7 Nàng Bạch Tuyết Và Chú Lùn Truyện ngắn 6


Truyện ngắn 6
Mắt con búp bê chớp chớp

1.

An đi bộ đội vào mùa đông năm 70. Trước đó một năm, bố mẹ gã cũng như mọi ông bố bà mẹ trong thời kì chiến tranh, khi con cái hoe hoe một chút là cố lùa bằng được để chúng nó nên vợ nên chồng. Tâm lý mất gạo còn đớn trong thời loạn lạc là vậy. Vì thế An lấy vợ lúc 21 tuổi. Vợ gã là cái Thụy xóm dưới. Một cô gái nhà nghèo ăn uống bữa nào cũng chỉ có món canh rau muống, hoặc rau tập tàng cùng cà pháo hay cà bát xé nhưng vẫn mũm mĩm, mặt tròn xoe, má đỏ ửng - Có lẽ do đang tuổi lớn. Khi An lên đường thì cái Thụy vợ gã đã ôm đứa con gái mới được ba tháng sụt sịt bảo: "Anh đi nhanh lên rồi về với con". An cố dẩu mỏ lên ra điều cứng rắn, không bịn rịn, nhưng nhân lúc mọi người không để ý, gã quay đi, đưa tay lên gạt mắt. Đến năm 75, đơn vị nó đánh thẳng vào vùng ven


Sài Gòn. Mấy đứa bạn thân thiết người làng An cùng tiểu đội như thằng Ổn con nhà Ao ở xóm Ô tô, thằng Nguậy con nhà Ngọ chết gần hết. An may mắn thế nào lại chỉ bị gẫy xương đùi. Nằm bệnh viện dã chiến Biên Hòa hơn năm tháng thì được xuất ngũ. Gã mong chóng được về với bố mẹ, vợ con. Thoắt một cái đã hơn năm năm còn gì. Thụy không biết còn tròn xoay, mũm mĩm như lúc gã đi không. Con bé Hòa con gã lên sáu tuổi rồi còn gì. Nghĩ đến vợ con An ta nôn nao. Hắn chỉ muốn ngay lập tức có mặt tại nhà... Trung sĩ giải ngũ An khoác ba lô lên thành phố. Ngó nghiêng phố phường một chặp, sau đó mua cái cát sét có cả đài, cả quay băng đàng hoàng. Thêm mấy cuộn băng bài hát nữa mang về thì khối đứa trong làng tha hồ lác mắt. Hồi gã đi, làng Chiện quê gã chỉ có galen. Áp sát vào tai mới nghe thấy tiếng. Ngừng mưa to, gió lớn là y như rằng gã cũng phải trèo lên cây xoan để nối lại dây thép. Chỉ sợ vác nặng vì cái chân bây giờ không phải như ngày xưa. Đi một chặp là mỏi. Chứ nếu không An mua cái quạt máy. Nếu làng mình đã có điện thì bố mẹ, vợ con tha hồ mát. Nắng chảng tháng năm mà có cái này thì đỡ phải mang quạt nan ra ngồi dưới gốc cây đa ngoài cổng Ngỗng hứng gió nồm nam đầy mùi mạ non từ đồng mênh mông thổi vào. Nhưng nhìn vào cái đế quạt bằng gang nặng trình trịch, An đành tặc lưỡi bỏ ý định sắm quạt. Lên xuống tàu xe lịch kịch lắm. Chỗ tiền mua quạt chuyển sang mua con búp bê và cái khung xe. Búp bê cho con gái chơi, khung xe về tích dần phụ tùng lắp cái xe đi đâu cũng đỡ. Xe đạp ngoài mình phân phối cho cán bộ, nhà mình nông dân thì lấy đâu. Thế là tiện rồi. Dân Bắc ta chuộng hai thứ này nhất. Chẳng thế mà ba lô, túi xách của anh bộ đội, cán bộ nào từ ngoài kia vào khi về chả tòng teng khung xe, búp bê. Sau ba lần thay ô tô, cuối cùng cũng đến được Vinh, lên tàu hỏa. Toa nào cũng chật ních hệt ô tô nhưng đỡ phải để khung xe trên nóc. Vừa đi vừa lo. Tệ nhất là bị rơi dọc đường, hay ít ra vì xóc, nẩy, va đập bị cong vênh về nắn cũng khổ. Vừa tốn tiền vừa mất din. May An là một trong những người lên toa tàu sớm nhất, lại mặc quần áo bộ đội nên anh chàng được ngồi ngay thành cửa sổ toa xe. Treo cái khung buộc liền vào con búp bê nơi thành cửa. An ta ngủ thì thôi, thức dậy là ngắm hai thứ đó. Cứ đến đoạn đường nào rung mạnh là y như rằng mắt con búp bê hết nhắm lại mở. Người làm ra nó kể cũng tài thật đấy. Hai mí mắt có hàng lông mi cong vút cứ chớp chớp liên tục như người thật. Rõ là hay. Không hiểu sao An cứ tưởng tượng khuôn mặt con búp bê giống hệt mặt con gái An, từa tựa mặt mẹ nó hồi con gái. Cũng hai má phinh phính chòn chõn mảng đỏ hồng... Mang về nhà chắc con Hòa thích lắm đấy. Không biết nó biết ru em chưa. Mình ở nhà thì biết đâu nó có em rồi cũng nên. Ở làng con gái lên sáu đã đỡ được khối việc, kể cả thổi cơm, chứ nói gì đến ẵm em... . An chìm dần vào giấc ngủ trong tiếng bánh tàu chạy sần sật trên đường ray... Khi choàng mắt dậy thấy trời đã sáng bừng. Nắng le lói rọi vào khung cửa. Ngoài kia, hình như đã nhìn thấy những cảnh quen quen. Đúng rồi, đây là Thường Tín, nghĩa là chỉ còn chưa đầy chục cây số là đến chỗ rẽ vào làng mình. Phải rồi. Thế thì sửa soạn đi là vừa.

 - Ơ kìa.

 Tiếng đàn bà con gái thất thanh khiến An giật mình ngúc ngắc đầu về phía có tiếng kêu. Rồi theo tay chị đàn bà đang đội khăn sùm sụp An quay lại, anh chàng bất chợt rùng mình. Con búp bê cụt lủn bung bênh theo chiều ngang, một cánh tay giơ ra chới với. Giữa hai vai là cái lỗ tròn xoe, trống hoác. Cái đầu chòn chõn má hồng và đôi mí chớp chớp như người đã không còn nữa. An bặm môi lại. Chị đàn bà ái ngại:

 - Khổ. Chắc bị quệt mạnh lắm nên cái đầu mới bị tụt ra, văng mất. Rõ phí.

 

 

2.

 

 An vừa tiếc, vừa tự trách mình mãi. Giá đêm qua mình treo con búp bê ở phía trong. Giá cánh cửa sổ toa tàu kéo lên được, giá mình không ngủ quên... Bao nhiêu là giá như khiến mặt mũi chàng trung sĩ giải ngũ nặng trĩu đăm chiêu. Nhưng nỗi vui mừng khi sắp được gặp bố mẹ, vợ con khiến An vợi đi đôi chút. Nhìn còn búp bê không đầu, An thấy buồn buồn khi nghĩ đến con gái ở nhà. Nói với nó thế nào đây. Bây giờ ai nhặt được đầu búp bê, bắt chuộc bao nhiêu An cũng chấp nhận. An nhìn quanh đám người nhốn nháo trên sân ga, xốc chiếc ba lô đeo con búp bê và cái khung xe lên. An cúi xuống nhặt lên mảnh báo nhầu nhĩ ai vừa vứt xuống. An tháo con búp bê ra, lấy tờ báo gói kín. Trong lúc gói, chỉ thiếu chút nữa, viên trung sĩ phục viên cười thành tiếng, khi nghĩ đến việc định làm. Về đến nhà, trước hết phải giấu con búp bê đi không cho con gái nhìn thấy. Hôm sau, một là ra ngoài gò Văn Chỉ lấy đất sét trắng nặn một cái đầu, rồi lấy bút chì, sơn gì đấy vẽ mặt cho nó. Nếu không lấy gỗ duối đẽo cái đầu rồi cũng tô vẽ mặt mũi. Lúc đó mới đưa cho con Hòa. Đưa búp bê không đầu, không khéo con bé khóc thét, đêm giật mình thon thót thì khổ. Hỉ hả với ý nghĩ vừa lóe ra của mình, trung sĩ An sờ tay nhận ra gói kẹo mua cho con vẫn còn, chàng ta thấy nhẹ người. Chiếc ba lô cũng nhẹ hơn lúc mới xuống tàu. Vết thương rấm rứt khiến cử động ở chân không được thuận lắm, nhưng chạm chân đến con đường đất mòn chạy qua bãi tha ma dẫn về cổng làng, An thấy khoan khoái. Mùi ngái nồng quen thuộc của cánh đồng làng sau hơn năm năm xa cách xộc vào mũi. Chàng ta dừng lại, môi bĩu lên, tự diễu sự yếu đuối của mình nhưng tay lại đưa lên gạt nhẹ trên mặt. An đứng trơ trước cánh cổng nhà mà lúc chàng nhập ngũ được nối lại bằng những đoạn tre đực bố đẵn ngoài lũy, từ dạo chàng học lớp mười được nẹp thêm mấy đoạn sắt. An chớp chớp mắt khi bất chợt ngửi thấy mùi ổi thơm lựng – cây ổi khi chàng ta đánh bên vườn nhà cụ Vãi mới có mười lá mà giờ đây... . Những quả ổi mỡ màng đà đưa. Tiếng mấy con chim khuyên lích rích rỉa ổi. An hơi nhíu mắt khi thấy nhà mình vắng teo. Đôi giày bộ đội nặng trịch nện trên nền sân. Trong nhà lúc đó mới thấy có tiếng nói vọng ra, rõ là tiếng mẹ chàng:

 - Cứ để vở đấy, con chạy ra xem ai đến nhà mình.

 An sững người chưa biết thế nào thì một đứa con gái mặc áo chấm xanh đi ra. Hai má nó phinh phính có khoảng hồng chòn chõn y như mặt con búp bê. Con bé nghiêng đầu nhìn An, rồi quay đầu vào gọi to:

- Bà ơi, có chú bộ đội vào nhà mình.

Cánh cửa gỗ nhà hé mở. Chỉ thiếu chút nữa chàng trung sĩ kêu lên khi nhận ra khuôn mặt gầy hơn, nhăn nheo hơn dưới mái tóc cũng bạc hơn của mẹ so với thời chàng đi. Hai tay mẹ anh run run vỗ vào vai con bé:

 

- Thằng An đấy à. Kìa Hòa chạy ra với bố đi. Bố
con đấy.

Con bé đờ người quay lại nhìn. Nó lùi lại, ôm chân, chúi đầu vào bà, đưa đôi mắt có hàng mi cong vút hệt mắt con búp bê nhìn An. An quên mất cả sự rấm rứt ở chân, bước thêm mấy bước. Chàng tháo chiếc ba lô ra đặt xuống đất rồi ôm chầm lấy đứa con. Lưng mẹ An còng hẳn, hai tay gầy xõa ra cố ôm cả con lẫn cháu. Rồi bà cố gượng đứng lên nhìn con bé vòng hai tay ôm chặt cổ bố.

 An lập cập lôi gói kẹo trong ba lô ra đưa cho con gái, giọng run run:

- Bố con... nhà con đâu, chú Bình...

An giật mình khi thấy sau lưng mình tiếng mẹ nấc lên lào thào:

- Bố mày.. vợ mày... Thằng Bình, thằng Bình đi làm chiều mới... mới về...

 

 

3.

 

 Không biết có phải vì thời tiết hay không mà mấy hôm nay bà cả Liễn thấy mình mẩy, tay chân như không phải của mình. Bà vẫn cố gượng. Còn hôm nay thì đúng là không thể ngóc đầu lên được. Đầu nặng như đá đeo. Mồm miệng đắng ngắt. Bà đành bảo con Thụy ra hái chỗ rau muống ở ruộng năm phần trăm mang ra chợ bán. Hôm trước đi tát nước bà thấy chỗ rau đó đã đến kì. Hái kịp thì rau còn non, mang ra chợ ít nhiều cũng thêm được đồng ra đồng vào. Để vài bữa nữa già thì có họa chỉ dành cho lợn. Bà cả nhăn mặt cố đổi tư thế nằm. Người bà đau như rần. Chả biết kiếp trước bà ăn ở thế nào mà kiếp này... Ông ấy chả nói làm gì. Theo chúng bạn đi làm tận mạn ngược kiếm tiền nuôi vợ con. Tiền bạc đâu chưa thấy đã ngã nước sinh sốt rét rồi bỏ mẹ con bà đi. Thằng Bát đi bộ đội tên lửa, đóng trên Chiện, cách quê hơn hai chục cây thỉnh thoảng còn về được nhà. Cố qua thời tao loạn về lấy vợ đẻ con cho mẹ vui. Ai dè bom đạn thằng Mỹ ghê gớm thế. Thằng anh đi còn thằng em Đĩa, không phải đi nghĩa vụ, ai ngờ lại trúng mảnh bom khi trực dân quân... Số bà khổ nhưng bà già rồi. Con bé Thụy xem ra còn khổ hơn. Con gái nó giờ đã lên sáu rồi, thế mà nhà nội, nhất là thằng em chồng dứt khoát không cho mẹ con nó gặp nhau chỉ vì nó với thằng con bà... Giá hồi đó nó không để mất đứa con với thằng Bát thì bây giờ... Cũng tại bà, tại bà. Máy bay đến, bà đã ngồi dưới hầm rồi lại lo cho con Thụy nên cứ giục nó rối rít làm con bé cuống lên. Vì chạy vội nên nó mới vấp phải con chó đá đầu cổng, thành thử đứa bé mới thành hình hơn hai tháng lại theo bố nó. Trùng tang hay sao... Bây giờ làng xóm, họ hàng coi con Thụy như con dâu của bà. Trong khi bà có mất đồng tiền nào cưới xin nó. Hàng xóm, người thân đã được hớp trà, chén rượu nào. Thôi cũng là cái số. Con bé hiền lành ngoan ngoãn như thế. Nó ăn ở với bà như con gái chứ đừng nói như đứa con dâu thảo. Chỉ tội, nó đang còn trẻ, mới 26, 27 chứ nhiều nhặn gì... Rồi đến lúc cũng phải có người yêu thương nó chứ. Nó tốt thì... còn nó tính toán... bà cũng chẳng có gì mà ràng buộc nó cả.

- Mẹ!

Bà Cả cố quay đầu nhìn ra cửa khi nghe tiếng Thụy gọi. Cánh cửa kẹt mở. Trong luồng ánh sáng gần trưa rọi vào, bà nhìn thấy Thụy đang khom lưng đặt quang gánh, tay rút từ đầu đòn gánh một bọc lá:

- Con mua bánh giò về để mẹ ăn cho đỡ xót ruột.

- Vẽ vời làm gì cho tốn tiền.

- Hôm nay may rau được giá nên... Mẹ có ăn luôn để con bóc bánh.

 - Thôi để tí nữa cùng ăn. Mẹ cũng chưa đói. Thế lại còn cái gì nữa đấy.

Thoáng một chút ngập ngừng. Tiếng lá loạt xoạt:

 - Mẹ trông này. Sáng nay con đi hái rau bắt được cái đầu búp bê nổi ở chân ruộng nhà mình.

 - Đầu búp bê à? Đưa mẹ xem nào... Ừ, nom nó xinh quá. Người ta tài thật đấy. Trông như nó đang ngủ. Con nhặt ở chân ruộng nhà ta à. Thảo nào mắt nó nhắm lại mà lại có nước như khóc.

 - Để con lau cho nó đã.

 Giọng Thụy chùng xuống, hai tay đỡ đầu con búp bê lên rồi tự nhiên nức lên mấy cái. Bà cả hốt hoảng:

- Kìa con sao thế. Sao thế?

- Không sao đâu ạ. Mà mẹ này, nó mở mắt rồi.

Lại thêm mấy tiếng nức nữa, rồi tiếng Thụy
ngập ngừng.

- Trông nó giống con Hòa nhà con quá.

 

 

4.

 

 Buổi tối hôm ấy thì trung sĩ giải ngũ An biết hết mọi chuyện nhà mình từ khi anh đi. Hai anh em giải chiếu ngay trên thềm giếng, cạnh gốc cây ổi đang vụ thơm lừng. Chai rượu nhô cao, đĩa đậu nướng, đĩa lạc rang. Trăng giãi giệ bên hè.

 - Anh đi được hơn hai năm thì bố mất. Mà có chuyện gì to tát đâu. Bố xuống ao dong lại cái súng bèo. Giẫm phải mảnh bom chả biết ở đâu văng đến, nằm găm dưới đáy ao từ bao giờ. Bố coi thường chả để ý gì. Khi bố sốt cao đưa vào trạm xá mới biết bị uốn ván.

Hai chén rượu lại va vào nhau. Gã anh vẫn lặng im.

 - Còn chuyện của mụ vợ anh.... Thằng cha ấy ở đơn vị bộ đội tên lửa đóng dưới đồng cửa Chẹm chứ đâu. Mặt mũi hiền lành. Lên dạy du kích làng mình phòng chống máy bay. Kì nào em chả có mặt. Không ngờ trai gái tình ý với nhau thì chỉ có mà giời biết. Cái đêm máy bay nó đến đánh bến phà Chiện. Hôm ấy chỉ có tiểu đội của em. Tiểu đội bà ấy trực đêm trước. Thế mà máy bay đi hết, em không thấy mụ ta về. Con Hòa đang sốt cao khóc ngằn ngặt. Đầu tiên em còn sợ mụ ta bị làm sao nữa chứ. Mẹ vừa đắp khăn cho con bé và giục em đi tìm mụ ta về. Chạy khắp làng, cuối cùng lao xuống trại tên lửa. Cũng không thấy. Sau em phát hiện mụ ta đang ôm thằng ấy trong hầm. Mà trước đây có điều tiếng gì đâu...

- Thôi được rồi. Anh mang con búp bê về cho cháu.

 - Em để ý thấy con bé thích bế em lắm. Con gái mà lại. Lúa mới vụ nào em cũng tết cho cháu mấy con búp bê bằng rơm. Đủ thứ con to con nhỏ. Sao anh không đưa cho cháu nó mừng. Làng này thế là nhất nó. Đẹp lắm hả?

 - Con búp bê mới nhưng chỉ còn cái thân. Thành ra chưa muốn đưa cho nó. Hôm trên tàu hỏa anh ngủ quên chả biết cái gì đập vào. Chắc mạnh lắm nên bay mất
cái đầu.

 - Làm cái đầu bằng gỗ, vẽ mặt rồi cắm vào. Cái này anh thừa sức.

- Thế chú cấm cô ấy không cho gặp con bé à?

- Không phải cấm mà là đuổi thẳng ả ta về nhà thằng ấy. Em còn làm cho thằng cha ấy mất mặt ở đơn vị nữa chứ. Mãi sau em biết quê thằng ấy ở cách làng mình có hơn hai chục cây số thôi.

- Kể ra...

Nghe tiếng anh trai thở dài sau câu nói ngập ngừng, Bình giơ chén rượu lên.

 - Anh biết tính em rồi đấy. Không thể chịu nhục được. Mà anh khỏi buồn đi. Anh về lành lặn thế này là mừng rồi. Nghỉ ngơi lại sức xong, em dẫn đến nhà cô Nụ trên ngõ Kẻ. Khỏe mạnh, lành hiền, quý con Hòa lắm. Có cái gì cũng mang cho nó. Thỉnh thoảng còn hỏi thăm anh.

- Thì chú cứ tính đi. - An cố cười.

- Anh xong thì mới đến em. Mà này, anh có biết không?

- Cái gì thế?

- Đúng là trời trừng phạt. Cô ả về nhà thằng cha ấy đâu mới được hơn năm thì tay ấy cũng dính bom. Đúng cái đợt nó đánh trực diện cụm ra-đa tên lửa dưới đồng đấy. Em nghe nói tay ấy cũng dũng cảm lắm. Người thế mà lại có lúc trai gái vớ vẩn làm...

- Chú đừng nói nữa. Vặt cho anh quả ổi xanh.

 

Trong lúc Bình đứng lên rờ tay vào cành la cây ổi thì An lẩm bẩm:

- Gỗ ổi cứng đẽo mặt búp bê sợ không hợp.

 

 

5.

 

 Cả đêm hôm ấy Thụy ngủ chập chờn, đứt quãng. Lúc tỉnh cô cố nằm im không giở mình vì biết bà cụ rất thính ngủ. Khuôn mặt bầu bĩnh của con búp bê nhấp nhóa nhập vào mặt con Hòa. Hai mí mắt có hàng mi cong chớp chớp. Hàng mi sao giống bố nó thế. Con gái làng Chiện đứa nào cũng ước ao có hàng lông mi như nhà An, từ anh đến em. Mắt con trai gì mà trong veo, lông mi cong vút nom đến là... Những cánh cò trắng xóa lướt qua đám mây màu tím nhạt tự nhiên đổi màu đen sẫm chấp chới, rách bung, rơi xuống lả tả. Một chấm đỏ rực to dần thành hình đôi môi chúm chím. Đúng là môi con Hòa. Đôi môi mấp máy định nói gì bỗng phồng ra biến thành một vệt máu loang dần trên nền đất nâu sẫm. Thụy chấm ngón tay vào vệt máu đưa lên nhìn chăm chú. Cái đầu nặng nề, ướt đẫm mồ hôi của Bát cố ngóc. Khuôn mặt của anh nhăn lại. Cả người Bát cong lên. Nóng bừng. Người Thụy cũng hầm hập như lên cơn sốt. Cô vòng tay ôm cứng người của Bát.... Đôi môi của anh ấy động đậy. Thụy ghé sát tai vào. Tiếng Bát lào khào: "Tôi, tôi không phải với anh ấy". Thụy quay mặt đi. Khuôn mặt chữ điền với hàm râu lâu ngày không cạo đen sì bỗng thoắt biến thành khuôn mặt nhẵn nhụi, trắng mịn có đôi má hồng tròn tròn của con Hòa.
Còn bé gọi khe khẽ: "Mẹ, mẹ bế con". Thụy giơ tay ôm choàng con bé. Đôi mắt con bé chớp chớp. Cái đầu
tròn xoe của nó lắc lắc, rồi nó lủi thủi đi xa dần. Được một đoạn thì cái đầu bện tóc tự nhiên nhấc lên lảo đảo bay lên không. Đôi mắt tròn có đôi hàng mi cong vút ngó xuống chớp chớp. Thụy chồm dậy giơ hai tay lên chới với. Miệng cô hét to: "Không, không, đừng bay đi đâu cả".

- Con lại mê đấy à?

Thụy choàng tỉnh dậy khi nghe tiếng bà cả Liễn từ giường bên vọng sang.

- Vâng, không hiểu sao con lại mơ thấy đầu con
búp bê.

- Ừ, mẹ chưa biết mặt con bé nhà con. Chắc
xinh lắm.

 Thụy ngồi dậy, thọc tay vào túi xách treo bung bênh, cầm cái đầu con búp bê ra. Mắt con búp bê chớp chớp. Đôi môi hồng mấp máy khẽ khọt "mẹ, mẹ". Hai tay Thụy ôm chặt cái đầu úp vào ngực mình. Giọng bà cả Liễn run run:

- Có lẽ hôm nay con nên đến thăm con bé... Chả lẽ chú nó...

- Nhưng mẹ đang ốm.

- Mẹ khỏi rồi. Đầu óc thấy nhẹ nhõm lắm.

- Tự nhiên con nhớ cháu quá.

Thụy bước vội ra thềm, tay gạt nhẹ lên mắt....

 

 

6.

 

 Cô run run đứng trước chiếc cổng vẫn những đoạn tre đực được ghép lại, giờ đã úa vàng vì thời gian nẹp thêm vài thanh sắt. Cây ổi đang vào mùa thoang thoảng mùi trái chín, tiếng loét choét của mấy con chào mào đang khoét ổi chín. Thụy ấp cái túi xách đựng mấy cái bánh gai và đầu con búp bê vào ngực, cố nén cảm giác hỗn độn đang làm cô tức thở. Mảnh sân thân quen một thủa vắng ngắt. Góc tường, miếng vôi lở hình con ba ba như rộng hơn. Mái bếp lợp rạ mới đắp thêm tấm lợp fibroximăng chắc của chú Bình mang về. Thụy thở mạnh khi nghe thấy hình như dưới bếp có tiếng ai đẽo gọt gì đó. Cô định lùi lại. Chú Bình giờ này chắc đang đi làm nhưng gặp bà cháu nó thì cô biết nói gì bây giờ. Mở miệng ra sao. "Tôi, tôi không phải với anh ấy". Chưa bao giờ Bát xưng "anh" với cô. Thụy thấy hình như Bát luôn luôn cảm thấy anh ấy có lỗi với chồng An. Anh ấy nào có lỗi gì. Còn mình.. Người ta bảo đàn bà, con gái hay nhẹ lòng. Tiếng động càng to thêm và bây giờ thì có tiếng lanh lảnh của con bé: "Bố đẽo cái gì đấy". Cô rùng mình: thế là, thế là anh ấy đã về rồi ư. Vậy mà mình không tính. Thụy quay đầu, cố nhẹ nhàng không gây ra tiếng động. Nhưng hình như đầu con búp bê động đậy trên ngực cô. Thụy bỏ chiếc túi xuống, len lén nhấc đầu búp bê lên. Đôi mắt có hàng mi cong chớp chớp. Thụy rùng mình một lần nữa. Từ trong bếp con bé đột ngột chạy ra. Nhưng mới được mấy bước, nó đứng sững lại, nghiêng đầu. Hàng lông mi cong động đậy. Đôi môi hồng mấp máy:

- Cô là...

- Ai thế con?

Thụy đờ người, chưa kịp định thần thì đã thấy An đứng cạnh con gái. Tay cầm mẩu gỗ đang được đẽo tròn tròn. Đôi mắt đen sẫm, dưới hàng lông mi cong veo hơi nhíu lại nhìn Thụy:

- Cô lên...

- Anh về...

 Đầu đứa con gái ngọ nguậy hết nhìn bố lại nhìn sang mẹ, trong khi đó tay mẹ nó run run lôi từ trong túi ra chiếc đầu con búp bê rồi chìa trước mặt nó. Nó ngước lên nhìn khi nghe tiếng "ơ" khẽ của bố nó. Sau đó con Hòa thấy bố nó đờ ra một lúc rồi cập rập đi nhanh vào nhà. Một lát sau bố nó lại lảo đảo đi ra. Tay bố nó nắm chặt vật gì dài dài bọc trong giấy báo. Bố nó đi nhanh đến trước mặt mẹ nó, giật lấy đầu con búp bê. Bố nó xoay xoay mấy vòng. Miếng giấy báo mở ra, con Hòa reo lên thật to:

- Con búp bê. Con búp bê đẹp quá. Bố cho con à. Đưa con bế em nào.

 Con bé ôm chầm con búp bê nựng một lúc rồi chợt dừng lại khi nghe tiếng nức nở. Nó quay lại thấy mẹ nó đang ôm mặt khóc rưng rức. Còn bố nó thì vỗ nhẹ vào vai mẹ nó thì thầm câu gì không biết.

 

 Quỳnh Mai, mùa Trung thu Tân Mão - 9/2011

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83604


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận