Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định

76 Vỵ Xuyên - Nam Định - Nam Định , Nam Định , Nam Định

Giới thiệu

Giới thiệu

Trường Thành Chung Nam Định ra đời theo nghị định số 2455 do Toàn quyền Động Dương Mô-ri-xơ Long(maurice Long) ký ngày 24-08-1920. Nghị định đã quy định, năm học đầu Nam Định được mở một lớp, kinh phí 4.500đ, tuyển sinh các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình. Báo Trung Bắc Tân Vân, một tờ báo được thực dân Pháp bảo trợ, sau kêu xin được cho một số học sinh 15 tuổi vào học. Số báo ra ngày 8-10-1920 đã đưa tin lớp học đầu tiên của trường Thành Chung Nam Định có 45 học trò. Lớp học đặt tại một căn phòng gần Sở Bưu điện bây giờ. Người Thầy Việt Nam từ năm học đầu tiên của trường là thầy Nguyễn Văn Hiếu, hiệu trưởng là viên thanh tra người Pháp Lo-retx.

Năm học 1921-1922 của trường có 2 lớp (năm thứ nhất và năm thứ hai), học nhờ trường Cửa Bắc . Người Pháp giảng dạy một số môn. Người Việt Nam có thêm thầy Vũ Văn Roãn. Để chuẩn bị mở lớp năm thứ 3, ngày 13-2-1922, giám đốc Nha học chính Bắc Kỳ điện cho Nam Định yêu cầu xây dựng trường riêng. Công sứ Nam Định ủng hộ chủ trương ấy. Thành phố đã lấy 2.250m2 tại phố Gốc Ngái để xây trường (nơi đặt trụ sở UBMTTQ thành phố bây giờ). Thầy Hoàng Ngọc Phách chuyển về trường vào thời gian viết cuốn tiểu thuyết "Tố Tâm".

Năm học 1922-1923 với 3 lớp, trường chuyển về phố Gốc Ngái. Thầy Nguyễn Văn Hiếu chuyển về Hà Nội từ năm 1923. Nhà trường có thêm các thầy Nguyễn Văn Bằng, Mai Phương, Nguyễn Gia Tường.

Ngày 2-9-1923 giám đốc nha học chính Bắc Kì quyết định cho Nam Định được mở tiếp năm thứ tư.Do đó, trường mới được xây dựng ở đầu phố Bến Ngự (nơi đặt trường Tiểu học Phạm Hồng Thái bây giờ).

Năm học 1923-1924 trường có 4 lớp. Cũng như các trường khác, nhà trường được sự trợ giúp của Hội Bảo trợ học đường. Trường chuyển ra địa điểm mới và theo Nghị định số 2419 lúc bấy giờ của toàn quyền Đông Dương ký ngày 23-09-1924, trường đổi tên là Cao đẳng tiểu học Pháp - Việt.

Năm học 1924-1925 nhà trường tuyển 80 học sinh (vẫn chưa tuyển nữ sinh), nhưng năm học sau chỉ tuyển 40 học sinh vì thiếu lớp học.
Năm 1925 Sac-lơ Pa-trix, một nhà văn, được bổ nhiệm làm hiệu trưởng.

Những năm 1925 - 1928 trường có thêm nhiều thầy dạy. Các thầy người Việt Nam, tính đến năm 1925 có thêm các thầy Trần Văn Hào, Trần Văn Chử, Vũ Tam Thám, Đỗ Hữu Phúc, Ngô Duy Cừ, Phạm văn Bảng, Đào Văn Định, Vũ Tam Tập, Phan Đình Nghiu, Nguyễn Văn Chính, Phạm Văn Nam, Nguyễn Như Loan, Nguyễn Quang Xương, Vũ Văn Roãn. Đến năm 1927 có thêm các thầy Phan Thế Roanh, Dương Quảng Hàm, cụ kép Phạm Cao Bạt, thân sinh nhà văn Phạm Cao Củng, được tạm tuyển dạy Hán Văn.

Học sinh trường Thành Chung Nam Định có truyền thống học giỏi và yêu nước, chịu ảnh hưởng của các phong trào yêu nước và phòng trài cách mạng sớm lan tỏa vào trường từ những năm 1924, 1925. Gần nhất là phong trào công nhân trong thành phố đấu tranh đòi quyền con người. Nhiều sách báo đã xuất hiện trong nhà trường "L'annam" của Phan Văn Trường, "Le Paria", Người cùng khổ của Nguyễn Ái Quốc, báo Nhân đạo, "L'Humanite" của Đảng cộng sản Pháp rồi đến "Tuyên ngôn của đảng cộng sản".... Thầy trò chuyền nhau đọc. Có học trò chép và truyền nhau đọc.

Tháng 11-1925 khi thực dân Pháp kết án cụ Phan Bội Châu, cụ tú Nguyễn Khắc Doanh, người Nam Trực, xin chết thay cụ Phan. Sự việc này đã được đăng trên các báo, đã gây tác động mạnh đến các học sinh và nhân dân. Toàn quyền Đông Dương Varen phải ân xá cho cụ Phan. Cũng năm ấy nhiều vùng miền Bắc bị lụt lớn, học sinh trường Thành Chung đã tổ chức diễn kịch lấy tiền trợ giúp những người bị nạn.
Ngày 11-3-1926 nhà yêu nước Phan Chu Trinh mất. Phong trào truy điệu và để tang cụ Phan từ Sài Gòn đã lan ra toàn quốc. Nhân dân Nam Định cũng đã đấu tranh đòi được tổ chức lễ truy điệu cụ Phan, nòng cốt là học sinh trường Thành Chung được các nhà nho và nhân dân nhà máy ủng hộ. Những người khởi xướng là Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Khắc Lương, Đặng Xuân Khu, Nguyễn Tường Loan, Đặng Châu Tuệ, Nguyễn Văn Hoan.... Học sinh đã bãi khóa và tổ chức thành công lễ truy điệu.

Sự kiện ấy đã gây tiếng vang lớn trong cả nước. Một số thầy giáo và một số lớn học sinh đã bị kỷ luật. Thầy Vũ Tam Tập phải đổi đi Lạng Sơn, thầy Đào Văn Định đi Sơn Tây sau đó đi Bắc Ninh, thầy Nguyễn Văn Chính đi Bắc Ninh. Theo quyết định số 1654E ngày 30-04-1926 của thống sứ Rôbanh thì 47 học sinh năm thứ 4, 7 học sinh năm thứ 3 trong đó có Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Tường Loan, Đặng Xuân Khu bị đuổi hẳn, còn có 30 học sinh lớp 3A, 28 học sinh lớp 3B bị đuổi tạm thời, và có khoảng 50 học sinh các lớp năm thứ hai và năm thứ nhất bị đuổi tạm thời hoặc bị tước hết học bổng.

Hiệu trưởng Saclo Patris bị coi là nhu nhược phải đổi về trường Bưởi dạy Văn-sử. Người thay thế là Đờ Phô-tơ-rô Vatxen. Sau lễ truy điệu cụ Phan, một số học sinh tự thôi học đi tìm đường cứu nước. hơn một chục người lần lượt sang Quảng Châu tìm gặp cụ Nguyễn ÁI Quốc được cụ giác ngộ, huấn luyện rồi trở thành những đại biểu Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (VN TNCMDCH).
Năm 1927, đồng chí Nguyễn Văn Hoan đã tổ chức chi bộ VN TNCMDCH đầu tiên ở trường Thành Chung. Những người đầu tiên gia nhập tổ chức là Trần Việt Giần, Ngô Thế Ruông,
Đặng Vũ Tiềm, Đặng Vũ Giác, Đặng Tiện Quỳ rồi đến Đỗ Như Lăng. Chi bộ này ghép với chi bộ công nhân do đồng chí Trần Văn Lan, thợ điện nhà máy sợi làm bí thư.

Từ năm 1928 đến năm 1932 các học sinh khác của trường Thành Chung như Tống Phúc Chiểu, Đặng Châu Tuệ, Vũ Văn Mẫn, Vũ Công Phụ, Lưu Đình Diêu, Nguyễn Văn Chước, Đỗ Duy Ninh, Nguyễn Thượng Chí, Đặng Vũ Rạng, Trần Văn Ngoạn, Vũ Đức Oong, Hoàng Thọ Tiểu, Vũ Ngọc Thuần,...lần lượt được kết nạp Đảng.

Năm 1928 có một số người tìm đường sang Xiêm bị bắt giữ lại. Ngày 18-12-1928, Rôbanh lúc này là toàn quyền Đông Dương ký Nghị định số 5438 cấm 6 người không được làm việc nhà nước. Đó là Nguyễn Trịnh Bảo, Vũ Tiến Lữ, Lê Trọng Quy, Nguyễn Tuân, Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đình CHung. Có hai học sinh tham gia VN Quốc Dân Đảng, một tổ chức lúc đấy cũng chống đế quốc Pháp; nhưng khi thấy sự bế tắc của đường lối, các anh đã ly khai và gia nhập Đảng Cộng Sản. Đó là trường hợp các anh Nghiêm Tử Trình và Nguyễn Tuân, Nguyễn Tuân trở thành nhà văn trong điều kiện như thế.
Từ năm 1930 đến 1935 bộ máy nhà trường có thay đổi. Hiệu trưởng là A-ga (Agard), các thầy người Việt Nam là Vũ Văn Roan, Phạm Văn Nam, TRần Văn Hào, Phạm Xuân Độ, Hoàng Đình Ân, Phạm Đình Nghiu, Phan Thế Roanh. Thầy Vũ Tam Tập đi một năm lại trở về, thầy Đào Văn Định đi 5 năm thì trở về. Thầy Ngô Duy Cừ mất năm 1936.

Những năm 1931-1935 thực dân Pháp khủng bố mạnh. Nhiều học sinh là nòng cốt của phong trào đã thôi học, đi hoạt động cách mạng. Phong trào có lúc lắng xuống, nhưng lại vẫn có lúc bùng lên với những sự kiện đáng ghi nhớ. Một sự việc đáng kể là học sinh trường Thành Chung tham gia cuộc vận động nhân dân thành phố Nam Định không đi xem đoàn xiếc nước Anh biểu diễn, triệt để tẩy chay tên Ham-xton, chủ gánh xiếc đã xúc phạm dân tộc Việt Nam.

Việc làm ấy có tiếng vang lớn, lan truyền đến Vinh và các nơi khác. Hamston bị tẩy chay, bị xua đuổi khắp nơi, hết đường hành nghề, đành bắn hết hổ báo... đến mức kiệt sức, phải hổ thẹn và cuối cùng đã tự sát!!! Học sinh trường Thành Chung còn vận động nhân dân không đi đón " Bảo Đại ngự giá Bắc tuần". Thời kỳ này còn có thêm một số nhân tài trong học sinh xuất hiện : Trần Hữu Trí, do hoàn cảnh túng thiếu, đã bỏ học, đi dạy tư và viết văn.... và anh đã sớm trở thành nhà văn Nam Cao đáng tự hào của quê hương đất nước. Còn phải kể đến các nhạc sĩ Bùi Công Ký, nhà văn Nguyễn Văn Niêm, Trần Lê Văn,... Người học sinh xuất sắc Vũ Công Hậu đã đứng đầu cuộc thi học sinh giỏi toán các trường trung học toàn Đông Dương. Trong đội ngũ các thầy giảng dạy thời gian ấy có một số thầy đi làm kiểm học rồi làm đốc học ở một số tỉnh miền Bắc. Đó là thầy Nguyễn Như Loan, Nguyễn Quang Xương, Vũ Văn Roan....

Từ năm 1936-1937 , nhà trường có thêm thầy Đỗ Trọng Cảnh, Đăng Lợi Hàm, Nguyễn Đình Hường, Nguyễn Bá Cường. Hiệu trưởng A-ga bị đổi đi nơi khác vì sự việc xúc phạm đến nhân cách học sinh và dân tộc Việt Nam, học sinh phẫn nộ , phản ứng lại mạnh mẽ và rải truyền đơn chống đối. Ma-nơ-van (Pierre Maneval) về thay.
Trong khoảng thời gian ở Pháp, Mặt trận bình dân cầm quyền , thực dân Pháp cho xây dựng một trường lớn có 8 lớp đủ tiện nghi, phương tiện thí nghiệm, thực hành với mức khá hiện đại ở đầu đường Cổng Hậu (gần bến oto cũ bây giờ). Di tích còn lại của trường nay là phố Thành Chung.

Năm học 1937 -1938 trường chuyển về địa điểm mới và bắt đầu nhận học sinh nữ. Mỗi lớp có khoảng 5 nữ sinh. Đồng thời, nhà trường cũng nhận thêm một số học sinh là con em Pháp kiều không có điều kiện học ở truờng Sa-rô ở Hà Nộị. Năm học 1938-1939 Lô-hê-nê về làm hiệu trưởng thay ma-nơ-van. Sau đó, Lô-hê-nê bị động viên vào quân đội sang đánh nhau ở Cam-pu-chia, Bre-ăng thay được ít lâu thì Ma-nơ-van trở lại trường nhận chức vụ cũ cho tới ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, nắm chính quyền ở Đông Dương, thì bị Nhật bắt, sau được trả tự do, trở về Pháp.

Trong tình hình cụ thể của những năm 1936-1939, phong trào cách mạng được phục hồi và phát triển, có sự họat động của các đồng chí Đào Năng An, Đình Gia Thái, Vũ Quốc uy, Nguyễn Công Bổng, Phan Đình Đống, Phạm Văn Cương, Hà Văn Lộc, Nguyẽn Bá Huấn, trong phòng trào đoàn thanh niên Dân chủ rồi đến đoàn thanh niên Phản đế. Lúc ấy các đồng chí này đang học năm thứ 3 (1939), nhiều đòng chí bị bắt, bị tù đầy vào tuổi 16, 17.

Từ năm 1939 đến năm 1940 có các thầy Đỗ Văn Đoan, Thạch Quan Tuấn, Nguyễn Hữu Văn, Đào Đình Khánh, Nguyễn Thụy Hùng, Nguyễn Trọng Thuyết, Nguyễn Quang Hồ, Hà Văn Bính, ....nối tiếp nhau về trường. Năm 1942, trường cao đẳng tiểu học Pháp -Việt đổi tên thành trường Trung học. Thời kỳ này các học sinh Phạm Ngọc Khuê, Phạm Ngọc Lê, Trần Hữu Bái,... tham gia hoạt động thành lập Đoàn thanh niên cứu quốc trong mặt trận Việt Minh, rồi tham gia tổng khởi nghĩa.

Khi chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật ra đời, thầy Phan Thế
Roanh được cử tạm quyền hiệu trưởng.College de Nam Dinh được đổi tên thành trường Trung Học Nguyễn Khuyến. ít lâu sau thầy Phó Đức Tố, giáo sư trường Bưởi chính thức về làm hiệu trưởng. Giặc Nhật chiếm trường ở đầu phố Cổng Hậu làm doanh trại, trường trở lại địa điểm cũ ở đầu phố Bến Ngự. Cách mạng tháng Tám thành công, quân Tàu Tưởng lại vào chiếm trường thay quân Nhật.

Năm học 1946-1947 , trường đổi tên thành trường trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến có Ban Toán-Lý-Hóa và ban Vạn vật. Lần đầu tiên bậc trung học chuyên khoa (THCK, tức phổ thông trung học-THPT hoặc phổ thông cấp 3 có phân ban) được mở ở thành phố Nam Định. Có một số thầy mới về như: Vũ Bình, Nguyễn Đình Nam, Nguyễn Hữu Ngọc,...
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, năm 1947 trường chuyển đến xã Yên Mô, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương (CSDD) trường THCK Nguyễn Khuyến, tức THCK Nguyễn Thượng Hiền sau này, được thành lập ngày 13-1-1948, lúc đầu gồm 4 đồng chí: Đào Nguyên Cát (bí thư), Nguyễn Văn Đắc, Phạm Văn Phối, Vũ Phi Hoàng (đều là Đảng viên về đi học). Một bộ phận của trường Nguyễn Khuyến, chủ yếu là cấp 2, tản cư về Trà Bắc, huyện Xuân Trường Nam Định, do thầy Đào Đình Khánh làm hiệu trưởng.

Cuối năm 1948 Pháp đánh Pháp Diệm (Ninh Bình), trường THCK Nguyễn Khuyến chuyển vào thôn Ngô Xá, xã Đại Đồng, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đổi tên thành trường THCK Nguyễn Thượng Hiền, có các Ban Tóan- Lý - Hóa, Ban Vạn vật là Ban Ngoại ngữ. Năm 1950, khu giáo dục Liên khu 3 quyết định thành lập trường Cao đẳng sư phạm (CDSP) Liên khu 3, lúc đầu lấy một số học sinh chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền chuyển sang học sư phạm. Có 2 BGH: Thầy Phó Đức Tố làm hiệu trưởng trường THCK Nguyễn Thượng Hiền, thầy Đỗ Trọng Cảnh làm hiệu trưởng trường CDSP Liên khu. Lúc đầu 2 trường có chung một chi bộ Đảng CSDD lãnh đạo, sau tách thành 2 chi bộ đều trực thuộc Tỉnh ủy Đảng CSDD tỉnh Thanh Hóa.

Lúc này trường THCK Nguyễn Thượng Hiền đã trở thành một cái nôi đào tạo nhân tài, tập hợp nhiều học sinh muốn học lên THCK của đồng bằng Bắc Bộ và miền Bắc Trung Bộ (bao gồm cả nhiều học sinh từ các thành phố tản cư về), trong đó có những đảng viên đã đi công tác nay được Đảng cho về trường tiếp tục học để hoàn thành bậc tú tài.

Đến những năm 1952, 1953 ở Liên khu 3, đã phát triển thêm một số trường cấp 3 như các trường Hoa Lư, Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu, Hồ Tùng Mậu ( các thầy Đào Văn Định, Nguyễn Văn Vận,... của trường Nguyễn Thượng Hiền được cử sang làm hiệu trưởng); đến khi giải phóng, những trường hợp này hợp nhất lại thành trường cấp 3 Liên khu 3 và trở về đặt trụ sở tại thành phố Nam Định (1954). Năm 1959, trường đổi tên thành trường Lê Hồng Phong và nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong-Nam Định
Suốt chiều dài lịch sử, lớp lớp các thế hệ thầy, trò nhà trường luôn đi theo Cách Mạng. Một số đã đảm nhiệm những trọng trách của Đảng và Nhà nước, giữ những cương vị quan trọng như Tổng bí thư Đảng, chủ tịch HDNN, Ủy viên bộ Chính trị, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cục trưởng, là sĩ quan cao cấp trong các lực lượng vũ trang, nhiều người khác nữa hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, XH, khoa học, văn hóa, giáo dục,.... một số đã trở thành những nhà giáo, nhà văn, nhà khoa học, những nhà họạt động XH, những nghệ sỹ nổi tiếng trong và ngoài nước.

Chú thích : Một số học sinh trường Thành Chung Nam Định khi tham gia họat động cách mạng, mang bí danh như: Đặng Xuân Khu (Trường Chinh); Phan Đình Đống (Mai Chí Thọ); Phạm Văn Cương (Nguyễn Cơ Thạch); Đặng Vũ Rạng (Đặng Việt Châu); Hà Văn Lộc (Thép Mới), Nguyễn Bá Huấn (Hoàng Nguyên); Phạm Ngọc Khuê (Nguyễn Văn Giáp); Trần Hữu Bài (Trần Lê Đông).

Maps:


Nguồn: www.place.vn/dia-diem/truong-thpt-chuyen-le-hong-phong-nam-dinh-21768


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận