Điệp Viên Của Chúa Chương 10

Chương 10
PALAZZO DEL GOVERNATORATO

 

Tòa thánh Vatican

Thứ tư, ngày 6 tháng 4 năm 2005, 10:34 sáng

Paola sốt ruột và lo lắng bước tới bước lui, đếm từng bước chân cô sải trên tấm thảm ngoài sảnh lớn trong khi chờ Dante. Ngày hôm nay khởi đầu thật tồi tệ. Đêm qua cô hầu như không chợp được mắt lấy một phút. Vậy mà vừa mới đến cơ quan, cô đã ngập đầu trong một đống giấy tờ và công việc. Người phụ trách cơ quan Dân phòng, Guido Bertolano, đang phát điên với số lượng người hành hương bất tận đang kéo về tràn ngập thành phố. Đến thời điểm này các sân vận động, trường đại học, và bất kỳ trụ sở cơ quan nhà nước nào cũng đều chật cứng những người mới đến. Người ta ngủ cả trên hè phố, dưới cổng các nhà ven đường, trung tâm buôn bán, và thậm chí là cả trong các phòng đặt máy ATM. Dicanti đã liên hệ với Bertolano yêu cầu hỗ trợ tìm kiếm và bắt giữ một kẻ tình nghi, nhưng ông ta đã cười thẳng vào mặt cô.

“Thanh tra thân mến của tôi ơi, ngay cả nếu đối tượng tình nghi của cô có là Osama bin Laden chăng nữa thì chúng tôi cũng chẳng làm được gì đâu. Chắc phải đợi cho đến khi cái nhà thương điên này vãn bớt người đi đã”.

“Tôi nghĩ ông không hiểu được rằng...”

“Thanh tra - cô vừa nói tên cô là Dicanti phải không? - chiếc Không lực I ([27]) đang đậu tại Fiumicino. Không còn phòng nguyên thủ ở bất kỳ khách sạn 5 sao nào mà lại chưa có khách là một vị tai to mặt lớn. Cô có hình dung được cơn ác mộng của chúng tôi khi phải lo bảo đảm an ninh cho những người này không? Cứ mười lăm phút lại có những báo cáo về khả năng xảy ra tấn công khủng bố và những vụ đặt bom thất thiệt. Tôi đang phải liên hệ chặt chẽ với lực lượng cảnh sát của thành phố và thị trấn trong phạm vi bán kính 200km. Tin tôi đi, việc của cô phải chờ thôi. Còn bây giờ xin vui lòng để tôi còn nhận điện thoại.”

Ông ta nói rồi gác máy luôn, không kịp để cô phản ứng gì.

Khốn kiếp! Tại sao không ai thực sự coi trọng ý kiến của cô nhỉ? Vụ án này đúng là đang làm cô đau đầu đến phát điên. Sự im lặng mà nó tạo ra, âm ỉ trong sự chờ đợi những trò điên rồ tiếp theo của tên quái vật bệnh hoạn, chỉ làm tăng thêm mối mâu thuẫn giữa những nỗ lực của Paola và sự thờ ơ của mọi người xung quanh. Cô đã tốn quá nhiều thời gian trên điện thoại mà chẳng lần ra được manh mối gì. Giữa vô số những cuộc gọi mệt mỏi ấy, cô đã yêu cầu Pontiero quay lại hỏi chuyện vị tu sĩ già dòng Carmelite tại nhà thờ Santa Marie ở Traspontina trong khi cô chuẩn bị cho cuộc gặp với Hồng y Samalo, cận thần của Giáo hoàng, hay il Camerlengo trong tiếng Italia. Và bây giờ thì cô đang ở đây, bên ngoài văn phòng của hồng y, lồng lộn như một con hổ với cái bụng chứa toàn cà phê đen đắng ngắt.

Trong lúc đó Fowler ngồi thư giãn trên một chiếc tràng kỷ dài bằng gỗ hồng đào. Ông ta chăm chú đọc quyển kinh nhật tụng.

“Chính những lúc như thế này tôi mới hối hận là đã bỏ thuốc.”

“Cha thấy hồi hộp à?”

“Không. Nhưng những bước chân căng thẳng của cô làm tôi không sao tập trung được.”

Paola hiểu ý vị linh mục, cô quyết định không bước tới bước lui nữa mà dừng lại và ngồi xuống cạnh ông ta.

Cô làm ra vẻ đang đọc lại bản báo cáo của Dante về vụ giết người đầu tiên, nhưng thực ra trong đầu chỉ băn khoăn về vẻ mặt rất lạ của viên phó chánh thanh tra Tòa thánh khi cô giới thiệu Fowler với anh ta tại trụ sở của UACV lúc sáng. Dante đã kéo Paola qua một bên và thì thầm với vẻ mặt hết sức nghiêm túc, “Đừng tin ông ta.” Cô thấy lo lắng, băn khoăn và quyết định ngay khi có cơ hội sẽ hỏi Dante xem ý anh ta chính xác là gì.

Cô lắc mạnh đầu và tập trung trở lại vào bản báo cáo.

Phải gọi đó là một thảm họa thì đúng hơn. Rõ ràng Dante không mấy khi phải làm những việc như thế này, nhưng như thế cũng có nghĩa là anh ta vẫn luôn gặp may. Chắc chắn họ sẽ phải kiểm tra lại từng li từng tí hiện trường nơi Portini bị giết, với hy vọng tìm được chút dấu vết nào đó.

Chậm nhất là ngay chiều nay phải tiến hành luôn. Nhưng bù lại thì những bức ảnh cũng không đến nỗi nào. Paola đóng sập tập tài liệu lại. Cô không thể nào tập trung được.

Paola không dám thừa nhận với chính mình rằng cô cảm thấy lo sợ. Cô đang ở giữa Tòa thánh Vatican, trong một tòa nhà đứng độc lập ở trung tâm thành phố. Tòa nhà này có tới hơn 1500 phòng làm việc, trong đó quan trọng nhất chính là phòng làm việc của Giáo hoàng. Đối với Paola, chỉ riêng cơ man nào là tranh ảnh và tượng điêu khắc bày khắp các gian sảnh và hành lang cũng đủ làm cô thấy choáng ngợp rồi. Và đối với những người đứng đầu Tòa thánh suốt hàng chục thế kỷ qua, đó chính là điều mà họ mong muốn; họ đều biết chắc những tác động mà thành phố của mình tạo ra cho du khách. Mặc dù vậy Paola nhất định không để cho những thứ xung quanh làm xao nhãng nhiệm vụ quan trọng mà mình đang theo đuổi.

“Cha Fowler?”

“Vâng.”

“Tôi hỏi ông một câu được không?”

“Tất nhiên rồi.”

“Đây sẽ là lần đầu tiên tôi gặp một vị hồng y đấy.”

“Không có lẽ thế.”

Paola suy nghĩ giây lát rồi nói tiếp.

“Tôi muốn nói là gặp một vị hồng y còn sống ấy.”

“Vậy cô định hỏi gì?”

“Thường thì người ta phải xưng hô như thế nào với một hồng y?”

“Bao giờ cũng là Đức ông.” Fowler gập quyển kinh lại và nhìn thẳng vào mắt Paola.

“Thoải mái đi nào. Ông ta cũng chỉ là một con người bình thường, giống như cô và tôi thôi. Và cô còn là thanh tra phụ trách cuộc điều tra này cơ mà. Cô là một người chuyên nghiệp. Và hãy hành động như đang ở trong hoàn cảnh hết sức bình thường thôi.”

Dicanti mỉm cười biết ơn. Cuối cùng thì Dante cũng mở cửa bước ra từ phòng chờ của văn phòng hồng y.

“Xin mời vào.”

Trong phòng đợi có hai chiếc bàn, hai vị linh mục trẻ măng ngồi bên điện thoại và máy tính. Họ lịch sự gật đầu chào các vị khách, và cả nhóm tiếp tục bước vào văn phòng của vị hồng y cận thần. Đó là một căn phòng giản dị đến khổ hạnh, chẳng hề có lấy một bức tranh hay tấm thảm nào. Phía bên này phòng có một thư viện nhỏ, đối diện là một chiếc ghế dài. Vật trang trí duy nhất trên tường là một cây thánh giá bằng gỗ.

Khác với những bức tường trống trơn, bàn làm việc của Eduardo González Samalo, người cầm trịch mọi chuyện tại Tòa thánh cho đến khi bầu ra được vị Giáo hoàng mới, lại bừa bộn giấy tờ. Samalo, trong trang phục áo dài màu đỏ sẫm của các hồng y, đứng lên khỏi ghế sofa để chào đón các vị khách. Fowler quỳ xuống và hôn chiếc nhẫn trên bàn tay chìa ra của Hồng y, như một cử chỉ thể hiện lòng tôn kính và quy phục, điều mà tín đồ Công giáo nào cũng làm trước mặt một vị hồng y. Paola hơi lùi lại, hy vọng là không ai để ý. Cô chỉ hơi cúi đầu, có lẽ là vì xấu hổ nhiều hơn là một cử chỉ chào. Từ lâu cô không còn coi mình là một người Công giáo nữa.

Samalo tỏ ra rất khoan dung trước sự thô lỗ của Paola.

Vẻ đau thương và mệt mỏi còn hằn rõ trên khuôn mặt và đôi vai như sụp xuống của ông. Trong vài ngày tới ông vẫn còn là nhân vật tối cao trong Tòa thánh, nhưng căn cứ vào vẻ mặt ông, người ta có thể nhận ra là Samalo không mặn mà lắm với vai trò nặng nề này.

“Xin lỗi vì đã bắt các con phải chờ. Ta vừa nói chuyện điện thoại với một đại biểu của phái đoàn Đức. Họ đang vô cùng bực bội. Các phòng khách sạn đều chật cứng và cả thành phố là một mớ hỗn độn khủng khiếp. Thế mà ai cũng đòi được ngồi ở hàng ghế đầu trong tang lễ sáng mai.”

Paola nhã nhặn gật đầu.

“Con nghĩ chắc chắn cơn chấn động này làm tất cả chúng ta đều mệt mỏi.”

Samalo chỉ thở dài chán nản như một câu trả lời.

“Thưa Đức ông, người đã được thông báo về những gì đang diễn ra chứ ạ?”

“Tất nhiên. Camilo Cirin đã kịp thời thông báo cho ta về những sự kiện đã xảy ra. Tất cả đều là nỗi ô nhục khủng khiếp. Ta nghĩ rằng trong những hoàn cảnh khác có lẽ ta đã phản ứng mạnh mẽ hơn trước những tội ác dã man này. Nhưng chân thành mà nói với các con, ngay lúc này đây ta còn chẳng có đủ thời gian để mà phẫn nộ.”

“Chắc người cũng biết, thưa Đức ông, chúng ta phải nghĩ đến việc bảo đảm an toàn cho những hồng y khách.”

Samalo phác một cử chỉ về phía Dante.

“Vigilanza đã nỗ lực hết sức để tập trung các hồng y tại Domus Sanctae Marthae sớm hơn dự kiến, để bảo đảm an ninh cho cả tòa nhà này.”

“La Domus Sanctae Marthae?”

Dante xen vào giải thích. “Nghĩa là tòa nhà Sainte Martha. Một công trình kiến trúc được trùng tu lại theo chính yêu cầu của Giáo hoàng John Paul II, Người muốn công trình này được sử dụng làm nơi cư trú chính thức của các hồng y trong thời gian diễn ra Hội nghị bầu giáo hoàng.”

“Xây cả một tòa nhà rộng mênh mông chỉ cho mục đích đó thôi sao?”

“Khi nào không có Hội nghị hồng y, tòa nhà được sử dụng làm nơi dừng chân của những vị khách quý đến Tòa thánh,” Hồng y Samalo nói. “Cha Fowler, nếu tôi không nhầm thì cha cũng đã ở đó một lần, phải không nhỉ?”

Fowler có vẻ khó chịu. Trong giây lát như thể giữa hai người đang có sự đối đầu căng thẳng, một cuộc đối đầu không đổ máu nhưng căng thẳng không kém, bằng sức mạnh ý chí. Cuối cùng Fowler là người cúi đầu xuống.

“Đúng vậy, thưa Đức ông. Tôi đã có vinh dự được mời đến Tòa thánh một lần rồi.”

“Ta nghĩ là cha đã gặp rắc rối với Sant' Uffizio, Văn phòng Tòa thánh.”

“Tôi được mời đến để tham gia một cuộc thẩm tra về những hoạt động mà tôi đã tham gia, chỉ có thế thôi. Không có gì hơn cả.”

Vị hồng y tỏ vẻ hài lòng trước sự khó chịu không thể che giấu nổi của linh mục.

“À, tất nhiên rồi, cha Fowler. . . Không cần thiết phải giải thích với ta làm gì. Dù sao thì danh tiếng của cha cũng đã vượt trước cha rồi. Như ta đang nói, thanh tra Dicanti, ta rất yên tâm về vấn đề bảo đảm an toàn cho các vị hồng y, nhờ những nỗ lực rất đáng khen ngợi của cơ quan Vigilanza. Hầu hết các hồng y đều đang được bảo vệ sát sao, tránh xa khỏi mọi nguy hiểm, ở ngay trong Vatican này. Cũng còn vài người chưa đến. Về nguyên tắc, từ ngày 15 tháng 4 trở đi, các hồng y mới bắt buộc phải ở trong Domus Sanctae Marthae. Nhiều hồng y đang ở phân tán trong các giáo đoàn và dinh thự dành cho các chức sắc. Nhưng sắp tới chúng ta sẽ thông báo cho họ biết rằng họ phải ở tập trung cùng nhau”.

“Vậy hiện tại ở tòa nhà Sainte Martha có bao nhiêu người tất cả?”

“Năm mươi tư hồng y. Những người khác, trong tổng số 115 hồng y, sẽ đến đó trong vài giờ nữa. Chúng ta đã nỗ lực liên hệ với tất cả mọi người, yêu cầu họ gửi cho chúng ta lịch trình đi lại của họ để có thể bảo đảm an ninh cần thiết. Các hồng y sẽ là đối tượng bảo vệ quan trọng nhất của Tòa thánh. Nhưng như ta đã nói với cô, Chánh thanh tra Cirin đang phụ trách tất cả mọi chuyện.

“Đừng nên lo lắng như thế, cô gái.”

“Vậy con số một trăm mười lăm hồng y đó có gồm cả Robayra và Portini không?” Dicanti đăm chiêu hỏi, hơi khó chịu vì sự kẻ cả của vị hồng y cận thần.

“Hừm, có lẽ trong thực tế phải nói là một trăm mười ba hồng y,” Samalo bực bội trả lời. Với một người kiêu ngạo như ông ta, việc để cho một người phụ nữ chỉnh lại quả là khó chấp nhận.

“Tôi dám chắc là Đức ông đã có kế hoạch phù hợp với vấn đề này,” Fowler xen vào, cố gắng hòa giải hai người.

“Đúng thế. Chúng ta sẽ thông báo rằng Portini bị bệnh tại nhà nghỉ nông thôn của gia đình ông ấy, ở Corsica. Và rất đáng tiếc là ông ấy đã không qua khỏi. Còn về Robayra, những vấn đề liên quan đến sứ mệnh mà ông ấy đảm trách khiến ông ấy không thể tham dự Hội nghị hồng y bầu giáo hoàng, mặc dù chắc chắn ông ấy sẽ đến Rome để thể hiện sự phục tùng của mình trước Đức Thánh cha mới. Và thật đáng tiếc, ông ấy đã qua đời trong một tai nạn giao thông, chắc chắn bên cảnh sát sẽ dễ dàng hoàn thành các thủ tục chứng tử phù hợp. Những câu chuyện này sẽ được thông báo cho báo chí sau khi Hội nghị hồng y kết thúc.”

Paola không khỏi thốt lên kinh ngạc, “Như vậy là Đức ông dã trù tính mọi việc đâu vào đấy rồi.”

Vị hồng y đằng hắng trước khi trả lời.

“Đó chỉ là một trong số nhiều phương án dự phòng. Và ít nhất thì phương án này sẽ không gây hại cho ai cả.”

“Trừ sự thật.”

“Đây là nhà thờ Công giáo, thanh tra ạ. Là nguồn sức mạnh và ánh sáng soi rọi đường đi cho hàng triệu con chiên. Chúng ta không thể để cho nhà thờ phải chịu thêm bất kỳ chuyện ô nhục nào khác. Xét từ quan điểm đó thì sự thật có là gì?”

Mặt Dicanti không giấu nổi vẻ hoài nghi, mặc dù cô thừa nhận tính logic ẩn chứa trong những lời của vị hồng y già. Cô nghĩ đến những cách khác nhau để đáp lại ông ta, nhưng rồi lại hiểu chẳng có cách nào chứng tỏ được điều gì khác cả. Tốt nhất là nên quay lại cuộc phỏng vấn.

“Tôi đoán nguyên nhân của việc triệu tập các hồng y sớm hơn dự định sẽ không được thông báo cho họ”.

“Tuyệt đối không. Tôi đã yêu cầu họ không được ra khỏi Tòa thánh nếu không có lực lượng Vigilanza hoặc Cận vệ Thụy Sĩ đi cùng. Lý do tôi đưa ra là có một nhóm cực đoan trong thành phố đang đe dọa chống lại nhà thờ Công giáo. Tôi tin là mọi người đều hiểu.”

“Ông có biết rõ các nạn nhân không?”

Gương mặt vị hồng y tối sầm lại trong giây lát.

“Lạy Chúa, có. Với Hồng y Portini tôi cũng không có nhiều điểm chung, mặc dù ông ta là người Italia. Công việc của tôi từ trước đến giờ vẫn xoay quanh tổ chức nội bộ của Vatican, còn ông ấy thì dành cả cuộc đời cho học thuật. Lúc nào ông ấy cũng nghiên cứu, viết lách và đi khắp nơi rao giảng. Portinia là một con người vĩ đại. Cá nhân tôi không đồng tình với những quan điểm của ông ấy cho lắm, tôi thấy chúng quá cởi mở và cách mạng.”

“Cách mạng là sao ạ?”

Fowler hơi cúi người về trước và chăm chú hỏi.

“Rất cách mạng là khác, đức cha ạ. Ông ta đấu tranh cho việc sử dụng bao cao su, ủng hộ việc phong chức linh mục cho phụ nữ. Lẽ ra ông ấy đã có thể là một giáo hoàng của thế kỷ XXI. Hơn nữa, ông ấy cũng còn khá trẻ, dù trong thực tế năm nay ông ấy đã năm mươi chín tuổi rồi.

Nếu ông ngồi vào chiếc ngai vàng của thánh Peter, chắc chắn ông ấy sẽ là người phụ trách Cộng đồng Vatican III, mà nhiều người đang rất tin tưởng là vô cùng cần thiết cho Giáo hội. Cái chết của ông ấy là một mất mát vô cùng to lớn và khủng khiếp.”

“Nếu ông ấy còn sống thì Đức ông sẽ bầu cho ông ấy chứ?” Fowler hỏi.

Vị hồng y cận thần cười khẽ.

“Cha không định yêu cầu tôi tiết lộ việc tôi sẽ bầu cho ai đấy chứ?”

Paola lại lên tiếng để tiếp tục kiểm soát cuộc phỏng vấn.

“Thưa hồng y, ông vừa nói là ông không có nhiều điểm chung với Portini cho lắm. Thế còn với Robayra thì sao?”

“Một con người vĩ đại. Hoàn toàn hiến dâng cuộc đời mình cho người nghèo. Tất nhiên là ông ấy cũng có những khiếm khuyết. Ông ấy bị ám ảnh với ý nghĩ được khoác chiếc áo trắng, đứng trên ban công nhìn xuống quảng trường Saint Peter ([28]). Tất nhiên, ông ta không bao giờ công khai tuyên bố tham vọng của mình. Chúng tôi là bạn bè rất thân thiết và thường xuyên viết thư cho nhau. Tội lỗi duy nhất của Robayra là sự kiêu ngạo. Lúc nào ông ta cũng muốn khoe khoang sự nghèo khổ của mình. Lá thư nào của ông ta cũng kết thúc bằng câu beati pauperes ([29]). Và để trêu ông ta, tôi ký lại là beati pauperes spirito ([30]) nhưng có vẻ như ông ta chẳng bao giờ hiểu điều tôi ám chỉ. Mặc dù có những khiếm khuyết, ông ta vẫn thực sự là người con trung thành của Chúa và nhân vật vĩ đại của Giáo hội.

Trong suốt đời mình, ông ấy đã làm được rất nhiều việc tốt đẹp. Tôi chưa bao giờ hình dung đến việc tôi sẽ nhìn thấy ông ấy trở thành Giáo hoàng ([31]) nhưng có lẽ là vì tôi đã quá thân với ông ấy.”

Trong khi nói về người bạn xấu số, vị hồng y già như rũ xuống, gương mặt u ám, buồn thảm, giọng nói run rẩy, đau thương - lúc này người ta mới nhận ra nỗi mệt mỏi và gánh nặng mà một ông già bảy mươi tám tuổi phải chịu đựng. Mặc dù không hiểu lắm những gì vị hồng y già đang nói, Paola vẫn cảm thấy thông cảm với ông ta.

Cô hiểu rằng đằng sau những lời lẽ thống thiết, trang trọng và biểu cảm như một bài điếu văn, vị hồng y già người Tây Ban Nha đang đau buồn vì không có cả thời gian để ở một mình và khóc thương người bạn thân của mình. Trong lúc suy nghĩ như vậy, cô chợt nhận ra mình đang bắt đầu nhìn thấu qua chiếc mũ và tấm áo choàng màu đỏ thẫm của vị hồng y, để hiểu rõ cái con người đang mang chúng. Có lẽ cô phải từ bỏ định kiến nhìn nhận các chức sắc tôn giáo như là những con người một chiều, cứng nhắc. Trong trường hợp này, thành kiến của cô đối với các linh mục hoàn toàn có thể gây tổn hại tới công việc mà cô đang tiến hành.

“Xét cho cùng, ta nghĩ không ai được coi là vị thánh ngay trong đất nước của chính mình. Như ta đã nói, ta và ông ấy có rất nhiều điểm tương đồng. Ông bạn già Emilo của ta đã đến đây bảy tháng trước. Đó là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm của ông ấy. Một người phụ tá của ta đã chụp lại bức ảnh của ta và ông ấy trong văn phòng. Ta nhớ là ta đã để đâu đó ở đây thôi”

Vị hồng y bước lại bàn làm việc của mình và lấy ra một chiếc phong bì đựng rất nhiều ảnh. Ông lướt qua một lượt, chọn ra một bức và chìa cho các vị khách của mình xem.

Paola hờ hững nhìn lướt qua bức ảnh cho đến khi điều gì đó trong bức ảnh đột nhiên làm cô chú ý. Mắt cô trợn trừng sững sờ, miệng há hốc, có vội vàng giật mạnh cánh tay Dante, suýt chút nữa thì làm cánh tay của anh ta trật khỏi khớp vai.

“Ôi khốn kiếp, khốn kiếp.”

