Tác giả: Sưu tầm
Thể loại: Truyện ngắn hay nhất
Tịch mịch trong tình yêu là gì? Phải chăng đó là một thứ hư không cứa sâu vào trái tim mình, một thứ hư không khiến mình khắc khoải trong cơn say tình ái, chếnh choáng trong cơn mê hoang tưởng, con tim đau đáu một nỗi niềm không biết gọi tên? Dù đang đắm chìm trong hạnh phúc, cũng thấy trong lòng hư không, dự cảm một điều chẳng lành, hoang mang và như chuẩn bị mất đi thứ gì.
Phía bên kia của tình yêu, còn có tịch mịch.
1. Hà Nội – trái tim của Đất nước – điểm trú ngụ của những con đường chạy ngoằn nghoèo đến điên dại, cắt quãng liên tục tạo thành một hệ thống mê cung hỗn loạn, dường như không có lối thoát. Những con đường này lọt thỏm trong góc mặt chữ V và đường cong gợi cảm của các thiếu nữ. Nhưng hung hãn bao trọn các chàng trai xa xứ, hiếu chiến và không có ý định nhân nhượng. Một vài nhà văn đã khám phá ra những con đường này thực sự có giá trị. Tưởng tượng có một ngày người con gái bạn yêu bị lạc đường, bạn sẽ không phải phát điên lên tìm cô ấy. Vì cho dù có đi lòng vòng thế nào thì cô ấy vẫn trở về chỗ cũ hai đứa hẹn nhau rồi lao vào vòng tay ấm áp của bạn mà khóc thút thít.
Thế nên, những con đường Hà Nội chẳng bao giờ có được một giây phút an nhàn. Hàng năm, người ta đổ xô về đây để nếm mùi mật ngọt, chua chát và đắng cay của đường xá Thủ đô. Ước mơ một ngày sẽ phá tan được cái mê cung rắc rối kia. Người ta săn lùng phòng trọ ở trong những con ngõ sâu hoắm, góc mái kiểu thời bao cấp, gạch lát nền giống như thế kỷ mười chín và giá thuê lại rẻ bèo. Sau đó thì mua đủ thứ giấy dán tường nhiều màu sắc về để chống lại những “cơn bão” cát, xi măng, vôi ve của căn trọ thơ mộng, hoang dại và nhỏ xinh.
Tôi và thằng Hổ thuê chung một căn phòng đơn giản ở tầng trên cùng của một dãy trọ có năm tầng. Tôi quen nó từ khi mới ra Hà Nội. Thằng Hổ kém tôi một tuổi, quê ở Thanh Hóa. Cùng là dân tỉnh lẻ ra Thủ đô kiếm miếng cơm nên hai thằng chi tiêu rất tiết kiệm để dành tiền gửi về nhà.
Hà Nội dường như không bao giờ ngủ, ít nhất là trong suy nghĩ của tôi. Bởi ngay từ sáng sớm, lượng xe lao ra đường đã đông nghịt đến ngạt thở. Khói bụi hòa quyện vào những lo toan, háo hức tạo ra một Thủ đô đa sắc màu. Âm thanh của còi xe, tiếng chuông báo đổ rác và tiếng ngáp của mọi người được phối lại với nhau, cho ra đời một bản giao hưởng kinh điển, ồn ào mà trữ tình, inh ỏi mà sâu lắng. Tôi và thằng Hổ đèo nhau trên chiếc xe Wave đỏ mới tinh ra công trường. Ngoài kia, những SH, Liberty, Vespa, rồi cả Air Blade, Exciter..., chưa kể đến là Mercedez, Lexus, Audi...nói chung đều là xe nhiều bánh cả. Có phương tiện đi lại là tốt rồi. Hai thằng chúng tôi được quyền tự hào vì mua chiếc Wave đỏ này bằng mồ hôi của chính mình.
Mỗi người một số phận. Thế giới người ta sống, khác với thế giới của tôi. Đố kỵ chỉ làm cho cuộc đời thêm nghiệt ngã. Ta chỉ được sống một lần duy nhất, sao không sống cho vui vẻ? Dùng một con mắt giản đơn để ngắm cuộc sống sẽ thanh thản hơn dùng một đôi tai đố kỵ để nghe cái tạp âm của xã hội.
Công ty tôi đang nhận thầu một khu đô thị lớn ngay giữa trung tâm Thủ đô. Tòa nhà mà những người công nhân xây dựng chúng tôi đang miệt mài tạo nên có tổng cộng năm mươi tầng. Hiện đã vươn được lên tầng thứ ba mươi sáu. Còn vài tháng nữa thôi, Hà Nội sẽ đón chào một thành viên kiên cố mới, khẳng định sự phồn hoa và hưng thịnh của Đất nước. Làm nghề nào cũng vậy, quan trọng là phải hiểu giá trị của công việc mà mình đang làm.
Giữa lòng Hà Nội ồn áo và náo nhiệt, tôi nghe thầm thì đâu đấy tiếng bươm bướm run sợ. Một con bươm bướm vàng có đôi cánh mỏng manh, bay chấp chới giữa trời. Có chăng quê nó ở vùng trung du, nơi ngút ngàn màu xanh của những sóng chè uốn lượn? Bay lượn bên một công trình bạc tỷ và kiên cố, cánh bướm thật nhỏ bé, như có như không. Trong cái bộn bề của thế giới hiện đại và văn minh này, có chỗ nào cho những nhịp thở chậm rãi, cho những bước chân nhẹ nhàng, cho đôi cánh tự do, cho tâm hồn nhạy cảm...
Rắ...c...Rắ...c...Rắccc!!!
Tháng 6. Mưa trung du. Rả rích, kéo dài như rên rỉ, như căm hờn. Mùa mưa. Đất nhão nhét, bết vào đế giày, vón thành cục bám vào quần áo. Nhưng không hề làm chùn bước con người nơi đây. Chăm chỉ, cần mẫn không kể nắng mưa để tạo nên màu xanh ngút ngàn của những sóng chè uốn lượn. Nếu chưa từng sống ở vùng trung du, đôi khi, những cháy rừng, mưa giông, sạt lở, lũ quét...sẽ khiến bạn kinh hãi. Nhưng với những người con của vùng đất feralit màu mỡ này, đó đơn giản chỉ là sự giận hờn vu vơ của quê hương.
Đã từ lâu trà Tân Cương – Sông Công được coi là đặc sản bởi hương vị thơm tự nhiên. Khi uống có vị chát nhẹ nơi đầu lưỡi, quyện với cái ngọt hậu nơi cuống họng không khiến người ta say mê nhưng lắng đọng mãi. Màu nước xanh, tươi mới, dịu êm. Chè trung du có hương vị đặc biệt, thơm ngon nhờ dãy núi Tam Đảo, Thằn Lằn chắn bớt cái nắng gắt mùa hè, đồng thời nguồn nước của Sông Công và hồ Núi Cốc ngấm qua các mạch ngầm đã tưới mát cho những vườn chè xanh tốt quanh năm.
Uống trà là cả một nghệ thuật. Tôi từng nghe nói Nhật Bản là Đất nước có nghệ thuật trà đạo nổi tiếng Thế giới. Nhưng với người lao động như bố mẹ tôi thì sản vật sinh ra từ mảnh đất của quê hương luôn kỳ diệu và tinh túy nhất.
Mẹ tôi - người mẹ tần tảo, hết lòng hy sinh cho chồng, cho con – cả một đời gắn bó với những búp chè xanh mơn mởn.
- Tao không biết thưởng thức trà. Chỉ biết ươm trồng, nuôi dưỡng lá chè thôi. Thằng Tâm có lớn khôn, hiểu chuyện thì về dạy tao cách uống trà.
- Con từ nhỏ đã uống trà như uống nước lã. Cái lưỡi chỉ biết phân biệt lá chè non và lá chè héo thôi.
- Cái thằng..! Sau này mày cưới vợ, tao sẽ biết cách uống trà như mấy bà hoàng hậu trên ti vi.
Mẹ dí ngón tay trỏ vào trán tôi, ánh mắt cười cười. Lúc trước, nhà ngoại nghèo, lại đông anh em, mẹ không được học hành nhiều. Từ khi lọt lòng đã gắn bó với đồi chè cho đến khi gả cho bố và sinh ra hai anh em tôi. Lòng bàn tay mẹ chai sạn vì đất mủn, vì nắng mưa. Nhưng đầu ngón tay vẫn phải giữ cho mềm mại để hái lá chè.
Dáng mẹ đầy đặn. Khuôn mặt tròn trịa, phúc hậu. Hàm răng mẹ bị nước chè nhuộm vàng xuộm. Nước da ngăm ngăm vì vết nắng. Mẹ có đôi tai nhỏ và nốt ruồi trên vai trái. Có lẽ vì vậy nên số mẹ tôi nghèo và vất vả. Mẹ tôi là người nông dân trồng chè chân chất, thật thà và giàu đức hi sinh như bao bà mẹ khác ở đồi chè này. Nhưng mẹ hay nói tục. Thỉnh thoảng tôi vẫn thường nhăn mặt khi bị mẹ chửi tục vì làm nát lá chè.
- Tiên sư bố mày, làm ăn thế này thì tháng nay nhà ta đói đấy con ơi.
- Mẹ, sao mẹ cứ chửi con thế?
- Tao chửi cho mày khôn ra. Miệng tao tục nhưng cái tâm tao trong. Thế thì tao mới đặt tên con tao là Thanh Tâm chứ.
Tôi lặng người ngắm mẹ. Bỗng nhớ đến tích “Tu tại gia” trong cuốn “Cổ học tinh hoa” của ông nội.
Tích kể rằng xưa có Dương Phủ, sống thời nhà Minh, nhà nghèo nhưng hết lòng phụng dưỡng song thân. Nghe nói bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ, ông bèn từ biệt song thân ít lâu để hầu bực Vô Tế. Đi được nửa đường thì gặp một vị lão tăng bảo ông rằng:
- Được gặp bực Vô Tế chẳng bằng gặp được Phật.
Ông hỏi: “Phật ở đâu?”
Lão tăng nói:
- Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này, thì chính là Phật đấy.
Dương Phủ nghe lời quay về, đi đường chẳng gặp được ai như thế cả. Khi ông tới nhà, đêm khuya, trời tối, ông gọi cửa, mẹ ông nghe tiếng mừng quá, tức thì vội khoác chăn đi dép ngược, ra mở cửa cho ông. Bấy giờ ông trông ra, thì như hình dáng Phật, mà lão tăng đã nói chuyện cho nghe.
Từ ấy, ông biết cha mẹ trong nhà tức là Phật, chẳng phải cầu kỳ đi mộ Phật đâu xa nữa.
Vất vả, lam lũ với đồi chè. Kiếm từng đồng, từng hào nuôi gia đình. Mẹ tôi, trên người mặc chiếc áo hoa nhỏ li ti, chân đi đôi ủng bị bám đầy đất, tóc búi gọn nhưng vẫn còn vài sợi lơ thơ vương mùi nắng gió... Đôi mắt nhìn xa xăm về đồi chè xanh bát ngát... Đầy tự hào... Yêu thương...
Xa trung du, xa cái thơ mộng của gốc chè, lá chè, hoa chè, tôi mới biết quê hương luôn ở trong tim mình. So với Hà Nội hiện đại và văn minh, vùng trung du quê tôi chẳng khác nào một nơi thâm sơn cùng cốc, nghèo nàn, lạc hậu. Cuộc sống của người dân quê tôi ngày ngày quanh quẩn với cái đồi chè. Nhưng không ngừng ước mong có một ngày hương thơm của đồi chè sẽ mượn gió bay ra xa ngoài biên giới. Để cho cuộc sống thêm ấm no, Đất nước thêm giàu mạnh.
2. Biết tôi thích văn vẻ, thơ phú, thằng Hổ mua cho tôi mấy tuyển tập thơ Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Trần Đăng Khoa và một cuốn truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu. Thằng Hổ chỉ học đến cấp hai, vì nhà nghèo một phần, còn lại thì do cái đầu nó không chứa nổi chữ. Nhưng nó rất thật thà, đôi khi còn ngơ ngác. Để mua được mấy cuốn này, có lẽ nó đã phải nhờ đến sự trợ giúp từ nhân viên nhà sách.
Sau mấy ngày hôn mê bất tỉnh, tôi mới biết mình ngã từ giàn giáo xuống đất khi đang mải mê ngắm cánh bướm vàng bay lượn. Kéo theo đó là những cơn mơ dài bất tận, những hồi tưởng về mùa mưa trung du, về mẹ, về đồi chè xanh mướt. Số tôi vẫn phước lắm vì ngã có một tầng giàn giáo khi đang trát vữa trong tầng thứ ba mươi sáu của tòa nhà. Đầu tôi bị quấn một lớp băng dày, ánh mắt đờ đẫn, nghía qua rất giống một người đầu óc có vấn đề.
- Bệnh nhân đã tỉnh rồi à? Hôn mê lâu gớm.
- Tôi...
Giật mình.
Ánh mắt tôi, tình cờ, chạm vào đôi mắt ấy. Đó là đôi mắt mà cả cuộc đời này, tôi không thể nào quên. Một đôi mắt u buồn. Đuôi mắt cong, kiêu hãnh ẩn hiện dưới hàng mi đen và cong vút. Hai hàng lông mày lá liễu uốn cong khéo léo như muốn nói lên sự tinh tế, yểu điệu trong tâm hồn chủ nhân của nó. Viền mắt kẻ đen chì đen đậm, phô trương cá tính mạnh mẽ. Như khát khao muốn giẫm lên cái bản chất nữ tính và yếu đuối. Một tâm hồn khó đoán và mâu thuẫn. Che giấu nhiều bí mật.
- Này, có bị mất trí không đấy? Sao lơ ngơ như bò đội nón thế?
- Tôi...tôi...
Vẫn giọng nói lạnh lùng ấy. Chiếc áo blouse trắng. Đôi dép tổ ong cắt mõm. Quần jeans xanh nước biển, rách tơi tả chỗ đầu gối. Y tá gì mà ăn vận quái đản, nghịch ngợm.
- Đàn ông gì mà nói cũng không nên lời... Nghe nhạc không?
- Có.
- Thể loại gì?
- Trữ tình.
- Cụ thể?
- Nhạc Trịnh.
- Cậu bao nhiêu tuổi?
- Mười chín tuổi tám tháng hai mươi mốt ngày.
- Tính nhanh gớm. Vậy chúng ta là bạn bè. Tôi hơn cậu hai tháng tuổi.
“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao. Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ. Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu...”
Tôi chưa kịp tỉnh thức vì sự bắt chuyện bất lịch sự này thì cô ấy đã ngồi khoanh chân lên chiếc giường còn trống phía đối diện, vừa gảy ghita vừa hát “Diễm xưa” cho tôi nghe. Giọng hát hơi khàn, nhịp chậm rãi, không quá hay, nhưng đầy tình cảm. Tiếng ghita đàn bà toát ra từ một cô gái trẻ. Tôi trầm ngâm. Đã lâu rồi mới nghe “Diễm của ngày xưa” bằng nhạc cụ sống và giọng hát trực tiếp như thế này. Nhạc Trịnh, chưa bao giờ khiến con người ta thôi suy ngẫm. Mải mê. Đắm chìm.
“Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động. Làm sao em biết bia đá không đau. Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng. Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...”
Y tá - tôi ngỡ rằng họ rất dịu dàng và nhỏ nhẹ. Cô gái đang đàn hát cho tôi nghe, là một cá tính hoàn toàn khác.
- Hay không?
- Hay... Ý tôi là tiếng ghita hay. Còn giọng hát thì...
- Thì giống Khánh Ly quá phải không?
Tôi nói ngược tâm mình:
- Có lẽ vậy... Sao cậu có ghita ở đây?
- Bệnh viện đâu có cấm y tá mang theo nhạc cụ.
- Tôi tưởng y tá chỉ mang theo kim tiêm và băng gạc.
Cô nàng lườm tôi. Cái lườm sắc lẹm.
- Hừ... Tên nhà quê!
- Ơ, tôi đùa tí thôi... Này, đây là bệnh viện nào?
- Bệnh viện trực thuộc tập đoàn cậu đang thi công.
- Có mất tiền viện phí nhiều không?
- Không mất xu nào. Vì cậu đóng bảo hiểm rồi.
- Tốt rồi. Mẹ tôi vẫn có TV mới để xem.
- Thì thầm cái gì đấy? Nói xấu tôi hả?
Tôi bấm bụng cười. Cô nàng này có tính đa nghi.
- Không. Tôi thầm cảm ơn bạn y tá tốt bụng. Chưa có người con gái nào đàn hát cho tôi nghe như thế này.
- Chỉ có cậu đàn hát cho họ nghe?
Tôi xua tay, chối đây đẩy:
- Không. Tôi chưa yêu ai. Cũng không biết làm quen với con gái. Lại càng không biết chơi ghita và hát hò.
- Khéo miệng. Quê đâu đấy?
- Thái Nguyên.
- Xa nhỉ? Sao chọn Hà Nội?
- Vì miếng cơm manh áo cả thôi. Thủ đô giàu có và phồn hoa. Tôi làm mấy năm, đủ vốn rồi mới tính đường về quê buôn bán nhỏ.
- Cũng có chí đấy.
- Cám ơn...
Tôi cười cười, không đáp.
Bóng áo blouse trắng vội vàng khuất sau cánh cửa vì có tiếng bác sĩ hô gọi. Cây đàn ghi ta bị chủ nhân bỏ rơi, dựng nơi góc phòng. Im lặng. Một cơn mưa rào đầu hè, mưa trong lòng tôi, từng hạt từng hạt vội vã rơi thẳng vào tim tôi, không khoan nhượng, ào ào mà ầm ĩ khắp ngõ ngách lồng ngực. Không hề báo trước. Lần đầu tiên trong đời nhưng tôi biết, nó là thứ người ta gọi là rung động. Nó khác với những bức thư thỉnh thoảng xuất hiện trong ngăn bàn của tôi khi còn học phổ thông. Những dòng chữ trong thư khen tôi đẹp trai, dịu dàng, tháo vát và chất giọng ồm ồm tuổi dậy thì ấm áp. Đó là những tình cảm đẹp nhưng tôi từ chối trong sự cảm kích.
Yêu và được yêu, bắt buộc phải chọn một trong hai, tôi sẽ chọn yêu. Vì được yêu không xuất phát từ trái tim mình. Được yêu mong manh và cao quý. Nhưng đôi khi, kết thúc ở ánh mắt thương hại, ở những giọt lệ giằng xé, hờn ghen. Yêu là cảm xúc chân thực, xuất phát từ con tim. Yêu, đôi khi như ý, đôi khi vô vọng. Khi ta biết yêu một người cũng là lúc ta biết đánh vần hai chữ hạnh phúc. Nhưng để cắt nghĩa được đau thương, ta phải mất cả cuộc đời này. Yêu và được yêu giống như đôi đũa của người Á Đông. Thiếu một trong hai chiếc, bữa ăn sẽ không được trọn vẹn...
Tôi chọn cho mình con đường nguy hiểm để tận hưởng những giây phút yêu thương ít ỏi nhưng đẹp đẽ nhất cuộc đời.
Tỉ mẩn. Cẩn thận. Tôi nắn nót viết từng chữ lên tờ giấy ăn. Sau đó cuộn lại, gấp thành bông hoa hồng. Nhẹ nhàng đặt vào túi đựng băng gạc, kim tiêm của bạn y tá.
Cô ấy vừa vội vàng chạy ra khỏi phòng để nghe điện thoại. Từ buổi trò chuyện hôm đó, ngày nào cô ấy cũng đến để tiêm và thay băng gạc cho tôi. Rảnh rỗi thì ngồi đàn hát. Mặc nhiên không trò chuyện gì khác.
Hy vọng cô ấy sẽ thích món quà nhỏ này. Một món quà không thể định được giá cả. Vì nó chỉ được làm từ một tờ giấy mỏng tang bằng đôi tay vụng dại của một gã công nhân nghèo.
Bông hoa hồng nhỏ xinh, trắng tinh khôi. Không có gai nhọn và quá đỗi mong manh. Biết làm sao để khiến nó trở nên mạnh mẽ?
Một bông hồng giấy. Nó chỉ là một bông hoa hồng giấy thôi.
Phải đọc tới ba lần “Bến quê”, tôi mới hiểu cái “vòng vèo và chùng chình” của cuộc sống mà Nguyễn Minh Châu gửi gắm trong tác phẩm của mình.
“Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, đây là một chân trời gần gũi mà xa lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến – cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình.”
Cho tới cuối đời, nhân vật Nhĩ cũng chưa đặt chân lên cái bãi bồi ở bờ bên kia sông Hồng. Từ cửa sổ cạnh giường, Nhĩ nhìn thấy cái đò ngang trôi đi xa. Nhĩ đã lỡ mất chuyến đò ngang cuối cùng trong ngày.
Chương trình Ngữ Văn 8 cũng có truyện ngắn này. Nhưng hồi đó còn nhỏ, tôi không hiểu và cũng không biết mình bỏ quên không tới nơi “gần gũi mà lại xa lắc” nào chưa. Ngay cả đến hiện tại, khi đã gần hai mươi tuổi, tôi cũng chưa tỏ. Ngày mai được phép xuất viện, trước tiên, tôi và thằng Hổ sẽ đi thăm Hồ Gươm. Làm công nhân ở Hà Nội nửa năm rồi mà tôi chưa có thời gian ngắm Tháp Rùa.
- Cháy!!! Cháy!!! Cháy lớn rồi!!! – Ai đó hô hào ngoài hành lang.
Tôi giật mình. Choàng tỉnh. Giờ đã là nửa đêm.
Tôi cố gắng lết ra khỏi phòng. Đầu đau như có hàng ngàn cây búa ráng. Mùi khói nồng nặc. Cảm giác khí Oxy sắp biến mất khỏi trần gian. Ngoài hành lang, một khung cảnh hỗn loạn diễn ra trước mắt tôi. Mọi người chạy toán loạn, giẫm đạp, xô đẩy nhau. Bác sĩ chạy thục mạng thoát thân, để mặc người bệnh. Những bệnh nhân bị thương nặng nằm trên cáng, nghiêng ngả trên vai người thân của họ. Khuôn mặt hoảng hốt, sợ hãi. Vội vã chen lấn, giành giật sự sống.
Lửa mỗi lúc càng cháy lớn hơn. Khủng khiếp. Kinh hoàng. Ngọn lửa hung hãn bao vây cả một tầng bệnh viện. Dữ tợn nuốt chửng hơi thở của con người.
Bất chợt... Bạn y tá? – Tim tôi dường như trực rớt ra ngoài khi ý nghĩ này chạy xẹt qua. Cô ấy trực đêm hôm nay.
Tôi đang ở tầng ba. Lao nhanh ra phía cầu thang, tôi chạy hết sức mình để lên tầng năm – nơi cô ấy đang trực. Cầu thang ùn tắc, người người đè lên nhau, ngạt thở trong làn khói mù mịt.
Một loạt ý nghĩ khủng khiếp bủa vây trong tâm trí tôi. Ngọn lửa. Thiêu rụi. Cái chết. Không! Cô ấy chắc chắn vẫn còn sống.
- Bạn công nhân!!! – Tiếng bạn y tá hét. Hoảng hốt. Kinh hãi.
Ơn Phật. Tôi như còn một nửa hồn phách khi nghe thấy tiếng thét đó.
- Bạn y tá, cậu có sao không?
- Tôi sợ. Tôi sợ lắm. Sao cậu lại lên đây?
- Tôi phải cứu cậu.
- Cậu ngốc quá!
Cô ấy khóc. Những giọt nước mắt như nghiền nát chút sức lực ít ỏi còn lại của tôi. Đôi mắt đẹp rơi lệ vì sợ hãi hay vì cái sự ngốc nghếch của tôi? Đan lấy tay nhau, tôi kéo cô ấy chạy về phía trước. Bằng tất cả tình cảm chân thành của mình.
- Bạn công nhân, chúng ta có thể sống tiếp không?
- Chắc chắn rồi.
- Chân tôi không thể chạy tiếp được nữa. Tôi bị thương rồi.
- Để tôi cõng cậu.
Cô nàng mặt tái xanh, người đầm đìa mồ hôi, viền mắt nhòe nhoẹt chất mực màu đen. Son phấn lem nhem cả khuôn mặt. Nhưng từ lúc nào, tôi thấy cô ấy rất đẹp và thánh thiện. Dịu dàng và dễ thương. Ngỡ như cái sự lạnh lùng, cọc cằn chưa bao giờ tồn tại ở cô gái này. Lần đầu tiên, tôi nghe thấy hơi thở và nhịp tim của một cô gái gần đến như vậy. Một thằng con trai chưa bao giờ tiếp xúc với người con gái như tôi, thật khó để cưỡng lại sự gần gũi này. Mặc dù đang ở trong miệng rồng lửa.
- Tôi muốn sống.
- Ôm chặt lấy vai tôi, cậu sẽ sống.
- Tôi vẫn còn một tâm nguyện, một ước mơ chưa hoàn thành. Tôi không muốn chết.
- Tâm nguyện gì? Ước mơ gì?
- Chụp một bộ ảnh kỷ yếu ở bãi bồi sông Hồng. Khi tôi tròn hai mươi tuổi.
- Cậu nói gì cơ?
Tôi khựng lại. Hóa ra cái nơi “gần gũi mà lại xa lắc” ấy thực sự có trong đời thực. Cái “vòng vèo và chùng chình” của cuộc sống ở trong chính tâm tưởng mỗi con người. Ngoảnh lại. Nhìn sâu vào đôi mắt ấy, tôi thấy long lanh một niềm khao khát được giấu kín tận đáy lòng.
- Bãi bồi sông Hồng. Ở gần nhà tôi. Một ngày có hàng trăm lượt người về đó chụp ảnh. Tôi đã sống gần đấy hai mươi năm rồi nhưng tuyệt nhiên chưa chụp một tấm hình nào ở đó. Cũng chưa từng nắm một nhúm cát sông Hồng.
Tôi tiếp tục chạy. Thì thầm vào tai cô ấy:
- Hãy tin ở tôi. Cậu sẽ có một bộ ảnh kỷ yếu tuổi hai mươi thật đẹp. Ở bãi bồi sông Hồng.
- Cậu thề đi.
- Tôi thề. Dựa vào vai tôi đi. Nhưng đừng khóc. Cậu mà khóc thì xương cốt trên người tôi sẽ vỡ vụn đấy.
Tiếng còi xe cứu hỏa kêu inh ỏi dưới sân bệnh viện. Bạn y tá, chúng ta được cứu rồi. Tôi lao như tên lửa xuống sân tầng trệt, vội vàng đặt cô ấy ngồi xuống gốc cây bàng, xa tòa nhà đang cháy.
Bỗng nhiên, cô ấy cầm lấy cổ tay tôi, hốt hoảng:
- Bạn công nhân, tôi quên bông hồng giấy ở phòng đồ dùng cá nhân rồi. Phải làm sao bây giờ?
- Gì cơ?
- Bông hồng giấy cậu tặng tôi. Tôi biết cậu chính là người gấp nó.
- Nói với tôi. Cậu có thích không?
- Thích.
Chỉ một từ “thích” của cô ấy, tôi dường như đã từng đánh đổi tất cả.
- Cậu chạy đi đâu đấy? Đừng bỏ mặc tôi.
- Không, tôi không bỏ mặc cậu. Tôi chạy đi tìm băng gạc để băng bó vết thương cho cậu.
Thực sự tôi thấy mình thật ngu ngốc. Có thể tôi sẽ không bao giờ được gặp lại gia đình mình thêm một lần nào nữa. Không được gặp lại thằng Hổ... Và đôi mắt hiền kẻ chì đen đậm ấy. Tôi sẽ là đứa con bất hiếu khi không báo đáp được công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Một người anh bất tín khi chưa kịp mua quần áo mới cho Thanh Mai. Một con người bất nghĩa khi tự dập tắt đi sự sống mà ông Trời đã ban cho mình. Biết sai nhưng không thể ngăn nổi dòng suy nghĩ điên rồ và đôi chân đang đang chạy biệt dã, phải chăng đó cũng là nỗi thống khổ của con người?
“Đây rồi, bông hồng giấy”.
Chỉ vì một từ “thích” của cô gái ấy. Giữa muôn trùng khói lửa, lao vào cầu thang đang nườm nượp người để tìm một bông hồng giấy. Chìm vào trong cơn mơ, hình ảnh về mùa mưa trung du, về mẹ, về đồi chè xanh bát ngát... lại hiện về trong tôi. Huyền ảo, rất gần mà vô vàn xa cách...
3. Hoa cỏ lau nhuộm trắng bãi bồi sông Hồng, góp thêm cho Hà Nội một không gian tĩnh lặng và đầy chất thơ. Bãi bồi sông Hồng như một ốc đảo xanh tươi, vốn từ lâu đã trở thành một địa chỉ hấp dẫn cho những ai muốn khám phá một Hà Nội thật khác, thanh bình và dân dã. Những ngày cuối thu, vẻ đẹp tinh khôi của những bông cỏ lau khiến bất cứ tâm hồn nào, dù cứng rắn đến đâu, cũng phải ngỡ ngàng, xao xuyến. Bông lau bung nở là lúc mùa lũ đã hết, từng vạt cỏ nghiêng mình bên những bãi cát vàng cạn nước. Cỏ lau trắng gợi một vẻ đẹp mỏng mang, yếu đuối. Cỏ lau vàng lại mang vẻ phong trần, cứng ráp hơn. Hoa cỏ lau không rực rỡ nhưng lại hợp với mùa thu, với gió nhẹ và nắng vang hanh hao, soi bóng cùng cây cầu Long Biên trầm mặc.
“Em lại về theo gót của hoa lau
Đưa tay với cái mình cầm chẳng được
Nắng nhạt nhòa mùi lan nồng đượm
Ướp cuộc tình man mác buồn vơi.
Hai mùa hoa lau hai đứa ở hai nơi
Cất trong lòng một tình yêu chớm nở
Anh có nghe vẫn âm thầm hơi thở
Em nhẹ nhàng áp má với hồn lau.
Giữ trong tim dáng đứng mối tình đầu
Cho dù anh đã đi về ngã khác
Em xin thề sẽ yêu như từng đã
Có yêu người, em vẫn giữ mắt anh.”
(St)
Tôi và Thiên Minh cùng ngồi trên bãi bồi sông Hồng, bên cạnh vạt cỏ, ngắm những con thuyền đang rẽ sóng trên sông. Thiên Minh – có lẽ chỉ cái tên này mới hợp với cô ấy.
- Thanh Tâm? Cậu nên đổi tên cái tên nữ tính này cho tôi.
- Không. Mẹ tôi đặt đấy. Tôi không đổi đâu.
- Ngốc! Người ta đùa thôi. Tên tôi vừa đẹp vừa cá tính. Ai thèm cái tên yếu đuối của cậu.
Tôi được nhân viên cứu hỏa cứu khi đang cố tìm lại bông hồng giấy cho Minh. Cô ấy kể lại rằng: lúc đó toàn thân tôi như cháy đen, hơi thở yếu ớt, nhưng trên tay vẫn cầm cái hộp đựng bông hồng giấy cùng chứng minh thư nhân dân, bằng lái xe và cái bóp tiền. Dù cái chết cận kề, tôi vẫn đủ tỉnh táo để cứu cả giấy tờ cá nhân của cô ấy. Khi tôi tỉnh lại bên gốc bàng, Minh không hề khóc như tôi tưởng. Cô ấy lạnh lùng vuốt mái tóc tôi, đôi mắt vô hồn, bàn tay run run. Trời tờ mờ sáng. Ngọn lửa đã được dập tắt. Để lại cột khói cao vút, đen ngòm cả một góc trời.
Sau cái đêm kinh hòa ấy, tôi và Thiên Minh cùng đến bãi bồi sông Hồng để thực hiện bộ ảnh kỷ yếu tuổi hai mươi cho cô ấy. Bộ ảnh được chụp từ một studio bình dân nhưng rất chuyên nghiệp và nhiệt tình. Thiên Minh cười cả ngày hôm đó. Những tấm hình rất đẹp. Bỏ lại chiếc quần jeans rách quen thuộc, cô ấy lựa một chiếc váy trắng để chụp hình. Duy có viền mắt vẫn kẻ đen như thế. Mái tóc đen dài, xõa ngang lưng. Làn da nâu gợi cảm. Dáng người cao ráo, mảnh mai. Không phải vẻ đẹp thần tiên thoát tục, ở Minh toát lên nét đẹp giản dị, mộc mạc mà mạnh mẽ. Giống như những cành lau vàng trải dài trên bờ sông.
Trái tim tôi càng ngày càng cảm nhận rõ tình cảm của Thiên Minh dành cho mình. Còn tôi, thực sự đã yêu cô ấy...từ lâu lắm rồi. Như thể tôi sống để chờ đợi, để gặp và yêu cô ấy.
- Quê cậu có đẹp không?
- Quê tôi ở vùng trung du. Đồi chè xanh ngút ngàn. Đất đai màu mỡ, phì nhiêu. Không có bất cứ nơi nào đẹp hơn quê hương.
Tôi hỏi lại Minh:
- Cậu thấy Hà Nội có đẹp không?
- Chỉ đẹp với những kẻ có tiền thôi. Gia đình tôi đã sống ba đời ở Hà Nội rồi. Nhưng chưa bao giờ thoát khỏi cái xóm đường tàu nghèo nàn, nguy hiểm. Tôi là người duy nhất trong nhà học hết phổ thông và tốt nghiệp trung cấp Y. Đi làm hợp đồng với đồng lương ít ỏi. Không biết cuộc đời tôi sẽ đi về đâu.
Cô nàng thở dài. Nắm một nhúm cát sông Hồng trong tay rồi đưa lên gần miệng thổi. Từng hạt cát bay vô định trong gió.
- Đừng nghĩ như vậy. Sống phải lạc quan chứ.
- Cậu làm công nhân, vừa nghèo vừa nguy hiểm đến tính mạng. Cậu lạc quan được sao?
Tôi cười cười. Hai bàn tay nắm lấy một nhúm cát đã ướt. Vo viên nặn thành hình tròn.
- Dù vậy nhưng tôi có sức khỏe và chưa hề đói một bữa nào. Cả nhà tôi sống rất hạnh phúc, bình yên. Tôi sắp mua được ti vi mới cho mẹ xem phim rồi. Cố gắng làm việc chăm chỉ, chi tiêu tiết kiệm, chẳng mấy chốc sẽ có vốn về quê buôn bán. Ở ngoài kia, có biết bao số phận còn khổ cực hơn mình, ban ngày bới từng đống rác kiếm đồ ăn, ban đêm ngủ công viên, gầm cầu.
- Nhưng cũng có những người sống một cuộc sống giàu có, xa hoa. Được những kẻ nghèo như chúng ta phục tùng, ngưỡng mộ.
Bàn tay tôi nhẹ nhàng vén mái tóc dài thướt tha đang âu yếm khuôn mặt của Minh. Để ngắm nhìn đôi mắt hiền ấy.
- Đời người, không biết thế nào là đủ Minh ạ. Có thể họ giàu về vật chất nhưng tâm hồn vẫn có những mảng tối mà chúng ta không thể biết được. Dù giàu hay nghèo, hạnh phúc luôn là mục đích cuối cùng.
- Giàu thì có thể không hạnh phúc. Nhưng nghèo thì chắc chắn không bao giờ có được hạnh phúc.
- Cậu nói gì thế Minh? Sao lại có suy nghĩ kỳ quái như vậy? Chỉ cần bản thân nỗ lực cố gắng, làm ra đồng tiền bằng chính sức mình, sống một cuộc sống bình yên bên người thân là điều hạnh phúc nhất.
Lông mày Minh nhíu lại trước sự phản ứng trong bàng hoàng của tôi. Chỉ một vài giây, đôi lông mày ấy dãn ra rất nhanh rồi từ tốn hỏi tôi:
- Cậu cũng sáng dạ, chăm chỉ. Sao không thi Đại học rồi làm công việc trí thức hơn?
- Cái Mai nhà tôi bị ảnh hưởng chất độc màu da cam từ ông nội và bố. Nó bị thiểu năng trí tuệ. Bố tôi mỗi lúc một yếu hơn, không làm được việc nặng. Mẹ và tôi là lao động chính trong nhà. Tôi không muốn làm mẹ vất vả thêm nữa. Đại học là con đường tốt nhất để vươn đến thành công. Nhưng không phải con đường phù hợp nhất với tôi lúc này.
- Cậu nghĩ hẹp quá. Vào Đại học là ươm mầm cho một tương lai tươi sáng hơn.
Tôi nhìn Minh bằng ánh mắt kiên định.
- Tôi không thể ươm mầm trồng cây to dựa trên sự vất vả của mẹ.
- Cậu có oán trách đời không?
- Không hề. Tôi thấy rất hạnh phúc. Tôi khỏe mạnh, tốt bụng, có gia đình yêu thương.
- Tôi oán trách đời. Sẽ có một ngày tôi chạm tay vào tòa nhà cao tầng đằng kia. Bằng mọi giá tôi phải ngẩng cao đầu, bước ra khỏi cái phố đường tàu nghèo nàn, lạc hậu.
Câu nói của Minh khiến tôi ngỡ ngàng. Tôi không nghĩ Minh là một cô gái có tham vọng. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, cô ấy là một người có rất nhiều ước mơ lớn. Ước mơ khác với tham vọng. Ước mơ là động lực để người ta thêm yêu cuộc đời hơn. Nhưng tham vọng sẽ làm cho hai đôi bàn tay nắm chặt lại, ánh mắt trở nên vô tình, đôi khi bất chấp mọi giá để đạt được mục đích.
Mắt tôi xoáy sâu vào dòng nước đỏ ngầu đang êm đềm chảy. Nhẹ nhàng hỏi cô ấy:
- Cậu có thích tôi không?
- Thích.
Một từ “thích” nữa. Các cụ xưa có câu: “Vững như kiềng ba chân”. Phải chăng khi tôi gom đủ ba từ “thích” từ Minh, tôi sẽ nhận lại một từ “yêu” từ cô ấy? Dựa đầu vào vai tôi, Minh lim dim ngủ trong cơn gió chiều thu. Trong hạnh phúc, những ngón tay đan. Dịu dàng. Bình yên.
Cũng trong giấy phút đẹp đẽ ấy, tôi có cảm giác tịch mịch trong tâm tưởng. Phải chăng đó là một thứ hư không cứa sâu vào trái tim mình, một thứ hư không khiến mình khắc khoải trong cơn say tình ái, chếnh choáng trong cơn mê hoang tưởng, con tim đau đáu một nỗi niềm không biết gọi tên? Dù đang đắm chìm trong hạnh phúc, cũng thấy trong lòng hư không, dự cảm một điều chẳng lành, hoang mang và như chuẩn bị mất đi thứ gì.
Phía bên kia của tình yêu... thực sự có gì?
4.
“Mình phải đi lấy chồng rồi.”
Tôi nhớ lại lời nói của cô ấy. Từng câu từng chữ, dịu dàng như nắng mai mà run run trong cơn gió lạnh thoáng qua.
Thiên Minh sẽ được gả cho người đàn ông đó vào tháng mười hai năm nay. Tháng mười hai, cũng là mùa hoa dã quỳ trung du tàn. Tháng mười hai, cái lạnh khiến con người xích lại gần nhau hơn.
Người đàn ông đó hơn cô ấy mười tuổi, là một lái thương. Anh ta muốn cưới Minh từ năm cô ấy học xong phổ thông. Nhưng Minh khước từ, cô ấy sợ hôn nhân sớm sẽ đem lại những phức tạp. Và rằng, Minh không yêu anh ta.
Yêu hay không yêu, cuối cùng cô ấy vẫn trở thành vợ của người ta. Con người, có những giây phút dối chính lòng mình để ký vào tờ giấy hôn thú không tình yêu. Một tâm hồn mạnh mẽ, một cá tính khác biệt nhưng không thể nào chống lại sự khắc nghiệt của thực tại. Cô ấy đã bỏ cuộc trên con đường khẳng định giá trị bản thân dựa vào khả năng của chính mình. Bài học về ước mơ và tham vọng, có lẽ chỉ có trường đời mới dạy được ta.
Hôm đó, Minh hẹn gặp tôi ở trên cầu Long Biên. Vào buổi chiều muộn. Tôi im lặng cả buổi chiều ấy. Còn cô ấy, đôi môi đỏ run run, ánh mắt không ngừng nhìn xa xăm vào hoàng hôn đang nhuốm đỏ cả một vùng trời.
- Minh, chúc cậu hạnh phúc.
- Ừm... Cám ơn cậu.
Minh hé miệng cười, ngượng ngùng, giấu giếm. Cô ấy quay về phía không tôi, lặng lẽ bước đi.
Cuộc đời này gom đủ hai từ “thích” từ cô ấy là phúc phận của tôi rồi. Tôi vội vã gọi tên Minh rồi dịu dàng nói:
- Cậu đẹp mộc mạc mà thật quyến rũ. Cậu sẽ là người con gái mặc váy cưới đẹp nhất mà mình biết.
5. Tôi lang thang trên những tuyến phố giao cắt với đường ray tàu hỏa. Hà Nội náo nhiệt và phồn hoa. Nhưng len lỏi đâu đó vẫn có những con người, những số phận luôn bị vô vàn mối nguy hiểm rình rập. Mới sáng sớm nhưng các hoạt động buôn bán đã tấp nập diễn ra, chỉ cách đường ray có một mét. Me, lạc, tỏi, củi, thậm chí cả rơm rạ... được phơi la liệt trên đường tàu chạy. Gần chỗ tôi đứng là một tập hợp các loại ve chai và đồng nát. Vài em bé mặt mũi đen nhẻm, quần áo cũ rách, chân đi đất, chạy lăng xăng quanh đường ray. Một cụ già đang cầm con dao mài vào đường sắt, thỉnh thoảng đưa dao gần miệng thổi bụi. Bên cạnh là cái hộp đựng vôi và mấy miếng trầu.
Tháng ba, khi tiết trời vấn vương giữa mùa xuân sang mùa hạ, sẽ làm những kẻ mất đi tình yêu như tôi cảm thấy như thiếu vắng một nửa tâm hồn. Chẳng hiểu sao đôi chân lại đi đến xóm đường tàu này. Còn gì để nhung nhớ nữa đâu.
Tôi dừng lại trước cửa nhà Minh. Ngôi nhà hai tầng đã cũ, cách đường ray tầm một mét hơn. Ngước lên ban công, vài chậu hoa tóc tiên đang lơ lửng trong gió. Căn nhà có vẻ gì đó u buồn, hiu hắt. Tôi đưa tay ra gõ cửa. Cánh cửa gỗ đã bị mục ruỗng từ bao giờ.
- Cậu là ai? – Một phụ nữ trung niên có nước da xanh xao bước ra từ trong căn nhà hỏi tôi.
- Con là bạn của Thiên Minh.
Mặt người phụ nữ ấy bỗng hớn hở, cầm tay tôi kéo vào trong nhà:
- Cậu là Thanh Tâm phải không?
Tôi chỉ kịp “Vâng” nho nhỏ thì cô tiếp:
- Con Minh nó dặn tôi là nếu có cậu trai nào tên Thanh Tâm đến nhà tìm nó thì nhờ tôi tiếp đón cậu cẩn thận. Cậu là ân nhân cứu mạng của nó. Cái vụ cháy bệnh viện ấy.
“Tại sao Thiên Minh biết mình sẽ đến tìm cô ấy?”, tôi nghĩ thầm.
- Dạ, cô là thế nào với Thiên Minh ạ?
Cô mời tôi ngồi xuống bộ bàn ghế gỗ đã cũ. Nhưng không hề có một hạt bụi nào. Tường trong nhà đã ngả sau màu ố vàng. Dẫu vậy vẫn là một phông nền đẹp tô điểm cho khung ảnh của bé gái ấy. Đôi mắt lung linh, u buồn. Có lẽ bức ảnh đó chụp lúc Thiên Minh năm, sáu tuổi.
- Tôi là dì ruột của nó.
- Dạ, dì ạ... Từ lúc đi lấy chồng, Minh đã về thăm dì lần nào chưa ạ?
- Cậu nói gì cơ? Ai lấy chồng?
- Thiên Minh ấy ạ.
- Con Minh nhà tôi đã lấy chồng đâu.
Tôi ngỡ ngàng. Bất ngờ, rưng rưng. Một niềm vui nho nhỏ dâng lên trong lòng. Nhưng lại tắt lịm ngay sau đó vì biết rằng, Thiên Minh đã nói dối mình.
- Dạ... Vậy, giờ Minh đang ở đâu ạ? Con có vào bệnh viện cô ấy làm vài lần nhưng họ đều bảo Minh xin nghỉ việc rồi.
- Con Minh ấy à, hai bố con nó đi Campuchia rồi. Sang bên chỗ mẹ nó. Ở bên này khổ quá cậu à.
Campuchia? Mọi chuyện dường như đang vượt xa khỏi những câu chuyện hoang đường nhất mà tôi đã từng tưởng tượng ra.
- Con không hiểu. Minh kể với con là gia đình cô ấy đã ba đời sống ở xóm đường tàu này rồi. Bố mẹ Minh đang buôn bán ngay tại đây.
- Cậu có quen con Minh nhà tôi thật không thế? Cậu nói toàn những thứ ở đâu đâu ấy. Bố mẹ con Minh ly hôn lâu rồi, từ năm nó có năm tuổi thôi.
Tôi cố gắng giữ mình thật bình tĩnh. Mặc dù trong lòng đang chen chúc những câu hỏi. Có cảm giác mình từng bị lừa dối rất nhiều, rất nhiều. Cô gái ấy thực sự là ai? Tại sao cô ấy lại không dám nói thật về bản thân mình, về gia đình của mình?
Cô ấy đã từng mắng tôi “ngốc”. Thiên Minh à, mình có ngốc mới yêu cậu nhiều như thế. Ngay cả khi biết cậu lừa dối mình, mình vẫn tin rằng cậu có nỗi niềm riêng không thể nói ra.
- À, con Minh nó dặn tôi đưa cho cậu cái này nếu cậu tới đây tìm nó – Dì ruột Minh lên tiếng, kéo tôi về thực tại.
Rồi dì lấy ra một cái hộp nhỏ từ ngăn kéo tủ tường. Cái hộp được chạm khắc tinh xảo, nhưng giống như cánh cửa gỗ của căn nhà, nó đã mục ruỗng.
6. Tôi nhìn chăm chăm vào cái hộp gỗ ấy. Tâm can giằng xé. Một nửa muốn mở, một nửa không. Tôi sợ phải đối diện với sự thật một lần nữa. Sự thật đằng sau những dối lừa, sẽ có chỗ cho những điều tốt đẹp chăng?
Tôi đờ đẫn trong đêm. Nhìn ra khe cửa sổ, gió đông lạnh buốt. Tôi phân vân mở chiếc hộp.
Một bông hoa dã quỳ khô và một bức thư. Thiên Minh, cậu có bông hoa dã quỳ này từ đâu? Bức thư màu hồng phấn xao xuyến trong tay, tôi run run mở thư. Trong một tâm trạng phức tạp.
“Gửi bạn công nhân,
Không biết bức thư này bao giờ sẽ đến tay cậu. Một năm, mười năm, hai mươi năm, thậm chí là cả cuộc đời này, có thể nó sẽ không bao giờ được trao đến người nhận.
Thanh Tâm, tôi biết cậu đang rất buồn. Tôi sẽ kể cho cậu nghe một câu chuyện, có lẽ, một phần nào đó sẽ khiến cậu bớt buồn hơn. Một câu chuyện về mối tình đầu. Nhân vật chính là hai người đã sinh ra tôi, bố và mẹ. Bố là anh công nhân cơ khí áo xanh, quanh năm gắn bó với chiếc xe đạp cà tàng. Mẹ là cô gái bán xôi sáng trước công xưởng bố đang làm việc. Nhà mẹ ở xóm đường tàu nghèo nàn, nguy hiểm. Hai người đến với nhau bằng sự đồng cảm, sẻ chia của những số phận nhỏ bé trong xã hội, nhưng không ngừng mơ ước, phấn đấu cho một tương lai ấm no, hạnh phúc. Một đám cưới nho nhỏ là cái kết viên mãn cho mối tình đầu đẹp ấy. Ông bà ngoại mất sớm, để lại ngôi nhà cũ ở xóm đường tàu cho mẹ nên hai người chuyển về đó sống để tiện chăm sóc dì út bệnh tật. Rồi tiếng khóc chào đời của đứa con càng tiếp thêm hạnh phúc cho cả hai. Bé gái ấy tên là Thiên Minh.
Nhưng rồi cuộc sống ngày một khó khăn hơn khi tôi chào đời. Khi tôi lên năm, bố đột nhiên bị mất việc. Cả nhà chỉ trông đợi vào gánh xôi của mẹ. Một lần bố đánh được con bạc to, mua được chiếc xe Dream. Rồi hai lần, ba lần...bố chính thức dấn thân vào kiếp đỏ đen và rượu chè. Rồi bố ép mẹ ký vào đơn ly hôn để bố lấy vợ mới. Mẹ quỳ xuống cầu xin bố hãy để ba người chúng tôi được sống cùng với nhau nhưng bố đã nhẫn tâm bỏ đi khỏi xóm đường tàu. Vài tháng sau, trong một lần bán xôi ở Tây Hồ, mẹ gặp dượng - một người đàn ông Việt kiều hơn mẹ mười tuổi. “Gái một con trông mòn con mắt”. Ngay từ lần gặp đầu tiên, dượng đã si mê nét đẹp mặn mà ấy rồi tìm mọi cách lấy lòng mẹ. Cảm động trước tấm chân tình của dượng, mẹ đã chấp nhận lấy ông ta. Rồi dượng đưa hai mẹ con tôi sang Campuchia sinh sống. Những tháng ngày tăm tối nhất trong cuộc đời tôi bắt đầu từ đó.
Sang Campuchia, mẹ làm đầu bếp trong quán phở của dượng ở Phnom Penh. Dượng là một người đàn ông bên ngoài thì ấm áp, nhưng bên trong chứa đựng bản tính của ác quỷ. Mẹ giống như một người hầu của dượng. Mẹ chịu ơn dượng nên dù ông ta có trì triết, ví mẹ con tôi như loài súc vật ăn bám, mẹ cũng cam lòng. Mẹ chỉ mong tôi được sống đầy đủ, hạnh phúc.
Tôi nhớ mình trở thành đàn bà vào năm mười ba tuổi. Trong một đêm mẹ ốm nặng phải nằm viện. Người đàn ông đầu tiên trong cuộc đời tôi là dượng. Không dám kêu la, chỉ biết khóc. Không dám nói với mẹ, tôi chịu đựng một mình. Bốn năm sau, có vài lần dượng tìm đến tôi. Lần nào cũng vậy, tôi chống trả và bị hành hạ tới chết. Tôi dần trở nên ít nói và xa lánh mọi người. Mẹ bận rộn với cửa hàng nên không để ý tới sự thay đổi của tôi. Ở Phnom Penh, phải nói rằng tôi sống không thiếu thứ gì, trừ sự hồn nhiên.
Năm mười sáu tuổi, mẹ biết chuyện tôi bị dượng xâm hại. Hai mẹ con tôi ôm nhau khóc cả đêm hôm đó. Vài ngày sau, mẹ bảo tôi về Việt Nam tìm dì út. Mẹ sẽ gửi tiền về nuôi tôi và dì. Tôi không nỡ xa mẹ nhưng mẹ rất kiên quyết. Mẹ nói đợi một thời gian nữa, mẹ sẽ ly dị với dượng rồi về Việt Nam tìm tôi. Sau khi tôi rời Campuchia, dượng cắt hết các khoản chi tiêu của mẹ. Tiền kiếm được bao nhiêu, ông ta giữ sạch. Tôi và dì út sống bằng việc lượm ve chai trên khắp con đường Thủ đô.
Tôi đi tìm bố. Hóa ra bố tôi không hề lấy vợ mới. Vì cảm thấy tội lỗi, bố một mình gánh nợ. Bỏ mẹ con tôi để chui trong căn nhà rách, sống khổ sở, nhục nhã. Tôi kể hết mọi chuyện với bố. Rồi bố khóc. Tôi cũng khóc.
Nhờ mọi người hai bên nội ngoại giúp đỡ nên tôi vẫn được học hết phổ thông rồi tiếp tục thi vào Trung cấp Y. Hai năm sau, khi tôi tốt nghiệp trường Y cũng là lúc mẹ thoát khỏi dượng. Mẹ theo người ta buôn bán gỗ. Tích góp được một ít tiền rồi mở một quán ăn ở Phnom Penh. Cuộc sống của mẹ con tôi tạm thời sung túc và bình yên.
Thanh Tâm, cậu biết không?
Lần đầu tiên tôi biết đến loài hoa dã quỳ mọc dại mà đẹp tinh khiết là vào hai năm trước. Trong một lần theo các anh chị sinh viên đi làm tình nguyện ở vùng trung du.
Đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp cậu thanh niên ấy. Giữa đồi chè mênh mông, cậu ấy như một nét chấm phá giản dị mà khí chất. Áo trắng sờn vải, chiếc quần tím than lấm tấm bùn. Làm công việc hái chè mệt nhọc mà ung dung, tự tại như đang làm thơ. Bên cạnh là một người phụ nữ trung niên có thân hình đầy đặn và khuôn mặt phúc hậu. Thỉnh thoảng lại dí ngón tay trỏ vào trán cậu. Những đường nét tuấn tú, chững chạc phô bày rõ nét nhất khi cậu ấy cười. Giống như cảnh sắc trung du, nụ cười ấy thật đẹp, giản dị mà rưng rưng một tình yêu cuộc sống.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cậu thanh niên ấy sẽ là cậu. Vì tôi vẫn chưa tin vào duyên phận, chưa tin vào cái “vòng vèo” gì đó của cuộc sống mà cậu nói. Tất cả những gì xảy ra giữa chúng ta giống như một giấc mơ. Những kỷ niệm như thật như ảo. Những tình cảm như có như không. Lần đầu tiên có người chịu nghe cái giọng hát thê lương ấy của tôi. Lần đầu tiên tôi được tặng một món quà dễ thương đến như vậy.
Một bông hoa hồng giấy nhỏ xinh được gấp từ bàn tay khéo léo của anh công nhân tỉnh lẻ cần cù, chăm chỉ. Niềm vui nho nhỏ nhen nhóm trong tim tôi. Hóa ra bông hồng ấy còn cất giấu tình cảm của người tạo ra nó: “Bạn y tá, tôi thích cậu!”. Những dòng chữ uốn lượn, bỗng dưng nhòe mực vì nước mắt.
Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết trên đời có một người ngốc nghếch đến thế. Nghe tiếng cậu hét gọi tôi trong đám cháy, tất cả tình cảm trong tôi như vỡ òa. Tôi chỉ biết khóc. Và nghe theo lời cậu. Khi Thần Chết đến gần, có lẽ con người ta sẽ thật thà với bản thân và mọi người hơn. Rồi khi nhận được bông hồng giấy từ tay cậu. Tôi run run trong cảm xúc lìa xa. Suýt chút nữa, chỉ vì một câu nói của mình, tôi đã mất đi người con trai đầu tiên cho tôi cảm giác an toàn.
Thanh Tâm,
Cậu là người hạnh phúc nhất mà tôi từng biết. Vì cậu có một tâm hồn trong sáng và thanh thản. Âm thanh cuộc đời mà cậu nghe được là âm thanh trong trẻo nhất. Những quan niệm của cậu về giàu – nghèo, về hạnh phúc, về lòng hiếu thảo, về cuộc sống khiến tôi thấy chúng ta thực sự rất giống nhau. Chỉ khác rằng cậu dám nói ra còn tôi thì không. Những điều mà tôi nói với cậu ở bãi bồi sông Hồng chiều hôm ấy cũng chính là những gì mẹ tôi từng nói với bố. Khi họ bắt đầu một mối tình đầu đẹp đẽ mà trắc trở. Cái nghèo đã làm mất đi sự thanh tao của mẹ. Bố cũng đã từng là một người rất lạc quan, giống như tôi và cậu bây giờ. Nhưng khi đối diện với cái nghiệt ngã của sóng gió cuộc đời, bố đã không bảo vệ được chính những suy nghĩ của mình. Chỉ vì một chút tham vọng về làm giàu mà không phải lao động, bố đã đánh mất hạnh phúc gia đình mà bao năm vun đắp.
Nhưng sau mười lăm năm xa cách, gia đình tôi đã được đoàn tụ. Trên xứ sở của cây thốt nốt, của góc mái đền Angkor Wat cổ kính. Bố và mẹ vẫn còn yêu nhau rất nhiều. Họ đã trao đổi thư từ qua hàng ngàn cây số và tha thứ cho nhau. Tôi chính là sợi dây hàn gắn hạnh phúc giữa hai người. Sống cùng bố và mẹ trong một mái nhà chính là niềm mơ ước lớn nhất của cuộc đời tôi.
Thanh Tâm, tôi đã từng có một mối tình đầu rất đẹp. Chỉ tiếc rằng....
Tình đầu, giống như gió mùa thu. Đến ồn ào rồi đi nhẹ như mây. Có mấy ai trong đời dám ngông như ông hoàng thơ tình Xuân Diệu: “Tôi muốn buộc gió lại/Cho hương đừng bay đi”.
Tạm biệt cậu,
Bạn y tá,
Thiên Minh.”
Một giọt nước mắt rơi nơi khóe mắt. Tôi vội vàng lau khô để màn đêm không biết mình đang khóc. Nếu như cô ấy thực sử đã gả cho người ta, có lẽ những giọt lệ này sẽ không bao giờ rơi. Đàn ông, sao có thể thương cho bản thân mình mà tùy tiện khóc.
Bây giờ tôi đã hiểu vì sao một cô gái có vẻ đẹp dịu dàng, mộc mạc như Thiên Minh lại luôn kẻ viền mắt màu đen đậm. Giấu đi đôi mắt hiền và đôi mi u buồn. Vào thời khắc cái chết kề cận, điều ước cuối cùng của cô ấy chính là được chụp hình kỷ yếu và nắm một nhúm cát ở bãi bồi sông Hồng. Tôi và Thiên Minh, tưởng như hai thái cực hoàn toàn khác biệt, nhưng thực ra trong lòng cả hai đều dùng một ống kính trong trẻo để quan sát cuộc sống