Tác giả: Caty
Thể loại: Truyện ngắn
Nói thật là cho đến giờ phút này, tôi chẳng thể hiểu nổi chị Ba là người như thế nào? Tốt hay xấu nữa nhưng chắc chắn một điều là chị Ba không hề biết đến cái sự “ngượng ngùng”. Như chưa từng có chuyện gì xảy ra, như chưa bao giờ nói với mẹ tôi điều gì, chị Ba Chèo vẫn cất cái giọng thánh thót khi vừa có mặt ở nhà tôi: “Trời ơi! Công nhận thím Hai mát tay ghê nha! Trồng đu đủ chi mà sai quá! Mấy tháng trước con cũng trồng mà có thấy có trái nào đâu”. Mẹ tôi nở một nụ cười rất máy móc rồi hờ hững “ Chuyện gì nữa đây?”.” Mệt thím ghê! Thím làm như con là nợ đời nợ kiếp hỏng bằng, Bà Sáu Hồng bả nhờ con qua đây thăm thím đó”. Như không tin vào tai mình mẹ tôi hỏi lại: “Mày nói sao?”.” Ủa! Chớ thím hỏng nghe người ta nói bà con xa không bằng láng giềng gần hả? Giận thì cũng giận có lúc thôi! Chứ hỏng lẽ tránh mặt nhau đến cả đời. Người ta có lòng mà thím hẹp dạ hoài coi đâu có được”. “Mày nói cũng phải nhưng tao cũng thấy kỳ vì trước đến giờ có nói chuyện với nhau đâu?”. “Không nói thì bây giờ nói! Bả còn nói con qua đây bày thím cái này! Mà thằng Út đâu rồi thím?”.Tôi giật mình khi nghe chị Ba nhắc đến tên mình, sợ ư! Mà có gì để sợ hơn nữa chứ! Tiếng của mẹ tôi thở dài: “Đêm qua nó thức khuya nên chắc giờ này còn ngủ”.”Tội ghê hôn! Chắc là nó buồn dữ lắm! Hay thím đi chữa bệnh cho nó đi!?”.”Tao có biết nó bịnh gì đâu mà chữa, hỏi nó thì nó đâu có nói!”.”Trời ơi! Thì cái bịnh không mê đàn bà chứ bịnh gì nữa! Bịnh này mang tiếng lắm!”.”Biềt rồi! Nhưng chữa làm sao thì ai mà biết!”.”Con có quen một ông thầy trên núi giỏi lắm, cái con Năm Tẹt ở xóm trên cho người ta mượn tiền rồi người ta giựt luôn. Tức quá nó lên nhờ ông thầy này làm phép, bốn ngày sau là cái đứa mượn tiền bị xe đụng gãy giò luôn! Đó! Thím thấy linh không? Nên bây giờ mình lên đó, nhờ thấy ếm cho cái ám khí của thằng Tạo không còn đeo đuổi trong lòng của thằng Út nữa” Vừa nói chị Ba Chèo vừa vỗ tay bôm bốp làm mẹ tôi cũng sướng lây, có một niềm hy vọng khẽ trào ra ánh mắt nhưng rồi mẹ tôi cũng kịp nghĩ lại: “Làm vậy liệu thằng Tạo có bị điều gì không?”.”Nếu ám năng quá thì thầy sẽ ếm chết mất xác luôn chớ làm sao?”.Tôi nghe mà chân tay muốn rụng rời dù chưa biết ông thầy đó giỏi giang đến đâu. Tình cảm mà tôi dành cho anh đâu có gây tổn hại cho ai sao người ta cứ muốn chia lìa. Mà đã chia lìa thật rồi chứ cò còn gần gụi gì đâu! Bóng dáng của anh tôi còn chưa biết nó đang ở nơi nào thì sao người ta vẫn chưa chịu yên lòng cơ chứ! Rồi họ sẽ giết anh sao mà anh thì có tội tình gì! Tất cả là do tôi kia mà! Tôi vừa nghĩ vừa thầy môi mình mặn đắng trong khi giọng chị Ba Chèo vẫn cứ oang oang trước cổng. “Nó chết thì mặc xác nó chớ có liên quan gì đến mình đâu, với lại con mình là trên hết mà thím Hai. Mai mình đi nha thím!”. Có lẽ ông thầy đó giỏi thật nên bốn năm rồi tôi vẫn không nghe được tin gì về anh, chỉ có điều nỗi nhớ thì vẫn luôn thường trực trong bờ ngực trái.
Bốn năm thì tạo hóa vẫn chưa thay đổi được gì nhiều, thì mặt trời cũng còn mọc ở phía đằng đông đó thôi nhưng lòng người thì có khác. Người ta đã quên bẵng chuyện của tôi hôm nào để thay vào đó bằng những câu chuyện khác. Đó là chuyện hối năm trước chồng chị Ba Chèo mê người đàn bà gần bằng tuổi mẹ mình rồi cuốn sạch quần áo ra đi. Đi đâu thì không biết nhưng chỉ biết là đi có đôi, có cặp…Người đàn bà ấy tuy không còn trẻ nữa nhưng đang độ hồi xuân, mà cái độ này thì nghe nói có nhiều ham muốn lắm nhưng ngặc nỗi lão chồng lại vắn số. Bà mua miếng đất sát nhà chị Ba Chèo được vài tháng thì lấy luôn chồng chị. Thấy sống ở đây không được vì sợ mang tiếng thị phi nên bà bán luôn mảnh vườn rồi ra đi cùng chồng chị Ba Chèo. Ai cũng nói bà này giỏi thiệt, ngực chảy đến gần rốn mà còn dụ được trai non. Gã yêu người đàn bà này đến nỗi bỏ luôn người vợ trẻ hây hây cùng năm đứa con nheo nhóc của mình. Báo hại chị Ba ngày nào cũng ra phía bờ sông hướng mắt về phía mặt trời lặn mà nước mắt chảy tràn, quệt hết giọt này thì lại tuôn ra giọt khác. Thỉnh thoảng có người lạ đến làng thấy chị đứng như vậy cứ tưởng là con nhỏ này già đầu mà còn khéo mơ, khéo mộng, còn thích ngắm hoàng hôn, chứ đâu có biết chị đang ngóng chồng mình vị nghe người ta nói lại:“ Tao thấy hai người đi về hướng này nè!”. Ngóng mãi tận phía chân trời mà chẳng thấy bóng chồng mình đâu chỉ thấy những đám mây cứ trôi dần qua đỉnh núi, chỉ thấy những cánh cò, cánh vạt trãi rộng trên đồng ruộng mênh mông. Ngóng bóng chiều tà được vài tháng thì chị Ba hóa ra như điên dại, cứ múa hát tối ngày, hái mấy bông hoa dại mọc ở bên sông cắm lên mái tóc rối tung rối mù để nghĩ mình còn trẻ lắm, như gái mới dậy thì, dậy thì nỗi gì khi ngực chị lúc nào nó cũng ri rỉ sữa tươi? Thế là cái làng tôi kháo nhau, kẻ thương tình thì nói: “Tội nghiệp con nhỏ! Tụi bây thấy chưa đàn bà là vậy đó! Đã yêu ai thì yêu hết dạ hết lòng, vậy mà! Tội nghiệp con nhỏ...” Còn kẻ ác miệng thì đồn thỗi: “Cái thứ đó ngu! Chỉ vì cái cục thịt dư chưa đầy một lạng mà phải khổ sở như vậy hả! Gặp tao hả là tao đi lấy chồng liên, thời buổi này đâu có thiếu đàn ông!”. Nhưng chị Ba đâu có nghe, mà có nghe thì bây giờ chắc gì chị Ba hiểu. Mấy đứa con của chị khóc thét cả ngày vì khát cơm, khát sữa chị còn không biết thì huống gì mấy câu nói của người dưng. Vậy là từ ngày chồng chị bỏ chị ra đi, chị đã trở thành một người khác, vô tâm và ngớ ngẫn hơn. Và cũng từ nguyên nhân này mới có câu chuyện thứ hai. Là cái chuyện của chồng bà Sáu Hồng, thấy người ta điên như vậy mà cũng còn ham hố, cũng không chịu thương tình mà buông tha cho người ta nữa. Ổng nghĩ là điên là điên ở trong đầu thôi, chớ mấy thứ còn lại ở phía bên ngoài thì đâu có sao. Cứ tối đến ông Sáu lại bỏ bà vợ già của mình ở nhà và lấy cớ là đi dặm ghẹ ở ngoài sông. Mà ngộ thiệt, đi dặm ghẹ sao không chịu xuống sông mà lại cứ tìm đến nhà chị Ba, nhác thấy bóng đàn ông chị Ba đâu có biết là ai mà cứ nghĩ chồng mình, rồi chị chạy ra, ôm chầm lấy ông Sáu cuống quít: “Anh Chèo! Anh về rồi hả! Anh về với em thiệt đó hả! Anh không bỏ mẹ con em nữa nha anh!”. Vừa nói, chị Ba vừa khóc tức tưởi như trẻ dại. Dù biết đối phương chẳng có tình ý gì với mình nhưng ông đâu có dại gì mà phản ứng lại, ông Sáu cứ để như thế, cứ để cho nó theo cái mạch nguồn tự nhiên, rồi đạu cũng sẽ vào đó ngay thôi mà, rồi ông sẽ cởi nút áo của chị ra, nói vậy là cho cẩn thận chứ không biết bây giờ khi mặc áo chị có còn nhớ đến việc cài nút hay không nữa. Rồi kế đến thì ông làm cái trò gì thì ai cũng biết…Ông nghĩ điên cũng có cái hay, vì như lúc trước nếu muốn ngủ với ai khác vợ mình thì ông phải bỏ độ trên dưới hai chục kg gạo thì bây giờ chẳng cần phải trả thứ chi hết. Chỉ là để thỏa mãn chứ có phải là để yêu đâu mà cần nó tỉnh táo, tỉnh táo biết đâu nó lại la làng, lại hét toáng lên thì mặt mũi mà ăn nói với bà con. Thế nên ông rất mãn nguyện với người đàn bà điên như chị Ba. Nhưng ông Sáu ăn vụng với chị Ba lại không được khéo cho lắm, ông chỉ nghĩ đến việc là ngủ được với chị Ba thôi chứ không tính đến chuyện hậu sự hay những thứ nó phát sinh nằm ngoài ham muốn của con người. Thì đã nói là chỉ có cái đầu của chị Ba nó không bình thường thôi, chứ mấy cái thứ còn lại, đặc biệt là vùng bên dưới họ hoạt động còn tốt lắm. Nên cái bụng chị Ba mỗi ngày nó cứ dần to theo quy luật của tạo hóa. Ông Sáu cứ trốn nhà suốt như thế thì trách sao mà bụng chị nó không to lên. Ban đầu hàng xóm cứ kháo nhau: “ Con Ba Chèo tự nhiên bụng bự ghê lắm!”.”Chắc là nó bị sơ gan cổ trướng hả?”.”Bị sơ gan thì da nó phải vàng, phải đau phải yếu, chớ nó trắng nõn à! Hay là nó có chữa?”.”Chồng nó đi cả năm nay thì làm sao mà chữa”. “Thì không phải chồng nó thì thằng khác!!! Bộ chỉ có chồng nó là đàn ông chắc”.”Thôi! Không biết thì đừng nói! Chớ nghĩ tùm lum là mang tội chết!”. Người ta cứ bàn tán mãi mà không thể nào tìm ra được câu trả lời cho cái kỳ tích bụng bự của chị Ba. Điện mà! Nên lúc đau đẻ cũng đâu có biết là mình sắp sinh. Thấy đau bụng quá nên chị nằm luôn xuống bãi cỏ rồi thét vang trời đất, tóc tai rũ rượi, mồ hôi của chị tứa ra thấm qua áo quần để lộ ra tất cả những gì mà làm con người ai cũng muốn giấu. Vừa lúc đó có mấy người chạy đến đưa chị lên trạm xá, nhưng chưa kịp đến trạm xá thì cục máu đã vọt ra khỏi lòng mẹ, Dây rốn chưa kịp cắt, cứ để dính chùm giữa mẹ với con, máu tươi ứa ra như mạch nước ngầm nhầy nhụa với nhau thai làm cho ai nấy cũng thấy buồn nôn mà phải cố. Đến lúc này mà chị Ba Chèo vẫn không biết mình sinh, mắt vẫn trơ tráo nhìn mọi người rồi cười, rồi khóc. Khóc cười một lúc thì ngất lịm. Khi đến trạm xá thì mới hay người ta nói: “Chết rồi! Chỉ cứu được con”. Biết chuyện của chị Ba mà tôi tím ruột tím gan, hóa ra cái nỗi buồn của tôi nó có thấm tháp gì so với niềm đau của chị vì ít ra tôi vẫn còn được tỉnh táo. Người ta là đàn bà mà còn bị bỏ rơi, để rồi điên, rồi dại, rồi chết thì huống chi là mình, chỉ đàn bà có một nửa thì thấm tháp gì. Người ta bỏ đi thì cũng phải thôi! Sự cảm thương về cái chết tức tưởi của người bà điên làm tôi quên mất những gì mà chị đã gây ra cho mình và tôi nghĩ mình khi được sinh ra đời là đã quý chứ cũng không nên trách móc chi tạo hóa trớ trêu, bất hạnh chỉ là do con người dành cho nhau chứ không phải do trời đất.
Mấy đứa con của chị Ba rồi cũng có người nhận nuôi, mỗi nhà nuôi một đứa, chỉ có điều là đứa con cuối cùng của chị đi đâu người ta cũng kháu nhau: “ Trời ơi! Con của con Ba Chèo mà nó giống ông Sáu Hồng như tạc vậy!”. Tiếng lành đồn gần, tiếng ác đồn xa, nên nó đến tại Bà Sáu Hồng cũng là lẽ thường tình. Ban đầu thì bà đâu có tin, đến khi tìm đến gặp con thằng con của người mẹ hoang đàng đó thì mới thấy: “Giồng thiệt trời quơi! Giống từ đôi mắt sếch đến cái mũi vừa to vừa tẹt, giống cả cái bờ môi dưới lúc nào cũng muốn trề ra. Bà Sáu về nhà tra hỏi chồng mình nhưng ông Sáu đâu dám nhận, ông chối đây đầy rồi nghiến răng kèn kẹt: “Tổ cha cái đứa nào rảnh quá đồn bậy! Tao mà biết là bóp cổ cho chết tươi!” Nói vậy thôi chớ ai mà tin, Ông Sáu thấy gái là đã đứng đực ra rồi thì còn có thể bóp cổ ai. Về sau, mỗi khi có ai nhắc đến đứa con này thì Bà Sàu Hồng cũng trợn mắt nhìn chồng như muốn ăn tươi nuốt sống còn ông Sáu thì chỉ biết lặng im vì có nói cũng chỉ là những câu vô nghĩa. Bà Sáu Hồng mỗi lúc càng buồn, cái cảnh chồng bà chung cạ với chị Ba Chèo nó cứ ám ảnh bà hết đên này sang đêm khác, để rồi có một lần bà chạy sang nhà rồi nói với mẹ tôi:”Phải chi tính tình của ổng giống chút thằng Út thì đã hay!”. Mẹ tôi cười, cười mà đau mà thấm, cười cho cái sự của đời mà thấm cho cái sự của mình. Làm con người thiệt khó, sống sao cho ra con người lại càng khó hơn, cái được và cái mất nó cứ đan xen nhau làm mẹ tôi tiếc nuối. Thôi thì đành an ủi mình thôi chớ sao. “Thằng Út vậy nhưng không có làm điều chi ác hềt là được, chớ nó bình thường mà làm cái chuyện thất đức như vậy mới thiệt là đau lòng hơn”. Tốt nhất là đừng nên trách số phận làm gì, mỗi con người được sinh ra đều là ngọn cây, ngọn cỏ, ai cũng đẹp hết, có xấu thì tự thân nó xấu chứ đừng đỗ lỗi cho ai. Vây thì những người như tôi đâu có xấu, xấu hay chăng chỉ là do lòng dạ con người, người ta nghĩ xấu thì nó xấu thôi chớ tôi có làm gây hại chi ai. Chứ nếu làm được người đàn ông mà như ông Sáu Hồng thì tôi không dám nhận. Cha mẹ tôi bây giờ dường như thanh thản hơn, đôi lúc còn lại cười khi nghe tôi nhắc đến một câu mình mượn của người khác: “Đạo đức không phân biệt giới tính”