NHÀ THỜ SANTA MARIA TẠI TRASPONTINA

NHÀ THỜ SANTA MARIA TẠI TRASPONTINA

Số 14, phố Conciliazione

Thứ tư, ngày 6 tháng 4 năm 2005, 10:41 sáng

Pontiero đập thình thịch liên tục mấy lần liền lên cánh cửa mở từ phía sau nhà thờ vào phòng để đồ thánh. Theo hướng dẫn của cảnh sát, cha Francesco đã gắn lên cửa một tấm biển, nét chữ viết nguệch ngoạc và run rẩy, thông báo rằng nhà thờ đang được đóng cửa để sửa chữa. Chắc hẳn là vị tu sĩ nhũn nhặn này hơi nặng tai vì Pontiero đã đứng đập cửa đến cả 5 phút rồi. Sau lưng ông là hàng nghìn con người đang mải mê chen chúc trên con phố Corridori, mỗi lúc một đông và lộn xộn hơn. Trên con phố nhỏ này còn đông người hơn là cả phố chính Conciliazione.

Cuối cùng Pontiero cũng nghe thấy những tiếng lách cách bên kia cánh cửa. Chốt cửa được rút ra và gương mặt của tu sĩ Francesco hiện ra qua khe cửa vừa hé mở, mắt hơi nheo lại trước ánh mặt trời chiếu vào.

“Ai đấy?”

“Chào cha, tôi là thám tử Pontiero. Cha còn nhớ tôi chứ ?”

Vị tu sĩ gật đầu, ngẫm nghĩ giây lát rồi lại gật đầu.

“Anh muốn gì? Cầu Chúa là anh đến để thông báo tôi có thể mở cửa nhà thờ. Với từng ấy người hành hương ở ngoài kia... anh hãy thử nhìn xung quanh xem,” ông vừa nói vừa khoát tay chỉ ra đường phố nơi hàng nghìn người đang chen chúc.

“Không, thưa cha. Tôi cần hỏi thêm vài câu hỏi thôi. Tôi vào được chứ?”

“Ngay bây giờ ư? Tôi đang cầu nguyện dở.”

“Tôi sẽ không làm mất nhiều thời gian của cha đâu. Cùng lắm chỉ vài phút thôi.”

Francesco lắc đầu than thở.

“Thời buổi gì thế này, thời buổi gì thế này không biết! Đâu đâu cũng toàn chết chóc, chết chóc và xô bồ. Người ta còn không để tôi cầu nguyện cho xong nữa.”

Cánh cửa từ từ mở ra rồi sập lại đánh rầm một tiếng sau lưng Pontiero.

“Cha Francesco, cánh cửa nặng thật.”

“Đúng thế, con trai của ta. Nhiều lúc phải khó khăn lắm ta mới mở được nó ra, nhất là những khi ta đi mua hàng ở siêu thị về. Thời buổi này làm gì còn ai quan tâm đến chuyện giúp một ông già mang vác túi nặng. Thời buổi gì thế này, thời buổi gì thế này kia chứ?”

“Cha nên kiếm một chiếc xe đẩy.” Pontiero vừa nói vừa quay lại kiểm tra cánh cửa từ bên trong, chăm chú xem kỹ chốt cửa và những chiếc bản lề khổng lồ gắn sát tường.

“Tôi muốn nói là trên chiếc khóa hoàn toàn không có vết trầy xước nào cả. Không có vẻ gì là nó đã bị phá.”

“Không đâu, con trai của ta. Ơn Chúa, đó là một cái khóa rất chắc chắn. Cánh cửa mới được một giáo dân sơn lại cách đây một năm, đó là ông bạn già Giuseppe đáng kính của ta. Ông ta bị bệnh suyễn, con biết đấy, và mùi sơn làm ông ta đến khổ ...”

“Chắc chắn cái ông Giuseppe ấy là một người Công giáo ngoan đạo.”

“Đúng thế, con trai của ta, đúng thế đấy!”

“Nhưng tôi đến đây không phải vì chuyện đó. Tôi đang cần tìm hiểm xem tên giết người đã vào trong nhà thờ bằng cách nào, nhất là khi hoàn toàn không còn cách nào khác để thâm nhập. Thanh tra Dicanti nghĩ đây là một chi tiết rất quan trọng. ”

“Có thể hắn đã vào bằng đường cửa sổ, nếu hắn dùng thang. Nhưng thực ra ta không nghĩ vậy, vì nếu thế thì kính cửa phải bị vỡ thứ. Lạy Chúa tôi, thật thảm họa nếu hắn đang tâm phá vỡ những tấm ảnh màu của cửa sổ này.”

“Cha có thể dẫn tôi xem qua những ô cửa sổ đó không?”

“Không sao. Đi theo ta.”

Vị tu sĩ tập tễnh đi từ phòng để đồ thánh vào sâu trong nhà thờ. Toàn bộ gian sảnh lớn được chiếu sáng hoàn toàn bằng những cây nến cắm dưới chân các tượng thánh. Pontiero hơi ngạc nhiên khi thấy có nhiều nến cùng được thắp sáng đến vậy.

“Nhiều nến dâng cúng thật, thưa cha.”

“À con trai của ta. Ta đã thắp tất cả nến trong nhà thờ, để cầu nguyện các vị thánh đưa linh hồn của Đức Thánh cha John Paul lên thiên đường.”

Pontiero thấy thích thú vì sự tự nhiên của vị tu sĩ. Hai người đang đứng ở lối đi giữa nhà thờ, từ đây có thể nhìn thấy cánh cửa phòng giữ đồ thánh. Lối đi này thông thẳng ra cửa chính, phía trên là những ô cửa sổ được bố trí ở ngay mặt trước của nhà thờ. Ông lướt ngón tay lên phía sau một băng ghế, một hành động vô thức mà ông đã lặp đi lặp lại hàng nghìn lần trong các buổi lễ mi-xa sáng chủ nhật. Đây là ngôi nhà của Chúa, vậy mà nó đã bị báng bổ và làm nhơ bẩn. Hôm nay, dưới ánh sáng lung linh của những ngọn nến, nhà thờ có dáng vẻ và không khí hoàn toàn khác so với ngày hôm trước. Bên trong nhà thờ hơi lạnh lẽo và ẩm thấp, đối nghịch hoàn toàn với không khí sôi động đang diễn ra bên ngoài. Ông ngước nhìn những ô cửa sổ. Ô thấp nhất cũng cách mặt đất khoảng năm mét. Toàn bộ ô cửa sổ là những mảng kính màu sắc sặc sỡ, hoàn toàn không có lấy một vết xước.

“Không ai có thể trèo qua cửa sổ với hơn 100kg trên lưng được. Nếu có thì tên giết người chắc phải dùng đến cần trục. Và nếu thế thì hàng nghìn người hành hương bên ngoài sẽ phải nhìn thấy hắn. Không, không thể thế được.”

Cả hai đều nghe thấy những bài hát mà các thanh niên ngoài đường phố đang đồng thanh hát khi đứng thành hàng dài để nói lời tiễn biệt tới Giáo hoàng John Paul. Tất cả những bài hát đều nói về tình yêu và hòa bình.

“Chà, các thanh niên. Niềm hy vọng cho tương lai của chúng ta. Đúng không, ông thám tử?”

“Vâng, thưa cha.”

Pontiero vò đầu bứt tai. Ông hoàn toàn không hiểu làm thế nào có thể lọt vào trong nhà thờ được ngoài hai đường là qua cửa chính và cửa sổ. ông sốt ruột bước tới bước lui, gót giày vang vọng lộp cộp trong nhà thờ trống rỗng.

“Xin cha cho biết, liệu còn ai khác có chìa khóa vào nhà thờ không? Có lẽ là người lau dọn chăng?”

“ Không, không, tuyệt đối không có chuyện đó. Có vài giáo dân mộ đạo luôn giúp ta dọn dẹp nhà thờ vào sáng sớm thứ bảy và chiều thứ hai, nhưng bao giờ họ cũng chỉ đến khi có mặt ta ở đây thôi. Hơn nữa, ta cũng chỉ có đúng một bộ chìa khóa lúc nào cũng mang theo bên mình. Đây này.” Ông đút tay vào túi và rút ra một chùm chìa khóa.

“Được rồi, thưa cha, tôi chịu thua rồi. Tôi không hiểu hắn làm thế nào lọt vào đây mà không có ai để ý.”

“Ta cũng không biết gì hơn, con trai của ta. Rất tiếc là ta đã không thể giúp gì hơn.”

“Cám ơn cha.” Pontiero quay người và dợm bước về phía gian đồ thánh.

“Trừ phi...”

Vị tu sĩ dòng Carmelite có vẻ đang băn khoăn trong giây lát, rồi lắc đầu, “Hừm, không thể có chuyện đó. Không đời nào.”

“Trừ phi gì ạ? Xin cha cứ nói đi. Biết đâu một chi tiết nào đó có thể sẽ rất có ích.”

“Không có gì đâu, hãy quên lời ta nói vừa rồi đi.”

“Xin cha đấy. Cha đang nghĩ đến chuyện gì vậy?”

Vị tu sĩ đăm chiêu vò bộ râu và trầm ngâm:

“Hừm, có một lối vào dưới mặt đất. Đó là một đường hầm cũ từ khi nhà thờ này mới được xây dựng lại.”

Như vậy là trước kia ở đây đã có một nhà thờ khác nữa?”

“'Đúng vậy, tòa nhà cũ đã bị phá hủy trong trận tấn công vào Rome năm 1527. Nhà thờ nằm đúng trên đường đạn của những khẩu đại bác bảo vệ pháo đài Saint Angelo. Và vào thời điểm đó, nhà thờ...”

“Cha có thể để bài học lịch sử đến lúc khác được không? Hãy cho tôi xem đường hầm đó ngay đi.”

“Anh chắc chứ? Anh đang mặc bộ complet lịch sự và đẹp thế kia cơ mà...”

“Chắc, tôi chắc. Cha chỉ luôn cho tôi đi.”

“Tùy anh thôi, thám tử, tùy anh thôi,” vị tu sĩ nhũn nhặn đáp.

Ông ta cà nhắc bước quanh cửa chính vào nhà thờ, gần nơi đặt bình nước thánh. Sau vài bước ông ta dừng lại và chỉ tay vào một khe hở giữa những tảng đá lát trên nền nhà thờ.

“Anh có nhìn thấy khe hở đó không? Hãy luồn ngón tay vào đó và kéo thật mạnh.”

Pontiero quỳ xuống và làm theo hướng dẫn của vị tu sĩ. Chẳng có gì xảy ra.

“Thử lại đi. Kéo mạnh về bên trái ấy.”

Pontiero làm theo lời Francesco bảo, nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Mặc dù vóc người thấp bé nhưng thực ra Pontiero rất khỏe. Ông nhất định không chịu bỏ cuộc. Thử lần thứ ba, ông cảm thấy hòn đá đang dịch chuyển. Sau đó nó bật lên thật dễ dàng. Hóa ra đó là một kiểu cửa sập bí mật. Ông dùng một tay mở nó ra. Phía dưới là một cầu thang ngắn và hẹp, cao khoảng hơn hai mét. Pontiero tìm thấy trong túi một chiếc đèn pin nhỏ và rọi thẳng đèn vào bóng tối bên dưới. Những bậc thang được xây bằng đá, trông rất chắc chắn.

“Tốt lắm. Để xem con dường này đưa chúng ta đi đâu.”

“Thám tử, đừng xuống đó một mình.”

“Cha cứ yên tâm. Có gì đâu, tôi vẫn đang kiểm soát được mọi việc mà.”

Pontiero tưởng tượng ra cảnh mặt Dante và Dicanti sẽ nghệt ra như thế nào khi họ biết ông đã phát hiện ra điều gì. Ông đứng thẳng dậy, đặt bước chân đầu tiên xuống bậc thang.

“Chờ đã, ta sẽ lấy cho anh một cây nến”

“ Không cần đâu, thưa cha. Tôi dùng cây đèn pin này là đủ rồi,” Pontiero hét vọng lên.

Cuối bậc thang là một lối đi ngắn, vách tường ẩm ướt dẫn đến một căn phòng rộng chỉ khoảng 6m2. Pontiero lia chiếc đèn pin qua mọi ngóc ngách trong phòng. Có vẻ như đường hầm này chỉ đến đây là dừng lại. Có hai chiếc cột cụt ngọn, mỗi cột cao khoảng 1,8m, đều ở giữa phòng. Trông chúng có vẻ rất cổ kính, lâu đời. Pontiero không thể xác định được niên đại của chúng; giờ ông mới hối hận là đã không mấy chú tâm đến những giờ học lịch sử khi còn ở trường.

Mặc dù vậy, ông có thể nhìn thấy cái gì đó còn dính lại trên những thân cột, những thứ mà bình thường không thể có trên một cây cột cổ kính như vậy. Trông giống như là...

Băng dính.

Hóa ra đây chẳng phải đường hầm gì hết mà là phòng tra tấn.

Pontiero vừa quay người lại thì lãnh nguyên một cú đánh như trời giáng. Hung thủ hẳn đã định đập vỡ đầu ông nhưng vì Pontiero quay người lại nên cú đánh trượt xuống vai bên phải. Ông ngã lăn xuống đất, đau đến quặn người lại. Chiếc đèn pin bắn qua một bên, hắt ra những tia sáng dưới chân một cây cột. Bằng trực giác ông biết đòn đánh thứ hai đang sắp đến ngay lập tức, và bốp một tiếng, có cái gì đó giáng thẳng vào cánh tay bên phải của Pontiero. Dù đau điếng, ông vẫn cố thọc tay trái vào dưới nách trong chiếc áo khoác để rút súng ra. Khẩu súng nặng trịch như được làm bằng chì. Tay kia của ông không còn cảm giác gì nữa.

Một thanh sắt, ông nghĩ. Chắc chắn hắn có một thanh sắt hay cái gì đó tương tự.

Pontiero cố gượng đau giương súng lên, nhưng không thể nào bóp cò nổi. Ông đang lảo đảo lết về phía cây cột thì đòn đánh thứ ba giáng thẳng vào lưng, làm ông ngã lăn ra sàn. Mặc dù vậy ông vẫn nắm chặt lấy khẩu súng, như một người đang bám víu lấy hy vọng cuối cùng của sự sống.

Một bàn chân đạp mạnh lên bàn tay cầm súng của Pontiero làm ông phải thả khẩu súng ra. Bàn chân vẫn tiếp tục day miết xuống, và khi những chiếc xương trong tay ông bắt đầu kêu răng rắc trước khi nát vụn ra, ông chợt nghe thấy một giọng nói mà ông mơ hồ nhận ra.

“Pontiero, Pontiero. Ta đã bảo mà, nhà thờ cũ nằm trong đường đạn đại bác bảo vệ pháo đài Saint Angelo. Và thực ra nhà thờ đó cũng nằm trên nền của một đền thờ của những kẻ vô đạo([32]) mà chính Giáo hoàng Alexander VI đã ra lệnh phá bỏ. Thời Trung Cổ người ta cho rằng ngôi đền đó chính là lăng mộ của Romulus ([33]).”

Thanh sắt lại giáng xuống một lần nữa, đập thẳng xuống lưng Pontiero đang nằm sông xoài trên mặt đất.

“Nhưng lịch sử huy hoàng của nó không chỉ có thế. Hai cây cột mà ngươi thấy ở đây chính là chỗ đã xiềng xích thánh Peter và thánh Paul trước khi người La Mã đưa họ ra hành hình. Những người La Mã các người lúc nào cũng chăm sóc cẩn thận các vị thánh của chúng ta như thế đấy.”

Một lần nữa thanh sắt lại giáng xuống, lần này là vào đùi bên trái. Pontiero rống lên đau đớn.

“Nếu không ngắt lời ta thì ngươi đã biết rõ hơn về những điều đó khi còn ở trên kia rồi. Nhưng đừng lo, ngươi sẽ biết rất rõ những cây cột này cho mà xem. Chắc chắn ngươi sẽ biết chúng rất rõ, rất rõ, tin ta đi.”

Pontiero cố gắng nhúc nhích, nhưng ông bàng hoàng nhận ra rằng người ông đang cứng đờ. Ông không biết mình đã bị thương nặng đến đâu. Chân tay ông hoàn toàn mất cảm giác. Người ông đang bị kéo đi trong bóng tối bởi những bàn tay cực khỏe. Ông có thể cảm nhận được điều đó, cùng với một cơn đau đến tận óc.

Pontiero lại rú lên vì đau đớn.

“Ta không cấm người hét lên như thế. Chẳng ai nghe thấy ngươi đâu. Cả hai đứa kia cũng hét như thế mà chẳng có ma nào nghe thấy cả. Ta đã cẩn thận trù tính đâu vào đấy rồi. Ta ghét nhất là bị người khác chen ngang.”

Pontiero cảm thấy tri giác của mình như đang tan dần, tan dần vào một hố đen khủng khiếp, giống như một người đang chìm vào một giấc mơ. Và cũng giống như một giấc mơ, ông mơ hồ nghe thấy tiếng hát của những thanh niên ngoài phố, phía trên chỗ ông đang nằm có vài mét.

Ông có cảm giác mình nhận ra giai điệu mà họ đang hát.

Đó là một ký ức xa xăm, từ khi ông còn là một cậu bé, cách đây hàng triệu, hàng triệu năm. . . If you’re saved and you know, clap your hands.

“ Thực ra, ta ghét nhất là khi bọn chúng ngắt lời ta,” Karosky lạnh lùng nói.

TÒA NHÀ CHÍNH PHỦ

TÒA NHÀ CHÍNH PHỦ

Tòa thánh Vatican

Thứ tư, ngày 6 tháng 4 năm 2005, 1:31 chiều.

Paola chìa bức ảnh của Robayra cho Dante và Fowler. Đó là một bức ảnh chụp cận cảnh rất hoàn hảo, vị hồng y đang mỉm cười trìu mến, ánh mắt lấp lánh hiền hậu sau cặp kính gọng đồi mồi dày cộp. Ban đầu Dante chỉ chăm chú ngắm bức ảnh. Anh ta không nhận thấy có vấn đề gì đáng chú ý.

“Cặp kính, Dante. Cặp kính đã mất tích.” Paola rút điện thoại di động ra, cuống cuồng bấm số, vừa bấm vừa chạy như bay ra khỏi cửa văn phòng của vị hồng y cận thần đang tròn mắt ngạc nhiên.

“Cặp kính! Cặp kính của vị tu sĩ dòng Carmelite.” Paola hét với trở lại khi cô đã chạy ra đến hành lang.

Và Dante chợt hiểu ra.

“Đi thôi.”

Dante vội vàng xin lỗi vị hồng y và cùng Fowler vội vàng đuổi theo Paola.

Paola ngừng bấm máy. Cô giận đến phát điên.

Pontiero không trả lời. Chắc ông ta đã tắt máy. Cô vội vã chạy xuống các bậc thang, lao thẳng ra phố. Cô sẽ phải chạy dọc cả phố Governatorato. Đúng lúc đó một chiếc xe nhỏ chạy tới từ phía ngược lại. Trong xe là các bà sơ đang ngồi. Paola rối rít vẫy họ dừng lại và lao vội ra đứng trước đầu xe. Chiếc xe phanh kít lại, tấm chắn bùn chỉ còn cách đầu gối Paola có vài cm.

“Lạy Đức mẹ Đồng trinh. Cô bị điên à?”

Paola lao bổ đến bên bà sơ cầm lái, chìa cho bà ta xem tấm phù hiệu cảnh sát của mình.

“Xin sơ làm ơn, tôi không có thời gian giải thích. Tôi phải đến cổng Santa Ana ngay lập tức.”

Các bà sơ mở tròn mắt như thể đang nhìn một người tâm thần. Paola chui vào xe, ngồi ngay sau ghế người lái.

“Cô không thể đến đó từ đây được; trước hết cô phải đi bộ tắt qua Cortile del Belvedere (Sân Vọng cảnh) - bà sơ đang cầm lái nói. “Nếu cô muốn, tôi có thể đưa cô đến sát Piazza del Sant’ Uffizio (Quảng trường Saint Uffizio). Đó là lối đi nhanh nhất để ra khỏi Tòa thánh. Lực lượng Cận vệ Thụy Sĩ đã lập các hàng rào an ninh nhân sự kiện Hội nghị Hồng y.”

“Sao cũng được, chỉ cần sơ làm ơn nhanh lên cho.”

Bà sơ vào số và nhanh chóng tăng tốc trước khi đứng khựng lại lần thứ hai.

“Cả thế giới đều mất trí rồi hay sao chứ?” một bà sơ trong xe hét toáng lên.

Fowler và Dante đang đứng trước đầu xe, cả hai đều đặt tay trên mui xe. Chiếc xe vừa dừng hẳn, cả hai đã chạy vòng lại và mở cửa chui tọt vào trong. Các bà sơ trong xe hoảng hốt làm dấu thánh.

“Xin lỗi các sơ, nhưng vì Chúa, làm ơn nhanh lên đi.”

Chỉ mất hai mươi giây chiếc xe nhỏ đã chạy hết chặng đường gần nửa cây số. Bà sơ cầm lái cũng tỏ vẻ sốt ruột không kém, chỉ muốn mau mau chóng chóng thoát khỏi những vị khách kỳ lạ của mình. Xe vừa tới Piazza del Sant' Uffizio, bà sơ còn chưa kịp đạp phanh thì Paola đã lao vọt ra ngoài và chạy về phía những cánh cổng sắt đen ngòm cạnh lối vào Tòa Thánh Vatican, tay cầm điện thoại di động. Cô quay số trụ sở cảnh sát. Nhân viên trực tổng đài liền nghe điện.

“Thanh tra Paola Dicanti đây, số hiệu sĩ quan là 13897.

Một sĩ quan cảnh sát đang gặp nguy hiểm, tôi nhắc lại, một sĩ quan cảnh sát đang gặp nguy hiểm. Thám tử Pontiero đang có mặt tại số 14 phố Conciliazone. Đó là nhà thờ Santa Maria tại Traspontina. Huy động tối đa lực lượng có thể. Nghi phạm giết người đang ở trong tòa nhà. Phải hết sức đề phòng.”

Paola guồng chân chạy, chiếc áo khoác của cô bay phần phật trong gió, thấp thoáng lộ ra khẩu súng trong bao đeo dưới nách, cô vừa chạy vừa hét lên trên điện thoại như một người bị ma ám. Hai người lính gác Thụy Sĩ đứng ở cổng quay ra nhìn cô và chuẩn bị ngăn cô lại. Khi một trong hai người lính gác chụp lấy vạt áo khoác của cô, cô thô bạo rút tay lại, làm chiếc điện thoại đang cầm bị văng ra. Người lính gác Thụy Sĩ chỉ cầm được hai ống tay của chiếc áo khoác đã bị lộn ngược ra. Anh ta vừa định dợm bước đuổi theo Paola thì Dante chạy đến nơi, chìa vội vàng chiếc thẻ cảnh sát Vigilanza của mình ra.

“Để cô ấy đi. Cô ấy là người của chúng tôi.”

Fowler chạy theo sau, tay vẫn xách chiếc cặp tài liệu.

Ông mất thêm vài giây cúi xuống nhặt chiếc điện thoại của Paola. Paola quyết định chạy đường ngắn nhất, thẳng qua Quảng trường Saint Peter. Những đám đông ở khu vực này cũng thưa thớt hơn vì cảnh sát đã thiết lập một hàng rào an ninh quanh quảng trường, khiến khung cảnh ở đây trái ngược hoàn toàn với những biển người đang chen chúc phía ngoài. Paola vừa chạy vừa vắt tấm thẻ đeo trên cổ ra phía ngoài, để các nhân viên cảnh sát nhìn thấy và không chặn cô lại. Sau khi chạy cắt qua Esplanade (Lối dạo mát), và qua cả Hàng cột Bernini mà không gặp ai cản trở, ba người đến đầu phố Corridori, gần như đứt hơi. Từ đó trở đi, những biển khách hành hương nối tiếp nhau tưởng như vô cùng tận. Paola ép sát tay trái vào ngực để che bao súng ngắn. Cô đi men sát vào tường các ngôi nhà trên vỉa hè và cố gắng nhoi lên trên. Dante chạy phía trước cô vài bước, khuỷu tay và vai của anh được triệt để sử dụng để mở đường cho mọi người. Đi sau cùng là Fowler.

Ba người phải mất mười phút chạy hộc tốc mới đến được cánh cửa phía sau nhà thờ, dẫn từ phố vào phòng để đồ thánh. Hai nhân viên cảnh sát đang đứng chờ sẵn, liên tục nhấn chuông cửa. Dicanti thở hơn hển, mồ hôi nhễ nhại, bao súng bằng da của cô lộ hẳn ra ngoài, mái tóc xõa tung, rũ rượi, dáng vẻ của cô làm hai nhân viên cảnh sát hơi hoảng. Mặc dù vậy, họ vẫn đứng nghiêm chào cô khi nhìn thấy tấm phù hiệu UACV.

“Chúng tôi đã nhận được lệnh báo động. Bên trong không có ai trả lời. Đầu kia chúng tôi cũng đã bố trí bốn nhân viên.”

“Vì lý do quái quỉ gì mà các anh chưa vào trong hả? Các anh có biết là một đồng nghiệp đang bị kẹt trong đó không?”

Hai nhân viên cúi gằm mặt xuống mũi giầy, lảng tránh cơn giận dữ của Paola.

“Giám đốc Troy gọi đến. Ông ấy ra lệnh cho chúng tôi phải hết sức thận trọng. Có rất nhiều người đang tò mò nhìn chúng ta kìa, thanh tra.”

Dicanti tựa lưng vào tường và hít thật sâu trong năm giây để bình tĩnh lại. Khốn kiếp, cô tự nhủ. Hy vọng là chúng ta không đến muộn. “Các anh có mang chìa khóa vạn năng không?”

Một người cảnh sát chỉ tay xuống bên hông, nơi anh ta có đeo một cái túi được ngụy trang rất khéo, bên trong là một thanh thép có hai răng gắn ở đầu. Mọi người trên phố bắt đầu tò mò chú ý đến nhóm người đang túm tụm quanh cửa nhà thờ. Paola ra hiệu cho người cảnh sát đang cầm dụng cụ phá khóa.

“Cho tôi mượn bộ đàm của anh.”

Viên cảnh sát đưa bộ đàm cho cô, thiết bị này vẫn được gắn nguyên với bao đựng đeo trên thắt lưng anh ta qua một sợi dây. Paola ra một vài mệnh lệnh ngắn với đội đang chốt ở cửa bên kia nhà thờ. Không ai được phép hành động cho đến khi cô đến, và tất nhiên, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

“Liệu ai đó có thể giải thích cho tôi là có chuyện gì không?” Fowler hỏi trong hơi thở đứt quãng.

“Theo chúng tôi thì nhiều khả năng nghi phạm đang ở bên trong. Tôi sẽ giải thích cụ thể sau nhé. Còn trước hết, tôi muốn cha đứng ngoài này đợi,” Paola nói.

Vị linh mục chìa cho cô chiếc điện thoại di động đã văng ra khỏi túi lúc cô chạy qua cổng.

“Của cô này.”

“Cám ơn, cha.”

Cô hất đầu về phía biển người đang chuyển động xung quanh họ.

“Cha hãy làm gì đó để họ phân tâm trong lúc chúng tôi phá cửa. Hy vọng là chúng ta vào kịp.”

Fowler gật đầu. Ông nhìn quanh, tìm kiếm một nơi cao ráo để có thể đứng nổi bật lên giữa đám đông. Xung quanh không có chiếc xe nào, các loại phương tiện đã bị cấm đi vào con phố. Không còn thời gian nữa. Những gì ông có chính là con người, nên chắc chắn ông sẽ phải dùng họ làm bệ đỡ. Một người hành hương râu ria xù xì, khổ hạnh đứng nổi bật giữa đám đông gần đó. Anh ta phải cao gần 2m.

Fowler len đến gần anh ta và nói, “Con có thể đỡ ta lên trên vai được không?”

Người thanh niên dùng tay ra hiệu là anh ta không biết tiếng Italia. Fowler cũng dùng tay giải thích điều ông muốn. Sau vài phút mỏi tay, cuối cùng thì người hành hương cũng hiểu. Anh ta quỳ một bên gối xuống mặt đất và nâng vị linh mục lên vai, miệng cười toe toét. Đưa mắt nhìn đám đông bên dưới, Fowler bắt đầu hát đoạn thánh ca trong Khúc Cầu hồn.

In paradisum deducant te angeli

In tuo advente

Suscipiant te martyres

Đám đông bắt đầu quay ra nhìn ông. Fowler ra hiệu cho người hành hương đang cõng mình bước ra giữa phố, thu hút sự chú ý của mọi người để họ không còn để mắt đến Paola và các nhân viên cảnh sát nữa. Vài tín đồ, chủ yếu là các tu sĩ và linh mục, cũng cất tiếng hòa chung lời nguyện cầu cho vị Giáo hoàng vừa qua đời. Họ là những người đã phải đi bộ và xếp hàng trên phố nhiều giờ để được đến đây viếng ông.

Tranh thủ lúc mọi người không chú ý, hai nhân viên cảnh sát nhanh chóng dùng thanh sắt phá tung khóa cửa thông vào phòng để đồ thánh. Họ lẩn người vào trong, không quên nhắc nhở nhau phải hết sức thận trọng.

“Các anh nghe này, trong này có một đồng nghiệp của chúng ta. Phải tuyệt đối thận trọng nhé.”

Họ tiến vào trong theo đội hình hàng một. Dicanti xộc thẳng vào trong, khẩu súng trên tay lăm lăm sẵn sàng nhả đạn. Cô để cho hai nhân viên cảnh sát kia kiểm tra phòng thánh, còn mình thì bước thẳng vào gian sảnh lớn của nhà thờ. Cô vội vàng sục vào nhà nguyện Thánh Thomas.

Phòng nguyện trống không, dải băng niêm phong của UACV vẫn còn nguyên vẹn. Cô tìm kiếm một lượt trong các nhà nguyện khác ở bên trái, ngón tay vẫn đặt sẵn sàng trên cò súng. Cô ra hiệu cho Dante, anh ta đứng bao quát đầu bên kia lối đi giữa nhà thờ và bắt đầu kiểm tra dãy nhà nguyện bên phải. Gương mặt của những vị thánh chuyển động không ngừng, hằn lên vách tường nhà thờ dưới ánh sáng của những ngọn nến được thắp lên khắp mọi ngõ ngách. Hai người lại gặp nhau ở lối đi giữa.

“Không có gì à?”

Dante lắc đầu.

“Không.”

Và rồi họ nhìn thấy cùng một lúc. Ngay trên nền nhà thờ, sát với lối vào chính, dưới chân bình nước thánh, là một dòng chữ lớn màu đỏ, ngoằn ngoèo, uốn lượn:

Vexilla Regis Prodeunt Infernis.

“Những lá cờ của Vua Địa ngục đang đến gần hơn” một giọng nói vang lên sau lưng họ.

Hai người giật mình quay lại. Fowler đang bước lại.

Ông đã kết thúc bài thánh ca và lẻn vào bên trong nhà thờ từ lúc nào.

“Tôi nghĩ tôi đã báo cha chờ ở bên ngoài.”

“Thôi quên chuyện đó đi,- Dante xen vào. Vừa nói xong, anh ta chợt đứng lặng người khi nhìn thấy cánh cửa hầm dưới nền nhà đang mở toang.

“Tôi sẽ gọi những người khác.”

Paola đứng đờ người như mất trí. Trái tim cô thúc giục cô phải xuống dưới ngay lập tức, nhưng cô không dám liều lĩnh trong bóng tối. Dante lao vội tới cửa chính và mở khóa. Hai nhân viên cảnh sát bước vào, để lại hai người gác bên ngoài. Một viên cảnh sát rút từ thắt lưng ra chiếc đèn pin và đưa cho Dante. Dicanti giật nó từ tay anh ta và cúi đầu xuống rọi thẳng đèn vào hầm. Cô bước lần theo những bậc thang, người căng cứng như dây đàn, khẩu súng chĩa thẳng về phía trước. Fowler vẫn đứng nguyên tại chỗ, miệng thì thầm những lời cầu nguyện.

Trong giây lát Paola đã nhô đầu lên từ hầm tối. Ngay khi bước khỏi những bậc thang, cô đã lao vụt ra khỏi nhà thờ. Dante cũng lặng lẽ bước lên khỏi miệng hầm. Anh ta nhìn Fowler và lặng lẽ lắc đầu.

Paola đứng trên hè phố, khóc nức nở. Cô đã chạy xa khỏi cửa nhà thờ một quãng dài trước khi dừng lại và gập người nôn thốc nôn tháo tất cả những gì có trong dạ dày. Nhiều thanh niên, đa phần là người ngoại quốc đang xếp hàng trên phố, lại gần để hỏi thăm xem có giúp được gì không.

“Cô ổn chứ?”

Paola lấy tay ra hiệu cho họ đi đi. Rồi Fowler đến gần và chìa cho cô chiếc khăn tay của ông. Cô cầm lấy và lau sạch những giọt nước mắt cùng nước miếng nôn ra còn vương trên mặt. Đầu cô choáng váng, đảo lộn. Không thể nào như thế được; Pontiero không thể là cái đống thịt máu bầy nhầy treo lủng lẳng trên cây cột mà cô vừa nhìn thấy.

Thám tử Maurizio Pontiero, một người tốt bụng, khỏe mạnh lúc nào cũng làm cô ngạc nhiên vì khiếu hài hước ranh mãnh nhưng đầy thiện ý của ông. Ông như một người cha, một người bạn, một người đồng nghiệp. Những buổi chiều mưa tan giờ làm, ông che áo mưa cho cô đi từ trong phòng làm việc ra chỗ để xe; một đồng nghiệp tâm lý, lần nào đi uống cà phê ông cũng giành trả tiền; lúc nào ông cũng ở bên cô. Ông đã ở bên cô suốt bao năm qua. Không thể nào có chuyện Pontiero của cô đã trút hơi thở cuối cùng, không thể nào có chuyện ông chỉ còn là đống thịt vô tri vô giác không hình hài kia nữa. Cô chỉ muốn xé tan hình ảnh vẫn còn hiện rõ trước mắt mình.

Hai tay cô bưng mặt, vò đầu, vật vã.

Điện thoại di động của cô chợt đổ chuông. Cô giận dữ rút nó ra khỏi túi và đứng lặng người không tin vào mắt mình. Trên màn hình, tên người gọi là M. Pontiero.

Paola khiếp sợ đến bàng hoàng khi cô bấm phím trả lời và áp điện thoại vào tai. Fowler chăm chú nhìn cô.

“Alô” Xin chào thanh tra. Cô thấy thế nào?”

“Ai đấy?”

“Thôi nào, thanh tra. Chính cô đã đề nghị ta gọi bất kỳ lúc nào nhớ ra điều gì đó có ích mà. Và ta chợt nhớ là vừa mới loại ông bạn đồng nghiệp của cô ra khỏi cuộc chơi. Ta vô cùng lấy làm tiếc. Chẳng qua là hắn cản đường ta.”

“Chúng tôi nhất định sẽ tóm được ông, Francesco. Hay tôi phải gọi ông là Victor?” Paola gào lên điên giận, mắt cô đầm đìa nước, nhưng cô vẫn không quên tự chủ và tấn công hắn. Giờ thì hắn biết rằng cái mặt nạ của hắn đã bị bóc trần.

Phía đầu kia im lặng. Nhưng chỉ trong giây lát. Có vẻ như cô đã không thể làm hắn ngạc nhiên chút nào.

“Như vậy các người đã biết ta là ai. Chà, cho ta gửi lời hỏi thăm cha Fowler. Kể từ lần cuối cùng chúng ta gặp nhau đến nay, tóc ông ta đã rụng bớt khá nhiều. Còn cô trông nhợt nhạt quá.”

Paola mở tròn mắt vì sững sờ.

“Ông đang ở đâu, đồ chó chết bệnh hoạn kia?”

Cô không biết sao? Ta đang ở ngay đằng sau cô thôi.”

Paola quay lại nhìn vào biển người đông đúc đang chen chúc nhau trên mặt phố. Có lẽ phải đến hàng nghìn người. Người thì đội mũ rộng vành, người thì đội mũ lưỡi trai, người đang vẫy cờ, kẻ đang uống nước, những người khác thì cầu nguyện.

“Tại sao ông không ra đây nhỉ? Chúng ta có thể nói chuyện với nhau.”

“Không đâu, thanh tra ạ. Ta sợ là chúng ta phải giữ khoảng cách thêm một thời gian nữa. Nhưng đừng có cho rằng công việc của cô đang tiến triển chỉ vì cô đã lật bỏ được mặt nạ của ông bạn Francesco già và tốt bụng. Cuộc sống của ông ta đã đi đến chặng cuối rồi. Cuối cùng thì ta cũng phải để ông ta ra đi. Đừng lo, cô sẽ lại sớm biết tin của ta thôi. Không cần phải trách cứ bản thân về cách cô đối xử với ta khi chúng ta gặp nhau lần đầu. Ta đã tha thứ cho cô. Cô không biết cô quan trọng với ta như thế nào đâu.”

Hắn tắt máy.

Dicanti lao thẳng vào giữa đám đông trên phố, cô kéo tay từng người một mà cô chạm phải, nháo nhác tìm kiếm những người có chiều cao giống như Karosky, xoay hết người này đến người kia, thậm chí còn thô bạo lột mũ của họ ra để nhìn tận mặt. Mọi người thấy lạ lùng bèn tản ra xung quanh và vội vàng bước tránh qua chỗ Paola. Cô như người loạn trí, ánh mắt đờ đẫn, điên dại như người mất hồn, mặc dù vậy, cô vẫn sẵn sàng kiểm tra từng người hành hương một, nếu như điều đó có ích.

Fowler lách vào giữa dòng người và chộp lấy tay Paola, kéo cô quay ra.

“Không ích gì đâu.”

“Bỏ ngay cái tay khốn kiếp của ông ra khỏi người tôi!”

“Paola. Bỏ đi. Hắn không có ở đây đâu.”

Dicanti òa khóc nức nở. Fowler choàng tay ôm lấy cô.

Khắp xung quanh, dòng người vô tận vẫn lặng lẽ tiến lên, như một con rắn khổng lồ đang trườn về phía trước, về nơi đang quàn thi hài của Giáo hoàng Jonh Paul II.

Và ở đâu đó trong dòng người ngoằn ngoèo này là kẻ giết người đang lẩn trốn.

Mời bạn đón đọc chương tiếp!

 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t122176-diep-vien-cua-chua-chuong-10.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận