Incheon United đã chính tức ký hợp đồng có thời hạn 2 năm với Lương Xuân Trường. Ở thời điểm này có thể khẳng định, đây là bản hợp đồng mang tính thương mại nhiều hơn là chuyên môn. Tất nhiên, các bên đều có lợi, từ Incheon United, đến K.League, HAGL và cả Xuân Trường.
Hôm 28.12 vừa qua, phái đoàn của Incheon United đã gặp gỡ HAGL tại TP.HCM và tiến hành ký hợp đồng theo dạng cho mượn có thời hạn 2 năm với Lương Xuân Trường. Theo thông báo, tiền vệ gốc Tuyên Quang sẽ gia nhập đội bóng á quân Cúp QG Hàn Quốc 2015 vào đầu năm 2016 và mang chiếc áo số 7. Ngoài ra, mức phí chuyển nhượng được cho là vào khoảng 300.000 USD và anh sẽ nhận mức lương khởi điểm vào khoảng 3.000 USD/tuần.
Thực tế, ngay từ khi xuất hiện thông tin Incheon United, đội bóng xếp hạng 8 tại giải K.League mùa giải vừa qua quan tâm tới Xuân Trường, không chỉ người hâm mộ, mà bản thân tiền vệ này cũng rất bất ngờ. So với Công Phượng và Tuấn Anh, rõ ràng Xuân Trường không nổi bằng, ấy vậy mà anh lại sang chơi tại giải đấu số 1 Hàn Quốc và có mức phí chuyển nhượng vượt trội, trong khi 2 đồng đội nổ tiếng của mình chỉ lần lượt khoác áo các đội bóng thuộc giải Hạng 2 (J.League 2) của Nhật Bản.
Nhưng có thực Xuân Trường tài năng đến mức Incheon United phải cố công đem về? Có thể khẳng định, so với các cầu thủ cùng lứa tuổi bên Hàn Quốc, Xuân Trường khó có thể nổi trội hơn. Chưa kể, thể lực của cầu thủ này cũng không thuộc loại có số má và chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi hòa nhập với môi trường bóng đá Hàn Quốc vốn đi theo hướng tổng lực… Vậy thì cớ làm sao? Theo hầu hết các chuyên gia bóng đá Việt Nam, bản hợp đồng mang Xuân Trường tới Incheon United có nhiều yếu tố thương mại, mà ở đó các bên đều có lợi.
Cần biết rằng, tháng 10 năm ngoái, hai kênh truyền hình cáp của Việt Nam là Thể thao TV và Bóng đá TV đã mua bản quyền phát sóng giải K.League. Thế nhưng rõ ràng là sau hơn 1 năm, tầm ảnh hưởng của giải đấu này vẫn rất mờ nhạt trong lòng người hâm mộ Việt Nam. Rất ít người quan tâm tới giải đấu, thậm chí cả những người yêu mến bóng đá cũng chẳng biết nó phát sóng vào khung giờ nào và chẳng biết nó có bao nhiêu đội tham dự.
Giống như J.League, K.League cũng rất quan tâm tới thị trường rộng lớn ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Vậy nên họ đã lên những kế hoạch cụ thể để khuếch trương giải đấu. Incheon United chính là đội đi tiên phong khi triển khai kế hoạch chiêu mộ cầu thủ gốc Đông Nam Á đầu tiên trong vòng 30 năm qua. Tất nhiên, họ cũng rất muốn Xuân Trường tỏa sáng, nhưng ngay cả khi tiền vệ này không thể hiện được nhiều, thì ít nhất đội bóng này cũng giúp tên tuổi của họ và K.League được biết đến nhiều hơn trong lòng người hâm mộ Việt Nam lẫn Đông Nam Á.
Về phía HAGL, việc xuất khẩu Xuân Trường sang Hàn Quốc sau khi đã để Công Phượng và Tuấn Anh ký hợp đồng với những CLB Nhật Bản, càng chứng tỏ hướng đi của họ là đúng đắn. Giờ đây, HAGL và những gương mặt như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… đã in dấu đậm nét trong lòng khán giả và đó tất nhiên là cái cao nhất mà những người làm bóng đá hướng đến. Thêm nữa, HAGL cũng mở ra một chương mới trong việc hợp tác với các đội bóng đến từ các nền bóng đá phát triển, cụ thể ở đây là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Riêng với cá nhân Xuân Trường, ra nước ngoài thi đấu hay đúng lớn là đi “du học”, là một cơ hội hiếm có với một cầu thủ Việt Nam. Rất khó để kỳ vọng Trường “híp” có thể tỏa sáng ở môi trường bóng đá khắc nghiệt và cần nhiều thể lực như K.League, nhưng chắc chắn anh sẽ học hỏi được rất nhiều và khi trở lại Việt Nam, sẽ có thêm nhiều thứ để đóng góp cho HAGL lẫn nền bóng đá nước nhà. Như người xưa vẫn nói, đi một ngày đàng sẽ học nhiều sàng khôn…
Nguồn: Đông Hưng - Dân Việt Đăng lúc: 19:00 30/12/2015
Incheon United đã chính tức ký hợp đồng có thời hạn 2 năm với Lương Xuân Trường. Ở thời điểm này có thể khẳng định, đây là bản hợp đồng mang tính thương mại nhiều hơn là chuyên môn. Tất nhiên, các bên đều có lợi, từ Incheon United, đến K.League, HAGL và cả Xuân Trường.