Truyện: Người Thầy Của Tôi

Tác giả: Sưu tầm

Thể loại: Truyện ngắn hay nhất

Sau sáu năm trời học tập, lao động kiếm sống ở Hà Nội tôi trở về quê xin việc. Ngồi trên chiếc xe khách bon bon chạy về quê mà lòng tôi thấy thật hạnh phúc.

Thế là sáu năm trời làm sinh viên, học viên nhọc nhằn, khổ sở đã trôi qua, sáu năm quần quật tìm việc, làm việc, học hành, sáu năm chủ yếu ăn mì tôm trần và bánh mì ngán đến kinh người, sáu năm không biết đến một buổi sinh nhật của mình và bạn bè, không dám đi họp đồng hương, không biết đến cái nắm tay người con gái với nụ hôn ngây ngất của mối tình đầu…nhưng bù lại tôi tốt nghiệp Đại học loại khá, thi Cao Học năm đầu đỗ ngay, và bây giờ tôi đang cầm chặt chiếc ba lô đựng hai mảnh bằng quý giá trở về để thực hiện ước mơ xanh của mình. Tôi hãnh diện mỉm cười và lại nhớ đến thầy - người thầy mà cả đời tôi luôn luôn thầm cảm phục và biết ơn.

Cũng giống như những lần trước, về đến nhà một lúc là thằng Hùng, bạn thân của tôi (vừa học cùng lớp hồi phổ thông, vừa là hàng xóm) lại sang chơi. Tôi mời Hùng ngồi uống nước và sốt sắng nói:

- Mình học xong rồi, Hùng và gia đình vẫn ổn chứ? Tình hình thầy chủ nhiệm bọn mình thế nào rồi? Thi thoảng Hùng có ra thăm thầy không?

Hùng không trả lời ngay, đôi mắt đượm buồn nhìn xa xăm, im lặng một lúc sau Hùng ngậm ngùi nói:

- Thầy mất rồi!

- Bạn nói sao? Thầy khỏe như thế cơ mà?

- Hải không về nên không biết được, thầy đi cách đây một tháng rồi, mình cũng không về đưa tang thầy được, hôm mình biết tin thì mọi việc đã xong rồi.

Trời ơi! Thầy tôi mất thật rồi ư? Tại sao tôi không thường xuyên liên hệ và về thăm thầy? Tại sao tôi không báo cho thầy biết về sự nỗ lực trong học tập của mình? Tại vì tôi khốn khó quá ư? Hay tại vì tôi muốn sống khác người, ích kỉ và vô tâm? Hay vì tôi muốn khi gặp thầy, sau khi kể cho thầy nghe về thành tích học tập và những việc làm thêm để kiếm tiền của mình, thầy sẽ ôm chặt lấy tôi vào trong lòng để thầy hiểu tôi hơn, để thầy trò cùng vỡ òa trong niềm hạnh phúc, sung sướng… Không, với tôi mọi cái bây giờ thật vô nghĩa. Có lẽ tất cả những gì khác đời đều phải trả giá. Giá như hãy để cuộc sống diễn tiến bình thường thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp biết bao? Ngày mai, tôi sẽ cùng Hùng về nhà thầy để thắp cho thầy một nén hương, để nói với thầy tất cả, để xin thầy tha lỗi cho tôi.

*

* *

Hồi ấy tôi thi vào cấp ba bị trượt, chỉ đủ điểm vào hệ B. Tôi được xếp vào lớp 10B2 - lớp thầy chủ nhiệm. Buổi đầu tiên tập trung lớp, tôi thấy thầy khá phong trần. Thầy cao khoảng 1m70cm, dáng hình cân đối, khuôn mặt chữ điền, đôi mắt sáng nhưng đượm buồn, nước da dám nắng. Thầy giới thiệu thầy tên là Nguyễn Ngọc Cẩn, bốn lăm tuổi, quê ở Mê Linh lên Lào Cai công tác, đang học Sư Phạm năm cuối thì thầy đi bộ đội, tham gia cuộc kháng chiến chống Mĩ rồi trở về học tiếp. Thầy lấy vợ làm nông và đã có một cô con gái. Sau màn giới thiệu thầy cho họp lớp để bầu cán bộ lớp, đưa ra nội quy để lớp thảo luận và thống nhất. Sau đó cho lớp vệ sinh, phân công nhiệm vụ ngày mai rồi cho lớp nghỉ.

Tôi và Hùng ra khỏi cổng trường, đang tung tăng đi về bỗng thấy bốn nam thanh niên xuất hiện, tên nào tên nấy trông rất đầu gấu, chúng đều cao lớn, đều để đầu ba phân, đều phanh ngực, đều để lộ những hình xăm kì quái và những dòng chữ xăm đọc lên nghe rợn hết cả người. Thằng Hùng nhìn thấy đám thanh niên tự nhiên mặt nó tái mét, nó run cầm cập, tay bấu chặt lấy tôi, rồi quay đầu định chạy vào trường thì một tên thanh niên có chiếc răng vàng quát to:

- Thằng oắt con, quay lại ngay, mày mà chạy hôm nay chỉ có nước chết thôi.

Hùng đành đứng lại, cúi đầu nói lí nhí:

- Các anh bảo, bảo em cái gì ạ ?

Tên thanh niên răng vàng lớn tiếng:

- Bảo cái con mẹ mày, mày trốn đi đâu hơn chục hôm nay, lại đây mau lên!

Tất cả đám học sinh ngoài cổng trường đang ồn ào, nhốn nháo bỗng im phăng phắc, đứa nào, đứa nấy lẳng lặng lảng xa đám thanh niên đang đứng. Hùng lúc này trông giống như một người mất hồn, đang run rẩy bước từng bước không vững đi về phía đám thanh niên, vừa bước tới nơi tên thanh niên răng vàng liền hất hàm hỏi:

- Mày định ăn quỵt tiền của ông à?

Hùng lập cập trả lời:

- Dạ, em đâu dám, em chưa có, anh cho em khất.

- Khất này! Khất này!

Tên răng vàng vừa nói vừa vung tay lên tát Hùng hai cái rất mạnh vào mặt, rồi co chân lên đạp mạnh vào bụng Hùng, bị đạp quá mạnh nên Hùng ngã chúi xuống vệ đường, một tay ôm mặt, một tay bo bụng. Tên răng vàng vẫn chưa chịu tha, hắn cúi xuống, hai tay túm lấy ngực áo Hùng, hắn lôi Hùng đứng dậy định đánh tiếp thì bỗng có tiếng lí nhí chào thầy của các bạn học sinh gần đó, rồi một giọng nam trầm ấm và bình tĩnh vang lên:

- Anh kia dừng lại, bỏ cậu học trò của tôi ra.

Tôi quay đầu lại nhìn và mừng vui vì thấy thầy chủ nhiệm xuất hiện, tôi thầm nghĩ chắc chắn Hùng được cứu rồi. Thầy dắt xe đạp dựng vào vệ đường bên phải và bình tĩnh tiến lại gần tên thanh niên răng vàng. Tên răng vàng từ từ buông Hùng ra rồi hắn gằn giọng nói:

- Không phải việc của ông, biết điều thì lượn đi chỗ khác!

Thầy không nói gì, tiến lại nắm tay Hùng kéo về phía thầy đứng rồi ân cần hỏi han:

- Em có đau lắm không? Tại sao lại bị đánh thế này?

Hùng chưa kịp trả lời thầy thì tên thanh niên mặt sẹo cao lớn nhất đám quát to:


- Này, ông kia, ông đã nghe tiếng Chín sẹo đầu bò chưa? Chắc ông muốn nếm thử đòn của Thằng này phải không?

Vừa nói hắn vừa rút một chiếc xà beng của một học sinh gần đó tiến lại phía thầy, thầy đẩy Hùng về phía tôi và bình tĩnh trả lời:

- Tôi không muốn nhưng nếu cậu thích thì tôi đành phải thử nếm thôi.

Tên mặt sẹo nghe vậy rất tức tối, hắn trợn mắt, nghiến răng hét lên :

- Được, thế thì tôi cho ông nếm.

Nói xong, hắn dùng cả hai tay cầm chiếc xà beng vung lên nhằm đầu thầy vụt mạnh xuống. Nhanh như cắt, thầy nhảy tránh sang một bên, đợi chiếc xà beng vụt chớm xuống đất, thầy liền dùng chân phải dập mạnh vào chiếc xà beng, do lực dập mạnh nên tên mặt sẹo không giữ được đầu cầm, chiếc xà beng từ tay hắn đập xuống chân, hắn kêu lên đau đớn và ngồi thụp xuống bo chặt lấy chân mình. Tên răng vàng thấy vậy liền rút từ trong thắt lưng ra một con rao găm nhằm thầy đâm thẳng tới, thầy liền xoay người bước lùi một bước về phía bên phải, đợi tay của tên răng vàng đâm hết về phía trước thầy liền chụp lấy cổ tay hắn bóp mạnh, con rao rơi ra, rồi thầy giật ngược tay hắn về phía sau, một tay thầy khóa tay tên răng vàng, một tay thầy túm tóc kéo ngược đầu lên rồi đẩy mạnh hắn lao về phía trước, hắn ngã chúi vào tên mặt sẹo đang ngồi bo chân. Hai tên thanh niên còn lại thấy vậy, chúng bảo nhau cùng xông vào để đánh thầy, một tên rút trong người một chiếc côn hai khúc, một tên vớ lấy một chiếc cuốc của một học sinh lao đến, vừa lúc đó thì có còi và tiếng quát lớn, năm chú công an xuất hiện, bốn thanh niên bị bắt, thầy cùng Hùng và tôi được mời về đồn công an để làm rõ sự vụ. Qua lời khai của tên răng vàng, hóa ra Hùng nợ chúng hai trăm nghìn từ hai tuần trước đến hôm nay vẫn chưa trả được. Hùng mồ côi bố từ nhỏ, mẹ Hùng thì đi buôn đường dài nên ít khi ở nhà, Hùng hay phục vụ nước nôi, điếu đóm, chè thuốc cho đám thanh niên trong các cuộc bạc. Hôm ấy, tên răng vàng thắng bạc lớn nên Hùng vay hai trăm nghìn để mua sách cho hai anh em, mẹ Hùng chưa về, vì thế Hùng chưa trả được tiền cho chúng và sự vụ đã xảy ra. Ở trong đồn Công An, thầy đã lấy hai trăm nghìn cho Hùng vay để trả cho tên răng vàng, khi rời đồn công an trở về nhà thầy đã nhắc nhở Hùng từ nay không được quan hệ với chúng và dặn Hùng nếu muốn vay tiền thì phải tìm người tử tế để vay.

*

* *

Một nửa học kì một đã trôi qua, lớp 10B2 của tôi ngày càng đi vào nề nếp. Các buổi tổng kết đầu tuần đều được biểu dương trước toàn trường, chúng tôi vui lắm. Điều ấy có được đều là nhờ thầy. Thầy có cách quản lí lớp rất hay, vừa nghiêm túc, vừa tình cảm, thưởng phạt nghiêm minh. Thầy liên tục phát động thi đua giữa các tổ trong từng tuần, từng tháng. Sau từng tháng thầy cho tổng kết xem tổ nào cao điểm nhất và ba bạn nào trong lớp có thành tích cao nhất lớp thầy đều có thưởng, còn ngược lại thì bị phạt. Thầy cũng rất quan tâm đến các phong trào bề nổi của lớp, đặc biệt quan tâm đến các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh phong trào bề nổi và sự quan tâm đến lớp thì giờ giảng Văn của thầy mới là món ăn tinh thần tuyệt vời nhất. Thầy giảng Văn học dân gian như đưa học sinh tìm về với cái đẹp lấp lánh của cội nguồn trí tuệ ông cha. Thầy giảng Truyện Kiều như thay Nguyễn Du nói về vẻ đẹp truyền thống và nỗi đau của người phụ nữ, tố cáo, tố khổ cho họ, lên án xã hội phong kiến vô nhân, thối nát. Thầy giảng văn học hiện đại như sống cùng với nhân vật, sống cùng với không khí hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Thầy dạy văn rất ít khi thiếu giờ, giờ ra chơi lớp vẫn muốn nghe thầy giảng thêm. Học trò các lớp khác không được học thầy luôn đứng kín các cửa lớp để được nghe văn thầy và ước ao học văn thầy. Đội tuyển học sinh giỏi văn do thầy bồi dưỡng luôn nằm trong tốp đạt giải cao nhất tỉnh, có cả những bạn học hệ B cũng được thầy phát hiện và rèn rũa để trở thành những cây văn thực thụ. Tôi thật vinh dự vì cũng có mặt trong đội tuyển Văn 10 của thầy lúc ấy.

*

* *

Học gần hết học kì một thì tôi quyết định bỏ học, không phải tôi bỏ học vì học dốt hay vì tôi không thích học mà vì hoàn cảnh của gia đình tôi rất éo le. Bố tôi là bệnh binh hạng hai. Mẹ tôi bị bệnh đau chân. Hai em gái sinh đôi của tôi đều bị nhiễm chất độc màu da cam, em thì vừa thần kinh có vấn đề vừa bị câm, em thì thiếu mắt và bị liệt toàn thân, luôn phải nằm bất di bất dịch một chỗ. Đó là kết quả của cuộc chiến tranh chống Mĩ mà cha tôi tham dự. Thật may mắn cho tôi vì tôi đã được hình thành trong bụng mẹ trước khi cha tôi bị nhiễm chất độc.

Kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, tất cả sinh hoạt của gia đình đều phụ thuộc vào những đồng trợ cấp ít ỏi của bố và hai em. Đặc biệt gia đình tôi rất cần người quan tâm, chăm sóc tới cả nhà, nhất là hai đứa em của tôi. Bố tôi mỗi khi trái gió, trở trời khắp mình lại đau nhức nhối. Mẹ cũng vậy. Đứa em sinh đôi thứ nhất của tôi thì sẵn sàng cầm và ăn bất cứ thứ gì khi tìm thấy nếu không có người luôn bên cạnh. Đứa em sinh đôi thứ hai của tôi khi ăn phải bón từng thìa cháo, mỗi ngày phải hai lần thay quần áo để giặt giũ. Trước đây mẹ tôi còn đau chân ít, mẹ cùng với bố tôi trông hai em còn cố gắng được. Dạo này chân mẹ đau hơn nên bố quá vất vả. Trong tình thế đó tôi đã xin bố mẹ cho nghỉ học để giúp đỡ gia đình, bố tôi không đồng ý, mẹ chỉ khóc mà không nói gì nhưng tôi vẫn quyết định bỏ học. Sự luôn có mặt của tôi trong nhà đã giúp bố mẹ rất nhiều, bố không phải vừa đau nhăn nhó vừa đuổi theo quát tháo và giữ đứa em sinh đôi thứ nhất, mẹ cũng không phải vừa nặn chân vừa bón cháo rồi giặt giũ cho đứa em sinh đôi thứ hai nữa. Tự giác đảm nhận công việc trong gia đình tôi thấy thật vất vả và bí chân nữa, nhiều lúc thấy tức điên lên vì hai em và vô cớ giận bố mẹ, nhưng nghĩ lại tôi lại thấy thương bố mẹ và hai em nhiều hơn.

Ba ngày bỏ học trôi qua. Sáng nào Hùng cũng đến sớm gọi tôi đi học nhưng tôi không đi. Trưa ngày thứ tư, thầy cùng các bạn cán bộ lớp và Hùng có mặt tại nhà tôi. Lúc đầu tôi chạy trốn vào trong buồng và trùm chăn kín, bên ngoài câu chuyện của thầy và bố mẹ tôi càng ngày càng trở nên thân mật, gần gũi hơn. Một lúc sau, bố tôi vào buồng gọi tôi ra gặp thầy và các bạn, tôi đành theo bố ra nhà ngoài rồi lí nhí chào thầy và các bạn. Thầy bảo tôi đến ngồi cạnh thầy để thầy hỏi chuyện, khi tôi ngồi xuống, thầy rót nước bảo tôi uống rồi thầy hỏi:

- Em có nhớ trường, nhớ lớp và nhớ các bạn không?
Tôi im lặng không trả lời, thầy nói tiếp:

- Thầy cùng các bạn trong lớp rất nhớ em, ngày nào cũng mong em đến lớp. Em biết không ? Thầy cũng như bố em, đã từng trải qua chiến tranh, đã phải đối mặt với bao quân thù, bao bom đạn, bao hiểm nguy, nay may mắn trở về và thân thể tuy không nguyên vẹn mà vẫn tiếp tục cuộc sống. Phải sống cho ra sống dù ta đang trước muôn vàn khó khăn. Thầy rất hiểu hoàn cảnh gia đình nhà mình, nhưng em đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ đi tương lai của mình sau này. Thầy rất ghi nhận sự hi sinh của em vì gia đình nhưng thầy muốn em trở thành người có ích đúng nghĩa cho gia đình cơ. Em nên nhớ mình bây giờ là niềm tin và hi vọng lớn nhất của cả nhà, nay mai còn là trụ cột của cả gia đình đấy. Để làm được điều ấy chỉ có học vấn đưa đường thôi em ạ. Ngày mai em hãy đến lớp, đó là điều chủ yếu mà thầy cùng các bạn đến nhà em hôm nay.

Nói xong, thầy đứng dậy đi lại phía hai em và mẹ tôi, thầy nhẹ nhàng ngồi xuống chỗ đứa em sinh đôi thứ hai của tôi đang nằm, tay trái thầy xoa nhè nhẹ lên đầu nó, tay phải thầy kéo đứa em sinh đôi thứ nhất của tôi vào trong lòng thầy, khuôn mặt thầy bỗng trở nên rạng rỡ, đôi mắt thầy ánh lên niềm vui khó tả, thầy cười thật hiền và tự nói:

- Không có những người như các cháu thì sẽ không có cuộc sống như bây giờ đâu!

Thầy ngồi cùng hai em tôi một lúc với tâm trạng quyến luyến không muốn rời nhưng rồi thầy đứng dậy nói với bố mẹ tôi:

- Trưa rồi, thầy trò tôi xin phép gia đình.

Nói xong thầy tiến lại phía tôi, thầy nhìn thẳng vào mắt tôi rồi thầy chìa tay ra, tôi luống cuống đưa hai tay nắm lấy tay thầy, thầy nói:

- Thầy tin em sẽ là con của một người lính.

Rồi thầy cùng các bạn ra về mặc cho cha mẹ tôi tha thiết mời ở lại dùng cơm trưa.

Trước sự tác động của thầy, sự động viên của cha mẹ, qua một đêm trằn trọc nghĩ suy, sáng hôm sau tôi đến lớp học. Thầy cùng các bạn đón chào tôi một cách nồng nhiệt. Thế là tôi lại được làm học sinh, mỗi ngày lại được cắp sách đến trường với một niềm tin lớn vào mình, vào thầy, vào bạn. Được sự tạo điều kiện, quan tâm, giúp đỡ tận tình của thầy, được các bạn chia sẻ, khích lệ, tôi đã rất tập trung và quyết tâm vào việc học tập. Ba năm học Trung học phổ thông trôi qua yên bình, đẹp đẽ. Cả ba năm tôi đều đạt học sinh tiên tiến, đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn. Kết thúc lớp 12 tôi thi tốt nghiệp đạt loại khá. Tôi ước mơ trở thành luật sư để sẽ có dịp đấu tranh và bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân chiến tranh như các em tôi, và trường Đại học Luật là nơi tôi thi khối C năm đầu. Tôi làm bài cũng được nên hi vọng rất nhiều, khi báo kết quả tôi vừa tiếc vừa buồn vì thiếu 0,5 điểm. Năm thứ hai, nghe theo gia đình, anh em, bè bạn khuyên và tôi cũng thấy hợp lí, tôi quyết định thi vào Học viện Cảnh Sát Nhân Dân với mục đích nếu đỗ thì gia đình không phải nuôi và không phải lo việc làm nhưng tôi lại càng đáng tiếc và đáng buồn hơn vì tôi lại thiếu 0,25 điểm, tính cả điểm cộng. Tôi thất vọng, chán nản, tôi dự định về Hà Nội vừa đi làm thuê kiếm tiền giúp đỡ gia đình và vừa tự ôn để thi tiếp năm thứ ba. Tôi đến gặp thầy, nói cho thầy biết ý định và chào thầy để đi. Suy nghĩ một lúc, thầy nhìn tôi và bảo:

- Thi cử là việc không hề đơn giản, liệu sau một ngày lao động vất vả, tối về em đủ sức để học không? Thầy sợ kiến thức ngày một rơi vãi và đồng tiền sẽ làm giảm đi nhiệt huyết thi cử nơi em thì sao? Theo thầy em cứ ở nhà, quyết tâm ôn luyện thêm một năm nữa, sau đó chọn trường mà thi thì sẽ khả quan hơn, em cứ về suy nghĩ đi, có thể thầy sẽ tìm cho em một việc làm nhưng em không được chê và xấu hổ.

Tôi nghe lời thầy và trở về nhà với một niềm tin và một niềm hi vọng mới. Sáng hôm sau, tôi nhận được giấy mời của Ban giám hiệu nhà trường mời ra trường bàn về việc làm hợp đồng bảo vệ trường. Tôi ra trường gặp thầy, hai thầy trò lên gặp thầy Hiệu trưởng, sau một lúc làm việc tôi đã vui vẻ kí vào tờ Hợp đồng lao động bảo vệ trường tron g một năm học. Một năm làm bảo vệ nhà trường tôi trưởng thành lên rất nhiều. Được tiếp xúc với thầy cô, học sinh, được phục vụ các hoạt động giáo dục tôi vui lắm, đặc biệt là quá trình ôn thi của tôi có hiệu quả hẳn lên trước sự định hướng, kiểm tra và chỉ bảo của thầy. Mùa hè năm ấy tôi tự tin bước vào kì thi đại học tiếp theo, trường tôi chọn thi năm thứ ba không phải Luật, cũng không phải Học Viện Cảnh Sát mà là trường Đại học Sư Phạm 1, trường mà thầy tôi từng học tập, tốt nghiệp và trở thành người thầy lớn trong tôi. Sau hơn một tháng chờ đợi, mong mỏi, cuối cùng kết quả tốt đẹp đã đến với tôi, tôi được 27 điểm, trên điểm chuẩn hai điểm. Với kết quả này, không những tôi rất mừng mà thầy cũng mừng lắm, cả gia đình tôi cũng vui không kém. Ngày nhận giấy báo nhập học tôi thấy mình sao hạnh phúc đến thế, nhưng hạnh phúc bao nhiêu thì lại thấy lo bấy nhiêu, bởi lấy đâu ra số tiền không nhỏ để chi phí cho việc học bốn năm ở Hà Nội của tôi. Bố mẹ tôi rất hiểu điều ấy nên ông bà tỏ ra rất ái ngại và khá lo lắng, cuối cùng bố mẹ tôi vẫn động viên tôi đi học và quyết tâm nuôi tôi bằng mọi giá. Bữa cơm liên hoan nhỏ của gia đình cho tôi nhập học có thầy và Hùng, trong bữa cơm ấy tôi vẫn nhớ như in lời thầy dặn:

- Tất cả mọi cái bây giờ mới bắt đầu em nhé, Hà nội tuyệt vời lắm nhưng cũng không ít cám dỗ đâu, việc học là chính, nếu có kiếm việc làm thêm thì tốt nhất là làm gia sư. Hi vọng bốn năm sau em sẽ là đồng nghiệp, đồng môn của tôi.

Vì nhiều lí do, nhất là gia đình quá khó khăn nên tôi đã đặt quyết tâm học thật tốt, bên cạnh việc học tôi sẽ đi làm để kiếm thêm tiền chi phí cho việc học của bản thân và giúp đỡ gia đình. Chính vì vậy mà sáu năm trời học tập ở Hà Nội tôi không dám một ngày nghỉ ngơi, lơi là. Ăn uống thì qua loa, tạm bợ, luôn vùi đầu vào học, học ở mọi nơi, mọi lúc, kể cả khi đi làm. Còn làm thêm thì tôi làm đủ mọi việc như làm gia sư, làm bồi bàn, phục vụ quán ăn…Tôi không có nhiều thời gian, thứ bảy, chủ nhật đi làm, hè ở lại làm thêm, tết thì làm đến hai chín, ba mươi mới về quê ăn tết cùng gia đình, đến mùng bốn lại phải lên đường về Hà nội làm thêm tiếp. Chính vì lí do ấy mà tôi rất ít về quê và chưa thể ra thăm thầy được. Thực ra trong trái tim tôi, tôi vẫn luôn nhớ và hướng về thầy, luôn thầm hứa với thầy sẽ cố gắng hết mình, tôi sẽ làm cho thầy bất ngờ và tự hào khi có một đứa học trò như tôi. Nhưng có lẽ mọi cái trong cuộc đời không bao giờ như người ta mong muốn. Sáu năm trời nỗ lực hết mình để trở về gặp thầy, để tiếp tục được làm học trò của thầy, làm đồng môn, đồng nghiệp với thầy, điều ấy không bao giờ xảy ra vì thầy tôi không còn nữa. Tôi thấy mình thật vô tâm và có lỗi.
*
* *

Qua gần một ngày ngồi ô tô đường dài, tôi và Hùng có mặt tại quê thầy. Sau một lúc hỏi thăm, tôi và Hùng đã đứng trước ngôi nhà bốn gian của gia đình thầy. Nhìn vào trong nhà, tôi thấy có một người phụ nữ đang đứng thắp hương trước bàn thờ lầm rầm khấn, chúng tôi đứng lặng im, chờ đợi. Một lát sau, xong việc, cô bước ra ngoài mời chúng tôi vào nhà uống nước. Vào nhà, chúng tôi lễ phép giới thiệu:

- Thưa cô, chúng cháu ở trên Bát Sát - Lào Cai, là học trò cũ của thầy, ngày thầy mất, chúng cháu không về được. Hôm nay, chúng cháu về thăm gia đình, rồi xin phép cô cho chúng cháu ra mộ thắp cho thầy nén hương.

Cô nhìn chúng tôi, rơm rớm nước mắt, cô nói :

- Cô cảm ơn các cháu, ở xa như vậy, lại còn là học trò cũ mà vẫn nhớ đến thầy, thầy biết chắc thầy vui lắm, các cháu cứ uống nước đi, xong ra ngoài giếng rửa mặt mũi, chân tay cho mát mẻ, nghỉ ngơi một lát rồi cô đưa các cháu ra mộ.

Một lúc sau, tôi và Hùng theo cô ra nghĩa địa, đi đến trước hai ngôi mộ, một cỏ xanh bắt đầu mọc, một đất còn mới thì cô dừng lại, đôi mắt cô lại rơm rớm nước, cô buồn rầu nói với chúng tôi:

- Đây là hai ngôi mộ của gia đình cô, một của thầy, một của đứa con gái duy nhất của thầy và cô. Thầy bị ung thư giai đoạn cuối, mất được hai mươi ngày thì em đi theo. Em bị nhiễm chất độc màu da cam, khi em sinh ra thì thiếu mất đôi mắt và đôi chân, khi em mất cũng là lúc em vừa bước sang tuổi hai mươi.

Nghe cô nói, tôi và Hùng không nói được câu gì. Trời ơi! Hóa ra cô con gái của thầy cũng giống như hai em tôi ư? Giờ thì tôi mới hiểu tai sao hôm thầy đến nhà để động viên tôi đi học, thầy lại ngồi bên hai em tôi, nhẹ nhàng, tình cảm và âu yếm các em tôi lâu đến thế, nhìn vào mắt thầy lại thấy thầy vui và hạnh phúc đến vậy. Tôi bần thần châm hương cắm vào mộ thầy và mộ em rồi lầm rầm khấn. Tôi tâm sự với thầy tất cả, tôi xin thầy thông cảm và tha lỗi cho tôi.

Sau khi ở mộ trở về, tôi ở lại nhà thầy hai đêm, Hùng chỉ ở được một đêm rồi phải về trước vì có việc. Dù vẫn còn muốn ở lại nhưng sáng hôm thứ ba tôi vẫn phải xin phép cô trở về quê. Trước khi ra về, tôi thấy cô có điều gì còn băn khoăn mà chưa dám nói, tiễn tôi ra cổng, cô bỗng bảo tôi đứng lại đợi cô một lát, rồi cô đi vội vào trong nhà và cầm trên tay mấy tờ giấy nhỏ đi ra, cô đưa cho tôi và bảo tôi xem rồi cô sẽ nhờ tôi một việc. Khi tôi cầm tôi mới biết đó là bốn tờ giấy gửi tiền, đọc đến những dòng chữ người nhận thì tôi không còn tin vào mắt mình nữa, đó là hai tờ giấy gửi tiền cho tôi, hai tờ giấy gửi tiền cho bố tôi với số tiền không hề nhỏ. Tôi chợt nhớ tới năm học thứ nhất và thứ hai Đại học, mỗi năm bố con tôi đều nhận được một giấy mời lĩnh tiền, mặc dù tôi đã hỏi cô nh n viên Bưu Điện rất nhiều lần nhưng cô vẫn chỉ nói một câu : “Người gửi yêu cầu không tiết lộ địa chỉ, anh thông cảm”. Rồi bố con tôi cứ đoán, già đoán non là số tiền ấy có thể là do một người đồng đội nào đó của bố tôi gửi hay của một nhà hảo tâm nào chăng… Bây giờ, cầm bốn tờ giấy gửi tiền trên tay, tôi mới biết đây là số tiền của thầy tôi gửi, tự nhiên nước mắt tôi trào ra, tôi chưa kịp nói gì thì cô nhìn tôi ngạc nhiên nói:

- Ơ ! Sao cháu lại khóc?
Tôi lúng túng trả lời :
- Cháu có khóc đâu, cháu bị bụi bay vào mắt.

Cô nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, cô nhìn vào mắt tôi, đôi mắt cô ánh lên đầy niềm hi vọng và tin tưởng, cô nói:

- Cháu cho cô hỏi, cháu có biết hai người trong giấy mời lĩnh tiền mà thầy gửi không? Cô đoán và tin đó là hai mẹ con… bởi cái tên Hoàng Thanh Vân chắc chắn là nữ, không phải cô hỏi để đòi tiền đâu mà cô hi vọng thầy vẫn còn người kế tự…Nếu cháu không biết thì về tìm và hỏi giúp cô.

Trời ơi! Đó là họ tên của bố tôi và họ, tên đệm, tên rất nữ của tôi trong giấy khai sinh. Lúc mới đến nhà cô, tôi lại giới thiệu tên gọi thường ngày của mình là Hải, tôi biết trả lời cô thế nào bây giờ bởi cô đang tin và hi vọng rất nhiều. Nghĩ một lát, tôi tự dặn mình: Không, tôi sẽ không nên nói sự thật lúc này và đành phải hứa với cô về quê sẽ tìm và thông tin nhanh nhất cho cô.

Trên chuyến xe khách trở về quê sáng ấy, tôi suy nghĩ thật nhiều. Trong đầu tôi có bao phương án được đưa ra. Tôi tự nhắc nhở mình phải lựa chọn phương án hợp lí nhất để tôi cảm thấy đỡ áy náy, ân hận, để làm sao cho trọn vẹn. Cuối cùng tôi đã đi đến quyết định và nhất định tôi sẽ thực hiện. Tôi sẽ nói với bố mẹ tôi tất cả về thầy, về gia đình thầy. Tôi sẽ xin bố mẹ tôi cho tôi được làm con nuôi của thầy cô, tôi và bố mẹ tôi sẽ xuống nhà thầy cô ngay tuần sau. Và tôi tin bố mẹ tôi sẽ ủng hộ tôi.

Chúc bạn đọc truyện vui vẻ!

 

Nguồn: truyen8.mobi/nguoi-thay-cua-toi-c8a6874.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận