Truyện: Lật Đời

Tác giả: Sưu tầm

Thể loại: Truyện cổ tích

Lật Đời không phải là tên của anh, không ai biết tên họ anh là gì. Chỉ biết anh đã vạch ra được nhiều nỗi ngang trái đời, nên người ta gọi anh là Lật Đời.

 

Một hôm, vào lúc lúa ngoài đồng đã gặt xong, thì Lật Đời xin vào ở thuê cho một tên giàu có ruộng “thẳng cánh cò bay” ở dưới chân núi Tâu-phơ-rông. Hắn là một tay gian ác, ức hiếp người nghèo nổi tiếng. Thấy Lật Đời đến xin làm, hắn buột miệng chửi ngay:

- Thằng kia, mùa màng xong rồi, mày dẫn xác đến nhà tao làm gì? Định đến ăn hại ông đấy phải không?

Lật Đời đáp:

- Thưa ông, hết mùa này rồi sẽ đến mùa sau. Tôi còn biết làm rất nhiều việc. Tôi sẽ làm bất cứ việc gì ông giao cho: cày cấy, chăn ngựa, thổi cơm.

Thấy Lật Đời khỏe mạnh, hắn cho chàng ở để chăn ngựa.

Xong vụ lúa, tên nhà giàu gọi phưởng thợ đến đóng cho nó một chiếc xe. Xe đóng xong, nó ngả trâu, dê, gà ra ăn mừng. Lật Đời được sai sang làng bên, mời một phú ông khác đến dự tiệc. Sang đến nơi, bất thình lình Lật Đời bắt gặp vợ lão chủ mình đang hú hí với kẻ mà Lật Đời đến mời. Chờ bà chủ ra về rồi, Lật Đời mới bảo với tên kia:

- Này ông ăn nằm với bà chủ tôi. Ông chủ tôi sắp vác đùi đục sang đánh ông đấy!

Bên này cỗ bàn đã bày sẵn, tên nhà giàu nóng ruột ngồi chờ bạn.

Lật Đời về bảo:

Thưa ông, ông bên ấy cũng đang đóng một chiếc xe, xe ấy còn tốt còn đẹp hơn xe nhà ta nhiều, nhưng hai bánh chưa lắp xong, ông ta muốn mời ông sang cho ông ta mượn cái dùi đục để lắp bánh xe. Nghe Lật Đời nói xe bên kia tốt hơn, tên nhà giàu sinh ghen. Nó xách dùi đục chạy sang, vừa đi vừa chửi:

Như thế khác nào mày ỉa vào mặt tao, mày không còn coi ông ra gì...

Lão chủ xe bên kia vừa nghe Lật Đời báo cái tin sét đánh, bây giờ lại nghe tên nhà giàu quát mắng ầm ĩ. Hoảng quá, lão nhảy qua rào chạy trốn. Tên nhà giàu thấy bạn chạy, không rõ việc gì, cố đuổi theo, vừa đuổi vừa gọi, cho đến khi bóng tên kia mất hút trong rừng mới thôi.

Khi tên nhà giàu xách dùi đục ra khỏi nhà, thì Lật Đời mách với vợ hắn:

- Bà ăn nằm với ông chủ đằng kia, ông nhà biết rồi. Ông nhà ta đang tìm giết ông kia trước, rồi sẽ về giết bà sau.

Vợ tên nhà giàu nghe Lật Đời nói, sợ mất mặt, mụ vội vàng bỏ nhà, chạy trốn. Tên nhà giàu vừa ló đầu về đến nhà, Lật Đời lại bảo:

- Biết ông ăn nằm bừa bãi với đàn bà con gái trong nhà, người ta đi kiện quan. Quan về bắt ông. Bà đang phải dẫn quan đi tìm ông đấy.

Nghe vậy, tên nhà giàu vội ném cái dùi đục cầm ở tay và chạy trốn. Lật Đời liền gọi tất cả những người trong nhà tên nhà giàu lại, phân phát cho họ trâu, dê, ngựa, lợn, rồi xách khăn gói ra đi.

Dọc đường, Lật Đời gặp vợ chủ nhà, chàng vờ sửng sốt:

Chết chửa! Bà không muốn khi trăm tuổi còn được về chầu tổ tiên à? Nằm với trai là mắc tội lớn, bà phải cạo đầu chịu tang, thì khi nhắm mắt ông bà mới nhận chứ.

Vợ tên nhà giàu cho Lật Đời nó là phải, cạo trọc đầu, để tang. Lật Đời gặp tên chủ cũng lại xui nó cạo đầu để tang cho khỏi tội. Khi tên nhà giàu cạo đầu xong, anh hỏi nó:

Bà nhà lăng loàn đi vắng đâu rồi, ông có muốn lấy vợ khác không, tôi đi dạm hỏi cho.

Tên nhà giàu phàn nàn cùng anh:

Nhà cửa ruộng nương của ta đã mất sạch sành sanh cả rồi. Đầu lại trọc lóc thế này, ai người còn ưng lấy nữa!

Lật Đời phân giải:

- Ủa, nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo, có ngại gì!

Ông cứ bằng lòng đi đã. Có người lấy đấy, tôi bảo họ rồi mà.

Biết thân phận mình không còn gì hơn, tên nhà giàu gật đầu. Một đêm tối trời, Lật Đời dắt hắn đến gặp người vợ cũ, rồi chàng tìm đến ở nhà một ông thầy cúng.

Ngày hội cúng ma đến, dân quanh vùng chọn những con gà béo nhất, đội những thúng gạo ngon nhất, rủ nhau lũ lượt kéo về đền.

Đến cúng ma cất trên đỉnh núi, rêu phủ, mối đùn, cỏ mọc lấp kín đường đi, thế mà chỉ trong chốc lát chân người đã đi mòn đất, cỏ bị giẫm bẹp khô như ruộng rạ mùa hè. Người ta căng rạp, dựng lều, thổi từ và kéo đàn lu cu[1], đánh trống. Đàn bà con gái thi nhau giã gạo thật nát, làm bánh chà cum[2], cắt khoai môn thật ngon nấu canh chà dai[3]. Tới giờ đem chuông, mõ, bùa sắc lên đền, thầy cúng gọi Lật Đời đến bảo:

Mày dắt ngựa cho tao cưỡi đến đến theo con đường thẳng nhất!

Lật Đời làm theo như ý hắn. Thầy cúng chễm chệ trên lưng ngựa, tay nó vẫn không rời mấy cái túi lùng nhùng đeo chung quanh. Đi một đoạn khá xa, hai mắt thầy cúng đã lim dim. Phía trước mặt có một con mương rộng chảy ngang.

Lật Đời nghĩ bụng: “Cho thầy tắm cái chơi”. Đến bờ mương, Lật Đời nhẹ nhàng nhảy sang bên kia, con ngựa phóng theo.

“Ùm!”.

Vừa ngủ gật mất thăng bằng, thầy cúng lộn cổ xuống mương. Vừa ngoi đầu lên được, thầy cúng trợn mắt chửi om sòm.

Lật Đời nói:

Thưa thầy, con đường này là đường thẳng nhất đấy ạ!

Tức lộn ruột nhưng đuối lý, nó làm lành với Lật Đời và nhờ anh tháo hộ bộ giáp phù thủy ra. Nó đi bộ, còn kính nể, khăn áo thì chất lên lưng ngựa. Đi được một quãng nữa, thầy cúng quay lại, bỗng giật mình đánh thót, bộ chuông mõ, không biết rơi mất tự túc nào. Mất “đồ nghề”, thầy cúng sững sờ như kẻ mất hồn. Nó bảo Lật Đời:

Mày lên lưng ngựa rồi đi, cố giữ đừng để rơi cái gì.

Lật Đời ung dung ngồi trên lưng ngựa, thầy cúng lúi húi dắt.

Càng đi, Lật Đời càng thúc ngựa chạy nhanh, thầy cúng chạy theo không kịp thở, đành phải bảo Lật Đời xuống ngựa. Nó vẫn không quên nhắc:

Đi đàng sau, thấy cái gì rơi thì phải nhặt đấy!

Con ngựa ăn no, đi xa, càng gần đến đích, nó ỉa càng nhiều. Ngựa ỉa bao nhiêu, Lật Đời gắp bỏ vào khăn bấy nhiêu.

Sắp đến đền, thầy cúng sửa lại khăn áo, khệnh khạng bước vào. Người ta tránh đường cho thầy cúng đi thẳng vào bàn thờ chính.

Chung quanh bàn thờ người đứng xúm xít, đông nghịt. Thầy cúng sắp vái tổ Lật Đời rẽ đám đông bước theo, đặt trước bàn thờ một gói to. Tưởng Lật Đời nhặt được chuông mõ, bây giờ mới đưa ra, thầy cúng hí hửng vội mở ra. Cứt ngựa phơi ra giữa bàn thờ, làm cho mọi người la ó rầm rĩ.

- Nghi Thi, dang, pàn lới!... è, è, è...

[4]



Đám người bịt mũi lảng dần ra. Thầy cúng xấu hổ xạm cả mặt, tìm đường chuồn ngả sau. Lật Đời đã lên ngựa đi từ lúc nào không biết.

La cà trên đường đi, Lật Đời nghe gần đấy có một thầy cúng Trời, chàng liền tìm đến xin ở cho nó. Thầy cúng Trời ra vẻ “chay tịnh”, nhưng tính lại rất ưa nịnh hót. Nhà nó mật đầy chum, bột đầy thúng, nhưng chả mấy khi nó dám ăn: nó chỉ để dành thết quan lấy tiếng. Vườn thuốc lá nhà nó cũng to, nhưng chả mấy khi nó dám hái, chỉ để dành biếu quan. Một hôm thầy cúng gọi Lật Đời ra giao việc:

- Mầy phải trông vườn thuốc lá! Cấm không được cho chó vào ỉa, hễ có cứt chó, tao sẽ phạt mày phải ăn đấy!

Lật Đời cúi đầu xin vâng lời. Chàng cười thầm trong bụng: “Chưa biết đứa nào phải ăn cứt chó?”.

Thầy cúng Trời vừa ra khỏi nhà, Lật Đời lấy bột nhào với mật, vê thành nắm nhỏ, rắc đầy vườn. Thầy cúng sắp về đến nhà, Lật Đời chạy nhanh ra vườn nhặt những hòn bột nhào mật, vừa phủi vừa nhai. Thầy cúng thấy nhà cửa vắng tanh, đằng hắng rồi lên tiếng gọi:

- Lật Đời đâu rồi!

- Bẩm thầy, con đây ạ!

Lão thầy cúng nhìn ra, quát:

- Mày ăn cái gì đó, thằng kia?

- Bẩm thầy cứt chó, cứt chó nhà ỉa ngon tuyệt!

Thầy cúng chạy ra vườn cầm lấy mấy hòn cho vào mồm nhai thử.

- À ngon thật! Mày vào bắt chó chết lại cho tao, mau lên!

Lật Đời vào bắt chó nhốt lại, cho chó ăn một bụng cám lợn thật no, còn lão thầy cúng thì hí hửng nhặt thêm mấy hòn “cứt chó” ngào mật, rồi đến khoe với tên quan đầu tỉnh.

- Bẩm quan lớn! Con có một món quà lạ, xin dâng lên quan lớn nếm thử.

Thầy cúng lấy mấy viên “cứt chó” để trên bàn. Tên quan hám ăn, liền cho ngay vào mồm.

- Ừ… ăn được đấy, thứ gì ngon vậy?

Thầy cúng ấp úng. Tên quan giục:

- Tao cho phép, cứ nói đi, món gì mà ngon vậy?

- Bẩm quan lớn... dạ dạ... món cứt chó!

- Cứt chó!??... có thật không?

- Bẩm vâng, cứt chó nhà con đấy, chẳng tin quan đến mà xem. Con nhốt nó ở nhà.

- Ừ! nếu quả vậy, thì thật Trời ban phúc cho nhà mày đấy!

- Bẩm vâng, quả là nhờ phúc Trời, nhờ ơn quan lớn...

- Thôi về đi. Mai, ta và các quan sẽ đến nhà anh xơi nhé.

Tên thầy cúng vội vã ra về. Lão mời tất cả hương hào, kỳ mục đến dự. Lật Đời nhặt thêm cứt chó, cứt lợn của hàng xóm được đầy mười liễn. Ở trên, anh rắc thêm một vài lớp bột. Nhà tên thầy cúng tất bật như một ngày hội lớn. Những chiếc chiếu hoa đẹp nhất được trải ra, những bát, thìa đẹp nhất cũng được dọn ra bày tiệc. Mặt trời lặn chưa được một con sào, quan lớn, quan nhỏ đã lũ lượt khăn đen, áo dài kéo đến. Thầy cúng khúm núm ra tận ngõ chào từng tên một. Chẳng mấy chốc quan lại, kỳ hào ngồi chật cả nhà, trên hai hàng chiếu.

Khách mời chủ, chủ nhường khách, cuối cùng tên quan to nhất phải đứng ra “khai khẩu”. Quan xúc một thìa cho vào mồm. Các quan nhỏ và bọn kỳ hào, hương mục cũng vội vã thi nhau cho vào mồm. Chúng cho đầy miệng, rồi mới biết không phải của ngon và thơm tho...

Xong trận đó, Lật Đời trốn đi nơi khác, đến một vùng có đông người ở, nhà nọ sát nhà kia. Lúc nào cũng có bọn con trai nhà giàu và nhà quan đi rong ngoài đường. Chúng ghẹo gái, đe dọa trẻ con, bắt nạt bà già. Chúng có nhiều tiền, nhưng vào hàng rượu thì lại “ăn quỵt” thích cái be cái bát nào thì chúng bỏ vào tay áo mang đi, chủ quán biết cũng đành chịu.

Thấy cảnh chướng tai gai mắt, Lật Đời định tâm trị bọn con nhà quan này một mẻ. Anh cất một cái quán, bán đủ rượu thịt. Rượu anh làm lại ngon hơn, thịt anh nấu cũng thơm hơn. Hàng ngày, lũ con quan kéo đến chật ních. Chúng ăn uống say sưa, nôn oẹ đầy nhà rồi lăn kềnh ra ngủ, ngủ chán, lại dậy ăn. Quen thói cũ, nhiều tên chè chén xong, không chịu trả tiền. Quán của Lật Đời được nhiều “khách quý” nhưng tiền vốn của chàng bị hao hụt rất nhanh. Vét nốt số tiền còn lại, Lật Đời đi mua chum, mua quang, mua thúng. Sắm xong anh chạy quanh một lượt ngoài đường, gặp bọn con quan Lật Đời đều hẹn:

- Sáng mai, quán tôi có rượu nếp, có thịt dê tái, ngon lắm đấy!

Lũ con quan hẹn hò với nhau, đứa này thách đứa kia, sáng mai lên quán Lật Đời để thi nhau uống rượu.

Tối hôm ấy, Lật Đời lấy nước đái, phân người cho vào chum, nhặt đá con, đá lớn cho vào thùng treo lên xà nhà. Chỗ đầu mối dây, anh treo một đùm thịt nướng và một vò rượu. Dưới đất anh giăng dây ngang dọc như mạng nhện. Sáng sớm, mặt trời chưa mọc, bọn con quan đã tụ tập trước quán, chờ nhậu. Hôm nay đứa nào cũng ăn mặc đẹp hơn ngày thường. Nhiều đứa con mang cả chai, cả rá theo, chực lấy thịt lấy rượu đem về nhà. Nhưng mặt trời đã lên cao mà quán vẫn chưa mở cửa. Mùi thịt dê, rượu nếp bay ra thơm phức. Nhiều tên háu ăn, háu uống, đánh hơi thấy mùi thịt, mùi rượu, cứ nuốt nước bọt ừng ực.

Thấy lũ con quan kéo đến mỗi lúc một nhiều, sợ mất phần, mấy thằng đến trước hè nau cạy cửa vào. Quán vắng tanh. Bọn háu ăn chạy xổ vào đua nhau tìm tòi, lục lọi. Chợt nhìn thấy vò rượu và xâu thịt, chúng xúm nhau lôi xuống. Mấy đứa leo vội lên xà nhà. Mấy thằng không tranh được, líu quýu tìm gậy chọc đít chum. Kẻ nhanh tay, giật vội lấy xâu thịt nướng.

Đầu các mối dây tụt ra, những chum nước đái và phân, những thùng đá rơi tung toé xuống đầu, xuống cổ bọn con quan. Nhớn nhác như ong vỡ tổ, chúng xéo lên nhau, chạy bán sống bán chết.

Sau khi cho lũ con quan nếm một vố điếng người, Lật Đời đi nơi khác và anh lấy vợ. Vợ Lật Đời giống mẹ nàng như đúc. Gần nhà mẹ vợ Lật Đời có một tên cận thần. Tên này xưa nay hung ác lắm, dân quanh vùng ai cũng kinh sợ. Lão không có con, phải cùng vợ đi cầu tụ. Một buổi trưa hè, trời oi ả, hai vợ chồng dắt nhau lên chùa. Tên cận thần chống chiếc gậy vàng để khoe giàu, khoe sang với mọi người. Thấy áo hắn ướt đẫm mồ hôi, Lật Đời nghĩ bụng: “Phải tìm cách trị thằng gian ác này một bữa mới được!”. Anh bàn với vợ xong, lật đật chạy ra dường kính cẩn mời vợ chồng tên quan vào chơi.

- Bẩm cụ, đường xa, trời nóng, xin cụ vào nhà cháu nghỉ chân, xơi nước cho đỡ mệt ạ!

Vợ chồng tên cận thần dắt nhau vào nhà Lật Đời, Lật Đời giục vợ têm trầu, pha nước. Trước mặt tên quan, vợ Lật Đời cứ lúng túng, têm trầu thì vôi mặn, bưng nước thì nước chao. Sợ thất lễ với quan Lật Đời rút gậy vụt vào mông vợ hai cái và mắng:

Mày chậm như mụ già chín mươi, cho mày hóa gậy để hóa kiếp khác cho rảnh!

Vợ Lật Đời khóc rú lên, chạy vào nhà. Một lúc sau mẹ chị bưng trầu bưng nước ra hầu. Trông thấy bà cụ, vợ chồng tên quan sửng sốt:

- A! Làm sao nó lại già mau thế?

- Bẩm cụ, có gì đâu, tại chiếc gậy thiêng của cháu làm nó mau già đấy!

Thấy mẹ vợ còn đứng khép nép, Lật Đời lại vụt cho bà hai gậy:

- A, mụ này hầu quan giỏi rồi. Thôi cho mụ trẻ lại!

Bà mẹ vợ khóc rú lên, rồi chạy vào nhà trong. Một lát sau, vợ Lật Đời lại ra. Thấy vợ Lật Đời, vợ chồng tên quan càng trố mắt ngạc nhiên:

- Ồ! Cái gậy quý quá! Nó làm cho người già hóa trẻ lại được!

Lật Đời nói thêm:

- Bẩm cụ, chỉ có thế thôi, muốn già cho già, muốn trẻ cho trẻ.

Vốn có tính tham, tên cận thần liếc nhìn vợ và bảo nhỏ:

Phải lấy cho được cây gậy này, bà nhỉ!

Vợ tên cận thần khẽ nói với chồng:

- Phải đấy. Ta phải trẻ lại để ăn chơi cho phỉ sức chứ. Tên cận thần đang mưu đoạt chiếc gậy thần thì vợ hắn sốt ruột giục:

Thôi ông hãy đổi gậy của ông cho nó. Mình còn thừa của để đúc gậykhác.

Tên cận thần gật đầu, quay lại nói với Lật Đời:

- Này, đổi gậy nhé! Gậy này gậy gỗ, gậy tao gậy vàng, tao thương nhà mày nghèo, tao đổi cho!

Nói chưa dứt lời, tên cận thần sấn đến giật chiếc gậy gỗ của Lật Đời rồi dắt vợ ra về, dọc đường, nó hí hửng nói với vợ:

- Phen này vợ chồng ta được bách niên gian lão. Cái già, cái chết chẳng bao giờ dám đến với ta nữa!

Về đến nhà, tên cận thần dùng hết sức vung gậy đập vào đầu vợ, vừa đập vừa thét:

- Cải loãn hoàn đồng, cải lão hoàn đồng này!

Mụ vợ bị đánh vào đầu, ngã lăn xuống đất, ôm đầu rên rỉ. Vốn tính tham muốn vợ trẻ nhanh, lão vụt lìa lịa vào lưng, vào mông vợ hắn. Mụ nằm bất tỉnh. Nó lôi mụ vào buồng, để nằm đó mà “cải lão”. Mụ đã hết thở, nhưng lão không biết. Lão lớn tiếng gọi lính hầu vào, đưa gậy cho tên lính và bảo:

Tao cho phép mày đánh tao đấy. Đánh cho mạnh vào nhé, để tao trẻ lại.

Tưởng chủ hóa điên, người lính cầm chiếc gậy lui dần ra ngoài.

Tên cận thần sốt ruột quát tháo:

Quân ngu, mày không biết chiếc gậy mày cầm là gậy có phép “cải lão hoàn đồng” à? Bảo cứ đánh tao là cứ đánh. Đánh nhanh lên! Đánh mạnh vào! Tao sẽ thưởng cho.

Bấy giờ mới hiểu, tên lính giáng thẳng chiếc gậy vào đầu tên quan. Mới gậy đầu, lão đã lăn quay. Tên lính bồi thêm cho lão mấy gậy nữa: lão thôi cựa quậy. Hoảng hốt, tên lính vứt gậy trốn biệt...

Đã ba năm nay công chúa ốm nặng. Vua truyền mời hết thầy cúng ma, thầy cúng trời giỏi nhất trong nước đến chữa, mà công nương vẫn không khỏi. Người ta bảo tại đức nhà vua bạc, nên trời phạt. Vua là người đứng đầu trong nước, lại cũng là người nhiều con nợ nhất trong nước. Bạc của vua, vay mỗi nén thì năm sau phải trả thành ba bảy, vì vậy cứ phải xây dựng kho luôn mới có chỗ chứa hết bạc. Khắp nước, chỗ nào cũng có ruộng của vua, trâu của vua, người con gái nào đẹp nhất cũng phải dâng vua.

Tin vua mời thầy chữa bệnh cho công chúa hôm nay đến tai Lật Đời. Anh bảo mẹ vợ và vợ:

- Tôi sắp đòi nợ cho mọi người rồi đây!

Miếu thờ dòng họ nhà vua xây ở giữa cánh đồng rộng, có cây to che mát, chung quanh có sông lớn, ao to bao bọc, có quân canh, lính gác cận thần. Lật Đời đến đào một đường ngầm từ bờ sông thẳng vào giữa miếu, và khoét một lỗ nhỏ vào giữa bệ thờ. Làm xong, Lật Đời khăn áo tề chỉnh, xin vào cung xem bệnh cho công chúa. Chàng cũng đặt lễ tế trời, bấm tay gieo quẻ. Nhà vua nóng lòng chờ biết bệnh con.

