|
Quy hoạch mở rộng không gian đô thị kèm với việc phát triển cơ sở hạ tầng, tiện ích xã hội... đã đưa Bình Dương trở thành điểm đến lý tưởng dành cho giới đầu tư bất động sản |
Đòn bẩy từ quy hoạch hoàn chỉnh
Để thực hiện mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị công nghiệp xanh - sạch - đẹp; là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và đầu mối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Tp.HCM; một thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020, từ năm 2013 chính quyền tỉnh Bình Dương đã từng bước quy hoạch, xây dựng các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại gồm thành phố mới Bình Dương - thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Dĩ An, thị xã Thuận An, thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát. Gắn với quy hoạch này là những tiêu chí cụ thể về phát triển cơ sở hạ tầng, tiện ích xã hội, phát triển kinh tế…
Nhờ quy hoạch cụ thể, chỉ trong một thời gian ngắn, diện mạo các đô thị mới tại Bình Dương đã thay đổi rõ nét, hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, khang trang hơn. Ngoài việc phát triển hệ thống giao thông đường bộ như quốc lộ 13, đại lộ Mỹ Phước - Tân Vạn - Nhơn Trạch, vành đai 3, vành đai 4,... gần đây Bình Dương còn xúc tiến kế hoạch xây dựng tuyến metro nối với Tp.HCM.
Hệ thống giao thông này giúp Bình Dương kết nối thuận lợi các các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giúp lưu thông hàng hóa diễn ra nhanh hơn.
Trong tương lai, Bình Dương còn ưu tiên phát triển hệ thống đường sắt, mở rộng cảng sông, cảng cạn (ICD), nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.
|
Đất nền và nhà xây sẵn sẽ là những sản phẩm mang lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư |
Cùng với sự phát triển của hạ tầng giao thông, các tiện ích dịch vụ như trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị - triển lãm, khu vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học quốc tế… cũng đã phát triển hoàn chỉnh. Có thể kể đến như: Trung tâm hội nghị và triển lãm, tòa tháp 21 tầng trung tâm hành chính tập trung, trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Đại học Quốc tế Việt Đức, trường mầm non quốc tế Kinder World, siêu thị Nhật Bản Hikary, khu công nghệ cao Maple Tree, nhà thi đấu đa năng, sân golf Twin Doves…
Đặc biệt xung quanh khu vực thành phố mới Bình Dương, hiện nay đã hình thành đầy đủ hệ thống tiện ích dịch vụ từ giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại cho đến vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và cả lực lượng chuyên gia, doanh nhân trong và ngoài nước đến làm việc, sinh sống.
Cùng với đó, các khu vực đô thị của thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát cũng xuất hiện nhiều dự án quy mô lớn như tổ hợp Gouco Land, trung tâm mua sắm AEON Mall, siêu thị Lotte Mart, Metro, khu đô thị Tokyu…
Tất cả góp phần làm nên đẹp mỹ quan đô thị Bình Dương và giúp cho giá trị bất động sản tăng cao.
Trong những năm qua, nền kinh tế của Bình Dương luôn tăng trưởng ổn định ở mức cao nhất cả nước. Năm 2016 tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,5% so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 108,6 triệu đồng; cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp đạt tỷ trọng tương ứng là 63% - 23,5% - 4,3%.
Năm 2016, Bình Dương đã thu hút được 2,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, Bình Dương là một trong năm địa phương thu hút đầu tư vượt mốc 20 tỷ USD. Tính đến năm 2016, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp; trong đó có những khu công nghiệp tiêu biểu về xây dựng kết cấu hạ tầng, tốc độ thu hút đầu tư, quản lý sản xuất và bảo vệ môi trường như VSIP 1, 2, Mỹ Phước, Đồng An…
Bất động sản giàu tiềm năng
Theo giới đầu tư bất động sản, quyết tâm đưa Bình Dương trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2020 sẽ là điểm tựa cho thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đây cũng chính là thời điểm lý tưởng để các nhà đầu tư “rót” tiền vào lĩnh vực bất động sản tại Bình Dương. Bởi chỉ trong vài năm nữa, cùng với quá trình đô thị hóa, các sản phẩm bất động sản nơi đây sẽ trở thành “gà đẻ trứng vàng” với tiềm năng rất lớn.
Đánh giá về sức hấp dẫn của thị trường này, bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Kim Oanh cho rằng, đất nền và nhà xây sẵn đang là những sản phẩm chủ lực của thị trường Bình Dương bởi mức giá chỉ từ 600-800 triệu đồng/nhà xây sẵn, phù hợp với khả năng tài chính của đông đảo người dân và có biên độ lợi nhuận tốt.
Khảo sát cho thấy, dù không sốt nóng như Tp.HCM nhưng tính từ năm 2017 đến nay, bất động sản Bình Dương vẫn đạt biên độ tăng giá 15-25%. Một số dự án tốt hơn tọa lạc ở giáp ranh Tp.HCM hay các đô thị đang mở rộng như thị xã Bến Cát mức tăng lên đến 30-50%.
Chẳng hạn như dự án The Mall City (Dĩ An) tăng hơn 50%; The Mall City 2 (Tân Uyên) tăng 30%; Golden Center City và Golden Center City 2 tăng từ 15-20%...
Tuy nhiên, thị trường bất động sản Bình Dương vẫn được nhận định còn tiềm năng phát triển xa hơn khi mỗi năm thu hút hàng chục ngàn người lao động trong và ngoài nước đến làm việc, sinh sống.
Theo thống kê, mỗi năm Bình Dương cần thêm khoảng 30.000 - 40.000 lao động là các chuyên gia, kỹ sư và công nhân kỹ thuật cao. Đây chính là động lực để thị trường bất động sản phát triển, không chỉ ở phân khúc giá vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu của số đông người dân mà cả phân khúc cao cấp như biệt thự, khu phức hợp...
Mặc dù có nhiều triển vọng và tiềm năng lớn, nhưng không vì thế mà người mua dễ dãi "lướt sóng" như trước đây mà bắt đầu có sự sàng lọc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định đầu tư.
Theo bà Oanh, chỉ những dự án quy mô lớn được đầu tư bài bản, hạ tầng đồng bộ, tiện ích khép kín và được phát triển bởi các chủ đầu tư hay đơn vị môi giới uy tín mới được nhiều khách hàng quan tâm.
“Người mua bất động sản tại Bình Dương quan tâm nhiều hơn đến những dự án ở trung tâm các đô thị, gần các trục giao thông huyết mạch hay khu công nghiệp để dễ khai thác kinh doanh, xây nhà cho thuê và cũng nhiều tiềm năng tăng giá. Mặt khác, họ khảo sát rất kỹ về quy hoạch xung quanh dự án, tình trạng pháp lý và đến tận nơi để đảm bảo rằng dự án được thi công đúng tiến độ”, bà Oanh cho hay.