Liễu Địch lại đứng trước cánh cửa văn phòng đó.
Vừa qua mười hai giờ trưa, cả tòa nhà vắng vẻ tĩnh mịch, chỉ có tiếng ve sầu kêu râm ran không biết mệt mỏi trên cây cối bên ngoài sân trường. Liễu Địch lau mồ hôi trên trán, điều hòa hơi thở dồn dập do chạy một mạch tới đây. Cô giơ tay, gõ nhẹ lên cánh cửa hai tiếng.
“Mời vào.” Bên trong vọng ra thanh âm trầm thấp, tuy lịch sự nhưng không kém phần lạnh nhạt. Liễu Địch đẩy cửa đi vào phòng.
Đây là một văn phòng làm việc đơn giản như không thể đơn giản hơn. Trong phòng chỉ có một cái bàn làm việc, hai chiếc ghế đặt đối diện nhau. Trên bàn có một bình giữ nhiệt vỏ ngoài bằng sắt, hai tách trà sứ màu trắng, một cặp da đen, một lọ mực đỏ cắm chiếc bút mực. Ngoài ra, trên bàn còn có đống vở bài tập xếp ngay ngắn.
Trên chiếc ghế tựa vào cửa sổ có một người đàn ông đang ngồi. Anh mặc bộ đồ đơn giản, áo sơ mi trắng, quần đen, vừa gọn gàng sạch sẽ vừa cứng nhắc, giống hệt văn phòng của anh.
Thần sắc người đàn ông nhợt nhạt, vậy mà trên gương mặt đó còn đeo một cặp kính đen cỡ lớn, tựa hồ một chiếc đầu lâu được khảm hai hốc mắt đen sì, mang lại cảm giác u ám đáng sợ.
Một điều kỳ lạ là người đàn ông ngồi ngược ánh sáng, khiến gương mặt anh càng trở nên tăm tối. Anh giống một xác chết biết đi, khiến người đối diện có cảm giác lạnh lẽo và rờn rợn. Căn phòng này cũng trầm lặng giống như chủ nhân của nó. Thứ có sinh khí duy nhất là chậu hoa nhài trên thành cửa sổ. Lúc này, nó đã nở không ít nụ hoa trắng muốt, theo làn gió nhè nhẹ, tỏa hương thơm thấm vào lòng người.
Thầy giáo chỉ tay vào chiếc ghế đối diện. Liễu Địch liền đi đến ngồi xuống. Cô lấy quyển vở đầu tiên trong đống vở bài tập ở trên bàn một cách thành thạo. Sau đó cô hắng giọng, bắt đầu đọc to:
“
“Dừng.” Thầy giáo quả quyết ngắt lời Liễu Địch: “Đổi chữ ‘lại’ thành chữ ‘càng’”. Liễu Địch cầm bút sửa lại, cô đã có thói quen phục tùng thầy giáo từ lâu. Thầy giáo có sự nhạy cảm đến mức cực đoan đối với chữ nghĩa. Điều này khiến Liễu Địch hết sức tâm phục khẩu phục.
Sửa xong, Liễu Địch lại đọc tiếp…
Sau khi đọc xong bài văn, thầy giáo trầm tư một lát rồi lên tiếng: “Em hãy viết nhận xét: Nếu câu từ không chuẩn xác, không trang nhã, chẳng khác nào quần chưa kéo khóa đã lên sân khấu biểu diễn.”
Liễu Địch đỏ mặt, nhưng cô vẫn viết câu đó. Cô biết rõ phong cách phê bình của người thầy giáo trước mặt, chỉ một hai câu ngắn gọn, nhưng như một con dao sắc nhọn, cắm sâu vào chỗ hiểm một cách quả quyết và chuẩn xác, khiến bạn rất đau đớn, đồng thời có tác dụng giúp bạn tìm kiếm điều gì đó trong nỗi đau.
Liễu Địch vẫn còn nhớ cảnh tượng lần đầu tiên thầy giáo nhận xét bài văn của cả lớp. Lúc phát vở bài tập, gần như toàn bộ học sinh trong lớp bị đả kích nặng nề bởi những lời nhận xét chỉ có khuyết điểm, không có ưu điểm của thầy. Có người òa khóc ngay tại chỗ, có người chửi ầm lên. Thầy giáo chỉ yên lặng đứng trên bục giảng, coi như tai điếc. Kể từ giây phút đó, mỗi lần làm văn, các bạn học đều hết sức cẩn thận, dè dặt trong việc chọn đề tài và cấu tứ. Bọn họ cũng thận trọng đặt câu, chỉ sợ lại bị thầy nhận xét cay nghiệt. Vậy mà cả lớp vẫn bị phê bình, mức độ phê bình ngày càng nâng cấp. Trong sự đả kích hết lần này đến lần khác đó, các bạn học dần dần phát hiện, trình độ làm văn của mình đang tiến bộ nhanh chóng.
Liễu Địch là học sinh duy nhất chưa từng bị thầy phê bình. Bài văn của cô cũng không có nhận xét, mà chỉ có số điểm, điểm cao nhất lớp. Mặc dù lúc chấm điểm, thầy không bao giờ hỏi tác giả của bài văn, Liễu Địch cũng không bao giờ tiết lộ tên cô, nhưng khi bình giảng văn học, thầy luôn nói: “Liễu Địch, em hãy đọc bài văn của em cho cả lớp nghe.”
Viết xong, Liễu Địch lại cầm quyển vở thứ hai…
Lúc này bên ngoài cửa sổ, tiếng huyên náo dần thay thế tiếng ve kêu. Phê xong quyển bài tập thứ mười, Liễu Địch nhìn đồng hồ đeo tay, một giờ hai mươi lăm phút. Thế là cô đứng dậy, cất giọng nhẹ nhàng: “Thầy Chương, sắp đến giờ lên lớp rồi.”
Thầy Chương cũng chầm chậm đứng lên. Liễu Địch đi đến đỡ thầy, hai thầy trò cùng rời khỏi văn phòng.
Ngôi trường cấp ba trọng điểm hàng đầu của tỉnh này có hai tòa nhà dạy học. Lớp 11 (1) của Liễu Địch nằm ở tầng hai dãy phía Nam, trong khi văn phòng của thầy Chương nằm ở tầng bốn dãy phía Bắc. Hai thầy trò phải leo cầu thang khá cao, đi qua sân thể dục khá lớn. Tòa nhà phía Bắc cũ kỹ, cầu thang lên xuống tàn tạ. Liễu Địch vừa cẩn thận tìm nơi đặt chân, vừa đề phòng đám nam sinh chạy hùng hục. Mặc dù vậy, cô vẫn bị một nam sinh cao lớn đang chạy lên gác va vào vai. Liễu Địch vội vàng lắc đầu, ra hiệu cậu nam sinh im lặng. Sau đó, cô tiếp tục đi về phía trước như không có chuyện xảy ra. Tuy bờ vai tương đối đau, nhưng cô vẫn không buông tay khỏi thầy Chương.
Giữa sân thể dục, một đám nam sinh lớp 12 đang đá bóng. Liễu Địch chau mày quan sát. Lần nào cô cũng sợ nhất đi qua nơi này, sợ “đạn pháo” hai màu trắng đen bay đi bay lại đập trúng bản thân, đồng thời sợ những “cỗ xe tăng” đâm phải thầy Chương. Cũng như mọi hôm, cô rảo bước thật nhanh theo bản năng. May mà không xảy ra sự cố, hai thầy trò đi khỏi “khu vực nguy hiểm” an toàn.
Đến khu vực tòa nhà phía Nam, không khí đỡ hơn hẳn. Tòa nhà phía Nam là dãy phòng học mới xây dựng chưa tới hai năm. Các phòng học rộng rãi sáng sủa, có khí thế của một trường cao đẳng. Lúc này, Liễu Địch mới thở phào nhẹ nhõm. Cô đỡ thầy Chương đi vào lớp, tới bục giảng. Sau đó, cô mới quay về chỗ ngồi của mình.
Liễu Địch khát khô cổ họng, bụng đau nhâm nhẩm do ăn cơm trưa quá vội vàng. Cô vuốt bụng theo thói quen, lặng lẽ rút quyển sách ngữ văn. Tiếng chuông báo hiệu giờ lên lớp reo vang, thầy Chương cất giọng trầm trầm: “Chúng ta bắt đầu vào học.”
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !