Chủ ý ở đây là chủ ý muốn trôi giữa dòng xe đông đúc, một mình, một cõi để trút hết những mớ bòng bong trong cõi lòng lạ kì sao mãi quẩn quanh. Ra ngoài có chủ ý là lúc tôi có thể chầm chậm ngắm đời, ngắm người và chiêm nghiệm về ngần ấy thứ giữa lúc mình đương một mình. Hẳn là tôi chẳng thể làm thế nếu đi với một người hay một nhóm người nữa vì bận hòa theo câu chuyện chung.
Tôi giữ cho mình trọn vẹn trong đầu ngần ấy cảm xúc rồi đợi cho tới lúc Thái Thanh trong trẻo cất lên “chiều nay em ra phố về…” là vỡ òa ra cả. Có khi, tôi cũng chẳng đợi Thái Thanh ca mà đã vội vã hát vang vang trên từng góc đường. Tôi hát cứ như đang cố để được lọt vào mắt xanh của một ông bầu ca nhạc nào đó đang lang thang trên đường, rồi đắm say giọng hát tôi, để rồi mời tôi về ca cho phòng trà của ông như trong những kịch bản phim ảo mộng mà tôi có dịp xem vài lần. Dầu, tôi hát chả hay gì mấy. Líu ríu bắt chước theo từng thanh âm của danh ca Thái Thanh âu cũng là một thú tiêu khiển tao nhã.
Ra đường hát hò vang vang chán chê, tôi lại về nhà cắm hoa. Ðời sống bởi có những thú vui nho nhỏ như vậy mà bớt đi phần nhàm chán và xám xịt. Thực tế, có một bình hoa để đầu giường thì thi thoảng có thể tự nhắc mình, ít nhất vẫn còn thứ quá đẹp đẽ là hoa cạnh bên, vậy nên không có gì là quá mức tồi tệ.
Mùa chớm thu, tôi cắm hai bình cúc vàng và đặt ở đầu giường, cạnh cửa sổ rèm rủ êm đềm. Thi thoảng chiều, nắng hắt qua song: tôi thức giấc thấy cô đơn.
Thức dậy giữa chiều hoang tàn và lộng gió
Bình hoa cúc vàng ươm màu nắng của tôi để trên bàn cạnh cửa sổ bị cơn gió quái ác nào đó đánh ngã. Vỡ tan hoang. Từng mảnh vụn vỡ, cánh hoa ướt đẫm và màu buồn hiu quạnh.
Tôi lặng người, chỉ biết ngồi thừ trên giường, nhìn chằm chằm vào chỗ hoa vỡ vụn ấy.
Thường thì, cái gì mình càng nâng niu, càng trân trọng lại càng dễ tan vỡ, dễ mất mát. Cuộc đời vốn đầy rẫy những éo le, còn con người thì chỉ biết lặng lẽ đớn đau. Im lặng, thở dài mà thôi.
Tôi nặng nhọc gom mấy mảnh vụn lại. Hoa hãy còn tươi lắm, sắc vàng chưa phai đâu, hãy còn thấy mùa thu mưa giăng lá đổ trong từng cánh, từng cánh hoa. Nhưng hẳn là bình hoa thì chẳng còn đẹp được như lúc ban đầu.
Tình cảm có thể bị tổn thương, người thương có thể thành người dưng. Tan nát vậy đó, nhưng tình yêu đẹp vẫn tồn tại trên thế gian này. Con tim ta chỉ là hư hao vì cuộc tình tù tội này nhưng hẳn là nó vẫn còn đẹp, còn rực rỡ những thương yêu cho những nơi khác xứng đáng gửi trao.
Hoa rồi cũng sẽ tàn, nên thôi, hãy tươi hết lòng khi còn có thể. Ðời sẽ buồn khi một chiều nao trao nhau nụ hôn cuối, trao nhau cái nắm tay tiễn biệt, trao nhau ánh nhìn chia li. Nên còn yêu, xin hãy cứ yêu. Nên còn thương, xin hãy cứ trân trọng.
Cho những ai thức giấc còn thấy cô đơn, xin hãy đừng thôi hi vọng…
“Này em xin cứ phụ tôi
Ðời sống quanh đây có vạn lời mời
Ðời sống quanh đây tiếng người mừng gọi em vào
Ðời đã quen với những kiếp xa nhau…”
(Trịnh Công Sơn)
Tiếng nhạc im bặt. Nắng chiều hoang dại chiếu qua song. Ánh mắt thu buồn hiu quạnh, ngó quanh quất. Long lanh.
Bẵng đi suốt mùa thu, những ngày dần sang lập đông, tôi lại lò dò kiếm một ít thạch thảo tim tím để cắm. Một cách vô thức, chiều tàn lành lạnh trên phố đông, “ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo, em nhớ cho mùa thu đã chết rồi”[1] tự nhiên chạy ngang qua óc tôi. Vỗ đùi cái đét, tôi reo lên, thôi phải rồi, phải cắm một bình thạch thảo để “ăn mừng” mùa thu… chết.
Mấy bông thạch thảo be bé và tim tím nhìn rất duyên. Tôi chọn thạch thảo tím vì chỉ có nó mới ánh lên được trong đêm đen, còn thạch thảo trắng thì chỉ long lanh đẹp được trong nắng mà thôi.
Thạch thảo nở bung trên bàn, lại một mùa tàn phai. Tôi lại nhớ về mấy tháng trước, một ông anh lí lắc mua tặng tôi bó hoa cẩm chướng từng cánh trắng muốt, thứ hoa mà tôi ưa thích vô cùng và tìm thấy nhiều điều đồng cảm. Thương nhau lắm thì người ta mới tặng nhau hoa mà.
Tôi lại nhớ về lọ hoa cúc vàng ươm vừa vỡ tan lúc chớm thu. Tôi vẫn mỉm cười nhìn bó thạch thảo tím ngăn ngắt để tiễn đưa một mùa vàng úa trên từng ngón tay hao gầy.
Mùa thu này, lại tiễn người ra đi. Lá vẫn rơi ngập ngừng chỗ góc phố tôi ngồi nghe li cà phê nhỏ giọt tí tách và mưa thu vẫn triền miên nơi góc đường tôi hát du ca cùng ông anh hớn đời. Với tôi, thu này là trọn vẹn. Tôi đã khép lại chuỗi đau thương tàn tạ. Tôi đã kịp mở ra những ước mơ và chân trời mới.
Thu ơi, em không buồn đâu, chỉ có lòng người làm úa màu trên sắc hương của em mà thôi.
Nghĩ ngợi mông lung lúc thay nước cho bình thạch thảo. Muốn hoa tươi lâu thì nên thay nước thường xuyên. Tình yêu cũng vậy, muốn mau chết thì cứ sáo mòn cũ rích, nhưng mà dẫu đổi cách mấy, một bên chẳng buồn tiếp nhận thì thừa thãi là tất yếu. Tình yêu đâu thể là chuyện của riêng một người.
Giống như một người đàn bà tôi rất ngưỡng mộ, danh ca Thái Thanh có lần nói: “Cư xử với cây khó lắm, nhất là hoa lan, không như cư xử với người đâu. Nếu mình không chăm sóc tử tế, không khéo, không làm đúng những gì mình phải làm, thì cây nó bỏ đi. Còn với người, người ta sẵn sàng chịu đựng nhau, đôi khi người ta giả dối để vẫn liên lạc với nhau vì những điều gì đó. Còn với cây, mình có yêu cây thì cây mới ở lại với mình”.
Vậy đó, cứ mùa tàn phai, tình yêu tàn phai, đến thức đẹp như hoa mà cũng nỡ phai tàn thì liệu còn thứ gì thoát khỏi nổi sự hữu hạn của đời sống này. Bên đời, sao nghe nhiều quá những nỗi tàn phai. Tàn phai đôi khi ra đi không chỉ để lại những héo hon mà còn là những kỉ niệm. Và kỉ niệm thì chỉ đẹp khi nó là chính nó. Mọi sự níu kéo miễn cưỡng để quay lại, sống lại là không tưởng. Ðể rồi cũng phá hủy nốt thứ đẹp đẽ nhỏ nhoi ấy.
Nghe tàn phai hẳn không phải để sầu bi lụy, nghe tàn phai là để trân quý vô cùng hiện tại dầu tròn trịa hay méo mó mà mình phải đối diện.
Hãy bước ra đường và hát vang vang để thấy tuổi xuân đang tàn phai trong vui tươi.
Hãy yêu thương đi để tàn phai trong hạnh ngộ và kỉ niệm thu về.
Hãy thưởng ngoạn đi cái đẹp của cuộc đời, kịp thời trước khi nỗi tàn phai bước qua nhanh.
Còn gì tàn phai nữa? Hãy để tâm hồn chứa đựng nhiều nỗi tàn phai qua đi, rồi tươi mới hoài cùng những dư âm để lại. Sống bằng nhiều dư âm lắng đẹp, tâm hồn ơi chẳng tàn phai nổi.
“Chiều nay em ra phố về
Thấy đời mình là con nước trôi,
Ðèn soi trên vai rã rời
Ngày đi đêm tới còn chút hao gầy”
(Trịnh Công Sơn)
[1] Phạm Duy.