Truyện: Trồng Tre Lên Trăng

Tác giả: Sưu tầm

Thể loại: Truyện cổ tích

Ngày Xưa, ở trên cung trăng có một chàng trai khỏe mạnh, siêng năng và có tài săn bắn, tên là Côn Ken. Côn Ken đủ sức gánh một lượt tám bồ thóc.

Đường cày của anh thẳng như đường chỉ kẻ của ông thợ mộc. Còn bờ ruộng thì anh cuốc bằng phẳng như ông thợ rừng đẽo gỗ. Đêm đêm, Côn Ken vác ná vào rừng săn nai.

Nai săn được chàng vác nguyên cả con về nhà.

Một đêm, trăng soi sáng cả trần gian. Mười cô gái con chủ làng, đem xa ra sân ngồi kéo chỉ. Trong mười cô, sáu cô lớn trán vồ, răng vẩu, người gầy như bà già, lại cao như đàn ông. Cô thứ bảy, thứ tám, thứ chín rất lười làm, mồm lại hay nói, hay bịa chuyện dữ, bớt chuyện lành. Còn cô thứ mười tóc dài qua lưng, da trắng như bột, má lúm đồng tiền. Tên cô là Rây Dính con nuôi chủ làng. Rây Dính rất siêng việc và lành như đất, nên thường bị các cô chị dồn việc cho làm, lại bị các chị ức hiếp, đánh mắng luôn.

Mười cô gái kéo chưa xong mỗi người một lúp sợi, thì trăng lên đúng đỉnh đầu. Mặt trăng tròn như cái mâm, sáng vằng vặc. Lúc đó, Côn Ken đi săn được một con nai lớn, đang vác về. Các cô gái nhìn thấy, gọi với. Cô cả nói:

- Hỡi Côn Ken! Xuống đây với gái làng đi! Ở trên ấy, chàng đi săn không có ai theo mang thịt đâu!

Cô hai nói:

- Ở trên ấy, chàng đi cày không ai nấu cơm cho đâu!

Cô ba:

- Ở trên ấy, không ai đội khăn, không ai bắt chấy cho chàng...

Rồi cô tư, cô năm, cô sáu... tranh nhau:

- Côn Ken của tao.

- Tôi thấy nó trước.

- Các chị nhìn thấy nó sau tôi...

Một mình Rây Dính không dám tranh, chỉ ngồi riêng một xó. Từ hôm đó, khi đi ngủ, các cô mơ, lúc thức các cô ước. Khi đi chơi, các cô cũng nhìn lên trời. Nhưng Côn Ken không nói chuyện với ai. Một ngày kia, giữa mùa gió bấc mưa nhiều, măng trong rừng non mượt. Chủ làng gọi các con, bảo:

- Hởi các con gái chân tròn, tay khoẻ Gió bấc thổi lộ rồi. Măng trong rừng non lắm. Gái nào khôn bẻ măng nhú khỏi mặt đất, gái nào dại để măng ra lá mới ăn.

Mười cô gái cắp thúng, cắp rổ lên rừng. Chín cô chị đội khăn thêu, mặc áo mới. Chỉ một Rây Dinh mặc áo vá. Chiếc khăn cũng không lành. Nàng phải mang cơm, mang nước cho cả chín người chị. Lên đến rừng, chín người chị vào bóng râm ngồi bắt chấy. Rây Dính phải đi bẻ măng. Đến trưa, các cô chị còn hoạnh hoẹ rồi mới sà vào ăn cơm. Ăn xong, chín cô lại vào bóng râm nằm ngủ một giấc, đến chiều vẫn chưa tỉnh dậy, Rây Dính xếp măng đầy vào mười thúng rồi mới đám gọi:

- Ơi chị cả, chị hai, chị ba...! Ngày hết đêm đến rồi! Sao các chị còn ngủ ngoài rừng. Em bẻ đủ măng rồi, các chị dậy về thôi.

Chín cô chị thức dậy vội vã đội măng trên đầu, theo ánh trăng soi, đi dần về xóm. Đến con sông lớn có bãi cát rộng bằng cái sân nhà, có cây đa đá, quả vừa chín bói. Cô cả quay lại gọi các em:

- Ơi các em! Đường về nhà không còn xa nữa. Hãy đi tắm nước sông, ngồi bãi cát rộng, ăn trái đa đá rồi hãy về.

Cô cả để thúng măng xuống bãi cát. Chín cô em cũng làm theo. Mười cô ùa ra sông tắm. Nước sông trong, trăng trên trời sáng. Bóng trăng dưới nước cũng sáng. Các cô lại thấy Côn Ken vác ná đi săn. Cô cả nhanh nhẩu reo lên:

- Ô này các em, hãy thi nhau, ai húc đầu vào gốc cây đa đá cho trốc gốc thì Côn Ken là của người đó.

Nói rồi cô cả chạy vụt lên trước, húc đầu vào gốc cây. Tám cô cũng chạy lên, thi nhau húc mỗi người vài lượt. Đầu các cô sưng vù mà cây đa đá không rụng cành, lá không động đậy. Rây Dính đang đứng ngoài xa. Cô cả nói khích:

- Sao mày không vào húc đi... Ừ, mà mày có húc cũng không ngã cây đâu. Côn Ken không thèm lấy thứ con nuôi, con ở như mày.

Các cô kia nghịch ác, chạy ùa ra lôi Rây Dính xô vào gốc cây.

- Cho mày húc. Đầu chúng tao sưng, thì đầu mày cũng phải sưng.

Lạ thay, đầu Rây Dính vừa chạm vào, cây đa đá đã rùng mình, cành lá rụng lào xào. Rồi cây bật gốc, đổ uỳnh xuống. Bỗng cô cả tru tréo:

- Á… Mày là gái hư. “Trai chưa đến nhà mà mày đã theo”. Tao về tao mách cha, mẹ...

Các cô ngúng nguẩy đội măng xuôi về. Vừa về đến ngõ, các cô đã tranh nhau nói:

- Mẹ ơi! Con Rây Dính hư rồi! Trai chưa đến nhà, mà nó đã muốn theo trai.

Mới nghe vậy, bà mẹ đã túm Rây Dính, đánh, rồi trói lại, bỏ bên chuồng heo (lợn). Rây Dính khóc, nước mắt chảy ướt đất. Sáng hôm sau cả làng đi ra rừng hái rau, tất cả nhà chủ làng đã đi hết. Rây Dính bị trói tay trói chân, nằm một mình. Đói không ai cho ăn, khát không ai cho uống, buồn không ai hỏi, nói cũng chẳng có ai nghe. Cô ngủ thiếp đến nửa buổi chiều. Có một người lạ, đứng ngoài cổng gọi.

- Ơ này Rây Dính! Làm sao mà buồn nhiều, khóc nhiều vậy? Gần nửa buổi chiều rồi, sao chưa dậy nấu cơm?

- Sao mà không buồn! Cả làng đi tất cả. Tôi thì bị trói ở đây!

- Rây Dính có muốn ra khỏi nhà này không? Muốn thì lấy dao cắt dây trói đi. Dao nó giấu trong thúng bông, gần đó.

Rây Dính được người ta mách chỗ để dao, nhưng hai chân bị trói chặt, không cựa được. Nàng phải lăn mấy vòng mới đến thúng bông. Mẹ nuôi giấu con dao dưới đáy thúng. Rây Dính lấy dao cắt đứt dây trói lấy bầu múc một bầu nước, mang chạy ra ngoài. Vừa đến đầu cổng, thì người làng lần lượt trở về.

Mấy cô chị trông thấy Rây Dính, thét lên:

- Ớ cha, ớ mẹ! Con Rây Dính, bỏ nhà trốn rồi! Nó đang chạy kia kìa...

Vợ chồng chủ làng vỗ đùi, vỗ tay hò hét:

- Ớ dân làng... đuổi bắt Rây Dính cho ta...

Dân làng để rổ xuống đất, vứt dao bên cạnh đường cùng nhau đuổi Rây Dính. Rây Dính chạy qua rừng, lội qua sông, vượt qua suối, cô chạy đến đâu dân làng đuổi theo đến đấy, nên phải chui vào bọng cây, nằm khoanh tròn. Dân làng chỉ nhìn dưới đất, nhìn trên ngọn cây, và vạch các bụi cỏ, nên tìm không thấy. Họ bảo nhau:

- Ới người làng ơi! Con trăn cuốn Rây Dính rồi. Còn hổ đói ăn Rây Dính rồi. Tìm không thấy cái xương, cái tóc nó nữa rồi! Ta đi về thôi…

Dân làng trở về, Rây Dính chui ra khỏi bọng cây. Xung quanh đây không có tiếng chó sủa, không có tiếng gà mẹ gọi gà con. Cô trèo lên cây nhìn về phía Nam, không thấy rẫy; nhìn về phía Bắc, không thấy nhà; nhìn về phía Đông, không thấy ruộng; nhìn về phía Tây, không thấy khói bếp. Rây Dính tuột xuống, xách bầu nước, cắm đầu chạy, mà không biết chạy đi đâu. Đến khi hai chân chệnh choạng, hai tay mỏi rời thì nàng đến một cái hồ lớn. Xung quanh hồ không có nhà, không có trại, chỉ có một cây tơ, cành lá che kín nửa hồ nước.

Rây Dính treo bầu nước vào gốc cây, lội ra hồ tắm. Nước dưới hồ trong veo.

Trăng đã nhô lên khỏi núi, mặt trăng to như cái mâm soi sáng mọi nơi. Rây Dính nhìn lên, thấy Côn Ken đứng chống cán cuốc, nhìn lại mình.

Rây Dính xấu hổ. Áo cô rách để hở da ngực, mảnh chăn không che kín đùi. Cô ôm ngực chạy vào gốc cây, chân giẫm phải một lóng tre. Lóng tre lăn tròn, Rây Dính suýt ngã. Nhưng khi cô gượng dậy đi, lóng tre vẫn cứ lăn theo. Gạt ra không được, tránh không xong, Rây Dính nhặt lóng tre lên xem. Lóng tre đã khô trắng, nhưng chỗ cái đốt còn xanh. Nàng nhặt lóng tre về trồng bên gốc cây to. Mỗi ngày tưới cho nó ba bầu nước. Ba tháng sau, mầm tre lên khỏi mặt đất. Bảy tháng nữa, tre đã có lóng, đúng chín tháng cây tre cao bằng cổ.

Cây tre tươi tốt, cành khỏe lá xanh. Mỗi ngày Rây Dính vẫn tưới đều cho nó ba bầu nước. Nàng tưởi cho đến khi nước dưới hồ cạn, miệng bầu mòn, thì cây tre cao vút lên trời, nhìn không thấy ngọn. Nửa đêm hôm đó, sấm sét đùng đùng, gió giông mù mịt rồi nước nguồn xuống ngập đất. Rây Dính phải leo lên cây tre ngồi cho khỏi bị nước trôi. Cô vừa trèo lên đến ngọn thì cây tre càng cao mãi lên. Gió quật ngọn trẻ trở về làng cũ. Cành tre đụng vào mái nhà chủ làng.

Mẹ nuôi Rây Dính trông thấy, hỏi:

- Ôi, đứa nào ngồi trên ngọn tre giống con Rây Dính?

- Phải. Con đây mẹ ơi! Mẹ có thương thì cho con vào nhà cùng hơ lửa. Con rét lắm.

- Ôi! Mày đi với trai, khi trai chưa đến nhà. Mày không được vào nhà tao nữa đâu.

Rây Dính nhớ làng, nhớ các chị nhưng không dám vào. Cây tre lại vươn lên thẳng đứng, cao vút lên đến mặt trăng, để nàng ở đó. Rây Dính nhìn xung quanh, thấy lúa chín vàng, mà không có người gặt; chuột, sóc tha ngô rơi kín mặt đường, mà không có ai trông. Côn Ken đang ngồi trong chòi kéo lửa hút thuốc. Rây Dính muốn vào, nhưng lại xấu hổ. Nàng ra ngoài ngồi. Đến trưa, Côn Ken vẫn chưa trông thấy, Rây Dính ra cắn dây bò cạp Côn Ken đang dùng đuổi chim. Một đàn chim đỏ, chim xanh sà xuống rẫy ngô. Côn Ken nắm dây bò cạp giật. Dây giật đã đứt, bò cạp không kêu. Côn Ken lấy làm lạ! - Sao dây mới buộc lại đứt? Hay là con nhím cắn? Hay là con chồn quào? Côn Ken lần theo đường dây, tìm nối chỗ đứt. Rây Dính núp vào bụi. Một cơn lốc thổi qua, tóc Rây Dính tung lên. Côn Ken trông thấy:

Ô kìa! Người dưới đất lên, hay người trên trời xuống? Người dương gian hay người âm phủ?...

- Người ở dưới đất... lên đây chưa tròn một ngày!

- Đã lên đây, sao không vào nhà?

- Muốn vào nhưng không biết nhà có mấy người, không biết bếp đã có chủ hay chưa?

[1]



- Nhà có một người. Bếp chưa có chủ. Có muốn làm quen thì vào đây cùng ăn ngô nướng, gạo rang, cùng uống nước đựng trong ống tre, trong bầu.

- Cho thì vào, chứ đã quen lâu rồi. Quen từ độ chàng đi săn nai, đi cày; đã thấy chàng chống cán cuốc nhìn xuống...

Tôi cũng đã gặp nàng đi bẻ măng về muộn. Đã thấy nàng húc ngã cây đa đá, tưới nước cây tre...

Côn Ken đưa Rây Dính về nhà, lấy gạo trắng nấu cơm, lấy thịt mới săn đem nướng. Hai người ăn cùng mâm, nằm cùng giường. Đến mùa sau, Rây Dính đẻ một lần hai đứa con trai.

Rây Dính đi, việc nhà chủ làng không ai làm. Bắp già không ai bẻ. Gạo hết không ai xay. Nước hết không ai mang. Cây tre còn đó. Ngọn cao vút lên trời. Biết Rây Dính ở trên mặt trăng, chủ làng muốn lên bắt về, mà không dám trèo lên cây tre, bèn giả thương, giả nhớ, nhờ dân làng tên gọi:

Hỡi các trai làng! Rây Dính đi tha thương, ta nhớ. Đêm ta ngủ không yên, ngày ta ăn không được. Ai trèo lên cây tre, bắt Rây Dính về đây, ta thưởng trâu thưởng heo. Ta cho cưới Rây Dính làm vợ...

Dân làng đến không thiếu ai. Nhưng cây tre trơn như bào, không có mắt, không có cành. Không ai trèo được quá ba sải. Chủ làng lại nhờ trai làng bên cạnh. Làng này có một chàng trai mồ côi, tên là Bóc Xét. Trước kia Bóc Xét muốn hỏi Rây Dính làm vợ, nhưng sợ chủ làng chê mình nghèo, không gả. Nay nghe chủ làng gọi, anh lấy thêm thuốc hút cho vào ống, quấn lại chăn, chít lại khăn, búi lại tóc; cho thêm tên vào gùi; tay cầm ná, nách cắp dao, đến trước cổng nhà chủ làng đứng hỏi:

- Hỡi chủ làng! Chủ làng có muốn Bóc Xét đi tìm Rây Dính thì bảo:

- Có muốn! Ta cũng có chân, có tay, nhưng ta sợ không dám trèo cây tre cao. Bóc Xét lên gọi được nó về, ta sẽ gả cho.

Bóc Xét bằng lòng. Chủ làng gọi dân làng đến làm chứng. Cây tre trơn như cót bào, không có chỗ bấu tay đạp chân. Bóc Xét bám vào cây như con tắc kè, nhưng trèo lên lại tụt xuống. Những người đứng xem, cười ồ:

Trai làng này không trèo được, thì trai làng khác cũng không trèo được đâu. Về đi thôi…

Bóc Xét vẫn trèo. Trèo được một lóng tre, đã thấm rồi. Anh bảo:

- Hay là tại ống thuốc?

Vứt xong ống thuốc, Bóc Xét lại trèo. Được ba lóng tre, lại thấm mệt. Anh hỏi:

Hay là tại vướng khăn?

Bóc Xét kéo tháo khăn xứt xuống. Trèo được lóng nữa, lại mệt. Anh lại hỏi: “Hay là tại vướng ống cách ná, ống tên”. Anh lại vứt ống tên, vứt cả ná, chỉ mang theo con dao. Bóc Xét dùng dao khắc vào thân tre làm bậc. Khắc một bậc, lên cao được bốn gang tay. Dân làng lại chế:

- Cây tre cao đến ông trăng. Trèo như mày, già rụng răng vẫn chưa đến chỗ. Cưới sao được Rây Dính mà trèo?

Bóc Xét vẫn cứ trèo. Trai làng nhìn mỏi mắt, bỏ về. Những vết khắc trên cây tre cũng lành lại. Bóc Xét rút chân lên khỏi vết nào, thân tre chỗ đo liền trông như cũ. Trèo đủ chín tháng. Bóc Xét đến cung trăng. Chờ mặt trời lên đến đỉnh đầu, người cày nghỉ trâu, chim tìm bóng mát, đường vắng người đi, anh mới vào làng tìm Rây Dính. Đi hết bảy đồng lúa chín vàng, mười rẫy bắp khô bẹ, thấy một ngôi nhà ba gian, Bóc Xét gọi:

- Tôi tìm người quen. Trong nhà có ai biết thì mách giúp.

Rây Dính chạy ra:

- Tiếng ai gọi nghe quen tai. Có phải người ở đước đất lên không?

- Đúng là người dưới đất lên đây! Rây Dính có nhớ làng, nhớ cha mẹ thì về. Chủ làng bảo tôi lên gọi Rây Dính!

Rây Dính ra cửa, trông thấy Bóc Xét. Hai người nhìn nhau. Rây Dính nói:

- Nhớ nhà, nhưng về không được nữa rồi! Tôi đã có chồng, có con; đã nằm quen giường, đã nấu ăn quen bếp ở đây rồi!

Bóc Xét biết Rây Dính còn nhớ làng cũ, nhưng cũng đã quen làng mới. Anh ra ngoài rẫy, ngồi giả làm chim để gợi lòng Rây Dính:

- Hỡi cô đi lạc! Hỡi cô đi lạc...

Quả nhiên, nghe tiếng “chim” kêu, Rây Dính nhớ làng, nhớ nhà, nhớ chỗ đi tắm, nhớ rừng nhiều rau. Nàng đặt con xuống giường, tay cầm chiếc khăn, vừa chạy vừa quấn lại tóc, mồm gọi to:

- Ơi anh Bóc Xét! Nỡ nào anh đi một mình. Tôi nhớ làng quá! Không ở đây được nữa đâu! Cho tôi cùng về.

Rây Dính ôm ngọn tre tụt xuống trước. Bóc Xét tụt sau: Tụt xuống đến đâu, anh lấy dao chặt cụt thân cây tre đến đó. Khi hai người xuống đến đất thì cây tre đã bị chặt sát gốc. Bóc Xét đưa Rây Dính về, cùng ở chung nhà, cùng trồng bông dệt vải.

Côn Ken lên rẫy, nhổ đầy một sọt sắn, hái đầy một gùi rau. Về đến cổng nghe con khóc mà không nghe thấy tiếng vợ ru, anh vứt sọt sắn chạy vào. Thấy nhà để trống cửa, bếp không có khóc; gà bới, thóc vãi đầy nhà; hai đứa con, mỗi đứa bò một góc. Côn Ken chạy ra bến nước. Thấy hòn đá kê giặt quần áo vẫn còn khô. Anh lại trở về. Thấy có dấu chân đàn ông đứng trước cửa. Anh chạy ra cây tre. Cây tre đã bị chặt mất.

- Hỡi người con trai... đến làng tao mà không vào nhà tao, cướp mất vợ tao, chặt mất cây tre...

Côn Ken mắng vậy, rồi lấy dao đâm chết hai đứa con, đâm buôn mình. Ba cái xác chết, hóa thành ba con giòi lăn xuống đất, bò đến nhà Rây Dính. Bấy giờ Bóc Xét đang đi săn. Rây Dính ra giếng tắm. Cô để trần ngực, trần đùi. Ba con giòi bò đến. Hai con nhỏ bám vào hai bầu vú Rây Dính, con lớn bám vào đùi. Ba con giòi hóa thành ba xác chết. Rây Dính rùng mình. Nước trên tóc cô giọt xuống ba cái xác. Ba cái xác rùng mình rồi sống lại. Rây Dính ôm hai đứa con cho bú.

Côn Ken đứng nhìn vợ, hỏi:

Tao không ở xấu, sao mày bỏ tao? Con còn nhỏ sao mày ác với con?

Rây Dính ôm con vào lòng, mắt nhìn Côn Ken:

Không bạc đâu! Không ác đâu. Tại nhớ làng thôi. Bế con theo thì sợ ba nó nhớ!

- Vậy mày có về lại không?

- Về không được nữa đâu. Ở thì nhớ Côn Ken, về thì nhớ Bóc Xét.

Hai người đứng nhìn nhau. Rây Dính không nói. Côn Ken cũng không nói. Mặt trời đã xuống khuất đỉnh núi. Con chó săn đã về đến cổng. Thấy chó, Rây Dính biết Bóc Xét sắp về đến nhà. Cô liền lấy con dao sả thân mình ra làm đôi. Hai nửa thân Rây Dính bỗng biến thành hai Rây Dính: một cô lớn, một cô bé. Cô Rây Dính lớn bế hai con theo Côn Ken, cô Rây Dính bé chạy vào nhà ngồi dệt vải. Bóc Xét về đến ngõ đứng nhìn vào. Thấy nhà giống nhà, vải giống vải, vợ cũng giống, mà sao lại bé đi! Anh thả con rựa rơi xuống, Rây Dính giật mình, nhận ra. Bóc Xét hỏi:

- Ủa? Sao mặt giống mặt, mắt mũi đều giống vợ tôi, mà người lại bé nhiều! Phải Rây Dính đó hay là người khác?

Rây Dính chỉ cười:

- Sao Bóc Xét nhìn người trong nhà như nhìn người lạ vậy?

Bóc Xét vẫn sửng sốt.

- Người bé lại vì Côn Ken xuống lấy mất một nửa rồi!

Bóc Xét càng sửng sốt hơn.

Côn Ken xuống thật mà. Cả hai đứa con cũng xuống. Cha lũ trẻ bảo tôi cùng về. Nhưng đi thì nhớ làng, nhớ anh. Mà không đi thì cha nó khổ. Nên tôi cho Côn Ken “lấy đi một nửa” còn một nửa để lại cho anh. Vì thế người tôi bé lại.

Nghe Rây Dính nói, Bóc Xét thương Côn Ken. Anh chạy theo tìm Côn Ken, mời về nhà ăn cơm uống rượu. Nhưng Côn Ken đã bế con đưa vợ đi xa rồi.

Chú thích:

[1]. Ý hỏi Côn Ken đã có vợ hay chưa?

Chúc bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/trong-tre-len-trang-c11a6651.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận