Thể loại: Truyện cổ tích
Một hôm, trên đường từ rẫy về, bà bị lạc đến một khu rừng lạ. Ðói và khát khô cổ mà bà vẫn chẳng tìm ra thức gì để ăn và uống cả. Bà lả người đi. Khi tỉnh dậy, bà thấy trước mặt có một lùm cây: lá xanh chi chít, hoa vàng li ti chen lẫn những chùm trái đỏ mọng. Bà cảm thấy thèm, bèn hái trái ăn. Trái ngọt lịm làm bà không còn đói và khát nữa. Ðầu óc bà dường như tỉnh táo hơn. Và bà tìm được lối về nhà. Hôm sau, bà thấy người mình khang khác. Bụng bà cứ ngày một to dần. Ðúng 12 mùa trăng, bà đẻ ra một đứa bé gái. Lũ làng nhìn bà bằng con mắt khinh bỉ. Có người độc lưỡi độc miệng nói rằng: bà đẻ ra ma núi. Bà vẫn cắn răng chịu đựng. Lạ lùng thay, mặc dù nghèo khổ nhưng bà chăm đứa nhỏ rất chu đáo.
Ðứa con gái càng lớn càng rực rỡ và xinh đẹp như đoá hoa trang trong rừng. Ngày ngày, nó vào rừng, ra suối bắt bướm, hái hoa rong chơi. Nó lười biếng không chịu làm việc giúp mẹ. Bà mẹ ngày càng già yếu nhưng vì thương con bà phải cố sức làm lụng vất vả để có cái ăn cái mặc cho con. Rồi một hôm, bà mẹ nhiễm bệnh và qua đời. Lũ làng xúm xít lo chôn cất bà mẹ và không tiếc lời quở trách đứa con tệ bạc. Quen thói lười biếng nên khi bà mẹ chết đi, đứa con không còn ai chăm sóc nữa. Hằng ngày nó tha thẩn tấm thân gầy còm đi ăn xin hết bếp nhà này đến bếp nhà khác. Mới đầu, người ta còn thương hại cho ít nhiều để nó sống qua ngày. Xin hoài người ta cũng chán. Ðứa con đến đâu xin xỏ, thiên hạ cũng dè bỉu, mỉa mai. Ðến bây giờ, nó mới biết ăn năn, hối lỗi. Nó cảm thấy thương mẹ nó vô cùng và xấu hổ với dân làng nhiều quá. Nó chạy ra mồ mẹ, nằm khóc nức nở và luôn gọi: “Mẹ ơi, tha lỗi cho con!”.
Rồi từ đêm đó, không ai gặp cô bé nữa. Chỉ thấy bên mộ bà mẹ mọc lên một cây lạ, lá nhỏ li ti. Mỗi khi có ai vô tình hay cố ý đụng đến, cây chợt rùng mình, khép nép như cố né tránh mọi người. Người ta gọi đó là cây xấu hổ.