Ỷ Thiên Đồ Long Ký Hồi 10

Nói xong nhảy vào đứng giữa sân. Các đệ tử từng người bước ra cùng y động thủ, đều bị y cho mỗi người vài cú đấm, vài cái đá là thua cả. Thực ra tại Đạt Ma Đường khi đấu với nhau, đồng môn so tài, chỉ tới mức hơn thua là ngừng lại, ai ai cũng thủ hạ lưu tình. Thế nhưng gã hỏa công đầu đà ra tay cực kỳ tàn độc, y liên tiếp đánh bại chín đại đệ tử của Đạt Ma Đường, chín nhà sư đó không gãy tay thì cũng què chân, người nào cũng bị trọng thương.

Khổ Trí thiền sư vừa kinh hãi, vừa tức giận, thấy sở học của gã hỏa công đầu đà toàn là võ công bản môn, chứ không phải cao thủ môn phái khác lẻn vào quấy phá, nên cố nén giận, hỏi y do ai truyền dạy. Gã hỏa công đầu đà đáp:

- Không ai dạy tôi cả, tôi tự học một mình.

Hóa ra nhà sư giám quản bếp Hương Tích tính tình cực kỳ nóng nảy, đối với đầu đà nhóm lửa, hơi sai một tí là giơ quyền thoi ngay. Y thân mang võ nghệ nên mỗi lần đánh rất nặng tay. Gã hỏa công đầu đà trong ba năm liền bị đánh hộc máu ba lần, trong lòng tích oán, nên lén lút học võ. Đệ tử chùa Thiếu Lâm ai cũng biết võ, nếu muốn học lén các chiêu thức, thật rất nhiều cơ hội. Y quyết tâm học để báo thù, lại trí tuệ hơn người, nên sau hơn hai mươi năm đã luyện thành võ công thượng thừa. Tuy nhiên y dấu kín không ai hay biết,? vẫn lặng lẽ ẩn thân dưới bếp chụm lửa, gã tăng nhân giám trù có đánh đập, y cũng không đánh trả, có điều nội công đã tinh nên không còn bị thương nữa. Tên hỏa công đầu đà đó tính tình âm hiểm, đợi tới lúc tin rằng võ công cao hơn hết mọi người trong chùa, nhân kỳ khảo thí Trung Thu mới xuất đầu lộ hiển thân thủ. Uất ức tích trong mấy chục năm nay, khiến y thù hận tất cả mọi tăng nhân, nên khi xuất thủ không một chút dung tình.

Khổ Trí thiền sư hỏi kỹ đầu đuôi xong, cười nhạt ba tiếng, nói:

- Cái khổ tâm của ngươi, quả thật đáng kính.

Lập tức rời ghế đi xuống, ra tay cùng y tỉ thí. Khổ Trí thiền sư là cao thủ của chùa Thiếu Lâm, nhưng phần vì niên kỷ đã cao, còn gã hỏa công đầu đà đang tráng niên, hai nữa Khổ Trí ra tay dung tình, ngược lại hỏa công đầu đà ra chiêu nào cũng đều là sát thủ, thành ra đấu đến hơn năm trăm hiệp, Khổ Trí mới thắng được đối phương. Khi hai người sách đến chiêu Đại Triền Ti, bốn cánh tay xoắn vào nhau, nhưng hai tay của Khổ Trí thiền sư đã ấn vào tử huyệt trên ngực của địch thủ, chỉ cần phát nội lực là hỏa công đầu đà phải táng mệnh, không còn cách gì giải nữa. Khổ Trí thương tình y tiềm tâm tự luyện, nên tới đó là coi như đã xong, không nỡ giết y, hai tay vừa rời nhau, hét lớn:

- Lùi ra ngay.

Nào ngờ hỏa công đầu đà hiểu lầm ý của ông, lại tưởng là đối phương sử dụng một chiêu trong Thần Chưởng Bát Đả. Thần Chưởng Bát Đả là một trong những tuyệt học của phái Thiếu Lâm. Y đã từng xem đại đệ tử của Đạt Ma Đường sử qua chiêu này, hai tay chém ra, đánh gãy một cái cột gỗ, kình lực thật là kinh hồn. Hỏa công đầu đà võ công tuy cao, nhưng đều là học lén, chưa được minh sư chỉ điểm, tuy thời gian có dài, nhưng đâu có thể học được hết phái Thiếu Lâm bác đại tinh thâm. Thực ra chiêu đó của Khổ Trí thiền sư là Phân Giải Chưởng, mượn sức để chế ngự sức, cả hai bên cùng lui ra, có ý ngừng tay thôi không đấu nữa. Nào ngờ hỏa công đầu đà lại tưởng là chiêu? thứ sáu trong Thần Chưởng Bát Đả là Liệt Tâm Chưởng, nghĩ thầm: "Ngươi định giết ta, đâu có dễ dàng như thế". Lập tức tung mình nhảy lên, hai chưởng đánh ra một lượt.

Hai chưởng đó như bài sơn đảo hải ào tới, Khổ Trí thiền sư hốt hoảng thu chưởng về đỡ, nhưng không còn kịp nữa. Chỉ nghe lách cách mấy tiếng, xương cánh tay trái cùng bốn rẻ xương sườn đã bị đánh gãy nát.

Chư tăng đứng bên kinh hoàng biến sắc, lập tức xông lên cứu viện, nhưng Khổ Trí thiền sư chỉ còn thoi thóp, nội tạng đã bị trọng thương, không nói được một lời nào. Nhìn lại tên hỏa công đầu đà thì nhân lúc hỗn loạn đã trốn mất không biết đi đâu. Tối hôm đó, Khổ Trí thiền sư vì bị thương quá nặng nên qua đời. Trong khi cả chùa đang sầu thảm, gã hỏa công đầu đà lại lẻn trở vào, dùng trọng thủ đánh chết nhà sư giám quản Hương Tích trù và năm tăng nhân khác có hiềm khích với y. Cả chùa náo loạn, phương trượng phái vài chục cao thủ đi bốn phương tìm kiếm, nhưng khắp Giang Nam, Giang Bắc, không thấy tung tích y đâu.

Vì việc này mà các nhà sư vai vế cao trong chùa tranh chấp, người nọ đổ lỗi cho người kia. Thủ tọa La Hán Đường là Khổ Tuệ thiền sư giận dữ bỏ đi, khai sáng phái Thiếu Lâm Tây Vực. Ba người Phan Thiên Canh, Phương Thiên Lao, Vệ Thiên Vọng chính là đệ tử tái truyền của Khổ Tuệ thiền sư.

Cũng tại thế mà võ học chùa Thiếu Lâm bị suy đồi suốt mấy chục năm. Từ đó chùa ra quy định rằng, phàm người nào không được thầy truyền thụ mà tự mình học lén võ công, nếu phát hiện ra nặng thì bị xử tử, nhẹ thì cắt hết cân mạch toàn thân cho thành phế nhân. Từ đó tới nay trong chùa phòng phạm nghiêm mật, không ai dám thâu học võ công, nên điều tự quy này dần dần mọi người quên lãng.

Vị lão tăng trong Tâm Thiền Đường này chính là một đệ tử nhỏ của thủ tọa Đạt Ma Đường Khổ Trí thiền sư xưa kia, cái cảnh thảm tử của ân sư mấy chục năm trước vẫn in đậm trong đầu. Bây giờ thấy Trương Quân Bảo lại là kẻ không được thầy truyền mà học lén võ công, nên vừa buồn rầu vừa giận dữ.

Giác Viễn giữ sách tại Tàng Kinh Các, sách nào cũng đọc qua, giật mình nhớ lại câu chuyện này, mồ hôi lạnh chảy ướt đẫm lưng, kêu lên:

- Lão phương trượng, cái này… cái này không trách Quân Bảo được…

Vô Sắc thiền sư cũng biết điển tích này, bước lên phía trước chắp tay hành lễ, nói:

- Sư thúc tổ tha thứ: đây là đôi Thiết La Hán, là một vị tiền bối cao tăng bản tự chế tạo, Thiết La Hán đánh ra đúng quyền thuật thiếu lâm, cũng là tiền bối cao tăng bản tự truyền lại. Sở học quyền thuật Thiếu Lâm của Trương Quân Bảo kỳ thật không phải là tự học, chính là vị tiền bối cao tăng này truyền thụ, chẳng qua không phải là đích thân truyền thụ mà thôi.

Lão tăng trong Tâm Thiền Đường lớn tiếng hỏi:

- Nếu vậy thì vị tiền bối cao tăng truyền quyền thuật cho y là ai?

Vô Sắc nói:

- Đệ tử không biết. Nhưng đôi Thiết La Hán này đúng là từ trong tay đệ tử truyền ra.

Lão tăng kia lớn tiếng hỏi:

- Quả nhiên là ngươi tự tay truyền cho y?

Vô sắc nói:

- Cũng không phải. Có điều đệ tử vẫn chưa nói rõ với y, không được học theo công phu của Thiết La Hán.

Lão tăng kia nói:

- Bất luận thế nào, Trương Quân Bảo chính là vô sư tự học võ công Thiếu Lâm.

Vô sắc hướng Thiên Minh phương trượng bước tới mấy bước, khom người nói:

- Đệ tử lúc trước đem một đôi Thiết La Hán từ xưa truyền lại cho nhị tiểu thư của Quách Tĩnh Quách đại hiệp, Quách nhị tiểu thư tặng lại cho tiểu đệ tử bản tự Trương Quân Bảo. Bản tự nghiêm quy, không thể vô sư mà tự học võ công bản phái. Trương Quân Bảo theo Thiết La Hán học được đến mười chiêu La Hán Quyền, trước đó chắc chắn không được cảnh báo, không biết quy củ này. Hết thảy tội lỗi đều do đệ tử mà ra, đệ tử tự nhận trách nhiệm, xin phương trượng đại sư trách phạt. Tiểu tử Trương Quân Bảo này, xin phương trượng tha cho y tội không biết. nguồn t r u y ệ n y_y

Thiên Minh phương trượng trầm ngâm một hồi, nói:

- Việc này cũng thật đáng trách Vô Sắc, nhưng ngươi cũng không phải cố ý vi phạm, đợi tới Đạt Ma Đường thương nghị xem xử phạt thế nào. Trương Quân Bảo không bẩm báo mà tự học võ công, cùng với bản sư Giác Viễn đều có lỗi, cũng phải phân xử, đều đến Đạt Ma Đường nghị xử.

Thủ tọa Đạt Ma Đường Vô Tướng thiền sư hô lớn:

- Phương trượng đại sư pháp chỉ, lệnh cho ba người Vô Sắc, Giác Viễn, Trương Quân Bảo đến Đạt Ma Đường nghị xử.

Vô Sắc đáp:

- Vâng!

Vô Tướng lại quát:

- Tất cả đệ tử Đạt Ma Đường cùng xông lên, bắt Giác Viễn cùng Trương Quân Bảo.

Lập tức mười tám tăng nhân đệ tử của Đạt Ma Đường đều tiến lên, vây quanh Giác Viễn và Trương Quân Bảo làm thành một vòng tròn rất lớn, cả Quách Tương cũng bị vây ở bên trong. Vị lão tăng Tâm Thiền Đường lại cao giọng gay gắt tiếp:

- La Hán Đường đệ tử, sao còn chưa hết sức xông lên?

Cả một trăm linh tám đệ tử La Hán Đường cùng cất tiếng đáp, giọng rền vang như sấm:

- Tuân lệnh!

Họ lập tức vây thêm ba vòng nữa bên ngoài Đạt Ma Đường. Trương Quân Bảo chân tay lúng túng không hiểu vì đâu, run giọng nói:

- Sư phụ, con…

Giác Viễn hơn mười năm nay đối với đứa học trò chẳng khác gì chính bản thân mình, tình như cha con, biết rằng một khi Trương Quân Bảo bị bắt, nếu không bị giết, thì cũng thành phế nhân. Lại nghe thấy Vô Tướng thiền sư quát tiếp:

- Sao chưa động thủ, chờ đến bao giờ?

Mười tám đệ tử Đạt Ma Đường cùng niệm Phật hiệu, tiến bước đi lên. Giác Viễn không còn suy nghĩ gì nữa, vội đứng tại chỗ quay luôn một vòng, hai chiếc thùng sắt vung ra, một luồng kình phong đẩy những nhà sư không ai dám tiến lên nữa. Giác Viễn lại xoay người hắt nước trong thùng đổ ào ra, rồi tiện thế bên trái múc Quách Tương, bên phải múc Trương Quân Bảo. Ông liên tiếp xoay bảy tám vòng liền, hai chiếc thùng sắt được nội lực hùng hậu vô tỉ truyền vào chẳng khác nào hai chiếc lưu tinh chùy có sức nghìn cân, thiên hạ nào ai dám đỡ. Chúng đệ tử Đạt Ma Đường tứ tán tránh ra.

Giác Viễn bước lẹ như bay, gánh Quách Tương và Trương Quân Bảo chạy thẳng xuống núi. Các tăng nhân miệng hò chân đuổi, chỉ nghe tiếng xích sắt loảng xoảng mỗi lúc một xa, đuổi độ bảy tám dặm, tiếng xích không còn nghe thấy nữa.

Chùa Thiếu Lâm quy luật cực nghiêm, thủ tọa Đạt Ma Đường đã ra lệnh bắt Trương Quân Bảo, tuy các nhà sư thấy đuổi không kịp nữa rồi, nhưng vẫn hết sức rượt theo. Thời gian càng lâu, cước lực càng rõ kẻ nhanh người chậm, những người khinh công kém một chút bị bỏ lại sau. Đuổi đến lúc trời tối, dẫn đầu chỉ còn năm người đại đệ tử, trước mặt lại thấy năm ba ngả đường, chẳng biết Giác Viễn chạy theo đường nào. Đến lúc này, giá như có đuổi kịp thì năm tăng nhân cũng không thể địch lại Giác Viễn và Trương Quân Bảo, nên chỉ còn cách lủi thủi quay về chùa bẩm báo.

Giác Viễn gánh thêm hai người chạy một mạch mấy chục dặm mới ngừng bước. Chỉ thấy nơi ông dừng chân là một vùng núi sâu, mây mù bốn bề, những đàn quạ bay về nườm nượp. Giác Viễn nội lực tuy cao, nhưng qua một trận chạy bán sống bán chết như thế, gân cốt cũng rã rời đến nỗi không để đôi thùng sắt xuống được.

Trương Quân Bảo và Quách Tương từ trong thùng nhảy ra, mỗi người đỡ một bên thùng, từ trên vai ông xuống. Trương Quân Bảo nói:

- Sư phụ, thầy nghỉ một lát, con đi kiếm xem có gì ăn không.

Thế nhưng ở nơi núi sâu hoang vắng thế này, còn có gì mà ăn được. Trương Quân Bảo đi kiếm cả nửa ngày, chỉ hái được? một vốc dâu dại, đem về ba người chia nhau ăn ngấu nghiến rồi dựa lưng vào đá mà nghỉ.

Quách Tương nói:

- Đại hòa thượng, tôi xem các nhà sư chùa Thiếu Lâm, trừ ông và Vô Sắc thiền sư ra, người nào cũng thật là hồ đồ cổ quái.

Giác Viễn chỉ hừ một tiếng nhưng không đáp lời. Quách Tương nói tiếp:

- Gã Côn Lôn Tam Thánh kia đến chùa Thiếu Lâm, trong chùa không ai địch nổi, chỉ nhờ hai thầy trò ông đánh đuổi được y, mới bảo toàn được danh dự của môn phái. Họ đã không cám ơn ông thì thôi, lại hung hăng định bắt Trương huynh đệ, không phân biệt trắng đen phải trái, thật chẳng có lý do nào hết.

Giác Viễn thở dài một tiếng, nói:

- Việc đó không trách lão phương trượng và Vô Tướng sư huynh được, chùa Thiếu Lâm vốn có một điều tự quy?

Nói đến đây, hơi bị đứt đoạn, ông ho lên sù sụ. Quách Tương nhè nhẹ đấm lưng cho ông, nói:

- Ông mệt rồi, nằm ngủ một giấc đi, chuyện đó để từ từ kể sau cũng không muộn.

Giác Viễn thở dài:

- Đúng vậy, tôi mệt lắm.

Trương Quân Bảo đi gom một mớ củi, nhóm một đống lửa, để hơ cho khô quần áo của mình và Quách Tương. Cả ba người ngồi dưới gốc cây to mà ngủ.

Quách Tương ngủ đến nửa đêm, bỗng nghe có tiếng Giác Viễn lẩm bẩm nói một mình, hình như đang niệm kinh, mơ mơ màng màng tỉnh dậy, chỉ nghe ông ta đọc:

- … bỉ chi lực phương ngại ngã chi bì mao, ngã chi ý nhập bỉ cốt lý. Lưỡng thủ chi tràng, nhất khí quán xuyên. Tả trọng tắc tả hư, nhi hữu dĩ khứ, hữu trọng tắc hữu hư, nhi tả dĩ khứ khứ… (… sức của người vừa mới phớt qua bên ngoài da thịt ta, ý của ta đã vào đến xương của người. Hai tay vừa đụng nhau, một khí đã thông qua rồi. Bên trái nặng ắt bên trái cũng nhẹ, bên phải đã đến rồi, bên phải nặng ắt bên phải cũng nhẹ, bên trái đã đến rồi…).

Quách Tương bỗng thấy rùng mình: "Ông ta không đọc kinh Phật kiểu không tức thị sắc, sắc tức thị không, mà lại gì là tả trọng tả hư, hữu trọng hữu hư, giống như võ học quyền kinh thì phải".

Thấy ông ta ngưng lại một lát rồi niệm tiếp:

- … khí như xa luân, chu thân cụ yếu tương tùy, hữu bất tướng tùy khứ, thân tiện tán loạn, kỳ bệnh ư yêu thoái lai chi? (… khí tựa như bánh xe, tùy chỗ nào trên cơ thể cần mà chạy đến, nếu không tới lui theo ý mình, thân sẽ tán loạn, ắt sẽ bị bệnh ở hông và đùi rồi…).

Quách Tương nghe đến câu: "kỳ bệnh ư yêu thoái lai chi", trong bụng không còn nghi ngờ gì nữa, biết là ông ta đang đọc những yếu chỉ trong võ học, nghĩ thầm:

- Vị đại hòa thượng này chẳng biết tí võ nào, chỉ vì say mê đọc sách, trong sách có gì, đều coi như thiên kinh địa nghĩa cả. Năm trước gặp ông ta lần đầu trên đỉnh núi Hoa Sơn, đã từng nghe ông ta nói rằng, từ xưa truyền lại một cuốn Kinh Lăng Già bằng chữ Phạn, trong khi truyền lại, có người lấy chữ Hán viết thêm bộ Cửu Dương Chân Kinh, ông ta cho rằng đây là kinh thư dạy về thuật giúp người ta được thân thể khỏe mạnh, nên theo đó mà tu tập. Hai thầy trò ông ta không được ai dạy dỗ gì cả, nhưng vô hình chung lại đạt tới mức cao thủ trong thiên hạ. Hồi đó Tiêu Tương Tử đánh ông ta một chưởng, ông chỉ đứng yên mà chịu, vậy mà chính Tiêu Tương Tử lại bị trọng thương, thần công như thế, chưa chắc cha ta hay đại ca ca đã đạt tới được. Hôm nay thầy trò ông ta lại khiến cho Hà Túc Đạo phải cúi đầu bỏ đi, chắc cũng nhờ công lực của Cửu Dương Chân Kinh. Hiện giờ miệng ông ta lẩm bẩm tụng đọc kia, phải chăng chính là bộ kinh đó?

Nàng nghĩ như thế, lại e làm dao động Giác Viễn, chỉ âm thầm ngồi dậy, lắng nghe kinh văn, cố gắng ghi nhớ, tự nhủ:

- Nếu quả thực ông ấy đang đọc bộ Cửu Dương Chân Kinh thì những chỗ ảo diệu tinh vi, không phải chỉ một lúc mà hiểu ngay được. Chi bằng mình cứ ghi nhớ, sau này nhờ ông ta giảng lại cho cũng chưa muộn.

Lại nghe nhà sư già đọc tiếp:

- … tiên dĩ tâm sử thân, tòng nhân bất tòng kỷ, hậu thân năng tòng tâm, do kỷ nhưng tòng nhân. Do kỷ tắc trệ, tòng nhân tắc hoạt. Năng tòng nhân, thủ thượng tiện hữu phân thốn, xứng bỉ kình chi đại tiểu, phân lý bất thác; quyền bỉ lai chi trường đoản, hào phát vô sai. Tiền tiến hậu thoái, xứ xứ kháp hợp, công di cữu nhi kỹ di tinh? (trước là dùng tâm để sai khiến thân mình, theo người mà không theo mình, sau sẽ đến lượt thân đi theo tâm, do mình nhưng tùy theo người. Theo mình thì sẽ vướng mắc, do người thì sẽ linh hoạt. Biết theo người thì tay mình có gang tấc, cân đo được sức của người lớn hay nhỏ, một ly một phân cũng không chạy; cân lượng của người dài ngắn, một sợi lông cũng không sai. Lúc trước tiến nhưng sau lại lùi, mọi chỗ đều ăn khớp với nhau, công phu càng lâu thì kỹ thuật càng tinh vi…).

Quách Tương nghe đến đó, không khỏi lắc đầu, trong bụng nghĩ thầm: "Sai rồi, sai rồi. Cha mẹ ta thường nói là, khi lâm địch, phải chế ngự người chứ không để người chế ngự mình. Đại hòa thượng này nói không đúng". Lại nghe Giác Viễn tụng tiếp:

- Bỉ bất động, kỷ bất động, bỉ vi động, kỷ dĩ động. Kình tự khoan nhi phi túng, tương triển vị triển, kình đoạn ý bất đoạn? (người chẳng động thì ta cũng chẳng động. Người vừa hơi động, ta đã động rồi. Kình tưởng như chậm chạp mà không lơi lỏng, sắp buông ra nhưng lại chưa bung, kình đứt rồi nhưng ý chưa đứt?).

Nguồn: truyenyy.com/doc-truyen/y-thien-do-long-ky/chuong-10/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận