Tác giả: Sưu tầm
Thể loại: Truyện cổ tích
Hai bên say mê nhau và điều ước muốn của người đàn bà là làm sao cho chồng sớm chết để mình được tự do đi lại với tình nhân. Hàng ngày người đàn bà sửa lễ ra đền khẩn vái cầu thần hoá phép cho chồng chết đi, sẽ xin hậu tạ. Việc ngoại tình của người vợ cuối cùng cũng đến tai người chồng. Hắn đã rình rập đôi ba phen nhưng chưa kết quả. Thấy vợ lui tới đền thờ thần luôn thì hắn sinh mối ngờ vực, bèn một hôm lẻn đến trước, nấp ở sau pho tượng.
Khi nghe lọt những lời khấn khứa của vợ, hắn bỗng mỉm cười, rồi nhân thể đổi giọng giả làm lời thần nói vọng xuống, đủ lọt vào tai vợ:
- Về mổ một con gà mái ghẹ, bỏ vào một nắm hoài sơn, nấu lên cho ăn thì nhất định nó phải chết.
Vợ tưởng là lời thần phán thật, bèn trở về làm như là dặn. Buổi chiều hôm ấy sau khi một mình chén cả con gà, chồng giả cách lên giường nằm vật vã. Vợ chắc mẩm thuốc bắt đầu ngấm, mừng thầm trong bụng, làm bộ hầu hạ săn sóc. Khi thấy chồng quằn quại thì lấy chiếu đắp lại rồi lập tức chạy đến báo cho tình nhân hay và rủ lại nhà minh để kịp thời tính liệu.
Vốn đã có chủ ý, nên sau một hồi làm bộ mê mệt, chồng bỗng nhỏm dậy giục vợ nấu cho mình một nồi nước.
- Nấu nước để làm gì? - Vợ hỏi.
- Tôi nghe trong bụng cồn cào như đứt từng khúc ruột, chắc là không qua được. Muốn tắm một cái cho sạch để đợi giờ chết.
Vợ tin là thật, bỏ đi nấu nước, trong khi đó thì tình nhân của nàng lẻn tới kín đáo chui vào một cái chum đậy nắp ở trên. Dĩ nhiên việc đó không qua mắt được người chồng.
Nước nấu xong, chờ khi vợ ra giếng gánh nước lã về pha, chồng bèn trở dậy bưng nồi nước sôi đổ ụp vào chum. Người kia chết không kịp ngáp. Lúc vợ gánh nước về, chồng khoát tay bảo rằng:
- Không cần tắm nữa. Bây giờ thì tôi nóng ruột quá, muốn chạy đi đâu cho khuây khỏa.
Nói đoạn bỏ đi mất. Vợ đang lo lắng vì tình nhân còn nấp trong nhà, nay thấy chồng bỏ đi thì mừng quýnh, chờ chồng đi khuất, vội chạy đến chum. Vừa giở nắp đã thấy tình nhân trồi đầu lên, vội nói:
- Ôi! Vui sướng chi mà anh lại cười! Đi cho mau kẻo nó về thì khốn.
Nhưng đến khi nhìn kỹ thì mới biết hắn ta đã chết nhăn răng từ bao giờ.
Trước cái xác chết, người đàn bà đâm ra bàng hoàng lo lắng. Bụng bảo dạ: - "Phải làm thế nào cho mất tích, nếu không thì khó lòng giữ được cái đầu trên cổ". Đang lo nẫu ruột thì một mưu kế chợt đến. Xóm giềng có mụ Hoa chuyên nghề nấu rượu. Đầu hồi nhà mụ có một dãy chum chứa hèm để bán cho người nuôi lợn. - "Phải rồi, chỉ cần làm sao đưa cái xác lọt qua hàng rào nhà mụ bỏ vào chum là ổn". Nghhĩ vậy, chờ đêm tối, người đàn bà bắt tay làm ngay. Nhà mụ Hoa rào dậu đổ nát nên chị ta làm việc đó một cách êm thấm.
Sáng hôm sau, mụ Hoa như lệ thường, mang hèm rượu vừa nấu mẻ tối qua đổ vào chum. Mụ bỗng toáng đảm khi thấy có cái xác chết ngồi gọn ở trong. Mụ toan la lên một tiếng, nhưng đã biết kịp thời ghìm lại. - "Chết thật! đứa nào đây hại ta. Vô phúc có đứa nào biết thì cả cái cơ nghiệp này chỉ còn có nước khấn vào mồm quan nha lính tráng mà thôi. Mà thôi con gái ta vốn nổi tiếng "đa mưu túc trí", phải nhờ nó lo cho mới được!". Nghĩ vậy, mụ bèn gọi con gái vào buồng. Hai mẹ còn thầm thì to nhỏ. Chỉ một chốc sau đã thấy hai người lăng xăng mang áo quần lụa là vải vóc và nhiều đồ quý giá khác phơi đầy một sân. Có người hỏi, mụ nói: - "Tư trang của con gái tôi đấy".
* * *
Gần xã vốn có hai bợm quanh năm làm nghề đào tường khoét vách. Đi qua quán rượu của mụ Hoa, chúng nhìn mọi thứ phơi phóng thì hoa cả mắt. Đứa nọ bảo đứa kia: - "Toàn hàng quý!... Biết bao nhiêu là tiền... Không ngờ mụ chủ quán lại lắm của thế". - "Còn đợi gì mà không làm một mẻ".
Thế là đêm lại, hai bợm đã cắt được vách chui vào nhà. Chúng không phải mất nhiều công tìm tòi, vì cái hòm áo quần tư trang lại đặt nghênh ngang giữa nhà, hình như mẹ con nhà chủ quán sau khi phơi phóng tư trang chỉ mới kịp xếp cất, chưa gác được lên chạn. Hai bợm ta thấy không còn cơ hội nào tốt hơn, bèn cứ thế len lén khiêng ra cổng, đi thẳng một mạch.
Nhưng khiêng được về đến nhà, nạy hòm ra thì hai bợm giật nảy mình khi thoáng nhìn thấy cái xác. - "Thảo nào mà nặng như vậy, tao tưởng phải có vài trăm quan là ít", một đứa nói: - "Đúng là chúng mình mắc hợm với mẹ con nhà chủ quán", đứa kia tiếp: - "Phải cho mẹ con chúng nó biết tay mới được!". - "Nhưng dù sao thì cũng phải là tiêu huỷ cái của nợ này đi đã". Cuối cùng chờ tối đến, hai đứa đành phải khiêng xác đi chôn, miệng không ngớt lầm bầm chửi rủa mẹ con mụ Hoa.
* * *
Chừng một tuần sau, một hôm cô gái con mụ Hoa đi chợ, đến một quãng vắng thì hai tên bợm ở trong bụi nhảy xổ ra:
- Mẹ con nhà mày vừa chơi chúng tao một vố. Khá lắm. Bây giờ thì chúng tao xử tội mày. Có bao nhiêu hoa hột vòng xuyến và tiền nong phải bỏ ra ngay đi!
- Xin hai anh tha cho em.
Cô gái hoảng sợ chắp hai tay cầu khẩn. Nhưng rồi sau phút bối rối, cô cũng biết tương kế tựu kế:
- Muốn lấy tiền, xin hai anh đưa em đến chỗ có tàu ô cập bến mà bán sẽ được vô khối là tiền. Chứ còn đi chợ, em có mang bao nhiêu đâu mà lấy cho bõ.
Thấy đứa con gái bàn có lý, hai bợm bèn xoay lại ý định: - "Thôi được! Hãy đi với chúng tao. Nhưng nếu bỏ chạy thì chớ chết". Nói rồi cả ba cùng nhau ra đi. Sắp đến bến, cô bảo chúng dừng lại và nói:
- Tàu ô trước mặt đó. Hai anh đứng lại đây, đợi tôi xuống ăn giá đâu vào đấy rồi hãy xuống nhận tiền. Đàn ông không mua bán quen, chúng nó bóp chẹt chẳng được bao nhiêu.
Hai bợm nghĩ rằng trước mặt là sông rộng nếu nó có chạy đi đâu cũng không thể trốn nổi nên nghe lời ngồi lại đợi. Gặp chủ tàu ô, cô gái nói:
- Này ông chủ, tôi có hai tên nô người miền núi, có sức khỏe lại giỏi thức khuya, muốn thức mấy đêm cũng được. Ông chủ mà dùng chúng vào việc canh gác thì tuyệt. Chúng hầu hạ tôi đã lâu, vì cần tiền nên tôi bán rẻ cả hai đứa chỉ lấy mười lạng bạc.
Chủ tàu nghe nói có món hàng hời thì ưng ra mặt, giục đưa xuống để mua. Cô gái chỉ lên bờ nói:
- Kìa, ông trông hai đứa đang đứng ở đấy. Chúng là người miền núi rất sợ nước, nên tôi không dám đưa xuống đây, vì hễ thấy nước là chúng trốn. Nếu ông ngã giá xong thì cứ giao tiền cho tôi, đoạn cho người thình lình bắt hai đứa trói lại, chớ để chúng chạy. Sau đó đưa xuống hầm tàu, bao giờ nhổ neo mới lại cởi trói cho chúng, bắt chúng làm việc.
Chủ tàu ô nghe bùi tai bèn làm theo lời. Cô gái lên bờ bảo hai bợm rằng mình đã ăn giá xong, hãy xuống tàu mà nhận tiền. Nhưng chưa kịp nhận, chúng đã bị bọn thủy thủ bắt trói giật cánh khuỷu, nhét giẻ vào mồm và ném xuống hầm tàu. Cô gái thừa dịp lỉnh mất.
Đợi cho đến lúc nhổ neo, chủ tàu ô cho mở trói, hai bợm mới được tự do, và việc đầu tiên của chúng là nhảy ùm xuống sông bơi đại vào bờ. Lão chủ tàu tiếc của, cho thủy thủ quay tàu vào rồi lên bờ đuổi theo. Nhưng bọn chúng lạ nước lạ cái, làm sao có thể đuổi bắt được hai tên bợm vốn đã am hiểu đường ngang ngõ tắt, nên cuối cùng đành nuốt hận trở về.
Mặc dầu trốn thoát, tối hôm đó hai bợm phải trèo lên một cây to ẩn náu. Không ngờ chính trên ngọn cao của cây cổ thụ ấy, cô con gái mụ chủ quán rượu cũng vì tối trời không về được nên đã tìm lên ẩn nấp từ trước. Một trong hai đứa trèo lên ngọn thì gặp cô ả. Thấy nó, cô gái tươi cười đon đả:
- Ồ, anh cũng đã về được đấy ư? Em tin chắc thế nào hai anh cũng thoát được quân tàn bạo ấy, để một ngày nào đó em sẽ được cùng anh kết duyên...
- Thật không? Có thật là nàng sẽ thuận lấy ta không?
- Thật chứ. Nhưng anh phải xa lánh anh kia và bỏ cái nghề làm ăn nguy hiểm này thì em mới lấy.
- Vậy thì thử thề đi ta xem.
- Thề cũng được thôi. Nhưng thề "cá trê chui ống". Chỉ có thể thè lưỡi liếm nhau là cách hứa hẹn chắc chắn hơn cả.
Nhưng khi bợm ta vừa ghé sát mặt cô gái, thè lưỡi định liếm thì cô đã cắn cho hắn một cái rất mạnh. Chót lưỡi đứt, hắn đau quá ngã lộn cổ xuống đất. Bợm kia còn ở dưới cành thấp chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, tưởng trên ngọn có vị thần linh nào làm cho thằng bạn của mình hộc máu ngã xuống, nên cũng vội vàng tụt xuống khỏi cây rồi ba chân bốn cẳng chạy mất
Chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!