhưng cũng có mặt tích cực nếu ta hướng nó vào con đường nhân bản, nhấn mạnh vào hướng văn hóa hơn là kinh tế, đối thoại giữa các nền văn hóa hơn là đối đầu!
Thời đại chúng ta là một thời đại trục (période axiale) đối với nhân loại, y như thời đại đồ đá mới hay thế kỷ Ánh sáng (thế kỷ XVIII) châu Âu, khi các giá trị tư duy của thế giới bị đảo lộn và dẫn đến một kỷ nguyên mới, không dự đoán nổi. Không thể nào ý thức trước được các thời đại Phục hưng, Đại cách mạng Pháp, sự kết thúc chủ nghĩa Apartheid ở Nam Phi, sự sụp đổ bức tường Berlin...
Con người ngày nay cảm thấy phải có một sự thay đổi cơ bản về văn hoá, ý nghĩa cuộc sống. Một cuộc thăm dò dư luận trong 43 nước cho biết những giá trị cơ bản đang thoái lui, đặc biệt là lòng tin vào khả năng khoa học kỹ thuật có thể giải quyết được các vấn đề đương đại, sự dấn thân ngày càng mạnh vào các vấn đề xã hội và môi trường.
Chúng ta phải cố gắng tăng cường quan hệ quốc tế để gạt bỏ khuynh hướng toàn cầu hoá áp đặt một khuôn mẫu kinh tế và văn hóa duy nhất. "Tương lai thuộc về phía đa dạng và phong phú các nền văn minh thế giới bằng cách ảnh hưởng nhau về mặt văn hóa và tâm linh".
Chính toàn cầu hóa đã tạo điều kiện để tiếp biến văn hóa (acculturation) khác với thời thực dân, gạt bỏ sự "Tây phương hóa" thế giới. Một sự tiếp biến văn hóa bình đẳng, có lợi cho cả phương Tây và các xã hội truyền thống, cho cả nước giàu và nước nghèo. Phương Tây cần lấy cảm hứng ở những nền văn hóa và tôn giáo nước ngoài gần với truyền thống, mang lại nhiều ý nghĩa về cái đẹp cho cuộc sống hàng ngày. Phương Tây có thể tìm thấy những giá trị sâu sắc, sự hài hòa và ý thức toàn vẹn. Ngoài ra, phương Tây cũng phải sử dụng sinh khí, truyền thống của mình, chủ yếu trong Kitô giáo với những yếu tố trực quan buổi sơ khai, tiền hiện đại để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng về văn minh.
Mặt khác, một số xã hội truyền thống có lợi khi lấy cảm hứng ở những nét hiện đại mình thiếu nhất, trong khi bảo tồn cái đẹp và cái mạnh của mình. Những ảnh hưởng qua lại ấy và sự thực hiện những nét hiện đại tự sản sinh ra có thể giúp giải quyết những vấn đề vật chất, mà vẫn giữ được bản sắc. Một cách nhìn mới, không thiên kiến tự tôn dân tộc, cho phép ta nhìn ra những hình thái xã hội kinh tế mới không chỉ là những bản sao lệch lạc của khuôn mẫu phương Tây. Không nên coi những khuôn mẫu mới ấy của hiện đại hóa là thứ hư hỏng, đồi bại. Cần coi chúng như là những thể nghiệm tiếp biến văn hóa vượt qua cái hiện đại phương Tây. Cách nhìn mới này đòi hỏi tư duy không đi ngược lại từ tự tôn đến tự ti và đừng lý tưởng hóa đối tác một cách lãng mạn và ảo tưởng. Cần vượt qua sự giữ truyền thống khô cứng cũng như hiện đại hóa không phương hướng!
Hữu Ngọc