Lúc trời mưa tôi thường che ô đi lối thẳng giữa những hàng gạch lát vỉa hè Đài Bắc, những viên gạch lát gồ lên giữa vỉa hè một đường thẳng dễ nhận ra, dành cho người mù. Lúc trời mưa tôi mượn lối đi không bị trơn trượt của người loà.
Nhưng tôi không bao giờ đỗ chiếc xe đuôi dài cao nghều khó xoay trở của mình vào chỗ đỗ xe của người tàn tật, cũng không bao giờ chiếm chỗ của người tàn tật trên lối đi, cầu thang, ghế ngồi. Tôi thà đứng trên xe bus chứ không ngồi lên chỗ ngồi tốt dành cho người di chuyển khó khăn. Càng không bao giờ dùng tranh nút bấm qua đường của người khuyết tật cho dù phải chờ đèn đỏ băng qua ngã tư quá lâu. Tất nhiên, càng không bao giờ chiếm nhà tắm rộng rãi cuối tầng ký túc của người tàn tật, không chiếm toa-lét sạch rộng của người khuyết tật.
Nhưng đó là ở một thành phố khác.
Xứ sở tôi không có chỗ cho tôi lựa chọn. Vì xứ sở tôi đã mù loà.
Đã không dành cho người mù một viên đá lát chỉ đường. Không cho phép người tàn tật tới rạp chiếu phim bằng cách dựng những bậc cầu thang không lối xe lăn. Kỳ thị người kém may mắn bằng cách xây những nhà vệ sinh mà họ không đi lọt nổi qua cửa, những công trình công cộng mà người khuyết tật, mù, thọt, cụt, liệt chỉ có thể hình dung mà không thể tiếp cận.
Vì những kiến trúc lớn như thành phố, nhỏ như một công trình, đã không dành bất kỳ một chút không gian nào cho người khuyết tật sử dụng. Thứ không-gian-không-chướng-ngại thuận tiện cho người khuyết tật sinh sống, hoà nhập xã hội, làm việc, vui chơi, sinh hoạt chung.
Có thể người Việt lạc quan, cho rằng 100% giống nòi đều lành lặn.
Có thể người Việt yếm thế, cho rằng 100% người đã không lành lặn chớ nên phô vẻ khiếm khuyết của mình ra xã hội. Đã què cụt rồi, ra phố làm chi!
Nhưng tôi thì tin lý do 100% là những kiến trúc sư đó mù loà trước đồng bào, những Chủ tịch thành phố vô cảm với cuộc đời thiệt thòi của một bộ phận người dân. Những quy hoạch đô thị mới thừa chung cư nhưng thiếu cả nhà trẻ công viên đi kèm cho người lành thì nói chi tới không gian sống cho người tàn tật. Và những người như chúng ta đã câm điếc trước những tiếng kêu câm lặng của người khuyết tật trước không gian sống chật hẹp giữa đô thị Việt Nam.
Quy hoạch đô thị bây giờ có phải đã lãng quên người tàn tật? Gạt người khuyết tật ra khỏi cuộc sống đô thị khác gì phản bội lại chính những giá trị xã hội cần vươn tới, mù loà tự nguyện một cách thực dụng?
Không tin, bạn thử đi trên phố, đếm xem có mấy toà nhà đặt đường lên thẳng dốc cho xe lăn, có mấy công trình có nhà vệ sinh cho người khuyết tật, có mấy nhà vệ sinh có nút bấm khẩn cấp cứu trợ người khuyết tật nếu gặp khó khăn, có mấy nhà hát dành hàng ghế đặc biệt rộng và không ghế cho người ngồi xe lăn, có mấy lối vào công viên có tay vịn cho người què, có mấy siêu thị dành lối cho người tàn tật vào mua sắm, xe bus nào có cửa mở cho xe lăn?
Tất nhiên trừ một chỗ còn khả dĩ, là bệnh viện, nơi có đường đi dành cho những người đã thẳng cẳng trên cáng cứu thương bốn bánh.
Phúc lợi xã hội không phải chỉ là tiền lương, trợ cấp. Tính nhân bản của một xã hội không phải chỉ là lắm biểu ngữ, nhiều lễ kỷ niệm hoài cổ, có Hội Đoàn dành cho từ người già phụ nữ tới trẻ em quàng khăn. Chăm sóc người khuyết tật không có nghĩa là tới uý lạo tặng quà hàng năm.
Bởi nếu không dành không gian đô thị, họ sẽ không bao giờ hoà nhập được với đời sống lành lặn. Nếu không có quy định khả thi về kiến trúc thiết kế công trình xây mới buộc phải xem xét đến đối tượng người sử dụng bị tàn tật , thì người tàn tật mãi mãi ở đậu trong nhà người lành. Nếu không bắt buộc những công ty lớn dành một tỉ lệ vài phần nghìn cho lao động khuyết tật, họ sẽ khó có cơ hội bước ra khỏi số phận họ. Đẩy người khuyết tật về vỏ ốc gia đình, đùn trách nhiệm chăm sóc người khuyết tật cho người thân có lẽ là một cách buồn bã nhất mà tôi biết, tước những quyền đáng lẽ họ được có trong xã hội này. Hoặc nói cách khác, ta lành lặn sống nên không để ý rằng ta đang hồn nhiên chiếm cứ cả không gian nhỏ nhoi dành cho người khuyết tật.
Một xã hội đã mù loà trước những người cần tới xã hội nhất.