Lật Đời tâu:

Tâu bệ hạ: Mắc nợ thì phải trả nợ! Trả nợ hết thì hồn mới giải oan, công chúa mới giảm bệnh.

- Mắc nợ? Ta mắc nợ ai?...

- Tâu bệ hạ, cứ như quẻ thì bệ hạ còn nợ rất nhiều!

Vua hốt hoảng, phán:

- Nhà ngươi gieo quẻ nhầm chăng? Ta là vua, con của trời, cầm vận mệnh thiên hạ thì còn nợ ai?

Tâu bệ hạ, bệ hạ là chủ thiên hạ, nhưng ông tổ chín đời của bệ hạ đã chắc gì không mắc nợ?

Vua giật mình hỏi gượng:

- Nếu vậy thì làm thế nào mà biết được?

Muốn biết phải ra miếu làm lễ cầu khấn tổ tiên. Vua bằng lòng ra miếu gọi hồn tổ phụ. Trước đó một hôm Lật Đời đưa mẹ ra bờ sông theo đường ngầm vào miếu, rồi chàng bảo vợ đội một thúng nến đi qua lại trước cung vua. Khi vua đến khấn tổ tiên, mẹ vợ Lật Đời núp trong hang đào dưới bệ thờ, nói oang oang ra:

- Mắc nợ thì phải trả nợ, trả xong nợ khắc khỏi bệnh.

Nhà vua nghe nói lạnh cả gáy, toát mồ hôi, vội sai các quan vào khấn thay.

Tên quan vừa mới lò dò bước vào, mẹ Lật Đời lại nạt:

- Về trả nợ ngay đi, trù trừ thì công chúa phải theo ta về chầu âm phủ...

Vua cố trấn tĩnh cầu hồn cho biết người cho vay là ai. Tức thì tiếng nói dưới bệ thờ lại vang lên:

Người cho vay là một người con gái bán nến ở trước cung vua. Số bạc nợ nặng bằng thúng nến, chưa kể lại bảy đời. Luật âm phủ cũng như dân gian, mỗi năm một nén phải hoàn thành hai.

Sợ con gái chết, tên vua vội vàng về cung lo trang trải nợ. Hắn sai vét hết kho bạc, giao trả cho vợ Lật Đời, người đội thúng nến. Gặp ngày phiên chợ, người nào qua lại, chị cũng đưa vài nén.

Bạc đã cạn trong nhà kho mà công chúa chưa khỏi, vua đòi Lật Đời vào triều hỏi, Lật Đời bấm quẻ, tâu:

Tâu bệ hạ, nợ trả vẫn chưa hết. Lúc nãy chắc hồn khai nhầm. Đã nợ người bán nến, tất còn nợ nhiều người khác nữa.

Nhà vua nghĩ đến những món nợ lưu niên, đâm hoảng, vội xuống chiếu xoá cho dân cả các thứ nợ nần, bất kể nhiều hay ít. Từ đó mọi người mắc nợ không phải trả cho vua nữa. Nhưng công chúa thì vẫn chưa khỏi bệnh. Lật Đời lại tâu:

- Bệ hạ mới xoá nợ cho người sống bây giờ bệ hạ nên bãi tất cả thuế cho oan hồn người chết được yên, công chúa sẽ khỏi bệnh ngay.

Chú thích:

[1]. Một thứ đàn của người Chăm, sử dụng trong lúc cúng tế

[2]. Chà cum: loại bánh làm bằng bột gạo

[3]. Chà dai: thức ăn nấu bằng khoai môn

[4] Tiếng Chàm có nghĩa là: Trời, đất, người, biển ơi,

Chúc bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/lat-doi-c11a6653.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận