Anh đã duyệt lại toàn bộ những hiện tượng và đi tới một nhận định dứt khoát: toàn bộ lưới đã bị lộ một cách nghiêm trọng. Nguyên nhân có thể bắt đầu từ một vài sơ hở của họ khi tham gia chiến đấu trong Tết Mậu Thân. Mật vụ đã theo dõi Thắng, đã giữ Thắng khi anh tới Thị Nghè, đã bám theo Thắng và Năm Sang khi họ cùng đi với nhau. Địch đã lần ra mối quan hệ giữa Thắng với Trọng, rồi từ Trọng với anh và Hòe. Một sơ xuất lớn của anh trong thời gian vừa qua là đã đưa Thắng tới cha Nhuận, sau đó Thắng đã gặp đặc ủy trung ương tình báo. Chúng đã ngầm theo dõi họ từ lâu. Nhưng vì sao chúng chưa sập bẫy? Chúng không sợ bọn anh đào thoát ư? Điều may mắn nhất là đồng chí cụm trưởng đã trở về cứ an toàn. Tại sao Thắng vẫn lọt được vào bộ Chiêu hồi? Tại sao đường dây liên lạc với căn cứ vẫn thông suốt...? Có thể vì cương vị của anh và của Trọng trong Phủ tổng thống, mối quan hệ của anh và của Trọng với Tòa Khâm sứ, Tòa đại sứ Mỹ, các nhân vật Mỹ và giáo dân, đã làm cho chúng phải e dè, cần chuẩn bị kỹ lưỡng thêm. Nhưng rồi bẫy vẫn phải sập và ngày đó có thể không còn xa...
Cụm thông báo cho Hai Long về cách thực hiện phương án 3, rút ra ngoài còn cứ khi anh nhận thấy cần thiết. Anh sẽ tới hộp thư bà Nhiễm, bắt liên lạc với chị Tư Xung Phong để tới nhà anh Tư Tùng ở Bình Dương; ở đây có nơi trú ẩn an toàn, anh Tư Tùng sẽ chịu trách nhiệm đưa tất cả về căn cứ.
Thắng tới gặp Hai Long báo cáo kế hoạch tiến hành phương án 2, diệt trừ bọn mật vụ đang trực tiếp đe dọa an toàn của lưới. Thắng được phân công chuẩn bị và thực hiện kế hoạch. Thằng nói:
- Công việc chuẩn bị coi như xong. Tôi đã điều tra chính xác nơi chúng thường nhậu nhẹt. Một cơ sở của ta sẽ báo tin khi chúng tới đó vào buổi tối. "Cảnh sát" sẽ ập vào chìa "giấy tờ", bắt chúng ra xe và đưa đi. Bọn chúng đã nhiều lần bị bắt, nên chúng sẽ không nghi ngờ, sẽ thủ tiêu bọn chúng trên dọc đường. Sắc phục cảnh sát, xe hơi, giấy tờ đã có đủ. Thực hiện nhiệm vụ này là một tổ biệt động gan dạ. Anh Hai đã bật đèn xanh, chúng tôi sẽ cho nổ trong một vài ngày sắp tới!
Anh biết Thắng bỏ vào đây rất nhiều công sức. Anh trầm ngâm một lát, rồi hỏi:
- Mấy ngày nay anh có phát hiện đuôi không?
- Phải khéo lắm mới rời khỏi nhà mà không bị chúng bám theo. Cũng may là tôi đã vào làm việc ở bộ Chiêu hồi, nên có cớ đi lại để đánh lừa bọn chúng.
- Chúng đã bám anh Trọng từ lâu. Gần đây tới lượt tôi và anh Hòe cũng bị bám.
- Phải làm gấp thôi!
- Nhưng liệu diệt một, hai thằng có giải quyết được vấn đề không, hay là lại "lạy ông tôi ở bụi này"?
Họ ngồi im lặng. Rồi Hai Long nói:
- Chúng đã nghi ngờ và có kế hoạch theo dõi ta từ lâu. Những tài liệu về chúng ta không chỉ còn nằm trong tay một vài tên mật vụ. Chúng chưa sập bẫy vì phải đợi thu thêm những bằng chứng cụ thể. Nếu bây giờ một vài tên phát giác bị thủ tiêu, thì chúng phải nghĩ ngay việc này do ta làm và từ dó sẽ dẫn đến kết luận mọi nghi vấn về ta là đúng! Ta cần hủy bỏ phương án này.
- Nếu vậy thì chỉ còn phương án 3?
- Cụm đã gửi cho ta kế hoạch cụ thể.
Hai Long đưa Thắng xem thư mới của cụm trưởng.
Thắng đọc rồi ngồi bần thần với mảnh giấy trong tay:
- Tiếp tục làm nhất định sẽ bị bắt... Nhưng xây dựng nên cơ đồ như thế nầy mà quăng đi cả chạy lấy người thì tiếc quá anh Hai!
- Rút ra lúc nào Cụm dành quyền cho ta tự quyết định. Rút êm chắc không có gì khó. Mình đang bị chúng bám sát, nhưng không phải không thể đánh lừa chúng để về tới Bình Dương. Chỉ còn hai cách. Một là tiếp tục cuộc chơi. Ta sẽ tiếp tục chui rất nhanh, rất sâu vào trong bình quý, nếu chúng muốn lôi ta ra thì phải đập bể bình. Hai là rút lẹ, chấm dứt cuộc chơi. Nhưng tôi nghĩ rút bây giờ không phải là chưa muộn, mà hơi sớm một chút.
- Như vậy có khác chi chưa đánh đã bỏ chạy!
Hai Long biết mình đã đụng vào tự ái nghề nghiệp của bạn. Trong cuộc chiến đấu với kẻ địch trên mặt trận này, những người chiến sĩ với bề ngoài khiêm tốn, đôi khi nhẫn nhục như anh và Thắng đều mang trong lòng một sự tự ái rất cao.
- Có nghĩa là vẫn tiếp tục cuộc chơi?
- Tiếp tục chơi cho tới thắng cuộc hoặc không còn mảnh giáp, anh Hai đồng ý với Thắng chớ. Với lại có bị bắt thì đâu phải lần đầu!
- Sẽ cố gắng không để lọt vào tay chúng. Và nếu có lọt vào tay chúng thì ta cũng không chịu kết thúc cuộc chơi. Mình đã có kinh nghiệm lại càng phải chơi cho thật đẹp.
Họ nhìn nhau rồi cùng nhoẻn miệng cười. Họ đã giải thoát được cái ý nghĩ đau xót nếu giờ đây phải rời khỏi cuộc chiến đấu như một kẻ bại trận.
2.
Sau buổi gặp Thắng, anh cảm thấy lòng mình thanh thản. Hòe cũng đồng ý với anh tiếp tục cuộc chơi, và sẽ chơi cho thật đẹp. Anh giũ được những lo âu, phấp phỏng để tập trung hoàn toàn vào công việc. Đầu óc anh trở nên minh mẫn hơn.
Hai Long gặp Khâm sứ Palmas báo cáo về những nguy hiểm đang đe dọa mình. Anh nói sẽ không bao giờ rút lui trước bạo lực, sẵn sàng đón các chết không kêu than như Nhu.
Khâm sứ ân cần khuyên anh phải gắng bảo vệ tính mạng để tiếp tục phục vụ nhiều cho giáo hội. Khâm sứ cũng trách anh vì sao không nhận sự bảo vệ của những vệ sĩ Côg giáo như các cha đã đề nghị. Khâm sứ còn viện tất cả giáo lý, nhắc anh phải tỉnh thức, không nên để mất sáng suốt. Ông nói:
- Biết trước có thể bị kẻ dữ mưu hại mình, mà không tránh né để bảo vệ sinh mạng thì coi như là một ý nghĩ, một hành động tự sát vậy!
Đối với tín đồ Thiên chúa giáo, tự sát là một trọng tội.
Cha Hoàng cũng khuyên Hai Long giống như lời Khâm sứ. Ông bàn chuẩn bị cho anh một số nơi ẩn náu kín đáo trong tu viện, khi cần có thể đưa anh tới ở đó mà vẫn tiếp tục trao đổi được cùng mình công việc của giáo hội.
Cha Nhuận chuyển cho Hai Long bức thư của linh mục Phan Thụ xứ Phát Diệm, khuyến cáo anh xét lại thái độ nhiệt tình ủng hộ Thiệu là một kẻ không trung thực, hay lừa thầy phản bạn. Cha Nhuận rất lo ngại cho Hai Long khó tránh được trường hợp của Nhu hoặc cha Mai Hữu Khuê.
Ngày 22 tháng 6, Hai Long tới dự lễ khánh thành đài kỷ niệm quốc tế tại đường Duy Tân. Sau buổi lễ, Nguyễn Văn Hướng lại gần, kéo anh ra một chỗ vắng rỉ tai:
- Xin báo riêng anh biết là anh Trọng đang bị theo dõi chặt chẽ, vì hình như có liên hệ với lực lượng thứ ba gì đó. Tôi tình cờ hay chuyện này nên nói để anh dè chừng, lỡ công an nó gây lôi thôi rắc rối, phiền cả tới các cha.
Hướng có vẻ chân tình. Anh làm ra ngạc nhiên:
- Không hiểu tại sao lại có chuyện đó? Tôi rất cảm ơn anh có lòng tốt nói cho tôi biết để đề phòng. Tôi vẫn đinh ninh anh Trọng là người của Mỹ!
- Từ hồi tháng 3, tôi đã nhờ anh khuyên anh Trọng nên rời khỏi phủ tổng thống theo ý kiến của ông Thiệu, cũng vì lý do đó anh à.
Ngày 29 tháng 6 là ngày lễ mừng thánh Paul và thánh Pierre, thánh bổn mạng của cha Hoàng và của Hai Long. Các nhà thờ xứ đạo di cư đều tổ chức lễ cầu nguyện cho cha Hoàng và Hai Long. Tại hai nhà thờ Phát Diệm, Bình An, cha Nhuận và cha Hoàng đã cầu nguyện riêng cho Hai Long được "ơn chết lành", tức là trước khi chết không phải chịu phép giải tội, phép thêm sức, phép xác mà vẫn được trong sạch, vô tội để Chúa đón hồn về Thiên đàng không qua trung gian cầu xin của linh mục.
Cha Hoàng tổ chức tiệc mừng tại nhà thờ Bình An. Một số người thân thiết được mời dự, như linh mục Trần Ngọc Nhuận, cha tuyên úy bộ Tổng tham mưu Khổng Tiến Giác, người thường cùng cha Nhuận vào làm lễ tại dinh Độc Lập, trung tá Nguyễn Ngọc Hoàn, công cán ủy viên Phủ tổng thống, Vũ Ngọc Tuyến, chuyên viên về luật pháp của Phủ tổng thống. Từ sau ngày đi Mỹ về, Tuyến bắt đầu gọi Hai Long bằng chú và xưng cháu, bày tỏ tình thân và sự kính trọng.
Cha Hoàng và Hai Long đều nhận được nhiều quà mừng.
Cha Hoàng chủ trì buổi tiệc. Sau những lời chúc tụng thường lệ, câu chuyện xoay sang những chủ đề thời sự có liên quan tới sự an ninh của cha Hoàng và Hai Long.
Cha Khổng Tiến Giác bỗng nói:
- Từ mấy tháng nay, tôi nghe công an xì xào là ông cố vấn có dính líu với Việt Cộng.
Lời cha Giác có vẻ quan tâm, chân tình. Hai Long đang chăm chú lắng nghe thì cha Hoàng lớn tiếng át đi:
- Cha tuyên úy nói mà không cân nhắc,, suy nghĩ. Hiện nay có nhiều kẻ xấu đang cố tình vu khống giáo hội, mưu hại các cha và chiên lành. Quân quỷ dữ Phi-la-tô mưu hại thánh Phê-rô, ly gián Chúa với thánh Phê-rô... "Qui veut noyer son chien, l⬙accuse de la rage!"[1]. Mỹ muốn giết Nhu nên đã phao lên là Nhu ngầm liên hệ với Bắc Việt! Chỉ có điều là khi chúng đã tung ra dư luận như vậy thì càng phải tỉnh thức, phòng ngừa.
Cha Giác đành phải ngồi im.
Hai Long nói:
- Sau vụ mưu sát cha Mai Ngọc Khuê, sinh mệnh tôi và cha Hoàng sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách từ bất kỳ đâu tới. Tôi chỉ cảm thấy buồn vì ông Thiệu thiếu trung tín trong quan hệ bạn bè. Trình các cha và các ông xem qua đoạn thư này của linh mục De Jaegher.
Hai Long đặt lá thư trên bàn trước mặt cha Giác. Cha Giác cầm lên xem rồi chuyển cho cha Hoàng và Tuyến.
Cha Nhuận nói:
- Tôi muốn nhắc thầy Hai Long lời khuyến cáo chí tình của cha Phan Thụ. Mấy cha đã điều tra gia đình, họ hàng nhà Thiệu, thấy Thiệu gian manh, vong ân bội nghĩa, Thiệu đặt Đại Việt lên trên giáo hội, có lẽ Thiệu là Tam điểm! Đã gần Thiệu thì phải hết sức đề phòng...
Nhiều người khuyên Hai Long thận trọng giữ mình.
Cha Hoàng bỗng thốt lên:
- Như lời cha Giác, công an xì xào mấy tháng nay thầy Nhã có liên hệ với Việt Cộng, vậy là Việt Cộng không cao chạy xa bay, cứ ngồi mãi đây để chờ nó tới bắt à?
Mọi ngươi đều bật cười.
Trung tá Hoàn nói:
- Con ở phủ tổng thống chỉ nghe thấy xì xào về ông Trọng, tuyệt không nghe nói chi về ông cố vấn. Tổng thống thì trước sau vẫn kính trọng và biệt đãi ông cố vấn.
Tuyến phụ họa:
- Con thấy đúng như lời trung tá Hoàn. Tổng thống cũng có những nhược điểm như các cha đã nhận định, nhưng cả hai ông bà tổng thống đều trọng nể cái đức của ông cố vấn, coi ông cố vấn như người thân thiết trong gia đình.
Mọi người đều tỏ ra quan tâm tâm tới sự an ninh của anh và tin tưởng ở anh. Nhưng Hai Long chỉ thấy có câu nói của cha Giác là đáng chú ý. Lần đầu anh được trực tiếp nghe nói bọn công an của Trần Văn Hai, có quan hệ rất mật thiết với CIA, đã chú ý tới anh từ mấy tháng nay...
3.
Sau hội nghị Midway, Thiệu cảm thấy không còn những việc khẩn trương, nên không yêu cầu sự có mặt hàng ngày của Hai Long ở Phủ tổng thống.
Đầu tháng 7, Hai Long quyết định vào gặp Thiệu. Thiệu đón anh không vồ vập, vẻ mặt có chiều không tự nhiên.
Hai Long nói:
- Nhân ngày lễ thánh của cha Hoàng và tôi ở nhà thờ Bình An cách đây ít hôm, tôi thấy có những điều cần thông báo và trao đổi với anh.
Thiệu im lặng. Hai Long nói tiếp:
- Từ khi vào Phủ tổng thống, mặc dù tôi cố gắng không lộ diện, đứng sau lưng anh để phò trợ anh, nhưng tôi vẫn trở thành mục tiêu của nhiều mũi tên tẩm thuốc độc của những kẻ bắn lén. Tôi đã có lần trao đổi với anh, nhưng bữa nay cần nêu lại vì kẻ xấu đã chuyển sang chiến thuật mới. Chắc anh còn nhớ trước đây chúng chỉ vu cho tôi về lịch sử, như nói tôi là con hoang, tôi mê dì phước Bỉ, tôi từ Pháp về, hoặc tôi là người của phe này, phái nọ, nhằm ly gián giữa anh và tôi, cuối cùng là chúng vu cho tôi lạm dụng tiền cứu trợ của giáo hội. Nhưng chúng đã thất bại, vì những điều như vậy không đánh lừa được ai. Các cha và anh đều khuyên tôi, mặc chó cứ sủa, đoàn người cứ tiến. Nhưng gần đây, chúng đã chuyển sang vu cáo tôi về chính trị. Các cha vừa cho tôi biết, từ nhiều tháng nay, chúng tung tin ở bộ Tổng tham mưu và nhiều nơi, tôi có liên hệ với Việt Cộng và hiện thời là đối tượng của công an. Tôi muốn hỏi anh có nghe gì về những điều tương tự như vậy không?
Thiệu ngập ngừng rồi đáp:
- Với anh, tôi nghĩ không có chuyện gì, nhưng tôi băn khoăn về trường hợp của Bernard Trọng. Tôi sợ rằng những chuyện lôi thôi về anh Trọng đã ảnh hưởng tới anh.
- Tôi quen biết ông Trọng chưa lâu. Người biết nhiều về ông Trọng là cha Hoàng. Tôi gặp Trọng chính vì công việc cần cho anh. Theo tôi hiểu, Bernard Trọng là người của Mỹ. Ta đang cần Mỹ nên ta không thể thiếu Trọng. Anh đã thấy rõ Trọng giúp đỡ cho ta hữu hiệu thế nào khi ta cần tới sự yểm trợ của Mỹ?
- Nhưng nếu bây giờ chính Mỹ đặt vấn đề với Trọng?
- Cũng có thể như vậy, vì nội bộ Mỹ không khi nào thống nhất. Họ vẫn thường loại trừ tay chân của nhau.
- Hay Trọng là agent doublé[2]?
- Của ai và của ai?
- Của Mỹ và của... mình chẳng hạn.
Hai Long mỉm cười:
- Chả lẽ lại như vậy?
Mặt Thiệu tiếp tục đăm chiêu. Hồi lâu Thiệu nói:
- Vấn đề của Bernard Trọng phức tạp lắm! Song chuyện này anh để tôi lo. Khi cần tôi sẽ trao đổi với anh.
Đã có một khúc ngoặt trong quan hệ giữa anh với Thiệu. Thiệu bắt đầu có những cái không thể nói với anh. Và đây là điều chẳng lành.
4.
Cha Nhuận gặp Hai Long, vẻ mặt bần thần rũ rượi. Từ ngày anh biết ông tới giờ, chưa lúc nào ông có thần sắc như vậy.
- Con cảm thấy cha bữa nay không được bằng an? - Hai Long nói.
Ông rút từ trong túi ra một cuốn băng ghi âm đưa Hai Long, chằm chằm nhìn anh rồi bảo:
- Thầy đem về chuyển ngay sang một băng mới, rồi đem trả lại tôi.
Gia đình Hai Long không có máy cát-xét. Anh đưa cuốn băng cho Hòe, nhờ Hòe nghe rồi thu lại cho mình... Vài giờ sau, Hòe mang lại hai cuốn băng:
- Tôi đã nghe kỹ hai lần, không hiểu băng ghi cái chi! Chỉ thấy những tiếng rào rào, rè rè, thỉnh thoảng xen những tiếng như gõ trùng thiếc, và tiếng nhạc, tiếng đài phát thanh. Nhứt là máy thu của người thu băng bị hư, hai là, người thu không nắm được kỹ thuật. Nhưng tôi cứ sang thêm một băng như lời anh dặn.
Hai Long đem trả cuốn băng cho cha Nhuận nói lại như những lời của Hòe.
Cha Nhuận chăm chú nhìn anh với vẻ ngạc nhiên:
- Thầy thấy không có gì ư?
- Con đã nghe kỹ không hiểu là cái gì. Cha xem có đưa lộn cho con không, vì đây là một cuốn băng thu hỏng?
Ánh mắt cha Nhuận lộ vẻ mừng rỡ:
- Không lộn đâu! Như vậy thì không có chuyện chi.
- Thưa cha, từ đâu có cuốn băng này?
- Có người đưa tôi, bảo cho thầy nghe vì tưởng có liên quan tới thầy. Nhưng không có thì thôi...
Cha vui vẻ chuyển qua chuyện khác.
Khi mới nhận cuốn băng, anh đồ chừng nó chứa đựng một điều gì rất quan trọng. Ý kiến của Hòe làm anh yên lòng, Hòe vốn là người cẩn thận. Nhưng anh vẫn phân vân không biết ai đưa cho cha Nhuận cuốn băng, và vì sao ông lại chuyển cho anh. Anh không tiện gặng hỏi thêm, cha tỏ ra không muốn nói, và nó cũng không liên quan gì tới anh. Không bao lâu nữa anh sẽ hiểu cuốn băng không chỉ liên quan tới anh, mà còn quan hệ tới vận mệnh cả lưới.
Những lần gặp Thiệu sau đó, Hai Long thấy y vui vẻ, tự nhiên hơn. Tuy vậy, đôi lúc anh vẫn cảm thấy ở y có cái gì khó hiểu. Một lần, Thiệu hỏi:
- Anh giáo nè, anh thăm dò các cha Mỹ xem, hay là thằng Mỹ nó sắp định chơi tôi.
- Anh thấy có hiện tượng gì?
Thiệu ngập ngừng rồi nói:
- Không lý giải được, linh tính báo cho tôi như vậy.
- Nhiều khi linh tính rất đúng. Không riêng anh, tôi cũng cảm thấy đang có những kẻ muốn hại mình. Các cha đều khuyên tôi cần tỉnh thức, và đã bố trí cho tôi cả một đội vệ sĩ, nhưng tôi kiên quyết khước từ. Thậm chí có người khuyên tôi tạm lánh đi một thời gian! Nhưng anh bảo làm như vậy làm chi, nếu đó đã là ý Chúa? Tôi thưa với các cha, tôi sẵn sàng đón tiếp mọi thử thách bất cứ từ đâu tới.
- Cha Nhuận và cha Giác cũng đã nói điều đó với tôi.
- Nhờ vậy mà tôi cảm thấy trong lòng bằng an. Có sao cũng chỉ là về với Chúa!... Nhưng vấn đề anh vừa nêu, tôi sẽ thăm dò gấp mấy cha Mỹ...
Hai Long thuật lại lời của Thiệu với O⬙Connor. Ông linh mục Mỹ mỉm cười:
- Hội nghị 4 bên đã bắt đầu rồi. Thiệu lại mới tuyên bố ủng hộ đề nghị hòa bình 8 điểm của Nixon. Giáo sư nói cho Thiệu cứ yên tâm, chừng nào còn Nixon thì còn Thiệu. Đe dọa sự tồn tại của Thiệu từ nay trở đi không phải là ở phía Mỹ, mà từ phía bên kia. Thiệu không củng cố chính quyền và quân đội cho tốt, thì chính đồng bào Thiệu sẽ loại bỏ Thiệu.
Hai Long nói:
- Thiệu thiếu rất nhiều phẩm chất để trở thành một lãnh tụ xứng đáng trong tình thế hiện thời. Ngay đối với Diệm, Nhu là những người đã bị Mỹ loại bỏ, Thiệu cũng không thể nào so sánh được. Qua mấy năm cầm quyền, Thiệu không tạo được sự hấp dẫn nào với dân chúng. Tôi cũng nghĩ, với Nixon, Thiệu đang có điều kiện để tồn tại. Nhưng là người đỡ đầu của Thiệu, tôi lại linh cảm thấy hơn bao giờ hết, sinh mệnh của mình đang bị đe dọa. Thiệu thường xuyên sợ hãi vì Thiệu luôn nghĩ tới quyền lợi, địa vị của mình. Tôi không phải bận tâm tới những cái đó nên tôi không lo lắng. Vì tôi giữ được đức tin. Nhưng linh cảm của tôi thường ít khi sai. Cha có điều chi chỉ dẫn cho tôi không?
O⬙Connor trầm ngâm một hồi, rồi nói giọng tâm tình:
- Tôi đã có lần nói với thầy, chính trường Sài Gòn phức tạp lắm, đầy rẫy những cạm bẫy của CIA, của Pháp, của Cộng sản. Chỉ cần thiếu khôn lanh, cương nghị một chút là rất dễ sa vào, gỡ không ra như con ruồi sa lưới nhện. Riêng tôi rất tin tưởng thầy là con người có đủ đức tính để vượt qua những thử thách.
Anh nghĩ có thể O⬙Connor không nắm được gì về những nguy hiểm đang chờ đợi mình.
5.
Những tên lạ mặt luôn lảng vảng theo dõi Hai Long, Hòe, Thắng và Trọng khi họ ở nhà cũng như đi tới bất cứ đâu. Quan hệ g 4ad7 iữa Thắng và Hai Long phải tiến hành qua hộp thư. Chị Hai cũng nhận thấy có kẻ bám theo mình mỗi lần đi ra ngoài. Riêng bé Liên chưa bị chúng nghi ngờ.
Hai Long chỉ đạo lưới triệt để thực hiện những quy tắc bí mật, đề phòng địch sử dụng những dụng cụ nghe trộm và thu hình, đồng thời tiếp tục "chui sâu vào bình quý". Mọi người vẫn đi làm như thường lệ. Hai Long tiếp tục tới Tòa Khâm sứ, Tòa Tổng giám mục và Phủ Đầu Rồng. Anh hối thúc cha Hoàng chuẩn bị tổ chức đại hội Đoàn nghĩa sĩ công lý.
Sáng chủ nhật 13 tháng 7, Hòe lái xe đưa anh vào Bình An.
Dọc đường, Hòe phát hiện qua kính chiếu hậu một chiếc xe bám theo. Từ vài hôm nay, Hướng và một người bạn Mỹ đã nhắc anh cẩn thận vì có thể bị CIA gây khó dễ. Anh không hiểu tại sao chúng vẫn chưa bắt đầu. Đến nhà thờ Bình An, Hòe ngồi ở phía ngoài cảnh giới.
Cha Hoàng cho Hai Long biết, Hướng nhắn vào, cần gặp anh ngay. Lát sau, Phạm Hiếu Thuận, bí thư của cha Hoàng, lại chạy vào nói:
- ông Hướng vừa gọi điện thoại nói có việc rất gấp, muốn gặp ngay ông giáo để trao đổi.
Hai Long hẹn cha Hoàng, ngày hôm sau vào Sài Gòn cùng anh tới Tòa Khâm sứ chào tiễn biệt khâm sứ Palmas sắp kết thúc nhiệm kỳ trở về Vatican, rồi cáo từ.
Hòe ngồi đợi ở một nhà dân trước cửa nhà thờ, chờ anh tới gần, nói nhỏ:
- Một thằng Mỹ bám theo ta, anh Hai à. Khi xe qua đây, hắn nhìn vô nhà thờ. Hắn đậu xe ở cuối đường, đi bộ lên đây, không biết tôi ngồi bên này, hắn đảo một vòng quanh nhà thờ, rồi quay lại xe ngồi đợi. Xe mình đi chắc nó lại bám theo.
- Quay về nhà anh. Ta làm như không biết, để mặc nó bám. Ở quãng đường vắng, không cho nó vượt lên. Nếu nó cố tình vượt qua thì khi đó phải đề phòng.
- Không dễ gì vượt qua được tôi. Có cần cắt đuôi không anh?
- Không cần. Ta cứ đi cho thật đàng hoàng.
Hai người điềm nhiên lên xe chạy về Sài Gòn. Chiếc xe mượn của Trọng đã được che rèm phía sau và lắp thêm một kính chiếu hậu bên ngoài. Họ thấy tên Mỹ bám theo với một cự ly không thay đổi.
Hai Long hiểu mình không còn bao nhiêu thời gian. CIA đã công khai vào cuộc.
Xe dừng lại trước cửa nhà Hòe. Họ vào nhà thì thấy chiếc xe của tên Mỹ phóng ngang rồi mất hút.
Hai Long ngỡ ngàng khi nhìn thấy người đàn bà mặc áo dài màu lam, đang ngồi nói chuyện với vợ Hòe, là Tú Uyên. Chị bất thần xuất hiện, bộ mặt xanh xao, lo âu, báo hiệu một chuyện chẳng lành.
Tủ Uyên nghiêng đầu chào anh và Hòe. Hòe rảo bước lại bên chiếc tủ ly, mở máy cát-xét. Một bản nhạc vang lên với những âm thanh chát chúa. Bản nhạc được dùng khi họ có những chuyện cần trao đổi riêng. Chị Hòe đứng dậy. Hai Long hỏi nhỏ chị:
- Ngoài kia có ai không?
Chị lắc đầu.
- Nếu chúng tới, chị cho tôi hay nhé.
Hai vợ chồng Hòe cùng ra nhà ngoài, để lại Hai Long và Tú Uyên trong căn phòng ầm ĩ tiếng nhạc.
- Em xanh quá!
Tú Uyên không đáp lại lời thăm của anh, hỏi luôn:
- Anh đã biết chuyện gì chưa?
Anh không trả lời, nhìn chị, chờ chị nói tiếp:
- Anh vô tình quá!
Lời trách của chị không chỉ liên quan tới sự thờ ơ đối với an ninh của mình. Lòng anh chợt nao lên. Mình vẫn chưa có được dòng máu lạnh cần thiết đối với nghề nghiệp! Hơn bao giờ hết, anh hiểu những tình cảm của chị đối với mình. Những tình cảm đó đã tăng lên khi chị biết anh là người của phía bên kia. Anh không chiến đấu cô độc. Chỉ sự có mặt của chị ở đây hôm nay cũng là một an ủi lớn đối với những hiểm nguy mà anh sẽ phải chịu đựng. Anh tránh cặp mắt hờn dỗi của chị.
Chị tự chế ngự, nói với một giọng bình tĩnh hơn:
- Em đã báo cho anh từ lâu... Họ sắp bắt anh rồi! Tá Đen vừa nói với chồng em tối qua.
- Cảm ơn em. Anh đã biết những mối nguy hiểm đang đe dọa mình.
- Anh cần rời khỏi Sài Gòn ngay.
Chị đứng dậy như để thúc giục anh thời gian rất cấp bách.
- Vĩnh biệt anh. Cầu Chúa che chở cho anh.
Anh hỏi chị:
- Em tới đây bằng gì?
- Em đi xe buýt.
- Anh sẽ nói với chị Hòe cùng đi với em ra chợ Tân Định. Hai chị em mua bán chút gì, rồi em trở về nhà. Như vậy an toàn hơn. Đề phòng quanh đây có kẻ theo dõi.
Anh sẽ không tha thứ cho mình nếu vì anh mà chị bị chúng bắt.
Chị Hòe cầm ra một chiếc làn. Tú Uyên ngước cặp mắt nhìn anh trước khi lặng lẽ rời khỏi nhà. Anh nghĩ tới cặp mắt của Đức Mẹ. Sẽ không bao giờ anh quên cái nhìn đó.
Hòe cũng nhận ra ánh mát ấy, và thấy đồng chí trưởng lưới vừa trải qua những giây phút xúc động. Thì ra anh cũng có những chuyện riêng trong đời sống tình cảm như nhiều người. Cái gì đã làm anh phải hy sinh một người đàn bà đẹp và tốt như chị ấy? Vào giờ phút này, anh ấy cũng giống như mọi người. Nhưng Hòe càng thấy trọng nể và thân thiết với anh hơn.
- Giờ sắp điểm! - Hai Long nói.
- Tôi cũng nghĩ vậy.
- Chúng sẽ không rời mắt khỏi mình. Anh đã xong xuôi cả chưa?
- Lâu rồi. Làm đúng như lời anh Hai nói: chỉ cho chúng thu được những cái chi mà mình cần cho chúng biết.
- Tôi nhắc lại lần nữa: Nếu tôi bị bắt, ngoài việc báo cho tổ chức, anh tin ngay cho cha Hoàng và cha Nhuận biết. Nếu anh cũng bị bắt, khi chúng đưa ra những bằng chứng quá cụ thể, thì anh cứ khai cho tôi, coi như mọi việc anh làm là giúp cho một lãnh tụ Thiên chúa giáo, một cố vấn của tổng thống. Với anh Trọng, ta không ngại vì ta chưa bao giờ nói với anh Trọng ta là ai... Ta lại sẵn sàng chịu đựng.
- Tôi không muốn kết thúc sớm như thế này. Nhưng nếu buộc phải kết thúc thì cũng không có gì ân hận.
- Trừ phi bị chúng thủ tiêu, chứ còn sống thì cuộc chơi của chúng mình chưa kết thúc. Đây là trận đấu giữa lưới ta với CIA. Không phải ta đã hết cả những lá bài. Ta sẽ chơi cho thật đẹp.
Một bức điện tối khẩn của Trung tâm chờ anh ở nhà: "Đồng ý phương án X. Vòng vây đã siết chặt. Nhiều nguy cơ bị bắt. Tuyệt đối tránh để địch bắt cóc hoặc thủ tiêu. Chúng tôi luôn ở bên các đồng chí".
6.
Trung tâm đã đề ra phương án chỉ để lại Huỳnh Văn Trọng, Hoàng Hồ là hai người đã cộng tác với ta, nhưng địch chưa có cơ sở gì buộc tội, cả lưới A.22 sẽ rút ra để bảo đảm an toàn. Sau khi cân nhắc kỹ, Hai Long đã đề đạt với Trung tâm: Mặc dù bị CIA theo dõi nhưng anh vẫn là một giáoo dân giữ được lòng tin trọn vẹn của giáo hội và Tòa thánh, những việc anh đã làm cho tới nay đều nhằm phục vụ cho quyền lợi của giáo hội Thiên chúa giáo La Mã và đương kim tổng thống, địch không dễ gì bắt anh, và dù chúng có bắt cũng không dễ làm gì được anh. Nếu CIA cố tình tách anh ra khỏi Thiệu, anh sẽ trở về Bình An chuyển sang hoạt động cho lực lượng thứ ba. Sự rút lui của anh lúc này sẽ để lại một hậu quả lớn đối với phong trào vận động cho hòa bình và hòa giải dân tộc theo đường lối của Vatican II đang có chiều hướng phát triển tốt, rất phù hợp với đường lối của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam. Anh xin được ở lại cùng với cả lưới tiếp tục công tác. Cuối cùng, đề nghị của anh đã được Trung tâm chấp thuận.
Lòng anh thanh thản. Mọi công tác chuẩn bị đã xong. Anh không bỏ anh em chí cốt ở lại chiến trường, cũng không rời đối tượng, kiên quyết bám chắc địa bàn. Anh làm thêm báo cáo bổ sung về hội nghị Midway, kế hoạch chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, chương trình bình định và kế hoạch bình định. Anh cố gắng dốc trọn những hiểu biết của mình với ý nghĩ đây có thể là những bản báo cáo cuối cùng. Mấy ngày qua, anh không vào Phủ tổng thống và cũng không thấy Thiệu mời. Anh nghĩ mình phải đề phòng trường hợp bị bắt cóc hoặc bị thủ tiêu ngay tại Phủ tổng thống, vì Hòe đã rời khỏi đây.
Chị Hòe lại cho biết thêm, theo lời một người bà con là Phan Thụy Dung, làm trưởng phòng chiến dịch JUSPAO[3] ở Tòa đại sứ Mỹ, thì CIA phát giác một Việt cộng nằm vùng tại Phủ tổng thống, sắp cho bắt. Nhưng tại sao chuyện đã lộ liễu đến mức này mà chúng vẫn chưa động thủ? Tình hình chính trị của ngụy quyền chưa cho phép chúng làm việc đó ư? Hay chúng cố tình tung tin đẩy bọn anh tháo chạy để bắt trên dọc đường, phát hiện tiếp đường dây giao liên của ta, và sẽ thủ tiêu họ một cách êm thấm như trước đây chúng đã làm đối với một vài trường hợp nghi vấn?
Thứ tư, 16 tháng 7, Hai Long cùng cha Hoàng và cha Nhuận duyệt lại chương trình tổ chức đại hội Đoàn nghĩa sĩ công lý.
Hai Long nói:
- Ngày đại hội càng tới gần, CIA càng cho người bám sát con không rời nửa bước. Bạn hữu Mỹ, Việt Nam nhiều người gặp con khuyên đề phòng âm mưu sát hại của CIA.
Cha Nhuận lo lắng:
- CIA sẽ phá Đoàn nghĩa sĩ công lý như phá đảng Cần lao - Nhân vị trước đây. Tôi đề nghị hoãn đại hội lại một thời gian, chờ tình hình êm đi rồi sẽ tính.
- Đảng mới của Công giáo ta phải ra đời là do yêu cầu đấu tranh chính trị. Nếu bây giờ vì khó khăn chính trị mà hoãn lại, tránh sao khỏi dư luận bất lợi cho việc ta sắp làm! Càng khó khăn ta lại càng phải kiên quyết tiến hành đại hội đúng như dự định, như thế mới mang lại sự tin tưởng lớn cho giáo dân và dân chúng miền Nam.
Cha Hoàng nói:
- Đã làm chính trị thì phải kiên quyết. Tôi đồng ý với thầy Nhã không lui đại hội, chỉ có điều càng phải tỉnh thức hơn. Để giảm bớt sự hăm dọa đang nhằm vào thầy Nhã, thầy nên lấy cớ cần tĩnh tâm dọn mình, lánh vào tu viện một thời gian làm thất bại những mưu toan của kẻ ác. Như vậy vẹn cả đôi đàng, vừa chuẩn bị được cho đại hội, vừa đảm bảo an toàn.
- Con từ xưa tới nay đi không giấu mặt, nói không giấu tên, bây giờ trước những lời đe dọa, bỗng dưng lánh mặt, chắc chẳng tránh khỏi dư luận đàm tiếu là trước sau không nhất quán, con người không đàng hoàng. Chúa Giê-su biết trước mình sẽ bị sát hại, còn họp các môn đệ nói rằng: "Giờ sắp điểm!". Các cha cho con noi gương Chúa. Dù con và cha Hoàng có thế nào đi chăng nữa, xin cha Nhuận vẫn cứ tiến hành đại hội.
Hai vị linh mục khuyên Hai Long không được, đành phải thuận theo ý anh.
Chiều thứ năm, 17 tháng 7, Hai Long rủ cha Hoàng tới Tòa Khâm sứ chào Henri Lemaitre mới sang nhậm chức Khâm sứ Tòa thánh thay Angelo Palmas. Cha Khâm sứ tiếp Hai Long rất vui vẻ. Ông nói tuy mới gặp nhưng đã nghe nói về anh nhiều ở Vatican, và đặc biệt là qua lời giới thiệu của giám mục Palmas. Khâm sứ mong rằng anh sẽ tiếp tục gắn bó mật thiết với Tòa Khâm như trước đây.
Anh về nhà làm công việc cuối cùng trong ngày, đưa bản báo cáo thường lệ mỗi tuần hai lần, cho bé Liên chuyển tới hộp thư.
Tối hôm đó, anh ngủ một giấc thanh thản. Anh không biết là mình sẽ không được ngủ trọn vẹn hết đêm nay.---
[1] Muốn giết chó thì cứ kết tội là chó dại!
[2] gián diệp đôi
[3] Joint US Public Affairs Office