Tin tức: Tp.HCM xin Chính phủ tạm ứng 3.303 tỷ cho dự án metro

Tp.HCM xin Chính phủ tạm ứng 3.303 tỷ cho dự án metro

Nội dung

Cụ thể, Tp.HCM cho biết, hiện trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn ODA nguồn ngân sách Trung ương cho 2 dự án trọng điểm của thành phố là 29.512 tỷ đồng. Trong đó, dự án cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2) là hơn 8.500 tỷ đồng và dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là hơn 20.900 tỷ đồng.

UBND Tp.HCM cũng cho biết đã ba lần kiến nghị Thủ tướng bố trí đủ vốn cho các dự án trên. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới bố trí cho 2 dự án 11.517 tỷ đồng. Trong đó, hơn 4.000 tỷ dành cho dự án cải thiện môi trường nước và 7.500 tỷ là cho tuyến metro số 1.

Theo UBND Tp.HCM, số vốn này chỉ đáp ứng được 39% tổng nhu cầu vốn, khiến 2 dự án khó hoàn thành đúng tiến độ.

tuyến metro số 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Báo cáo nêu, khối lượng thi công các dự án hiện đang được triển khai đúng tiến độ đã cam kết nhưng không đủ vốn để bố trí. Các nhà thầu thi công nhiều lần cho biết sẽ ngưng thi công nếu không thanh toán. Việc này khiến uy tín của nhà nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung bị ảnh hưởng lớn.

Vì vậy, để đảm bảo tiến độ dự án đúng cam kết, tránh phát sinh chi phí, lãi phạt chậm…, Tp.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét bố trí đủ vốn cho 2 dự án trên trong giai đoạn 2017-2020, cụ thể là bổ sung thêm 17.995 đồng.

Đối với dự án tuyến metro số 1, Tp.HCM cho biết, năm 2017, nhu cầu vốn ODA ngân sách Trung ương cấp phát là 5.422 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng ý bố trí mới chỉ là 2.119 tỷ đồng, còn thiếu 3.303 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, để đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành trong năm 2020 theo đúng kế hoạch, Tp.HCM kiến nghị Chính phủ tạm ứng 3.303 tỷ đồng trong năm 2017 từ nguồn kế hoạch vốn ODA trung hạn giai đoạn 2016-2020 do ngân sách Trung ương cấp phát.

Với tổng số vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng), dự án metro Bến Thành - Suối Tiên được khởi công tháng 8/2012. Tuyến metro dài gần 20km này đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (Tp.HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, hơn 17km trên cao (11 nhà ga) và 2,6km đi ngầm (3 nhà ga). Đoạn trên cao hiện đã cơ bản hoàn thành trong khi đoạn ngầm đang được gấp rút thi công để kịp đưa vào sử dụng toàn tuyến trong năm 2020 theo đúng kế hoạch.

Trong bản báo cáo, lãnh đạo thành phố kiến nghị Thủ tướng, với các dự án ODA, dự án quan trọng cấp quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt trước khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, nếu có điều chỉnh mức đầu tư thì không phải trình lại Quốc hội, đề nghị thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh là Thủ tướng. Tại phiên họp vào cuối năm, Thủ tướng sẽ báo cáo cho Quốc hội để Quốc hội giám sát, theo dõi.

Cụ thể, theo UBND Tp.HCM, tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 1 được điều chỉnh từ 19.906 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng, và dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) được điều chỉnh từ 26.116 tỷ đồng lên 47.603 tỷ đồng.

Một số kiến nghị khác mà thành phố đưa ra về cơ chế như tiếp nhận khoản vay 200 triệu Euro cho dự án tuyến metro số 2, thủ tục tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để đầu tư các dự án quan trọng giai đoạn 2017-2020, sử dụng vốn từ việc cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp của thành phố…

Sáng ngày 23/6, tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017, chính quyền Tp.HCM đã kiến nghị nhiều vấn đề, trong đó có cơ chế vốn cho tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1.
Bất động sản Tp.HCM

Nguồn: batdongsan.com.vn/tin-thi-truong/tp-hcm-xin-chinh-phu-tam-ung-3-303-ty-cho-du-an-metro-ar86482


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận