Tin tức: Xử lý chất cấm trong chăn nuôi: Đừng là phong trào để… thoái trào

Xử lý chất cấm trong chăn nuôi: Đừng là phong trào để… thoái trào

Nội dung

Chia sẻ với DĐDN, ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN- PTNT khẳng định: “Người dân cứ tin tưởng rằng, với những Cty lớn đã cam kết thì trong thức ăn chăn nuôi của họ hoàn toàn không có chất cấm. Tuy vậy, việc quản lý phải có chiến lược và dài lâu chứ không phải là phong trào để mà… thoái trào”.

Ông Vân cho biết, chất cấm hiện nay trên thị trường được phát hiện chủ yếu lén lút sử dụng dưới dạng “cho không” hoặc kết hợp với người chăn nuôi để sử dụng trái phép. Chẳng hạn, “tôi sẽ mua lợn cho…” là cuộc trao đổi ngầm giữa người chăn nuôi và người buôn bán sử dụng chất cấm thông qua các hình thức: Dùng chất cấm như món quà dụ dỗ, biếu, tặng hay yêu cầu người chăn nuôi phải đưa chất cấm vào thì mới được “ưu ái”.

– Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận quan tâm là trách nhiệm quản lý như thế nào trong việc để tình trạng sử dụng chất cấm tràn lan như hiện nay, thưa ông?

Trách nhiệm là của cơ quan Nhà nước, phải thông tin cho người tiêu dùng biết chỗ nào bán thực phẩm an toàn, chỗ nào thực phẩm “bẩn”. Bên cạnh đó, phải thông tin rộng rãi cho người chăn nuôi cách nhận biết chất cấm để phòng tránh, phát hiện và báo với cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, thời gian qua vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là ở địa phương đang bị xem nhẹ, chưa phát huy đúng chức năng nhiệm vụ. Đây là khe hở làm gia tăng tình hình sử dụng chất này trong chăn nuôi. Vì vậy, chất cấm được sử dụng trong chăn nuôi ngang nhiên được nhập về từ nhiều năm qua.

Bài liên quan:

Mối liên hệ giữa chất cấm trong chăn nuôi và bệnh ung thư
Xử lý người sử dụng chất cấm: Mới quản “khúc đuôi”
Chất cấm trong chăn nuôi tác động thế nào đến sức khỏe con người?

– Như vậy, nguyên nhân chính xuất phát từ các địa phương, thưa ông?

Vấn đề không phải là nguyên nhân từ đâu. Quan trọng là toàn xã hội cần phải chung tay để đẩy lùi thực trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Đề nghị Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến mức tồn dư tối thiểu các loại kháng sinh để từ đó Bộ NN- PTNT cũng như địa phương có cơ sở để giám sát và xử lý vi phạm.

– Trong khi, Thái Lan phải mất 7 năm mới có thể khống chế hoàn toàn chất cấm trong chăn nuôi, thì lãnh đạo Bộ NN – PTNT lại rất tự tin chỉ cần 7 tháng để dẹp bỏ vấn nạn này. Lý do chính là gì, thưa ông?

Chương trình triển khai cao điểm phòng, chống chất cấm của Bộ NN- PTNT từ tháng 10/2015 đến nay, đã có nhiều kết quả mạnh mẽ. Cụ thể, trong tổng số cơ sở kiểm tra là 1.893 cơ sở, phát hiện 58 cơ sở có vi phạm chất cấm (chiếm 3,1%). Con số này cho thấy, việc triển khai các đợt cao điểm về kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn nông sản đã có tác dụng tích cực, vừa huy động lực lượng lớn các bộ ngành và các địa phương vào cuộc, vừa góp phần giảm thiểu rõ rệt tỷ lệ các mẫu dương tính với chất cấm trong chăn nuôi.

Quan điểm của lãnh đạo Cục là trong năm 2016 phải quyết tâm chấm dứt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sẽ có lộ trình kiểm tra liên tục hàng tháng một. Đối với các đối tượng trang trại và lò mổ, có hai biện pháp kiểm soát đó là chống và xây. Đối với biện pháp chống, hiện đang làm quyết liệt, một mặt đưa ra các chế tài mạnh hơn, mặt khác tổ chức các đoàn thanh kiểm tra liên tục đi kiểm tra các nhà máy, lò mổ trang trại, lấy mẫu đưa đi phân tích và xử lý.

– Thế nhưng, “đường dây” đưa chất cấm vào ngành chăn nuôi lại nằm ở thương lái, trong khi đó, đối tượng này chúng ta lại chưa kiểm soát cụ thể và chế tài xử phạt, thưa ông?

Thực tế, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang phổ biến như hiện nay thì vai trò của thương lái rất quan trọng, bởi nếu không có họ người nông dân sẽ không biết phải bán sản phẩm cho ai. Sản xuất nhỏ lẻ, không đủ sản phẩm để đáp ứng đơn hàng của các DN thì chỉ có thương lái mới có đủ khả năng thu mua, gom hàng từ người nông dân. Mặc dù có vai trò quan trọng như vậy nhưng hiện nay hầu như chưa có sự quản lý nào trong hoạt động của đối tượng này.

Vì vậy, trong thời gian tới, vai trò của các Sở NN- PTNT và Sở Công Thương ở các địa phương là rất quan trọng. Họ cần phải tìm hiểu để biết rõ các thương lái là ai, ở đâu, hoạt động chủ yếu trên địa bàn nào? để có thể giám sát. Đồng thời, phải tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho thương lái về các quy định pháp luật để từ đó họ thực hiện đúng.

– Dư luận đang lo ngại rằng, nếu không có giải pháp lâu dài cho vấn đề này, thì sau “cao trào” hưng phấn thì sẽ có khả năng trở thành “thoái trào”, thưa ông?

Đúng vậy! Vấn đề đặt ra là, nếu không giải quyết được bài toán tăng năng suất và mẫu mã đẹp của con heo, thì việc sử dụng chất cấm có thể sẽ quay trở lại. Hiện nay, phân khúc giống chất lượng cao đang nằm trong tay các DN nước ngoài. Do đó, để giải quyết tận gốc vấn đề, cần có các biện pháp để cung cấp con giống đủ chất lượng, để nông dân không cần dùng chất cấm vẫn có thể tạo ra những con heo nạc, mẫu mã đẹp.

Ngoài ra, Cục Chăn nuôi sẽ triển khai quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo con vật sinh trưởng bình thường, an toàn. Tiếp theo là tăng cường hoạt động kiểm tra đột xuất của cơ quan quản lý Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ cơ sở sản xuất kháng sinh, cơ sở sản xuất thức ăn… Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến mức tồn dư tối thiểu các loại kháng sinh để từ đó Bộ NN- PTNT cũng như địa phương có cơ sở để giám sát và xử lý vi phạm.

– Xin cảm ơn ông!

Mai Thanh thực hiện

>> Choáng váng 100% xúc xích Vietfoods chứa chất cấm gây ung thư

Chia sẻ với DĐDN, ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN- PTNT khẳng định: “Người dân cứ tin tưởng rằng, với những Cty lớn đã cam kết thì trong thức ăn chăn nuôi của...

Nguồn: www.baomoi.com/xu-ly-chat-cam-trong-chan-nuoi-dung-la-phong-trao-de-thoai-trao/c/19344184.epi


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận