Truyện: Ác Quỷ Trên Thiên Đàng

Tác giả: Henry Miller

Thể loại: Tiểu thuyết

Henry Miller - Một nhà văn đã từng gây ra rất hiều tranh cãi và làm tốn không ít giấy mực của giới báo chí, truyền thông, các tác phẩm của người đàn ông này hướng tới những vấn đề nhục dục, điều mà ở vào thời điểm 30 năm trước cái chết của ông bị cấm đoán nghiêm ngặt. Nay chúng ta cùng tìm và đọc: Ác quỷ trên thiên đàng

\tiểu thuyết nổi tiếng của Henry Miller

Ác Quỷ Trên Thiên Đàng

Ác quỷ trên thiên đàng kể một câu chuyện sáng rõ, một hồi ức từ cuộc đời phong phú của H. Miller gắn với một người bạn, một “món nợ” đặc biệt của số phận ông, từ những năm 1930 ở Paris: nhà chiêm tinh, họa sĩ Conrad Moricand, với tuyến truyện cốt lõi là những tháng ngày Moricand cùng kiệt ở Paris, được Miller “giải cứu” bằng cách mời sang Big Sur (California, Mỹ) sống cùng gia đình ông (vợ và một con gái). Câu mở đầu tưởng chừng rất bình thường của cuốn sách: “Chính Anaïs Nin là người giới thiệu tôi với Conrad Moricand” lôi kéo những người đọc quan tâm tới tiểu sử Henry Miller vào không khí đặc trưng trong những cuốn sách của ông: sự vô phân biệt - chứ không phải cố tình lấy tiểu sử để giễu nhại hay gây mơ hồ - của hư cấu và sự thật cuộc đời. Các nhân vật có thực, có vai trò quan trọng trong đời tác giả: Anaïs Nin - người tình ở Paris, Moricand, vợ và con gái ở Big Sur, Leon Shamroy - nhiếp ảnh gia chóp bu của hãng phim Fox, “người đoạt hết các giải Oscar” như giới thiệu của Miller trong truyện - cùng vô số các nhân vật, các chi tiết khung cảnh, các sự kiện, các cuốn sách, các bức họa… như thể tự nhiên từ đời sống vào văn chương. Từ đây, không chỉ Moricand trở nên nổi tiếng, nhiều nhân vật khác cũng đều là những con người sống động đáng kể.

 Cuốn sách mỏng mảnh này, ngay từ nhan đề đã muốn “ám sát nhân vật chính”, nhưng nước Mỹ thiên đàng không phải là phông nền để tô đậm chân dung một ác quỷ. Thế giới của Miller luôn “siêu hình” hơn. Mặc dù kết cục bi đát là sự chấm dứt tình bạn, Moricand bị ném trả về Paris - nơi ông chết trong nghèo khổ và đơn độc, chết trong vô danh, trong sự phỉ báng, và chưa bao giờ được bảo vệ trong suốt nhiều thập kỷ sau khi chết, trong cuốn sách Miller đã bộc lộ một mối thấu cảm đặc biệt với con người “khắc khoải, cứng rắn, thất thường và quả cảm” này, “con người khắc kỷ mang theo mình cả một nấm mồ”.

 Từ đoạn xuất hiện nhiếp ảnh gia Leon Shamroy - bạn đọc có thể khám phá một tính cách “đặc Mỹ” của các phim Oscar - Moricand càng tiết lộ những bệnh hoạn nội tâm làm nên sự hấp dẫn đặc biệt của con người hắn, như hầu hết các nhân vật điên loạn, qua hai chiếc vali mà hắn khư khư kéo lê bên mình qua những năm thế chiến thứ hai bạo loạn, chứa đầy những tranh vẽ cảnh dâm dục, bạo lực, xâu xé thịt người, “những sách, những giấy tờ, lá số, những gì trích ở Plotinus, Lamblichus, Claude Saint-Martin…”, những thứ “của nợ” mà hắn không thể vứt đi bởi đó chính là thế giới của riêng hắn, là cái quý giá nhất đời hắn. Xin hãy đọc lại đoạn đối thoại giữa Miller và Moricand, trang 115 cuốn sách này, trang sách tuyệt vọng về chân dung - nấm mồ Moricand, kẻ không thuộc về hiện tại, không thuộc về thế giới đang sống, kẻ không còn khả năng hồi phục, thay đổi, không còn cần được thương xót và do đó, chính là kẻ tự kết liễu tình bạn, tự kết liễu số phận mình.

 Mười năm ở Paris đủ khiến Miller nhận ra “chẳng có gì còn lại cho nhà văn mà tôi hy vọng, chỉ còn lại nhà văn mà tôi phải là” (Thế giới tính dục).

 “Liệu ta phải tìm đến sách, đến thầy, đến khoa học, đến tôn gáo, đến triết học, liệu ta phải biết nhiều đến thế sao - tuy có là bao - rồi mới dám sống sao? Liệu ta cứ phải hành hạ thân mình, đủ tình đủ tội rồi mới hoàn toàn tỉnh ngộ và hiểu biết hay sao?... Hãy quên, hãy tha thứ, hãy từ bỏ, hãy thoái vị…” - những cuốn sách mỏng và tiết lộ dấu hiệu đặc biệt thường mời gọi độc giả đọc và đọc lại không chỉ một lần.

Mời bạn đọc thưởng thức!

 


Nguồn: truyen8.mobi/ac-quy-tren-thien-dang-c13a6351.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận