Truyện: Chín Phẩy Năm

Tác giả: Phạm Kim Anh

Thể loại: Truyện ngắn hay nhất

Truyện ngắn Chín phẩy năm mang đậm triết lý sâu sắc và biện chứng về cuộc đời: tất thảy đều mang tính tương đối, trong đó tình yêu cũng không là ngoại lệ.

 

Bà ngoại nó bảo trên đời này chẳng có thứ gì toàn diện hay tuyệt đối cả, chỉ tương đối thôi. Từ thời con gái, bà đọc sách nhiều, biết rộng, bà luôn đúng nên nó tin bà. Bà nó bảo "tương đối" khác với phiên phiến. Người nào phiên phiến là người vô trách nhiệm. Bà dặn: "Chớ có cầu toàn". Nó hỏi bà: "Nếu mọi thứ đều có một thang điểm thì không phải thang điểm mười mà là chín phẩy năm, bà nhỉ?". Bà không nói, chỉ cười. Nó hiểu bà định nói: "Cứ sống đi, con sẽ biết".

Lớn lên nó mới nhận ra bà rất hay triết lý. Nhưng nó thích kiểu triết lý của bà, gần gũi, dễ hiểu. Có lần bà bảo: "Có nhiều việc không nên hỏi vì sao người ta làm mà phải hỏi làm như thế nào. Người ta phải lòng nhau, ai biết được vì sao lại phải lòng". Nói chung nó cũng không hay đặt câu hỏi, chỉ trừ những lúc thật cần thiết và giống như bà, nó chỉ hỏi "như thế nào" chứ không hỏi "vì sao".

Nó ở với bà từ nhỏ, chịu ảnh hưởng nhiều của bà, có thể vì thế nó giống bà hơn giống mẹ. Bà kể: "Mẹ mày một mình một tính, khó nhất nhà". Ngày chị dâu nó mới về, mẹ xét nét từng tí. Nhiều đêm mẹ mất ngủ, thở dài sườn sượt, có khi chỉ vì chị dâu đi qua mặt mẹ mà không cúi thấp lưng hay đặt cái gì mạnh tay trước mặt mẹ. Mẹ kêu với nó: "Mình đi làm dâu, thở còn không dám thở mạnh. Thế mà giờ chúng nó vô tâm vô địa, chẳng hiểu nổi đoảng hay là hỗn". Nó gạt đi: "Mẹ để ý làm gì cho mệt. Con có thấy chị Hằng dám nói hỗn với mẹ câu nào đâu. Bà nói rồi, cái gì cũng tương đối thôi. Cứ "chín phẩy năm" là được mẹ ạ!". Mẹ trợn mắt: "Đừng có trứng khôn hơn vịt. Bà thì chỉ cần "tương đối" nên hai chục năm nay có ở được với mợ mày ngày nào đâu". Nó im. Những lúc ấy tự nhiên nó thấy buồn. Người ta cứ nói: "Giặc bên Ngô...", nhưng nó đâu để ý. Nhà nó có đến ba thế hệ. Bà bảo: "Giỏi là ở chỗ hòa hợp được chứ không ai khen giỏi cãi nhau". Chị Hằng cũng là người tốt. Giá mà mẹ bớt xét nét đi một chút...

Hai mươi tuổi nó bắt đầu yêu. Bà kể: "Ngày xưa các cụ không gọi là yêu mà là phải lòng. Lúc bằng tuổi con, bà đã có bác Thanh, ba năm sau thì có mẹ mày". Mẹ nó chỉ muốn nó học, có ý cản, bà ngăn: "Con trai con gái đến tuổi biết tìm nhau là lẽ tự nhiên. Đã là tự nhiên thì đừng cố làm trái, càng cấm càng không cản được đâu". Bà chỉ dặn nó: "Các cụ gọi là "tìm hiểu" chẳng sai tí nào. Các con còn trẻ, đừng vội, phải "tìm" để "hiểu" đã con ạ". Nó không dám nói gì, chỉ biết khó mà chia sẻ được với ai ngoài bà. Bà hỏi: "Bạn con thế nào?". Nó nói: "Với con thì tốt, bà ạ!". Bà vừa quệt vôi trầu vừa gật đầu: "Ừ, ai cũng có phần khuyết, con phải biết thông cảm. Hợp nhau là được". Nó cười: "Vâng, vẫn "chín phẩy năm" mà bà". Rồi bà lại kể hồi bà sinh bác Thanh, ông đi tối ngày, chỉ ghé qua nhà để xem con trai hay gái rồi đi. Ông vô tâm, bà cũng tủi thân. Nhưng càng sống bà càng hiểu ông thật lòng. Bà ốm, một mình ông nâng giấc. Đến phút hấp hối ông còn lo bà đi sau sẽ đơn độc. Bà bảo: "Phải biết cái gì cần hơn, biết lấy cái tốt nhiều lấp vào chỗ khuyết sẽ dễ sống hơn".

Nghe lời bà, nó cũng nhìn người yêu như ngày xưa bà đã nhìn ông - lấy cái tốt nhiều bù vào phần khuyết. Người yêu rất chiều nó. Nó có những gì mà nó thích. Nó đẹp lòng với bạn bè vì người yêu biết cư xử. Nó có người đưa đón, có người đồng hành đến với những nơi thuộc thế giới mơ mộng của mình. Bạn nó rỉ tai: "Hết ý đấy! Không phải chín phẩy năm mà là mười". Nó tự hào ra mặt. Chúng nó còn bảo người yêu nó "chơi đẹp". Nó không thích hai từ "chơi đẹp", nhất là khi nói đến tình yêu. Nhưng nhìn đám bạn sôi động hẳn lên mỗi khi người yêu nó xuất hiện, đứa nào cũng "tâm phục khẩu phục" và nể nó khéo chọn, nó lại vui. Nó nhủ thầm: "Anh ấy bóng bẩy thế kia mà rất bình dân, thế là quí rồi".

Mẹ lại tiếp tục cằn nhằn về chuyện chị Hằng, nó chẳng dám lên tiếng, len lén leo lên phản ngồi bóp vai cho bà. Nó hỏi: "Có bao giờ bà buồn vì không ở được với vợ chồng cậu Sơn không bà?". Bà cúi xuống, hai mắt chớp liên hồi, nhưng bà bảo: "Bà buồn làm gì. Vợ chồng cậu ấy khó khăn, mợ Liên phải bươn chải ngoài chợ, đốp chát một tí cũng nên thông cảm. Mợ con đâu phải người xấu. Mợ cũng biết chạy ngược chạy xuôi vì chồng vì con, bà nghèo chả giúp được, chấp mà làm gì". Nó ngừng tay, ôm lấy lưng bà. Nó thương bà quá. Nó biết bà nói dối. Vợ chồng cậu Sơn mấy khi đoái hoài đến bà, mẹ nó có mát mẻ bà cũng gạt đi: "Có trách thì trách con mình trước chứ trách gì con dâu". Hình như bà chưa bao giờ trách ai. Bà bảo đừng hỏi "vì sao" nhưng bà luôn tự lý giải cho mọi người rằng vì thế này nên họ phải thế kia. Nó chợt thấy xấu hổ. Nó học đến năm thứ ba đại học về xã hội nhân văn mà không hiểu nổi điều bà nói mà nó vẫn gọi là "chín phẩy năm" kia lại nhân văn đến thế.

Nó yêu. Một tháng, hai tháng, ba tháng... Mọi việc vẫn diễn ra đều đều, tốt đẹp cả. Nó không phải khóc vì người yêu. Nó vẫn có những gì nó thích, vẫn có người đưa đón, vẫn đẹp mặt với bạn bè. Nhưng dường như có cái gì đó đơn điệu. Nó vẫn tự trấn an mình là không được cầu toàn, ai chả luôn thiếu một cái gì đó và càng không nên hỏi "một cái gì đó" ấy là gì. Nó nghĩ: "Có lẽ sự phẳng lặng đến mức đôi khi hơi đơn điệu này lại chính là sự bình yên".

Nó về nhà đúng lúc bà đang lúi húi lau dọn bàn thờ. Nó nhớ hai ngày nữa là giỗ ông. Nó lại làm cùng bà. Đột nhiên bà hỏi: "Sao bà chưa thấy con đưa bạn về chơi?". Nó giật mình. Bà nói tiếp: "Cũng phải biết cửa biết nhà nhau chứ. Ngày kia giỗ ông, con mời bạn đến ăn cơm". Nó đáp lí nhí: "Dạ, để con nói".

Nó nói với người yêu lời của bà, người yêu chỉ ậm ừ. Nó biết người yêu chưa muốn. Nó không nói nữa. Chưa bao giờ nó hỏi tại sao người yêu không muốn biết nhà nó hay không hỏi về bà. Nhưng lúc này tự nhiên nó chột dạ (lạ thật!). Nó có cảm giác mình như người vừa lùi một bước.

Ngày giỗ ông, người yêu không đến, nó buồn buồn. Bà hỏi: "Có chuyện hả con?". Nó lắc: "Không ạ. Tất cả đều phẳng lặng". Bà nhìn sâu vào mắt nó: "Sự phẳng lặng cũng chỉ tương đối thôi con ạ. Phẳng lặng quá sẽ thành không bình thường". Nó cúi đầu, tự dưng nước dồn lên khóe mắt, nó vội quay ra. Khấn ông xong bà lại ngồi trên phản ăn trầu. Nó lên ngồi cạnh bà, không nói gì. Bà ngẩng lên, bảo: "Làm việc gì cũng nên có một khoảng trống để lùi". Nó giật mình. "Để lùi?". Chẳng lẽ bà đoán trước được điều gì? Bà không nói thêm. Nhưng đây là lần đầu tiên nó thấy mình không chậm hiểu.

Chiều tan học, Dũng đuổi theo dúi cho nó mượn đĩa nhạc mới có cái tên là lạ: Tựa như tình yêu. Người yêu đến đón nó như mọi ngày. Nó chẳng biết người yêu nói những gì trên đường. Đầu nó chỉ có mỗi điều ngộ nghĩnh tựa như tình yêu kia thôi. Xe dừng ở đầu phố. Nó xuống xe. Người yêu nháy mắt với nó rồi lướt đi, tất cả đều quen thuộc.

Nó vẫn yêu. Bốn tháng. Năm tháng. Rồi sáu tháng. Nó đã có đĩa nhạc Tựa như tình yêu của riêng mình. Ngày nào nó cũng nghe. Nó vốn mù tịt về âm nhạc, nó không hiểu được những âm thanh của bản nhạc, chỉ nghe bằng cảm giác và cứ thắc mắc mãi về cái tên. Không lẽ những thứ tình cảm "tựa như tình yêu" là có thật?

Nó ốm. Hóa ra, kết thúc một sự đơn điệu không phải dễ dàng. Bây giờ nhìn lại nó mới tự hỏi: "Mình đã yêu như thế nào?". Nó không trả lời được, chỉ thấy những lần hẹn hò đầu phố, những buổi rong chơi, những bữa tụ tập cùng đám bạn - tất cả, ồn ào có, yên tĩnh có, nhòe đi trong mắt.

Từ hồi có cuộc thi SV đến giờ sao người ta hay gào lên "chín phẩy năm" với "xin cám ơn" đến thế. Mỗi lúc nghe thấy nó lại giật mình. Mà sao nó cũng hay giật mình đến thế? Người nó đầm đìa mồ hôi, bà ngồi bên lấy khăn khô lau cho nó. Bà không trách mắng nó, bà biết hết, bà chỉ buồn. Bà bảo: "Gắng đi con. Việc gì cũng cần có khoảng trống để lùi mà". Nó ngước lên nhìn bà, sụt sùi khóc. Chỉ có bà mới đủ từng trải để hiểu được điều tương đối "chín phẩy năm".

Chúc bạn đọc truyện vui vẻ!

 

Nguồn: truyen8.mobi/chin-phay-nam-c8a8422.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận