Hồ thị lại gần dàn dậu, mở cặp mắt già kèm nhèm nhìn chàng rể, bỗng hét lên một tiếng, ngã lăn ra đất. Đứa bé bồng trên tay lúc đó vừa bốn tuổi, bị quăng ra đất, khóc ré lên, mở mắt nhìn cha đang nằm trên giường, cũng hét lên một tiếng, lăn ra chết giấc, như bà ngoại. Những tiếng ầm ĩ làm kinh động Thành Phu đang nằm trên giường. Anh ta vội tỉnh dậy, leo xuống giường, nâng Hồ thị lên, và ẵm lấy đứa bé. Ngay lúc đó, Xuân Anh và hai người hầu gái vội chạy tới, thấy Thành Phu đang bối rối, mới hỏi nguyên do. Đứa bé tỉnh lại trước, thấy người đỡ mình dậy chính là cha, lại khóc thét lên, ra sức quẫy đạp, thoát khỏi tay cha, níu chặt lấy mẹ, miệng kêu lên:
- Cha không phải người ta, cha không phải người ta. Con không chịu cho cha ôm.
Xuân Anh nghe vậy, ngạc nhiên quá chừng, vội ôm lấy đứa bé, đồng thời lên tiếng hỏi Thành Phu, đầu đuôi chuyện này thế nào ?
Thành Phu nghe con nói, không hiểu nghĩa gì trong đầu, chỉ đứng ngây người ra một hồi. Chừng nghe vợ hỏi, anh ta mới nói :
- Chính anh cũng không hiểu con bé nó nói gì. Bây giờ phải mau mau đưa nó vào nhà, rồi sẽ tính. Mọi người xúm lại đây, chẳng làm được chuyện gì.
Nghe câu nói đó, Xuân Anh bừng tỉnh, ôm chặt lấy đứa bé. Những đứa trẻ khác nghe tin, cùng chạy lại. Thành Phu ngẩn ngơ một lát, chợt cau mày, trừng mắt, bỗng đưa tay đấm vào bụng mình bình bịch, trên mặt hiện ra vẻ sát khí đằng đằng, quay lại đám gia nhân .
- Hãy trông coi các vị công tử, đừng để chúng chạy lung tung.
Rồi tự mình phấn chấn tinh thần, ghé vai cõng mẹ vợ. Xuân Anh muốn ngăn cản. Thành Phu nói liền:
- Mẹ xưa nay ưa sạch sẽ, lại là một vị thái thái lão thành, qui củ, không chịu cho người khác cõng bà đâu. Ta là con rể, được bà coi chẳng khác gì con trai, đương nhiên không cần câu nệ. Vả lại lão nhân gia rất ưa thích ta, chưa bao giờ chê ta không sạch sẽ.
Xuân Anh đành nghe theo. Mọi người đi trước, Thành Phu cõng mẹ vợ theo sau, cùng rời khỏi vườn hoa, tiến về nhà. Thành Phu đi chậm rãi, cách mọi người chừng mười bước, Xuân Anh nghe được rõ ràng Hồ thị còn phát ra tiếng thở khò khè từ trong cổ họng. Mọi người đều cho rằng bà lão chẳng bao lâu sẽ tỉnh lại thôi, nên có thể yên tâm. Hồi lâu, mọi người tiến vào phòng chính, Thành Phu đặt Hồ thị xuống giường, thật nhẹ nhàng. Đột nhiên, anh ta kêu lên :
- Tại sao bà già vẫn chưa lên tiếng ? Mọi người lại mà coi, dường như bà đã…, bà làm sao thế này ?
Nghe câu nói nửa chừng, Xuân Anh kinh hãi, biết mẹ mình đã gặp lành ít dữ nhiều, vội đưa đứa bé cho hai người hầu gái, đích thân chạy tới coi, thấy Hồ thị hai mắt lồi lên, cái lưởi thè lè, giống như người thắt cổ. Sờ mó thân thể mẹ, thấy không còn chút hơi thở. Xuân Anh đập giường, đập bàn, kêu trời kêu đất, khóc lóc thảm thiết. Thành Phu cũng tự động nằm phục xuống giường, khóc rống lên. Hai người khóc một hồi, đám gia nhân đều kéo vào, cùng khuyên giải. Đi phía sau là ông cậu Đức Sơn, và bà mẹ Vưu thị, cùng đám con ông bà, được tin, nhất tề kéo đến. Mọi người lại khóc lóc một hồi, Thành Phu không đợi người khác mở miệng, đã lên tiếng trước :
- Mẹ vợ tôi chết rất kỳ lạ, thật cổ quái. Nếu nói là bị người ám hại, lão nhân gia xưa nay có thù oán với ai đâu . Vả lại chính tôi cõng bà vào nhà, mọi người đều nhìn thấy rõ ràng, vì không rời xa tôi một bước, cho tới lúc tôi đặt bà lên giường. Có thể có một con ma thắt cổ, đi theo bà sát nút, lợi dụng lúc chúng ta sơ hở, đã lấy đi tính mạng của bà, ngay lúc bà còn nằm trên lưng tôi, cũng chưa biết chừng. Việc này xét cho cùng, quả thật hoang đường. Có ông cậu ở đây, là bậc trưởng bối cua chúng cháu, cậu thử điều tra việc này xem sao.
Đức Sơn là một vị thánh hiền trong làng men, chỉ biết uống rượu ngon, ăn thịt béo, ai mà đem rượu thịt mời ông, ông đáp ứng liền, chứ lúc này nghe Thành Phu nói, ông giữ vững tông chỉ của mình là không xen vào chuyện người khác, nên ông vội nói :
- Cháu rể nói k hông sai chút nào. Mẹ vợ cháu do cháu đích thân cõng vào phòng, kẻ nào có thể, không hơi không tiếng, lấy đi sinh mạng của mẹ vợ cháu, ngay trên vai cháu được chứ ? Lại nói chơi cho vui, nếu cháu rể có ý mưu lại mẹ vợ mình, thì việc đó cũng chẳng phải dễ dàng.
Nghe câu nói đó, Thành Phu bất giác biến sắc mặt. Nhưng anh ta chưa kịp lên tiếng, đã nghe Đức Sơn nói tiếp :
- Suy nghĩ kỹ thì thấy, ngoại trừ điều anh vừa nói về con ma thắt cổ, lợi dụng lúc sơ hở để ám hại mẹ vợ anh, thì không còn cách giải thích nào khác có thể chấp nhận. Tóm lại một câu, đây hoàn toàn là oan nghiệt từ kiếp trước, hôm nay báo ứng. Người đã chết không thể sống lại, việc khẩn yếu lúc này là lo hậu sự, chứ nói chuyện không đâu, có làm được điều gì ?
Thành Phu nghe vậy, như được cất đi khối đá ngàn cân trong lòng. Mọi người nghe theo, lo việc ma chay cho Hồ thị được tươm tất
Xuân Anh ừ khi nghe Thành Phu giải thích rõ việc nhà của anh ta ở Kiến Nghiệp, bao mối nghi ngờ trong lòng đã dứt bỏ hết. Nào ngờ không bao lâu, lại xảy ra đám tang kỳ lạ này. Thấy mẹ chết thảm, cô lại nẩy sinh mối nghi ngờ trong lòng. Có một chứng nhân là con bé con, được bốn tuổi, đã có hiểu biết một phần nào. Theo lời nó nói thì : "Chiều hôm đó, bà ngoại ẵm con tới chỗ cha đang nằm, thì không thấy cha đâu, chỉ thấy một con rắn, lớn thật là lớn, lại giống như con rồng, được mô tả trong cuốn sách học của ca ca. Nguyên cha chỉ đóng một cái khố, từ cái khố trở lên là hình rồng từ cái khố trở xuống là thân rắn. Ngoại trông thấy, liền kinh hãi, thét lên một tiếng quăng con xuống đất. Khi con đau đớn, hét lên một tiếng, con vật kia liền biến mất, chỉ thấy cha từ trên giường leo xuống, ẵm con. Lúc đó, mẹ và các anh đều chạy lại. Đến nay, mỗi lần nhìn thấy cha, con vẫn còn sợ hãi, run bần bật".
Xuân Anh nghe lời báo cáo đó, lại nhớ tới mộng triệu, mỗi lần sắp sinh các con. Tất cả những điều nghi ngờ cũ đều trở lại, tạo thành một nghi án. Cô chỉ cảm thấy rằng người chồng thân ái của cô ắt phải là một thần long chuyển kiếp, nó mới có những chứng tích kỳ lạ như vậy. Mà những chứng triệu đó, e rằng vị tất chồng cô đã biết được. Vì thế, anh ta mới không thể giải thích rõ rang. Nhưng chẳng cần anh ấy biết được hay không biết, rốt cuộc đã đều là những chứng triệu tốt, cho thấy anh là người phi thường, mai sau làm nên sự nghiệp lẫy lừng, cũng chưa biết chừng. Nghĩ đến đó, cô cảm thấy vui mừng, an ủi.
Ngày tháng thoi đưa, thấm thoát lại qua nhiều năm, đứa con gái nhỏ của Thành Phu đã được mười một, mười hai tuổi. Thành Phu ít khi rời khỏi nhà, và cũng không thấy bạn bè quí hiển nào của anh ta tới chơi. Tuy nhiên, tình vợ chồng ân ái trước sau vẫn không thay đổi. Xuân Anh cũng chẳng mong mỏi chồng mình cầu danh, cầu lợi, phong hầu, bái tướng. Nhưng cuộc đời thay đổi không chừng, ảo cảnh vô cùng, một tấm lòng ưa yên tĩnh rốt cuộc cũng bị những cảnh tượng quái dị cũ quấy rối. Một hôm, vợ chồng Đức Sơn tới chơi, nói chuyện vãn, gặp đúng lúc Thành Phu vắng nhà. Bà vợ Đức Sơn là Vưu thị tính tình rất thành thật, trung hậu, xưa nay lại rất yêu quí Xuân Anh. Xuân Anh cũng coi cậu mợ như cha mẹ, có những điều không thể nói trước mặt Thành Phu, cô đều đem ra bàn bạc với cậu mợ. Hôm đó, trong lúc vô tình có nhắc tới việc Hồ thị chết rất kỳ lạ, thảm thương, mọi người đều không hiểu chân tướng việc đó ra sao. Xuân Hương đem những lời con bé đã nói, thuật lại rõ ràng, nói :
- Cháu có một vấn đề nan giải, đã lâu muốn thỉnh giáo cậu mợ. Việc này rất quan trọng, không dám tùy tiện nói ra. Hôm nay, nhân nhắc tới chuyện của mẹ cháu, cháu nín nhịn không được, phải đem nỗi lòng chất chứa bấy lâu, bộc bạch hết cùng cậu mợ.
Hai người hỏi chuyện gì quan trọng, mà phải đắn đo như thế. Xuân Anh mới đem những điều nghi ngờ về chồng mình, kể từ những ngày đầu đính hôn, cho tới lúc Thành Phu dọa chết mẹ mình, nói ra tường tận. Nói xong, lại đau đớn, chảy nước mắt, nói tiếp :
- Cháu vẫn biết mẹ cháu chết oan, nhưng thật tình anh ấy cũng không có lòng dạ nào mưu sát mẹ cháu. Vả lại, việc này làm ầm ĩ lên, một nhà tan nát, đám con thơ biết lấy ai nuôi nấng, dạy dỗ ? Một điều nữa là cháu thấy anh ấy có nhiều chứng triệu kỳ lạ, nghĩ rằng anh ấy phải là người anh tuấn kỳ tài. Một tấm lòng ngu si vẫn hy vọng anh sẽ lập nên sự nghiệp lớn lao, làm vẻ vang cho mẹ cháu, khiến lão nhân gia ở dưới suối vàng cũng được nhắm mắt, mà bản thân Thành Phu cũng kể như lấy công chuộc tội. Vì nghĩ vậy mà đối với việc này, cháu đành giữ kín trong lòng, không dám tiết lộ với người nào. Cháu thường nghĩ đến người mẹ đã qua đời nếu ở dưới suối vàng có hiểu biết, chắc cũng không oán hận cháu chỉ biết ủng hộ chồng, mà quên báo thù cho mẹ. Đáng thương cho cháu, từ khi mẹ cháu mất đi, cháu không hiểu Thành Phu suy nghĩ những gì. Mỗi khi nghĩ tới mối thù của mẹ, cháu tự giận thân, sao không đem chuyện anh ấy dọa chết mẹ cháu, tuyên bố cho mọi người cùng biết, dù anh ấy cố ý hay vô tình, có tội hay không tội, cũng phải chịu vương pháp xét đoán. Nhưng cũng vì nghĩ đến mẹ, cháu lại chuyển nghĩ khác, mong anh ấy lập nên sự nghiệp lớn lao, lo cho dân cho nước, lại có thể xin phong cáo cho mẹ cháu, vì đàn con nhỏ lập chút căn cơ, thì chắc rằng mẹ cháu dù đã qua đời, cũng có thể lượng thứ cho anh ấy. Nhưng chuyện đó cứ như mối bòng bong trong đầu óc và tâm khảm cháu, rốt cuộc cũng không sao giải quyết. Nhưng chiếu theo chí hướng và hành vi, thì con người đó chẳng có hy vọng làm nên anh hùng, hào kiệt, chẳng thể làm vinh diệu tổ tông. Mà anh ta không làm nên sự nghiệp, thì tâm nguyện của cháu đối với mẫu thân rốt cuộc chẳng thể hoàn thành. Điều kỳ lạ là con người này, nếu nói chỉ là một nhân vật bình thường, tại sao lại có quá nhiều chứng triệu khác thường, mà đã có chứng triệu khác thường, tại sao đã lâu vẫn chưa thấy biểu hiện điều bất ngờ ? Cháu thủa nhỏ đọc sách, từng biết rằng từ xưa đến nay có biết bao đế vương, danh thần, lúc mới chào đời đều có những chứng triệu khác thường, mà mộng thấy rồng vàng là điềm đại quí, phi phàm. Thưa cậu mợ, chẳng những lúc sinh bốn đứa bé, cháu đều có điềm báo mộng rồng vàng như nhau, mà bản thân Thành Phu cũng hiện nguyên hình, dọa chết mẹ cháu. Những hiện tượng đã có rất nhiều, tại sao đến giờ vẫn chưa thấy tình trạng phát đạt, bay cao ? Đối với v iệc này, cháu cứ ôm lòng hoài nghi cho tới tận hôm nay, thiết nghĩ cậu mợ là người biết nhiều hiểu rộng, nhất định phải biết nguyên do việc này ra sao chứ.
Đức Sơn nghe cháu gái nghị luận dài dòng, chỉ biết được cháu rể quả thật đã có những cử động gì đặc biệt, nhưng anh ta lại không để ý tới chuyện công danh, phú quí. Ông rất sợ bị lôi kéo vào chuyện nhà người khác, nên ngồi ngẩn mặt ra như con gà gỗ, không biết đường nào mà trả lời những điều Xuân Anh xin thỉnh giáo. Vưu thị thấy vậy, mới nói :
- Này cháu gái, cháu là người thông minh, lại đọc sách đã nhiều, còn giỏi hơn nhiều người đàn ông nhà khác, tại sao lại đi hỏi cậu mợ là những người quê mùa dốt nát, không thông hiểu việc đời ? Nhưng mợ có nghe nói : ngoài thành có Đông Hoa đế quân linh ứng khác thường, nhiều người tới cầu phúc được phúc, cầu tài được tài, cầu con được con. Cháu đã có điều hoài nghi trong lòng, lúc này mọi người lại đang nhàn rỗi, không có việc gì làm, tại sao chúng ta không chuẩn bị nhang, nến, cùng tới miếu giãi tỏ lòng mình, cầu đế quân ban cho lá xăm linh thiêng, thì mọi chuyện sẽ sáng tỏ ngay chứ gì ?
Câu nói đó thức tỉnh Xuân Anh, cô vội nói :
- Mợ nói không sai chút nào. Đông Hoa đế quân quả là vị thần tối linh cảm, miếu của ngài lại không xa mấy, chúng ta chọn ngày tốt, sao bằng chọn ngày hôm nay ? Nhân tiện cậu mợ đều có mặt ở đây, cháu xin theo cậu mợ đi liền tức thời. Thành Phu có nói là đi chơi tới chiều tối mới về, lúc này đang là giờ ngọ, chúng ta đi sớm về sớm, anh ấy không biết được việc của chúng ta.
Đức Sơn, Vưu thị nghe vậy, tức thì cao hứng trở lại, kêu gọi gia nhân chuẩn bị kiệu, sắm sửa nhang nến đầy đủ. Ba người cùng ngồi kiệu, ra đi. Vưu thị ngồi kiệu, dẫn theo thằng con trai út của Xuân Anh, Xuân Anh cũng dẫn theo đứa gái út, lại có một toán gia nhân nam và nữ đi theo, thành một đoàn bảy, tám người, cùng ra khỏi thành, kéo tới miếu Đông Hoa đế quân. Tới nơi, ba người xuống kiệu, đám gia nhân dẫn hai đứa bé cho chúng đi chơi, ngắm cảnh.
Xuân Anh nhường cho cậu mợ thắp nhang trước, cô theo sau, tiến lên, thành khẩn quì xuống, dập đầu lạy, cầu xin một lá xăm linh ứng. Hồi lâu, xin được một quẻ, ba người cùng xúm lại coi. Thì ra chỉ là một tờ giấy trắng, không có chữ nào in trên đó. Ba người không hiểu ý ra sao. Xuân Anh mới nói :
- Tại chúng ta không chọn ngày, trai giới, tắm gội, nên thần linh trách chúng ta không thành tâm, mới không chịu ban xăm.
Vưu thị khuyên cháu gái xin một quẻ xăm khác, Xuân Anh nghe lời, lại quì xuống cầu khẩn, khấn vái lâm râm. Hồi lâu, lại xin được một quẻ, nhưng vẫn chỉ là tờ giấy trắng, không chữ. Vưu thị thay mặt cháu, cũng cầu xin một quẻ, nhưng cũng như hai lần trước mà thôi. Vưu thị nói :
- Nhất định ba chúng ta đã có người đắc tội với thần linh, ở lâu trong miếu càng khiến đại đế chán ghét, chi bằng mau trở về nhà thôi.
- Xuân Anh cũng tin tưởng như vậy. Ba người cao hứng ra đi, bây giờ tiu nghỉu trở lại nhà. Xuân Anh vì muốn giải mối ngờ mà ra đi, nay trở về càng nghi ngờ thêm lên.
Tối hôm đó, cô cảm thấy thần trí không yên, cứ nằm trằn trọc suốt đêm, khiến Thành Phu không sao ngủ được. Lúc đầu, anh nghi cô mắc bệnh, hỏi han mấy lần. Xuân Anh sợ chồng nghi ngờ, đành nằm cuộn tròn, không động đậy, Thành Phu mới nhắm mắt ngủ say. Xuân Anh vẫn còn bàng hoàng. Cho đến lúc gà gáy lần thứ ba, hừng Đông ló rạng, cô mới cảm thấy vô cùng mệt mỏi, ngủ thiếp đi.
Trong giấc mơ, cô thấy một người tiên trẻ tuổi, mặc quần áo đạo sĩ, tay cầm phất trần, tự xưng là đồ đệ của Đông Hoa đế quân, tên gọi Chung Li Quyền, nói :
- Vâng pháp chỉ đế quân, ta tới báo cho biết chồng ngươi đắc tội với trời, đã nhiều lần lọt lưới trời. Lần này tội ác của hắn chất đầy, đế quân sai ta tới giết hắn. Vì nghĩ ngươi tính tình trung hậu, bình sinh không phạm tội gì, lấy lầm phải kẻ phỉ đồ, tình cũng đáng thương, nên ta đặc biệt cảnh giới người. Nếu gặp việc gì khác ý hãy mau tránh đi chỗ khác, không được nuôi lòng luyến ái riêng tư, mà nghĩ chuyện làm xằng, tự rước lấy họa. Hôm nay, các người tới miếu xin xăm, đế quân không chịu chỉ bảo, là vì việc này tiết lậu ra, yêu nhân lẽ nào chịu bó tay đợi hành hình ? Vạn nhất hắn có hành động bất ngờ, há chẳng phải điều nguy hiểm đáng sợ hay sao ? Vì thế mới phải đặc biệt giữ bí mật. Người đã hiểu việc này lợi hại ra sao, phải nên cẩn thận, giữ gìn, răn trừng, chớ để hối tiếc về sau.
Nói rồi, bỏ đi liền. Xuân Anh chợt tỉnh dậy, sợ toát mồ hôi. Nhớ lại cảnh trong mộng, dường như vẫn rành rành trước mắt. Qua tình hình việc xin xăm, cô cảm thấy chuyện này lành ít dữ nhiều. Lại nhớ tới tình vợ chồng lâu năm, biết chắc chồng mình là người khá giữ gìn phép tắc, có tội lớn gì đâu mà trời phải trừng phạt ? Nghĩ tới đó, cảm thấy ảo mộng không bằng cớ, chẳng đáng tin lắm. Ngay lúc đó, Thành Phu tỉnh dậy, thấy Xuân Anh vẫn còn ngơ ngác, nhìn bên dưới, dường như có điều suy nghĩ lung. Anh lấy làm lạ, lại sợ cô mắc bệnh gì chăng, mới đẩy nhẹ một cái, dùng lời ôn tồn an ủi, hỏi thăm cô có cảm xúc gì mà đột nhiên có vẻ thất thường như thế ? Xuân Anh được vỗ về , cảm thấy chồng yêu thương mình rất sâu đậm, đối xử tử tế, bất giác vất bỏ tất cả những lời người tiên đã ân cần dặn dò trong giấc mộng ra khỏi đầu óc, tự nghĩ mình đã đem thân làm vợ người ta, cùng chồng, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu, giấu ai khác thì giấu, chứ giấu chồng là không được. Vì thế cô đem hết những điều đã nghe và thấy trong mộng, nhất nhất kể lại cho Thành Phu nghe. Đưa hai tay ôm ngang lưng Thành Phu, cô cất giọng tỉ tê :
- Ca ca hãy nghĩ giùm em, cơn ác mộng này có đáng kinh hãi hay không ?
Hỏi đi hỏi lại mấy lần, Thành Phu vẫn không nói tiếng nào, cô lấy làm lạ, ghé nhìn tận mặt anh ta, bỗng thấy Thành Phu mặt lạnh như băng, hai mắt mở trừng trừng, ngó đăm đăm ra ngoài màn.