Tin tức: Việt – Đức: Hơn cả Đối tác chiến lược

Việt – Đức: Hơn cả Đối tác chiến lược

Nội dung

Lễ đón trọng thể Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân do Tổng thống Joachim Gauck và Phu nhân chủ trì tại Phủ Tổng thống Đức, ngày 25/11.
Đúng 17 giờ 30 (giờ địa phương) ngày 24/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phu nhân và đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Berlin Tegel, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới CHLB Đức, theo lời mời của Tổng thống Đức Joachim Gauck, từ ngày 24-26/11.

Đây là chuyến thăm đặc biệt, không chỉ bởi là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam tới nước Đức thống nhất (1990), mà còn đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1975-2015).

Thân tình và trọng thị

Thời điểm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phu nhân và đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đến Berlin, trời đã bắt đầu chuyển sang Đông. Nhiệt độ đã xuống 3 độ C. Tuy nhiên, cái giá buốt đó không hề làm nguội bớt sự nhiệt thành và trọng thị của người Đức đối với những người bạn Việt Nam. Ngay khi chuyên cơ chở Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phu nhân và đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam vừa vào không phận Đức, hai máy bay phản lực của quân đội Đức đã bay lên chào đón và hộ tống đoàn về tới tận vị trí hạ cánh tại sân bay Berlin Tegel.

Lễ đón Chủ tịch nước và Phu nhân ở sân bay được tổ chức với nghi lễ dành cho Nguyên thủ quốc gia. 21 phát đại bác vang rền chào đón khi Chủ tịch nước và Phu nhân bước ra khỏi máy bay. Tiếp sau đó, hai máy bay quân sự hộ tống chuyên cơ song hành bay ngang qua bầu trời sân bay để chào mừng. Hai hàng quân danh dự đứng dọc theo thảm đỏ, trang nghiêm chào đón trong không khí trang trọng, cờ hoa rực rỡ.

Lễ đón chính thức Chủ tịch nước và Phu nhân diễn ra trọng thể theo nghi thức cấp cao nhất vào lúc 11h (17h Việt Nam)tại Phủ Tổng thống. Sau lễ đón, Chủ tịch nước hội đàm với Tổng thống Joachim Gauck; gặp Thủ tướng Angela Merkel; gặp Thị trưởng Berlin Michael Muller tại Tòa Thị chính thành phố; đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm nạn nhân chiến tranh Neue Wache cùng nhiều hoạt động quan trọng khác.

Gặp gỡ báo chí sau buổi hội đàm, Tổng thống Joachim Gauck và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng bày tỏ sự hài lòng về sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Đức trong tất cả các lĩnh vực. Đức hiện là đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu trong các lĩnh vực như thương mại, khoa học-công nghệ và hợp tác phát triển, môi trường, giáo dục, pháp luật và đào tạo nghề.

Tổng thống Joachim Gauck bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng như sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới và châu Á gặp nhiều khó khăn. Tổng thống Đức khẳng định Đức coi Việt Nam ưu tiên hợp tác lâu dài và cùng có lợi với Việt Nam.

Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam coi Đức là đối tác quan trọng hàng đầu tại châu Âu và trên thế giới, mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao quan hệ Việt - Đức vốn gắn bó từ lâu đời. Giờ đây, hai nước không chỉ là Đối tác chiến lược sâu, rộng mà còn là những người bạn chân thành, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Hai bên đều khẳng định mong muốn đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, thiết thực, và hiệu quả và đã thảo luận, nhất trí nhiều biện pháp hợp tác cụ thể.

Hợp tác thực chất

Hai nhà lãnh đạo nhất trí, hai bên đang có môi trường và điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ thương mại-đầu tư, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều từ 15 – 20 tỷ USD vào năm 2020 và đầu tư của Đức tại Việt Nam đạt năm tỷ USD trong thời gian sớm nhất; duy trì vị trí của Đức là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại EU, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sắp được ký kết. Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, đầu tư, kinh doanh đáp ứng nhu cầu của mỗi nước.

Ngoài ra, hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, đào tạo nghề và hợp tác lao động sẽ càng được đẩy mạnh. Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ, đưa Đại học Việt – Đức trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu Việt Nam, đạt đẳng cấp quốc tế. Tiếng Đức và tiếng Việt sẽ được quan tâm giảng dạy nhiều hơn ở mỗi nước. Lĩnh vực đào tạo nghề cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn.

Chính phủ Đức vẫn luôn coi Việt Nam là đối tác ưu tiên và tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2015 – 2017, tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên là năng lượng, môi trường và đào tạo nghề, phù hợp với các chiến lược phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Hai bên nhất trí tăng cường tham vấn, hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh biển. Việt Nam ủng hộ Đức tăng cường quan hệ với ASEAN và ngược lại, Đức ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU, trong đó có việc thúc đẩy sớm ký chính thức Hiệp định EVFTA, và EU công nhận quy chế thị trường của Việt Nam.

Việt Nam nhất trí ủng hộ Đức trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi cơ quan này mở rộng thành viên.

Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi và bày tỏ lo ngại về tình hình gia tăng các hoạt động tôn tạo bãi đá, gây bất ổn cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quốc tế lớn và kết nối thông thương giữa châu Âu và châu Á. Chủ tịch nước đề nghị Đức tiếp tục phát huy tiếng nói tích cực trong G7 và EU, ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam và ASEAN giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).

Tổng thống Đức cũng cho rằng, tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế, duy trì tự do hàng hải hàng không, đảm bảo an toàn, an ninh khu vực.

Kiều bào là bộ phận không thể tách rời

Một trong những hoạt động quan trọng đầu tiên ngay sau khi Chủ tịch nước đặt chân đến Berlin là cuộc gặp gỡ thân mật với cộng đồng người Việt Nam tại Đức. Đây là một trong những cộng đồng người Việt lớn ở châu Âu với khoảng 125.000 người, trong đó 20% đã nhập quốc tịch Đức, đang đóng góp trực tiếp vào sự thịnh vượng của nước Đức cũng như làm tốt vai trò cầu nối thúc đẩy hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Không chỉ có kiều bào ở Berlin, nhiều bà con người Việt ở các khu vực cách xa Berlin 200-500 km cũng vượt giá lạnh, đường xa để đến tham dự cuộc gặp.

Trò chuyện với bà con, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thông báo tình hình kinh tế xã hội của đất nước cũng như chính sách của Nhà nước đối với kiều bào sinh sống xa quê hương. Chủ tịch nước nhấn mạnh, những thành tựu mà đất nước đạt được có phần đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có bà con tại Đức.

Chủ tịch nước vui mừng khi chứng kiến cộng đồng người Việt ở Đức là một trong những cộng đồng hội nhập nước sở tại thành công nhất và ngày càng có nhiều người Việt thành đạt trên các lĩnh vực kinh doanh, khoa học -công nghệ, giáo dục... Đặc biệt, Chủ tịch nước bày tỏ xúc động khi biết bà con ở Đức là những kiều bào đầu tiên trên thế giới đã tổ chức quyên góp tiền để đóng một chiếc tàu cho Trường Sa.

Cảm ơn bà con đã có những hoạt động thiết thực hướng về quê hương, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, Chủ tịch nước nói: “Tôi hoan nghênh việc làm này, và thấu hiểu rằng dù ở xa Tổ quốc ngàn dặm nhưng bà con luôn coi đất đai, biển đảo của Tổ quốc là máu thịt của mình”.

Thanh Trúc (từ Berlin)



 

Đúng 17 giờ 30 (giờ địa phương) ngày 24/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phu nhân và đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Berlin Tegel, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới CHLB Đức, theo lời mời của Tổng thống Đức Joachim Gauck, từ ngày 24-26/11.

Nguồn: tgvn.com.vn/Item/VN/ChinhTri/2015/11/5009A4EBF3174D4F/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận