Lại nói về Lý Huyền về tới Thái sơn, chỉ thấy cửa động mở toang, vắng vẻ không một bóng người, ngay cả cái xác của mình cũng biến đi đâu chẳng rõ. Bấm đốt ngón tay, mới biết sự tình, hiểu rằng xác của mình đã bị Dương Nhân đem thiêu đốt trước thời hạn. Lúc đầu, Lý Huyền hận Dương Nhân vô cùng. Dù anh ta nóng gấp việc về thăm mẹ, cũng không thể cãi lời thầy, khiến hồn vía sư phụ lúc này phiêu bạt lênh đênh, không nơi nương tựa. Lại tính tiếp, biết được bà mẹ Dương Nhân đã chết, Dương Nhân dẫu vội vã trở về, cũng không thể trò chuyện với mẹ, không nghe được lời trăn trối nào của mẹ. Nghĩ tới đó, Lý Huyền quên hẳn nỗi nguy hiểm và đau khổ của mình, chỉ nghĩ đến nỗi oan khổ của Dương Nhân, tự trách mình : "Thế này thì chính là ta hại anh ấy mất rồi. Nếu ta đừng xuất hồn rong chơi, anh ấy đã không mất công canh giữ xác ta, có thể rảnh rang về thăm mẹ, mẹ con đã có cơ hội trò chuyện với nhau. Nay vì ta mà mẹ con anh ấy tuy gặp mặt nhau cũng như không gặp, há chẳng phải lỗi tại ta hay sao ?". Nhân nhớ lại hồi học Đạo kinh, trong kinh có nói tới phép cải tử hồi sinh, Lý Huyền mới nghĩ tiếp : "Nếu lúc này ta có thể đi ngay tới nhà, chỉ cần xác bà kia chưa hư nát, ta đã có thể giúp bà ta sống thêm được tám hoặc mười năm nữa, do đó sửa lại lỗi lầm của ta, chẳng là tốt đẹp lắm sao ? Chỉ tiếc rằng hiện nay ta chưa tới thời kỳ dứt bỏ được xác, cũng chưa thể mang xác phàm để lên tiên, ta chẳng có cái xác nào để linh hồn gửi gấm. Để lâu ngày, hồn vía ta dần dần tiêu tan, ngay cả tính mệnh ta cũng không thể bảo toàn, sao có thể tu đạo được ?". Nghĩ tới đó, lại ngần ngừ giây lát, rồi mạnh dạn nói :
- Đây là phúc mệnh của ta. Sống chết, mất còn đều bởi số trời, hà tất phải lo nghĩ chi nhiều ? Việc cứu Dương mẫu lúc này là cần kíp. Cứu được mà không cứu, lỗi của ta càng nặng thêm mà thôi.
Quyết định rồi, Lý Huyền đứng dậy, bước ra khỏi động, cưỡi mây bay về hướng Nam.
Bỗng nhiên từ hướng Đông Nam, một đám mây lành bay tới rất nhanh, đụng vào đám mây của Lý Huyền. Lý Huyền trố mắt nhìn, bất giác vui mừng, nói :
- Văn Thủy sư huynh từ đâu tới đây ? Sư huynh đã biết chuyện của tiểu đệ rồi ư ?
Văn Thủy chân nhân cười, nói :
- Cũng vì món nợ kiếp trước của chú, mà ta phải mất công quan tâm tới chú đây.
Lý Huyền kinh ngạc, nói :
- Thưa sư huynh, tiểu đệ kiếp trước chỉ có một việc canh cánh bên lòng là việc ở Kim sơn, thì hiện nay tiểu đệ đã vâng pháp chỉ của sư tôn, tới độ cho cô gái nhà họ Hà tới tu hành ở Hành sơn, tiểu đệ còn món nợ kiếp trước nào nữa chứ ?
Văn Thủy chân nhân cất tiếng thở dài, nói :
- Chú ở trên đời, tu đạo thành công rất lớn, nhân phẩm lại cao hơn người khác, có thể sống lâu cùng trời đất, thụ hưởng không biết đâu là cùng. Nhưng cũng vì vậy mà trách nhiệm càng lớn, xử sự càng khó khăn. Chú vừa nói là đã độ cho cô gái nhà họ Hà xuất gia, tự cho rằng mọi nợ nần kiếp trước đã hoàn tất, có biết đâu rằng đó chỉ là trách nhiệm về mặt lương tâm, vẫn còn món nợ oan nghiệt gây ra do vô ý, vì thế làm sao chú nhớ cho nổi ?
Lý Huyền nghe vậy, vẫn ngơ ngác, không hiểu, Văn Thủy mới thở dài, nói :
- Chú không nghĩ ra cũng phải, là vì việc này chú làm trong lúc vô tâm, làm sao nhớ nổi ? Kiếp trước, chú có hai việc làm, đều là tốt đẹp mà trở thành xấu, ngay cả chú cũng không phát giác ra, hoặc giả có giác ngộ cũng lại cho rằng không có quan hệ gì lớn. Việc thứ nhất là chú lập lời thề suốt đời không gần đàn bà, con gái, không đụng tới một sợi lông, một cọng tóc của phụ nữ, đến chừng ngoài trăm tuổi lại có duyên, vì tình cờ mà gần gũi với một người đàn bà đã chết. Việc thứ hai là chú muốn cứu cô gái đó, nhưng không thành công, trái lại còn làm hư hại cẳng chân của cô ta. Cũng may cô ta có căn cơ thâm hậu, lại được long vương ban cho một viên thuốc chữa lành vết thương, nên kiếp này cô ta mới khỏi bị tàn phế. Người ta lúc chết mang một bệnh gì, chuyển sang kiếp khác không tránh khỏi mắc phải một bệnh tương tự. Cô kia kiếp trước gẫy chân – may nhờ thuốc của long vương chừa khỏi – nếu kiếp này mang tật ở chân, chẳng phải lỗi của chú hay sao ?
Này sư đệ, chú không thể nói tiên gia làm việc gì cũng bởi lòng từ bi, dẫu có vì vô tâm mà mắc lỗi, vị tất đã mắc tội với trời. Việc xảy ra cho chú ngày hôm nay chính là để trả món nợ ở kiếp trước đó. Tổ sư cũng đã tính trước được vận hạn của chú đấy. Tuy gọi là vận hạn, thật tình là trả nợ. Nợ này không trả, không trông mong gì tu đạo thành công. Vì thế, vận hạn của chú hôm nay chẳng nên coi là điều bất hạnh, trái lại còn là điều đáng mừng cho chú.
Lý Huyền nghe vậy, ngẩn người ra như mơ ngủ, trong lòng sợ hãi, khiến Văn Thủy phải tìm lời an ủi. Lý Huyền mới hỏi :
- Việc đã đến thế, sư huynh ắt có cách cứu tôi chứ ?
- Tất nhiên là phải có cách rồi. Chú vì từ bi mà mắc lỗi, ông trời sao có thể khe khắt đến độ bắt chú phải chết ? Chỉ có điều rằng chú vốn là một thiếu niên anh tuấn, hình dung mỹ miều, thì từ nay về sau sẽ phải mang hình dáng xấu xí, lại thọt một chân. Đó là cách để chú trả nợ kiếp trước đấy. Chú hãy coi trong tay ta đang cầm cái gì đây ? Đây là cây gậy chống, ta sẽ tặng cho chú đó. Nó sẽ giúp đỡ chú đi đứng vững vàng. Lão đệ, chú có biết lai lịch cây gậy này ra sao không ?
Lý Huyền nghe nói, giật mình, định thần trở lại, cầm lấy cây gậy xem thử, không nói một câu. Văn Thủy chân nhân lại cưới, bảo:
- Cây gậy này có từ lâu lắm rồi. Nguyên năm xưa, Tây vương mẫu mở tiệc bàn đào đãi quần tiên, có một cô gái hái đào, tay chân lóng ngóng, bẻ gãy một cành. Vương mẫu mới đem cành đào đó tặng cho Lão Quân tổ sư. Tuy chỉ là một cành cây khô, gậy này có uy lực rất lớn, lại có thể dùng làm binh khí, bọn yêu ma, quỷ quái tầm thường chẳng dám đến gần. Lúc ta mới nhập sư môn không hiểu công dụng của nó ra sao, có hỏi tổ sư, ngài mới kể rồi cho biết, lại đem tặng nó cho ta. Nay ngu huynh tặng lại cho lão đệ, làm một pháp bảo tùy thân. Thế gọi là vật nào chủ nấy, gậy này tặng cho lão đệ sẽ có công dụng rất lớn.
Bấy giờ, Lý Huyền mới hiểu rõ, vội cúi đầu lạy tạ. Văn Thủy gạt đi, nói :
- Lão đệ chẳng cần khách sáo, mau theo ta đi tìm hóa thân của chú.
Lý Huyền nghe theo, tay cầm cây nạng đứng ở trên đám mây, đáp xuống một dải đất, cỏ mọc hoang vu. Văn Thủy chỉ cho thấy một khối đen sì, nằm dưới một gốc cây, nói :
- Lão đệ, đây là hóa thân của chú.
Hai người nắm tay nhau tiến bước. Lý Huyền đang nóng lòng, đi trước, tiến lại chỗ gốc cây, định thần nhìn kỹ. Thì ra đó là một người ăn mày đã chết, vừa đen vừa xấu xí, lại chân ngắn chân dài.
Lý Huyền bất giác kinh hãi, cúi xuống sờ thử người ăn mày, thấy lạnh như băng giá, rõ ràng chết đã lâu rồi. Lý Huyền thấy hóa thân của mình ghê tởm như vậy, bất giác buồn bực. Văn Thủy từ phía sau tiến lại, thấy Lý Huyền bực bội, không nói gì, liền cất tiếng cười ha hả, bảo :
- Bản thân đã là thần tiên, còn kén chọn tướng mạo nữa sao ?
- Sư huynh nói vậy không được. Thần tiên coi đạo pháp là căn bản, tất nhiên chẳng cần gì tới tướng mạo thanh tú, đẹp đẽ, nhưng người ăn mày này có hình dung quá xấu xí, khó coi. Mai sau, việc tu đạo thành công, tiểu đệ không thiếu gì dịp đi theo các vị sư huynh, hội họp với các vị kim tiên trên trời, các vị thần khắp ba cõi, ai nấy đều có phong thái chững chạc, riêng tiểu đệ xấu xí như thế này, không khỏi tự thẹn trong lòng, còn e rằng người ta chê cười tiểu đệ què quặt. Hảo huynh đệ , có thể bỏ rơi người ăn mày này, để tiểu đệ tìm một người chết thanh tuấn làm thế thân, được không ?
- Này sư đệ, chú nên biết tiên gia chú trọng nhất là một chữ "duyên", duyên đã kết, không ai có thể thay đổi được kết quả sẽ đem tới. Ở một kiếp trước, người ăn mày này đã từng có ơn cứu mạng cho sư đệ, nên kiếp này sư đệ có dịp trả ơn cho người đó. Số kiếp đã định như vậy, há phải chuyện ngẫu nhiên ? Vả lại người tiên còn mong muốn làm sao có thể thoát khỏi xác phàm, tùy tâm biến hóa, chẳng những có thể biến xấu thành đẹp, còn biến nữ thành nam, biến già thành trẻ nữa. Hiện nay chú chưa tới thời kỳ thoát khỏi xác, hãy tạm mượn xác người ăn mày này để trở lại cõi đời.
Lý Huyền nghe ra, cúi đầu cảm tạ Văn Thủy, rồi hô lên một tiếng : "Đi thôi !", hồn liền nhập xác. Người ăn mày lồm cồm đứng dậy, tay chống cây nạng của Văn Thủy trao tặng, thấy ngắn dài vừa vặn. Lý Huyền chống nạng bước đi, khập khà khập khiễng. Văn Thủy trông thấy, không nín dược cười. Lý Huyền tiến thẳng tới bờ sông, soi bóng dưới nước, lòng không khỏi buồn bã. Văn Thủy kiếm lời an ủi :
- Từ xưa tới nay, các bậc chân nhân chẳng muốn biểu lộ chân tướng của mình. Tổ sư mỗi lần hạ phàm, đều biến ra hình dạng xấu xí như thế mới khảo sát được lòng người kính lễ mình là chân thật hay giả dối. Hiền đệ mang hình dạng này chẳng là tốt đẹp lắm sao ? Việc cứu bà mẹ Dương Nhân không thể trì hoãn nữa rồi chú mau đi thôi ! Nhưng Dương mẫu số thọ đã hết, tuy nhờ pháp lực của chú có thể hồi sinh, nhưng cũng chỉ sống thêm được một kỷ (mười hai năm) nữa thôi, chú phải dặn bảo Dương Nhân làm nhiều việc tốt, mới có thể bổ khuyết lỗi lầm. Nếu không, chẳng những tiền trình của Dương nhân gặp trở ngại, mà chú cũng mắc tội với trời nữa đó .
Lý Huyền thụ giáo, từ biệt Văn thủy, cưỡi mây bay đi.
Nhìn lại thân thể, Lý Huyền thấy toàn thân đen sì, không chỗ da nào trắng, nghĩ thầm : "Thì ra người ăn mày này thuộc giống da đen, ta nay cũng thành người da đen mất rồi !". Xem lại cây nạng của Văn thủy đưa tặng, thấy nó bằng gỗ, mầu vàng vàng, Lý Huyền phà hơi, biến nó thành cây nạng sắt đen sì, cho phù hợp , với mầu da của mình. Từ đó, ông lấy hiệu là Lý Thiết Quài (Lý nạng sắt).
Lý Huyền vội vã giáng xuống địa phương Thái An, tìm tới nhà của Dương Nhân, thấy nhà cửa vắng tanh vắng ngắt, chỉ có hai người là Dương Nhân và Chu Tiểu Quan, chụm lại một chỗ. Xác của Dương mẫu cũng đã được bỏ vào trong quan tài.
Thiết Quài tiên sinh không hiểu hai người kia sẽ làm gì, mới đứng ở bên ngoài nhòm thử. Nguyên Dương Nhân không được thấy mặt mẹ lúc lâm chung, không nhận được một lời di huấn nào. Tỏ ra thất vọng vô cùng. Lại nghĩ tới việc thất hứa với thầy, đem xác ân sư thiêu đốt trước thời hạn. Như thế, đối với thầy là bất trung, đối với mẹ là bất hiếu, còn làm người sao được ? Cảm thấy không còn mặt mũi nào đứng trong khoảng trời đất, anh ta đợi cho việc nhập quan hoàn tất, mới rút ra một thanh kiếm, đưa lên cổ, tính tự vẫn, để tạ tội ở ân sư trên trời, với thân mẫu dưới suối vàng.
Chu Tiểu Quan quính quáng, vội giằng lấy thanh kiếm, vất xuống đất. Dương Nhân khóc rống lên, luôn miệng tự trách mình bất trung, bất hiếu, không mặt mũi nào sống trên đời nữa. Chu Tiểu Quan ôm lấy bạn, dỗ dành. Thiết Quài tiên sinh nhìn thấy cảnh đó bất giác cảm động, gật đầu mấy cái, nghĩ thầm : "Nó làm vậy tất nhiên là ngu quá chừng, nhưng qua lời than thở cũng đủ thấy bụng dạ của nó. Biết tự trách mình bất trung, bất hiếu, nó thật tình tỏ ra là con người trung hiếu đó. Thật không hổ danh là học trò của Thiết Quài tiên sinh này, và cũng không uổng công ta đã đề bạt, cứu độ nó". Nghĩ rồi, liền bước cà nhắc, tiến lại phía hai người, vòng tay chào hỏi :
- Hai vị vì sao mà tranh cãi thế ?
Chu Tiểu Quan đem chuyện kể lại một lượt, trong lúc Dương Nhân vẫn chưa từ bỏ ý định tự tận. Thiết Quài tiên sinh mới cười, bảo:
- Anh Dương, việc anh làm vừa rồi là không phải chút nào. Há không nghe sống chết có số, không thể cầu mong ? Người làm con thờ cha mẹ, lúc sống làm tròn chữ hiếu, lúc chết tế lễ cho phải phép, đã là người đại hiếu rồi đấy. Còn chuyện của thầy anh, tuy phần lỗi về anh, không thể sửa lại nữa rồi, nhưng xét cho cùng cũng bởi anh bị đưa đẩy vào tình thế lưỡng nan, nên thầy anh quyết không trách anh tội thất tín đâu. Nếu cứ nhất định phải lấy cái chết để sửa lỗi, thì e rằng lỗi không sửa được đâu, trái lại còn khiến thầy anh ở trên trời phải bực tức, mẹ anh ở dưới suối vàng phải đau lòng, tội lỗi của anh càng nặng thêm, anh Dương có hiểu hay không ?
Chu Tiểu Quan thấy một người ăn mày đen đủi nói ra những lời nghị luận có đạo lý như thế, bất ngờ vừa vui mừng vừa kinh ngạc, luôn miệng khen phải. Dương Nhân bị thuyết lý chỉ cúi đầu, không nói, chẳng có lòng dạ đâu mà tra vấn lai lịch người ăn mày.
Ngẩn ngơ một lát, anh ta lại phục xuống trước quan tài mà kêu khóc. Chu Tiểu Quan chẳng buồn khuyên giải bạn, tiến lại trước mặt Lý Huyền hỏi thăm tên họ. Lý Huyền mỉm cười, tỏ bày tên họ cho biết.