Tiễn tôi lên máy bay năm 18 tuổi, bố chậm rãi nhắc từng chữ một như cố để in hằn sâu vào trí nhớ của tôi.
18 tuổi. 18 tuổi mơ ước. 18 tuổi mộng đẹp; cứ luôn cho rằng thế giới của mình thật nhỏ hẹp. Ngoài những câu chuyện quẩn quanh cùng bạn bè, thầy cô trên lớp và sự kìm kẹp của bố mẹ. Thế giới của tôi. Tài sản trong tay tôi; ngoài tri thức thì một chút lý do ‘bản thân phải tồn tại’ đều không có. 18 tuổi, tôi chỉ nghĩ “ mình phải đi, phải rời khỏi đây, rời khỏi khung song sắt này”.
Vậy là quyết tâm thi đỗ đại học. Vậy là quyết tâm rời bỏ đất nước. Tới một nơi thật xa xôi để biết mình là ai? Tồn tại vì cái gì?
Khi tôi nói với bố rằng con sẽ đi vào mùa hè tháng 7, ông chỉ lặng lẽ ngồi trước ti vi, hút hết nửa bao thuốc. Chẳng một câu nói đồng ý nhưng cũng không nói phản đối. Sau này, tôi được mẹ kể rằng đêm hôm đó, bố đứng ngoài cửa phòng nhìn vào phòng tôi rất lâu, độ nửa tiếng, rồi mới trở về giường ngủ. Sáng hôm sau tự tay nấu cho tôi một chảo mì xào bắp cải.
Vẫn không nói đồng ý.
Nhưng ông để tôi đi.
Ngày ấy, tôi chưa từng nghĩ rằng bố thương tôi.
Năm 20 tuổi, một mình trên đất khách, thấm thía nỗi cô độc giữa một biển người không quen biết; nói một thứ ngôn ngữ xa lạ. Nhớ lại lời của bố, run run bỏ những đồng tiền cuối cùng mình kiếm được vào bốt điện thoại công cộng. Ấn những con số tựa hồ đã lãng quên từ lâu. Rành rọt. Từng số, từng số một. Tôi chợt hiểu ra rằng tình yêu của bố tôi với tôi là thế nào.
Chỉ cần cho con đủ tiền tiêu. Cho con ăn ba bữa một ngày là yêu thương. Tất cả là như thế.
Nghe giọng của mẹ từ phương xa, nước mắt cứ lăn dài trên má. Cố giấu tiếng sụt sịt để nói rằng con ổn. Con vẫn ổn. Bất chợt, từ ống nghe điện thoại truyền tới giọng lè nhè của bố:
Năm 21 tuổi, tôi gặp Cục Tẩy Nhỏ. Cục Tẩy Nhỏ vô tình là bạn cùng phòng với tôi. Khi ấy, tôi đăng tin tìm bạn ở cùng trên báo vì biết rằng mình khó có thể chống cự qua tháng với đồng lương còi cõm. Nghe giọng trên điện thoại, tôi không bao giờ nghĩ Cục Tẩy Nhỏ trông lại mỏng manh như thế. Mái tóc đen, dài ngang lưng, cắt mái ngố. Dáng người nhỏ bé. Ước chừng chỉ cao 1m50. Lúc đến, Cục Tẩy Nhỏ chỉ mang theo một ba lô mà bên trong là bốn bộ quần áo. Hai quần jean, hai áo phông. Một chiếc váy hoa dài chừng ngang gối. Và một quần áo ở nhà có in hình con thỏ. Sau này, Cục Tẩy Nhỏ có mua thêm một chiếc bàn chải, khăn mặt và một chiếc ly thủy tinh in hoa văn màu tím. Cô ấy không có nhiều đồ nên cũng chẳng bừa bãi bao giờ. Chỉ có điều, cô ấy luôn luôn khó chịu nếu như đồ vật của mình bị đặt sai chỗ.
” Đừng động vào đồ của mình”
Cục Tẩy Nhỏ không hay nói. Mỗi khi tôi kể chuyện gì đó, cô ấy đều lắng nghe với thái độ hờ hững. Đôi lúc chỉ ậm ừ vài câu tỏ ra vẻ hưởng ứng. Những câu tôi hay nghe cô ấy nói nhất là “Ừ”; “không”; “Mình về rồi đây” và “ Chán quá”. Bình thường, khi tôi ra ngoài đi học và làm, Cục Tẩy Nhỏ ở nhà ngủ. Dường như cô ấy không có nhiều việc để làm ngoại trừ ôm lấy chiếc di động đã kết nối mạng. Lướt web. Đọc vài ba mẩu truyện và tin tức. Có đôi lúc, tôi có cảm giác rằng mình đang sống cùng với người mà là ở cùng với một con mèolười. Bất kể tôi có làm gì, Cục Tẩy Nhỏ đều không để ý. Cô ấy không càu nhàu hoặc quan tâm nếu như tôi về muộn. Cũng như việc một vài người bạn của tôi tới phòng trọ làm ồn. Cô ấy cũng chẳng bao giờ động vào bếp để nấu một món gì đó. Nếu tôi không nấu cơm, Cục Tẩy Nhỏ sẽ mua hộp sushi đóng sẵn hoặc vài chiếc hamburger. Đôi khi, cô bạn cùng phòng của tôi, sau khi lướt vài trang web về ẩm thực, sẽ vô tình nói “ ôi món này ngon quá”. Và dĩ nhiên, nó là lời gợi ý về bữa tối ngày mai. Sở dĩ tôi thích nấu ăn cho Cục Tẩy Nhỏ là vì mỗi lần mùi thức ăn lan tỏa trong bếp, Cục Tẩy Nhỏ sẽ chạy tới, ngồi ngay ngắn vào chiếc bàn ăn nhỏ. Hai tay chống cằm, mũi hếch hếch hít hà.
Nấu ăn cho một người luôn chờ bạn. Để cho thức ăn của bạn nuôi dưỡng người đấy. Đó là một điều hạnh phúc giống như trời nóng có thể uống một cốc nước đá mát lạnh vậy.
Cục Tẩy Nhỏ rất hay biến mất vài ngày; cũng có khi là vài tuần, vài tháng. Lần gần đây nhất cô ấy đi là 2 tháng. Trước khi đi, cô ấy đều đưa trực tiếp cho tôi tiền nhà trước vài tháng, hoặc nếu không cô ấy cũng sẽ chuyển tiền vào thẻ. Đôi lúc tôi hơi bất ngờ vì địa chỉ cô ấy gửi tiền cho tôi; lúc là Hokkaido; lúc thì lại là Sydney, cũng có khi là một quận ngay trong thành phố chúng tôi sống.
Tớ không thích ở quá lâu tại một chỗ. Vậy mà lần này, tớ đã ở cùng với cậu được hơn 8 tháng rồi đấy. Cục Tẩy Nhỏ đột nhiên nói vậy với tôi trong một ngày mưa tháng 6.
Tại sao? Tôi hỏi lại.
Mình không biết. Nhưng mình thích cậu. Cục Tẩy Nhỏ vừa sơn móng chân vừa thản nhiên nói, để mặc cho tôi ngỡ ngàng.
Ngày hôm sa u, mưa vẫn không ngớt, khi tôi trở về thì đã nhìn thấy tiền được chặn lại bởi hộp tăm. Tôi thở dài. Đặt túi rau vừa mua ngoài chợ xuống bàn ăn. Mở tủ lạnh, rót một ít sữa tươi ra chiếc cốc có hoa văn tím tím mà Cục Tẩy Nhỏ hay dùng. Đi về phía hành lang. Kéo cửa sổ hết mức. Vừa uống sữa, vừa ngắm nhìn thành phố trong mưa.
Mùi đất ẩm ướt bốc lên trong không khí. Trong lòng tôi chợt thiếu vắng lạ kỳ.
Nước Mắt Không Ngừng Tuôn Rơi
Sinh nhật năm 22 tuổi, 3 tháng sau khi Cục Tẩy Nhỏ đi, tôi đặt vé máy bay trở về thành phố của mình, trở lại miền ký ức ấu thơ. Đặt chân xuống sân bay, tôi nhìn thấy bố. Tóc ông không còn đen như hồi tôi đi nữa, đã bạc trắng một nửa rồi. Bụng bia cũng đã không còn. Có vẻ như cỡ áo sơ mi của bố tôi đã giảm 2 số. Từ xa, tôi thấy rõ ông nheo nheo mắt tìm tôi giữa biển người. Tôi đẩy xe va li về phía bố. Không quá nhanh và vội vã. Chầm chậm. Chầm chậm tiến đến. Ông nói:
Lục Lạc Nhỏ, con đã về.
Tôi ở cùng ông được 5 tháng sau thì bố mất. Mẹ nói, ngày ông đi đón tôi cũng là ngày ông nhận được kết quả khám từ bệnh viện. Ông không muốn cho tôi biết và cũng không có ý định nằm viện.
Mẹ còn nói, Lục Lạc Nhỏ, bố luôn biết chính xác những điều bố phải làm. Con đừng trách ông ấy.
Tôi ôm di ảnh của bố trong tay. Trên đầu trùm khăn tang màu trắng. Đeo băng trắng. Chợt nhớ tới rằng ngày xưa ông hay nói muốn có một đứa con trai chống gậy. Nghĩ tới thế khóe môi có hơi nhếch lên một chút. Tôi ôm ảnh, đặt lên trên áo quan, ngồi lên xe ở phía bên phải. Nhìn rất lâu vào ngọn nến cháy bập bùng trước mặt. Tiếng tụng kinh phát ra từ cái radio nhỏ. Liên tục liên tục.
Nam mô A Di Đà Phật.
Còn nhớ khi bước lên xe, tôi có bước hụt một bước. May mà lúc đấy có chú hai đỡ nếu không có lẽ tôi đã sưng đầu gối rồi.
Bố tôi từng nói, Lục Lạc Nhỏ, khi vấp ngã, hãy biết tự mình đứng dậy.
Tôi lặng lẽ nhìn quan tài bố được đưa vào lò hỏa thiêu. Trước khi người ta đưa bố đi, tôi phải đi một vòng quanh áo quan. Nom bố lúc này rất lạ. Mặt ông được người ta đánh phấn hồng. Môi được bôi son đỏ. Ngoài điều đó ra thì vầng trán, cằm, bàn tay nhăn nheo, mái tóc bạc nửa, tất cả đều quen thuộc. Ấy vậy mà tôi có nhìn mãi cũng không sao ra được ông. Trong lòng tôi lúc đó mới hiểu rằng, bố tôi đã chết rồi. Nằm ở đây chỉ là một cái xác, không hơn không kém.
Trở về từ nhà hỏa thiêu, người ta đưa lại cho tôi những vật dụng trước đây bố vẫn dùng. Một chiếc ví. Một chiếc điện thoại. Và một chiếc đồng hồ.
Tất cả tôi đều đưa hết cho mẹ. Chỉ trừ ví của bố. Nó là ví thuộc dạng khóa cài. Da màu đen đã bạc và có nếp gấp vì gập ra gập vào.
Tôi mở ví ra. Tiếng khóa kêu “cục” một tiếng.
Bên trong là ba trăm nghìn, cùng một đống giấy tờ lung tung khác được nhét trong ngăn đáng ra để đựng tiền. Vài ba chiếc thẻ ATM. Giấy chứng minh thư dạng mới. Thứ duy nhất phẳng phiu trong đống giấy tờ hỗn độn ấy là chiếc ảnh có đầy đủ ba người trong gia đình chúng tôi. Bố trong ảnh mặc một chiếc sơ mi màu tím. Mẹ thì đang bế tôi cười rất tươi. Riêng tôi, đứa trẻ tầm 4 tuổi đang mếu máo khóc.
49 ngày sau, tôi làm lễ cho bố. Mua thêm một tút thuốc lá bố hay hút. Thi thoảng lại châm một điếu. Cũng chẳng còn nhiều thời gian. Nốt hôm nay, bố đi rồi.
Xong xuôi mọi thứ, trở về phòng. Bật điện thoại lên. Nhìn thấy tên Cục Tẩy Nhỏ trong đống Missed calls. Ấn gọi lại. Tôi nói với cô ấy rằng, bố tớ đã mất rồi.
Cục Tẩy Nhỏ nói, Ừ
Rồi tôi nói, không kịp nữa rồi Cục Tẩy Nhỏ ạ.
Người đàn ông duy nhất không bao giờ bỏ rơi mình. Người duy nhất luôn đặt mình vào lòng ôm ấp đã không còn nữa. Người bố mà mình chưa thể đáp đền. Người đàn ông cô độc luôn làm việc lam lũ, luôn cố chấp đó đã đi rồi.
Mình đã không kịp nữa rồi. Nên mình chỉ có thể lặng im mà thôi.
Cục Tẩy Nhỏ im lặng một lúc rồi mới nói, Tớ về rồi đây.
Tôi khóc. Khóc thành tiếng.
————————————————————
Năm 25 tuổi, tôi lại bỏ thành phố này đi một lần nữa, trở về với nơi tôi bắt đầu. Khi tiễn tôi đi, mẹ tôi cố hết sức xin hai chị bảo vệ cho vào phòng chờ bay với tôi. Tôi can mãi không được, liền bảo với mẹ, con nhất định sẽ trở về mà. Lúc đó mẹ tôi mới thôi.
Tôi quay lưng bước vào phòng chờ. Khi đi, không quay đầu lại nhưng vẫn có cảm giác mẹ đang nhìn theo từng bước tôi đi, từng bước, không sót bất cứ một cử chỉ nào của tôi cả. Tất cả, đều thu vào tầm mắt.
Con người, dù là thân thiết máu mủ cũng sẽ xa nhau. Mỗi người một thế giới. Chúng ta sinh ra là một cá thể độc lập, tồn tại cộng sinh, yêu thương nhau rồi giết chết nhau. Phải không ?
Trên đời này, sinh ly tử biệt, ai cũng phải trải qua. Tôi và bố. Tôi và mẹ. Tôi và Cục Tẩy Nhỏ. Và rồi, tất cả những người băng qua trong đời nhau, đều trở thành một miền kí ức riêng biêt. Không bên nào đụng chạm bên nào. Xếp ngăn nắp gọn gàng trong trái tim.
Ấy là mãi mãi sống.
Tôi kéo va li băng qua đám người huyên náo ở sân bay. Rốt cuộc cũng rớt nước mắt.