Tin tức: Việt Nam - thị trường mới nổi có sức hút lớn với giới đầu tư BĐS

Việt Nam - thị trường mới nổi có sức hút lớn với giới đầu tư BĐS

Nội dung

Theo nhận định từ Stephen Wyatt,TGĐ Công ty Jones Lang LaSalle, Việt Nam đang trở thành một địa điểm hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài trong trung hạn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua giai đoạn suy thoái và hồi phục trở lại. Những dấu hiệu tích cực cũng như niềm tin vào thị trường ngày càng được củng cố. Giá nhà ở tại Việt Nam giữ mức trung bình từ 1.600-2.000 USD/m2 và sẽ có xu hướng tăng lên đáng kể trong thời gian tới.

Dữ liệu từ Real Capital Analytics (RCA) ghi nhận ngày càng nhiều quỹ đầu tư quốc tế hứng thú với thị trường BĐS tại Việt Nam và cố gắng tăng sự hiện diện trên thị trường này. Trong quý vừa qua, liên doanh con của Warburg Pincus Mỹ đã đầu tư thêm 100 triệu đô vào Tập đoàn Vincom Retail, Gaw Capital Partners cùng với đối tác trong nước NP Capital, đã nhận chuyển nhượng 4 dự án bất động sản thuộc nhiều phân khúc khác nhau từ Indochina Land với tổng giá trị 106 triệu USD. Gamuda Land cũng đã nhận chuyển nhượng 40% cổ phần (tương đương 64,1 triệu USD) trong dự án Celadon City. Một giao dịch đáng chú ý là việc tập đoàn Amata mua lại khu đất trị giá 279 triệu USD tại huyện Long Thành (Đồng Nai) với mục đích xây dựng khu dân cư và công nghiệp trị giá 500 triệu USD.

bất động sản Việt Nam
Tham gia TPP là một cơ hội lớn với bất động sản Việt Nam, đặc biệt là bất
động sản khu công nghiệp. Ảnh: Phương Uyên

Sức hút trở lại của thị trường BĐS Việt Nam với nhà đầu tư quốc tế là nhờ vào nền kinh tế đang phát triển, thị trường bất động sản đang ở mức đáy của chu kỳ phát triển và sự nới lỏng các quy định về quyền sở hữu dành cho người nước ngoài. Ngoài ra, hàng loạt các Hiệp định Thương mại Tự do (như Hiệp định TPP, EU và ASEAN) sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển trong trung và dài hạn. Lãi suất ngân hàng và lạm phát đã giảm đáng kể và ổn định hơn trong hai năm qua, giúp hoạt động đầu tư diễn ra tích cực hơn ở cả hai thành phố lớn (Tp.HCM và Hà Nội), nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã thúc đẩy hoạt động xây dựng, cũng nhờ vào sự tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng qua.

Việt Nam còn đang là điểm nóng có tốc tăng trưởng kinh tế cao, trong khi các quốc gia Đông Nam Á đang trải qua sự tăng trưởng chậm, thậm chí tăng trưởng âm doanh thì doanh thu bán lẻ của Việt Nam lại tăng 15% so với năm ngoái. Lượng FDI giải ngân tính đến tháng 9 đã tăng 8,4% so với cùng kỳ 2014, đạt 9,7 tỷ USD. Lượng vốn đăng ký đầu tư mới cũng tăng mạnh hơn với 11 tỷ USD. FDI đầu tư vào các khu công nghiệp chiếm 67% tổng vốn FDI tại Việt Nam với 11 tỷ USD và chiếm 59% trong tổng số 1.400 dự án. 

Việt Nam đang trở thành một điểm đến lý tưởng cho ngành sản xuất khi các con số xuất khẩu tiếp tục giữ mức cao, đi ngược với sự trì trệ của các nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu khác ở châu Á. Mặc dù có sự giảm mạnh của các đối tác xuất khẩu chính, bao gồm Trung Quốc và các nước xuất khẩu khác, nhưng việc sản xuất đa dạng đã giúp các ngành xuất khẩu của Việt Nam ít chịu ảnh hưởng hơn từ các cú sốc kinh tế bên ngoài. Chỉ số niềm tin rất thấp trong quý I1 đã hồi phục lại trong quý III, và xuất khẩu từ quý I đến quý III đã tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn thế nữa, Hiệp định TPP hoàn thiện trong tháng 10/2015 vừa qua sẽ giúp Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn khác trên thế giới, giảm bớt sự ảnh hưởng mạnh từ nền kinh tế Trung Quốc. 

Tuy nhiên thị trường Việt Nam vẫn có những hạn chế nhất định đối với nhà đầu tư như: giới hạn tiếp cận tín dụng trong phát triển bất động sản, hệ thống chính quyền quan liêu, đặc biệt liên quan đến tranh chấp đất đai sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, ngăn chặn sự hoàn thành nhanh chóng các dự án bất động sản. Điều này có thể gây tăng chi phí và tốn thời gian. Ngoài ra là tình trạng quan liêu xung quanh quyền sở hữu đất đai, mặc dù những điều luật mới vừa được giới thiệu đã cho phép người nước ngoài được sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Dù vậy, tiềm năng to lớn trong sự phát triển kinh tế dài hạn của ngành bất động sản Việt Nam vẫn rất hấp dẫn. Khi thị trường dần phát triển và hoàn thiện hơn, từ một thị trường cận biên (frontier market) chuyển thành thị trường mới nổi (emerging market), khuôn khổ pháp lý và tình trạng quan liêu sẽ được cải thiện, dẫn tới sự tăng trưởng đáng kể cho bất động sản.

Đầu tư bất động sản tại các thị trường mới nổi luôn được coi là nơi đầu tư có rủi ro cao nhưng lợi nhuận có tiềm năng cao hơn. Hơn nữa, các thị trường mới nổi có những yếu tố tăng trưởng tiềm ẩn bao gồm gia tăng dân số và tỷ lệ đô thị hóa nhanh, những yếu tố này cho phép các nhà đầu tư/ phát triển dự án có thể tận dụng. Các yếu tố thuận lợi đó giúp Việt Nam dù đối mặt với nhiều rủi ro vẫn là thị trường đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế.

Phương Uyên
(Theo Nhịp sống thời đại)

Mặc dù nền kinh tế thế giới không ổn định, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển tốt trong 12 tháng qua. Thị trường chứng khoán tăng 12% trong năm 2015, lạm phát ổn định ở mức +/- 3% và lãi suất ngân hàng vẫn ở mức 8-9%.
Chuyên gia bất động sản nhận định

Nguồn: batdongsan.com.vn/phan-tich-nhan-dinh/viet-nam-thi-truong-moi-noi-co-suc-hut-lon-voi-gioi-dau-tu-bds...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận