13 Lý Do Vì Sao Chương 16

Chương 16
Rồi tiến tới nhận ra rằng bạn chỉ đang chuyện bé xé ra to. Nhận ra rằng bạn mới nhỏ mọn làm sao.

Chắc chắn rồi, có lẽ nó giống như bạn không được đoái hoài trong thị trấn này. Nó có thể giống như mỗi lần ai đó chìa một bàn tay ra với bạn, bọn họ chỉ để mặc thế và bạn trượt ngã xuống mỗi lúc một sâu hơn. Nhưng mày phải thôi không bi quan nữa đi, Hannah ạ và học cách tin vào những thứ xung quanh mình.

Và tôi cũng thế. Một lần nữa.

Bộ phim cuối cùng trong ngày đang chiếu, nên quầy bán vé vắng tanh. Tôi đứng trên nền nhà cẩm thạch xoắn ốc, xung quanh là áp phích của những bộ phim đình đám sắp chiếu.

Tại rạp phim này, tôi đã có cơ hội để tới với Hannah. Đó là cơ hội cho tôi và tôi đã để nó tuột mất.

Và rồi... chà... một vài ý nghĩ bắt đầu lẻn lút quanh quẩn đâu đây. Tôi sẽ có thể kiểm soát được cuộc sống của mình không? Tôi rồi có bị xô qua đẩy lại bởi những người tôi tin tưởng không?

Mình ghét điều cậu đã làm, Hannah ạ.

Cuộc sống của tôi có tới được nơi tôi muốn tới không?

Cậu đã không cần phải làm thế và mình ghét cái hiện thực mà cậu đã làm đây.

Ngày tiếp theo, Marcus ạ, tôi đã quyết định một việc. Tôi quyết định tìm hiểu học sinh ở trường có thể phản ứng lại thế nào nếu như một trong số những học sinh ấy không bao giờ quay trở lại nữa.

Như bài hát rằng: "Em xa rồi và ra đi vĩnh viễn, ơi em yêu, Valentine."

Tôi dựa lưng vào một tấm áp phích để trong khung bằng nhựa trong và nhắm mắt lại.

Tôi đang nghe một người nói rằng họ sẽ bỏ cuộc. Đó là một người tôi quen.

Một người tôi thích.

Tôi đang nghe. Tuy nhiên, mọi thứ đã quá muộn mất rồi.

Tim tôi đập thình thịch làm tôi không thể đứng yên. Tôi bước băng qua nền nhà cẩm thạch tới quầy bán vé. Tấm biển báo được treo bởi một sợi dây và cái hút dính nhỏ. ĐÓNG CỬA - HẸN CÁC BẠN NGÀY MAI! Từ bên ngoài nhìn vào, nó trông không quá khó đoán. Nhưng ở bên trong, nó có vẻ giống một bể cá.

Giao dịch duy nhất của tôi hồi đó là khi có người thả tiền qua cửa kính vào chỗ tôi thì tôi đẩy lại cho họ những tấm vé. Hoặc khi có một đồng nghiệp đi vào qua cánh cửa phía sau.

Ngoài việc đó ra, nếu không bán vé thì tôi đọc sách. Hoặc nhìn ra bên ngoài cái quầy như bể cá đó, ngắm Hannah ở phía tiền sảnh. Có một vài buổi tối tệ hơn những buổi khác. Một vài buổi tối tôi phải canh chừng để chắc chắn rằng cô ấy thêm bơ vào bắp rang bơ đầy đủ. Điều này giờ đây có vẻ như thật ngớ ngẩn và ám ảnh nhưng đó là điều tôi mà đã làm.

Giống như cái đêm mà Bryce Walker đến. Hắn ta tới cùng cô-bạn-gái-tạm-

thời và muốn tôi tính giá vé của cô bé ở loại vé dưới mười hai tuổi.

"Cô ấy dẫu sao sẽ không xem phim đâu mà", hắn nói. "Cậu biết ý tôi chứ, Clay?" Rồi hắn cười.

Tôi không biết cô bé ấy. Cô ấy có lẽ là một học sinh trường khác. Có điều rõ ràng là cô ấy dường như nghĩ rằng chuyện đó thật hài hước. Cô ấy đặt ví lên quầy thu tiền. "Tôi sẽ trả vé của tôi nhé."

Bryce đẩy ví của cô ấy sang một bên và trả tiền cho cả hai. "Thoải mái đi", hắn ta nói với cô bé. "Chỉ là đùa thôi mà."

Khi phim chiếu được một nửa và tôi đang bán vé cho giờ chiếu tiếp theo thì cô gái ấy lao ra khỏi rạp, tay giữ chặt cổ tay áo. Có lẽ đang khóc. Nhưng chẳng thấy Bryce đâu cả.

Tôi vẫn cứ nhìn ra tiền sảnh, chờ hắn ta đi ra. Nhưng hắn ta chẳng tới. Hắn ở lại để xem nốt bộ phim mà hắn đã trả tiền xem.

Nhưng đến khi bộ phim kết thúc và khán giả đã về hết, hắn ta lại ra dựa vào quầy bán hàng và tán chuyện bên tai Hannah. Hắn vẫn ở đó khi lượt khán giả của bộ phim mới đã tới. Hannah vừa rót đầy những đồ uống theo yêu cầu, đưa kẹo, trả lại tiền thừa cho khách vừa cười nhạo Bryce. Cô cười nhạo mọi điều mà hắn ta nói.

Suốt quãng thời gian đó, tôi muốn xoay cái bảng CLOSE ra ngoài. Tôi muốn bước ra ngoài tiền sảnh và đuổi hắn đi. Bộ phim đã chiếu xong và hắn không cần ở đây làm gì nữa.

Nhưng đấy là việc của Hannah. Cô ấy đáng ra phải yêu cầu hắn ra về.

Không, cô ấy mới chính là người phải bảo hắn ta về.

Sau khi bán hết tấm vé cuối cùng và lật tấm biển CLOSE ra, tôi ra khỏi quầy bán vé, khoá nó lại và bước ra tiền sảnh. Tôi giúp Hannah thu dọn và hỏi chuyện về Bryce.

"Cậu nghĩ sao mà cô bé đó chạy lao ra khỏi đây như vậy?", tôi hỏi.

Hannah ngừng lau quầy và nhìn thẳng vào mắt tôi. "Mình biết hắn ta thế nào, Clay ạ. Mình biết hắn là loại nào. Tin mình đi."

"Mình biết", tôi nói. Tôi nhìn xuống và chạm mũi giày vào vết bẩn trên thảm. "Mình chỉ thắc mắc là lúc đó tại sao cậu vẫn cứ nói chuyện với cậu ta?"

Cô ấy không trả lời. Cô ấy không trả lời tôi ngay.

Tôi không thể ngước mắt lên nhìn thẳng vào cô ấy. Tôi không muốn thấy vẻ chán nản và thất vọng trong mắt cô ấy. Tôi không muốn thấy những kiểu cảm xúc đó nhằm vào tôi.

Rốt cuộc, những lời cô ấy nói cứ ám ảnh tâm trí tôi suốt thời gian còn lại của buổi tối hôm đó: "Cậu không cần phải canh chừng mình, Clay ạ".

Nhưng tôi đã làm thế, Hannah ạ. Và tôi muốn thế. Tôi đã có thể giúp cậu nhưng khi tôi cố gắng làm như vậy thì cậu lại đẩy tôi đi.

Tôi gần như có thể nghe giọng Hannah nói ra suy nghĩ tiếp theo của mình.

"Vậy sao cậu không cố gắng nhiều hơn?"

Chú thích:

(1) Tạm dịch là Những đồng đô la tình yêu của tôi.

(2) Holdern Caulfield là một nhân vật hư cấu, vai chính phản diện trong một tác phẩm của J.D. Salinger viết năm 1951 nhan đề The Catcher in the Rye.

(3) Art Deco là một trào lưu thiết kế phổ biến từ đầu những năm 1920 của thế kỷ trước và phát triển mạnh trong khoảng 20 năm. Vào thời điểm đó, Art Deco được miêu tả với những tính từ như tao nhã, thực dụng và rất hiện đại.

Băng 4: Mặt A

Trên đường quay trở lại, trông thấy biểu tượng bàn tay đỏ nhấp nháy nhưng tôi vẫn cứ chạy băng qua lối sang đường. Bãi đỗ xe thậm chí còn ít xe hơn cả lúc trước. Nhưng vẫn không có xe của mẹ.

Một vài cánh cửa quán Rosie's Dinner hạ xuống, tôi ngừng chạy. Tôi dựa lưng vào cửa sổ một cửa hàng thú nuôi, cố lấy lại nhịp thở. Rồi tôi cúi người về trước, tay chống gối, hy vọng làm mọi thứ chậm lại trước khi mẹ đến.

Không thể nào làm được. Bởi vì dù chân tôi không chạy nữa nhưng tâm trí tôi thì vẫn cứ lao đi. Tôi để người mình trượt dọc lớp kính lạnh lẽo, gập đầu gối lại, cố hết sức để ngăn dòng nước mắt rơi.

Nhưng thời gian sắp hết. Mẹ sẽ tới đây ngay thôi.

Hít vào một hơi căng đầy, tôi đẩy mình đứng dậy, bước tới quán Rosie's và đẩy cửa vào.

Luồng khí ấm áp ào ra, giống mùi hỗn hợp của hăm-bơ-gơ béo và đường.

Trong quán, ba trong số năm ô ngăn dọc tường có người ngồi. Một ô là của một chàng trai và một cô gái đang uống sữa trứng và nhai bắp rang bơ mua ở rạp Crestmont. Hai ô ngăn khác đang có các học sinh ngồi học bài. Sách giáo khoa rải khắp mặt bàn, chỉ để chừa lại đủ chỗ cho đồ uống và hai hũ thịt chiên. Thật may mắn là ô ngăn xa nhất ở phía sau cùng đã có người ngồi nên tôi không còn phải cân nhắc là có nên ngồi ở đó hay không nữa.

Gắn vào một trong những chiếc máy bắn bóng là tấm biển viết tay nguệch ngoạc. Kí hiệu lộn xộn. Tôi thoáng nhận ra một học sinh năm cuối đang đứng trước một chiếc máy khác và bắn liên hồi.

Như lời Hannah gợi ý, tôi ngồi vào chỗ quầy trống.

Phía sau quầy là một người đàn ông mặc tạp dề trắng đang phân loại những dao nĩa mạ bạc ra hai ống đựng bằng nhựa. Ông gật đầu với tôi: "Cứ gọi đồ bất kỳ lúc nào cậu muốn nhé".

Tôi kéo một quyển thực đơn giữa hai chiếc kẹp giấy ăn mạ bạc ra. Phần đầu thực đơn kể một câu chuyện dài dòng về Rosie's với những chiếc ảnh đen trắng qua bốn thập kỷ trước. Tôi lật nó xem qua nhưng chẳng có gì trong cuốn thực đơn có vẻ hợp với tôi. Không phải lúc này.

Mười lăm phút. Đó là quãng thời gian mà Hannah bảo tôi chờ cô ấy. Mười lăm phút trôi qua tôi mới gọi đồ ăn.

Có chuyện gì đó không ổn lắm với tôi và tôi biết mẹ đã nghe thấy điều đó qua giọng nói của tôi khi nói chuyện điện thoại. Nhưng trên đường qua đây liệu mẹ có nghe những cuốn băng đó và phát hiện ra lý do tại sao không?

Tôi đúng là một tên ngốc. Đáng lẽ ra tôi nên bảo mẹ là tôi sẽ về lấy chúng. Nhưng tôi lại không nói và giờ đây tôi phải chờ mới biết.

Anh bạn đang ăn bắp rang bơ hỏi chìa khoá vào nhà vệ sinh. Người đàn ông ở sau quầy chỉ lên tường. Hai chiếc chìa khoá treo trên những chiếc móc đồng. Một chiếc được gắn với một con chó nhựa màu xanh lơ. Chiếc kia gắn với con voi màu hồng. Cậu ấy tóm lấy con chó màu xanh và tiến ra hành lang.

Sau khi cất chìa khóa xuống dưới quầy, người đàn ông vặn chặt nắp cả tá lọ rắc muối và hạt tiêu mà không hề chú ý đến tôi. Vậy càng tốt.

"Con đã gọi gì chưa?"

Tôi xoay người lại. Mẹ đang ngồi trên chiếc ghế đẩu cạnh tôi và kéo một quyển thực đơn lại. Đặt trên quầy cạnh chỗ mẹ là chiếc hộp của Hannah.

"Mẹ ở lại ạ?", tôi hỏi.

Nếu mẹ ở lại thì tôi có người cùng chuyện trò. Tôi không ngại gì cả. Sẽ thật dễ chịu nếu đầu óc tôi được tự do trong chốc lát để tạm thời nghỉ ngơi.

Mẹ nhìn vào mắt tôi và mỉm cười. Rồi mẹ đặt tay lên bụng với nụ cười dần chuyển sang cái nhăn mặt. "Mẹ không cho rằng đấy là một ý hay."

"Mẹ à, mẹ đâu có mập."

Mẹ đẩy hộp đựng băng lại phía tôi. "Cậu bạn của con đâu? Chẳng phải con đang làm việc với bạn à?"

Phải rồi. Bài tập nghiên cứu của trường. "Cậu ấy phải vào nhà vệ sinh mẹ ạ." Đôi mắt mẹ nhìn qua vai tôi chỉ trong giây lát. Tôi nghĩ mẹ muốn kiểm tra xem liệu cả hai chiếc chìa khóa có đang treo trên tường không. Cũng có thể tôi suy đoán sai.

Tạ ơn Chúa, chúng đều không có ở đó. "Con có mang đủ tiền không?", mẹ hỏi.

"Để làm gì ạ?"

"Để ăn gì đó." Mẹ cất quyển thực đơn của mẹ về chỗ cũ rồi gõ gõ đầu ngón tay lên quyển thực đơn của tôi. "Món chocolate có mạch nha rất đáng để thưởng thức đấy."

"Mẹ đã ăn ở đây rồi ạ?" Tôi có chút ngạc nhiên. Tôi chưa từng gặp người lớn nào ở Rosie's trước đây cả.

Mẹ cười rồi đặt một tay lên đỉnh đầu tôi và lấy ngón tay cái vuốt phẳng những nếp nhăn trên trán tôi. "Đừng có vẻ sửng sốt thế, Clay. Chỗ này nổi tiếng mà". Mẹ rút ra tờ mười đô la và đặt nó lên nắp chiếc hộp đựng băng. "Hãy gọi cái gì con muốn, nhưng ăn thử món sinh tố có mạch nha vì mẹ nhé."

Khi mẹ đứng dậy, cửa nhà vệ sinh cọt kẹt mở ra. Tôi ngoải đầu sang và thấy cậu bạn kia treo lại chiếc chìa khoá có con chó màu xanh lên. Cậu ta xin lỗi bạn gái vì đã đi quá lâu và hôn lên trán cô gái trước khi ngồi xuống.

"Clay à?", mẹ nói.

Trước khi quay lại, tôi nhắm mắt trong một giây và nín thở. "Dạ?"

Mẹ gượng cười. "Đừng ở ngoài lâu quá nhé". Nhưng đó là một nụ cười bị tổn thương.

Còn bốn cuộn băng. Bảy câu chuyện nữa. Vậy thì tên tôi ở đâu?

Tôi nhìn vào mắt mẹ. "Có thể một lúc nữa thôi ạ." Rồi tôi nhìn xuống quyển thực đơn. "Đó là bài tập nghiên cứu ở trường".

Mẹ không nói gì nhưng từ khóe mắt mình, tôi có thể thấy mẹ đang đứng đó.

Mẹ nâng một tay lên. Tôi nhắm mắt lại và cảm thấy những ngón tay mẹ chạm vào đỉnh đầu mình rồi trượt xuống phía sau gáy tôi.

"Giữ sức khoẻ con nhé", mẹ nói. Tôi gật đầu.

Rồi mẹ ra về.

Tôi nhấc nắp hộp lên và tháo giấy bóng kính bọc ngoài ra. Những cuộn băng vẫn chưa bị đụng tới.

Giờ học yêu thích của mọi người... được rồi, giờ học bắt buộc được yêu thích của mọi người... là Giao tiếp ứng xử. Đó là một dạng môn học tự chọn không bắt buộc. Dù không phải là môn học bắt buộc nhưng mọi người đều muốn chọn nó đơn giản vì nó dễ đạt điểm A.

Và phần lớn thời gian học thật vui vẻ. Tôi chọn nó chỉ vì lý do đó.

Có rất ít bài về nhà và đừng quên là có điểm cộng cho việc tham gia đóng góp trên lớp. Ý tôi là, họ khuyến khích bạn la hét trong lớp. Có gì mà không thích nhỉ?

Tôi với tay xuống, tóm lấy cái ba lô của mình và đặt nó lên chiếc ghế mẹ tôi vừa ngồi lúc trước.

Sau cái cảm giác ngày càng giống một kẻ bị ruồng bỏ, giờ học Giao tiếp ứng xử là nơi ẩn náu an toàn của tôi tại trường học. Bất cứ khi nào tôi bước vào căn phòng đó, tôi đều cảm thấy giống như đang dang rộng cánh tay ra và hét lên "Olly-olly-oxen-free!"

Tôi cuốn ba cuộn băng đã nghe vào trong tờ giấy bóng kính và đặt chúng vào chiếc hộp giày. Đã hết. Thế là xong.

Mỗi ngày trong một tiết học, bạn không được phép đụng vào tôi hoặc cười nhạo sau lưng tôi cho dù lời đàm tiếu mới nhất có là gì đi chăng nữa. Cô Bradley không đánh giá cao những kẻ cười nhạo.

Tôi mở khóa ngăn rộng nhất của chiếc ba lô ra và xếp gọn gàng chiếc hộp của Hannah vào trong đó.

Đó là quy tắc số một, ngày số một. Nếu bất kỳ ai cười nhạo điều người khác nói, họ nợ cô Bradley một thanh kẹo Snickers(1). Và nếu đó là kiểu cười nhạo khiếm nhã cực độ, người đó nợ cô giáo một thanh kẹo King Size(2).

Trên quầy, ba cuộn băng được đặt cạnh chiếc đài Walkman và cốc chocolate đánh sữa có mạch nha để tỏ lòng kính trọng mẹ.

Và mọi người đều nộp phạt mà không cãi lại. Đó là cách bày tỏ sự kính trọng của mọi người đối với cô Bradley. Không ai buộc tội cô kiếm chác từ họ bởi vì cô không bao giờ làm thế. Nếu cô nói bạn đã cười nhạo thì đúng là bạn có làm. Và bạn biết là có. Ngày hôm sau, sẽ có một thanh kẹo Snickers nằm chờ sẵn trên bàn của cô.

Và nếu không có thì sao? Tôi không biết. Luôn luôn có ở đó.

Tôi gom hai cuốn băng kế tiếp được đề nhãn số 9 và 10 bằng lớp sơn móng màu xanh da trời bóng, 11 và 12, rồi giấu chúng vào túi áo khoác.

Cô Bradley nói rằng giờ Giao tiếp ứng xử là giờ dạy yêu thích của cô hoặc để chỉnh thăng bằng , như cô gọi thế. Hàng ngày, chúng tôi có nhiệm vụ đọc một bản tóm tắt kín đặc những thống kê khoa học và những dẫn chứng thực trên thế giới. Rồi chúng tôi thảo luận.

Cuốn băng cuối cùng, cuốn băng thứ bảy, có tên người thứ mười ba trên một mặt băng nhưng không có gì trên mặt kia. Tôi đút cuốn băng vào túi sau quần jeans.

Nguồn: truyen8.mobi/t134066-13-ly-do-vi-sao-chuong-16.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận