Bốn mùa, Trời và Đất Tản văn 6


Tản văn 6
THÁNG SÁU

Mấy tuần nay tôi lẳng lặng đi chơi.                                    

Độ này tôi không thích đi xa nữa. Chỉ hướng nội mà thôi. Mấy năm trước, nếu thả trí tưởng tượng, ít nhất cũng phải Bombay hay Trung Hoa là mục tiêu gần mà vừa ngáp dài tôi vừa nghĩ tới, trước mắt tôi lửng lơ là San Francisco. Nhưng đến nay tôi chỉ muốn du hành chầm chậm, rất chậm. Việc con tàu chuyển dịch không quan trọng. Điều quan trọng là tôi xê dịch. Cái đó khó hơn nhiều.

Theo Goethe thì việc tới đích cũng không quan trọng. Du hành mới là quan trọng. Chỉ có những chuyến đi là quan trọng, lửng lơ giữa hai trạng thái, giữa nơi cư ngụ và chốn xa xăm, giữa đầm ấm tin cậy và hiểm họa. Tháng Sáu tôi luôn tái khởi hành, thận trọng và cân nhắc, với sự chu đáo của thuyền trưởng Scott(*)_, và với sự nghi ngại, như một người mới ốm dậy tập đi. Đôi khi tôi chỉ khoác áo mỏng, chống gậy, xách cặp dạo qua con phố gần nhà. Tôi thức giấc trong một căn phòng lạ, và thích thú nhìn sự thay đổi như một cuộc phiêu lưu kỳ thú, với đôi mắt hấp háy, xúc động. Một chiếc tủ lạ có thể đặc biệt như Bagdad_(1). Thế giới ở trong ta. Đôi khi phải đi về phía ấy.

Tháng này là lúc căn hộ ta ở xuất phát như một con tàu rời bến, cùng với cuộc sống của ta, nó đi về những vùng đất hiền hòa hơn, ấm áp hơn. Đêm qua trời còn mưa, tháng Năm, ở đâu đó trong thành phố Trieste_(2) của riêng ta, nhưng sáng ra ta bỗng nhận thấy đời ta đã tới một bến cảng mới. Lúc tảng sáng lên bờ, dụi mắt thấy ta đã đến một thành phố lạ, phụ nữ và đàn ông ăn mặc khác, trên đường phố cuộc sống cũng khác, mang vẻ Á Đông, và một mảnh trăng bạc lạ lùng treo trên nền trời. Những sáng tháng Sáu, khi thành phố còn phập phồng trong làn hơi nóng đầu mùa, từ trên cầu Xích tôi nhìn xuống dòng Duna qua cửa xe ngựa kéo, nó có vẻ hoang sơ hơn ngày hôm qua, đầy hơn và dữ dội hơn. Hôm qua tôi nghĩ nó chảy về phía Gôd(3)_, nhưng hôm nay tôi chợt nghĩ nó chảy về phía biển. Trên hai bờ sông những người phụ nữ mặc áo hoa, mắt lóng lánh sáng, tay cầm vợt bóng và đeo túi vải nhựa màu đỏ đem đồ lót đi về phía dòng sông. Những gã đồng bóng đã đội mũ cói. Cái nóng buổi trưa nhắc cho ta biết ta đang đi về phía Đông, về phía những đàn cá sấu, những người Thổ Nhĩ Kỳ bán mật, những cuộc tình mùa hạ và khả năng nổ ra chiến tranh. Tôi đổi tiền, từ từ dạo bước trên bờ, trên bờ một châu lục xa lạ, bờ tháng Sáu.

Căn hộ tràn ngập hoa từ khi nào không rõ. Những ngày thường bỗng như hóa lễ hội, gắn những vòng hoa lên trán, tất cả hơi mỡ màng, phồn thực trong mấy tuần này. Ở phòng ngoài hoa cũng đua nhau nở, trong lọ ngâm hoa quả, trên nóc tủ đâu cũng thấy những chùm hoa, hơi giống như nhà thường xuyên có đám hỷ, đầy tiếng reo vui, khói xì gà và những nụ hôn trên má họ hàng. Tôi ngất ngây trong độ chín mỡ màng, trong cảm giác thân xác không hẳn ngây thơ và vô tư này, trong sự phồn thực ấm áp, bung mở, khơi gợi của tháng Sáu này. Ngoài ban công các nhà nghỉ đâu đâu cũng thấy những thiếu phụ lấm láp, hơi mập, ngả mình trên những ghế xích đu, mặt mũi ửng đỏ sau giấc ngủ ngang chiều, và chưa tỉnh hẳn giấc nồng các nàng uể oải ngoái nhìn qua những lùm cây về phía cổng. Chắc hẳn họ đang chờ một người nào đó. Có tiếng sỏi lạo xạo trên con đường xuyên qua vườn. Mùa hè đã về, họ nghĩ và lim dim mắt ngái ngủ đưa tay lên che miệng ngáp. Các nàng nghĩ gì vào lúc này? Các đấng ông chồng, những gã tình nhân, hãy coi chừng! Đang là tháng Sáu. Có kẻ đi qua khu vườn.

Câu hỏi

Tôi đi dưới những cây cọ trên bờ biển, và phía sau một đứa bé hỏi mẹ bằng một câu tiếng Hung. Vì sao lần nào nghe tiếng con trẻ nói tiếng Hung ở nơi đất khách, tôi cũng bị xâm chiếm bởi một nỗi buồn không cưỡng, phải vội vàng rẽ vào một phố vắng để lau nước mắt và tránh không để những người xa lạ nhìn thấy.

Những chi tiết

Tôi nằm phơi nắng và ngắm biển. Một cô gái trẻ đang tắm biển, có bóng hòn đảo và ngọn núi in hình trên mặt nước. Thân hình cô gái, ngọn núi và biển cả bỗng tách rời nhau, tồn tại riêng rẽ trong một khoảnh khắc, hệt như thiên nhiên tan ra từng chi tiết, từng từ ngữ cấu thành giản đơn của một công thức cổ xưa. Tôi đánh vần những từ ngữ ấy, trong tâm trạng lâng lâng như say nắng, như người đầu tiên ghép vần thế giới.

Rồi có ai đó cất tiếng, và tất cả lại trở thành một bức tranh phong cảnh.

Một khách sạn cũ

Ban đêm tôi đến một khách sạn hẻo lánh, năm chục năm trước chắc nó thuộc loại tân kỳ. Cha tôi còn tự hào khi đến ở đây. Tôi thì đã ái ngại và có chút thông cảm bỏ quá cho nó.

Nhưng cái khách sạn không chịu bỏ cuộc. Nó chống lại thời gian, chống lại sự hư hại, như một người mẫu về già, cố bôi son trát phấn hòng che giấu những nếp nhăn trên mặt, trên mí mắt, và choàng những chiếc khăn mẫu hoa văn trẻ trung để che lấp những đường nét già nua của mình. Nó có tất cả những thứ mà một khách sạn hiện đại cần có: nước nóng chảy ra từ các vòi, giữa các tầng có thang máy, nhưng cót két như chiếc cầu rút trước cổng một tòa thành cổ. Cái khách sạn cũ được tân trang lại giống như một lâu đài quay trong cổ tích.

Tôi ra vẻ châm chước với nó, vì thương hại. Khi vào phòng tôi khẽ bảo: thế này là khá rồi. Tôi đi lại trong các căn phòng cũ kỹ của nó, như thể những đồ gỗ này, những bức tranh màu trên cửa kính, những cây cọ xấu số trong góc phòng khách, với những vị khách hơi bất mãn đành tới đây vì không đủ tiền đến chỗ sang hơn, những quý ông người Scotland, những phụ nữ thử vận may, nguy hiểm và đỏng đảnh, mặc đồ lễ hội và cài đồ trang điểm tóc ngay từ sáng sớm.

Nhưng đêm đến, khi gió lạnh vùng Andriatic tràn về, từng ngóc ngách ngôi nhà bỗng rung lên bần bật, tôi biết mình đang chìm dần. Trên ban công gió giằng xé tấm rèm cửa rách nát như cánh buồm tơi tả trên một con thuyền. Cả khách sạn bơi trên biển, về phía định mệnh.

Ông lão coi thang máy đã ngoài bảy mươi, để ria vểnh hình chữ V. Lão đã có mặt trong đám đông khi vua Umberto(*)_ bị sát hại.

Chúng tôi dềnh lên từ từ, giữa những tầng gác và hồi ức, về phía tầng ba và một đỉnh cao lịch sử nào đó.

Láng giềng

Có những người khách mới đến phòng liền kề trong khách sạn. Tôi chưa thấy họ, chỉ lắng nghe tiếng động. Họ đang dỡ đồ, nghe giọng đàn ông trầm đục, tiếng đáp của thiếu phụ, họ nói thứ tiếng lạ, có lẽ là tiếng Ba Lan hay Hà Lan. Rồi họ tắt điện, có tiếng rơi của một chiếc giày hay một cuốn sách. Tiếng ho khan của người đàn ông. Khoảng nửa đêm ông ta châm thuốc hút, nghe rõ tiếng xoẹt diêm.

Bắt đầu như thế. Vài hôm sau tôi nghe tiếng họ cãi nhau, tiếng thở dài, tiếng ho hay tiếng kêu hoảng hốt trong cơn mơ. Chúng tôi quen nhau như thế, bằng những tiếng động bình thường hay bí ẩn. Chúng tôi chỉ cách nhau một bức tường ngăn kiểu Rabitz, và cách nhau sự bí ẩn của con người. Chúng tôi sống trong sự tin cậy như những người cùng trong một gia đình, và cũng xa lạ như những người da đen với người Trung Hoa. Chúng tôi cùng sống trong một cái hộp của thế giới, tôi đã nghe tiếng cười hân hoan của thiếu phụ và tiếng chửi tục của người đàn ông. Chúng tôi đã hơi quen nhau. Một điều gì đó đã bắt đầu giữa chúng tôi, một hình thức khó hiểu của sự gần gũi và dửng dưng, nó kín đáo e dè hơn, nhưng đồng thời cũng tin cậy hơn tất cả những mối quan hệ chính thức có thể tưởng tượng nổi của con người. Buổi sáng và tối người đàn ông thường súc miệng rất kỹ. Một hôm nghe thiếu phụ bảo: “Eigentlich Schweinerei.(1)” Rồi họ im lặng.

Vì thế tôi cũng im lặng. Thỉnh thoảng tôi hắng giọng. Thỉnh thoảng họ cũng húng hắng ho. Trong thế giới rộng lớn này, trong sự hỗn độn của các khả năng, những tiếng đằng hắng của chúng tôi lẫn vào nhau, và từ cái ban công gần như dùng chung, đôi khi chúng tôi cùng ngắm một vì sao giống nhau. Ánh mắt chúng tôi gặp nhau trên quầng sáng của sao Thổ. Giữa chúng tôi có bí ẩn, của vạn vật, của cá nhân, những điều bí ẩn của con người.

Rồi sau một bữa tối, chúng tôi làm quen nhau, hóa ra ông là một bác sĩ nha khoa người Brün.

Lajos

Sáu giờ tối ở ga Velence, một giọng lạ reo lên như hát: “Lajos, Lajos!” Tôi nhìn xuống qua cửa kính toa xe, và trong đám đông phía dưới tôi thấy một toán người lùn. Tôi đếm được họ có 28 người. Đi đầu là anh chàng nhỏ nhất, dáng vẻ trang nghiêm, một anh chàng Hüvelyk Matyi(*)_. Giữa những người lùn cũng có thứ bậc. Người nhỏ bé nhất là người sang nhất. Anh ta là Lajos.

Tôi cúi xuống thật thấp, chìa tay ra vui vẻ chào: “Lajos.” Anh chàng lùn ngước lên, nét mặt đầy nếp nhăn mỉm cười. Chúng tôi đứng, trong buổi tối mùa hè nóng nực, hai người Hung, một chàng lùn với một nhà văn cao một mét tám mươi ba, và đầy những mặc cảm nhỏ bé.

Lajos, chàng lùn, không hề có mặc cảm thấp kém. Một người lùn rạng rỡ, kiêu hãnh, một con người nhỏ bé mạnh mẽ. Trên vòng bụng thon lẳn của chàng lủng lẳng một dây đồng hồ vàng. Chúng tôi siết chặt tay nhau. Họ đi Bucarest, đã ký hợp đồng biểu diễn tạp kỹ. Họ có tất cả 28 người, người lùn Ý, Đức, Hung, cả đàn bà và đàn ông. Lajos nói bằng thứ phương ngữ Hung, và những người lùn tứ xứ kiên nhẫn lắng nghe cuộc trò chuyện của chúng tôi. “Anh từ đâu tới?” - tôi thân mật hỏi nhỏ. “Từ Lajosmizse”(1)_ - anh ta đáp.

Giữa chúng tôi có sự đồng cảm mà những người ngoài không hiểu. Chàng lùn nhỏ bé kia ơi, tôi có họ hàng với anh. Dẫu anh là người lùn bé nhỏ, tôi vẫn chấp nhận, vì anh là người Lajosmizse. Anh lang thang trên thế giới và bán hình dáng nhỏ bé của mình, nhưng khi anh nhắm mắt trên đất lạ sau buổi diễn anh vẫn mơ về Lajosmizse. Đưa tay anh đây, xin tạm biệt. Hãy siết chặt tay như thế. Tôi muốn trao anh một thứ gì đó trước khi anh lên đường đi lưu diễn xiếc người lùn trên trên đất khách. Tôi nhìn vào mắt anh và nghĩ: “Dẫu sao, dẫu sao, chúng ta là những con người”.

Và chúng tôi chia tay, trên ga Trieste, giữa những người lùn và những người to lớn xa lạ, như hai kẻ đồng lõa và âm mưu, vừa thề bồi một điều gì đó.

Volpone

Dưới dạng ban đầu, trong những vở kịch của Ben Jonson(*)_, khi chưa bị các bậc thầy hiện đại cắt xén và sửa chữa, kết thúc vở kịch cuối cùng vị thẩm phán bao giờ cũng buộc cả bọn đi lao động khổ sai: Volpone và Mosca, Corbaccio và Corvino_(1), nàng tiểu thư đức hạnh, cô gái làng chơi nhí nhảnh... cả một xã hội, từ phẩm tiết cùng những tội lỗi của nó, vì không đáng chọn lựa. Cái bản án hào phóng ấy không luận đạo đức. “Một xã hội như thế đã quá đủ!” - viên thẩm phán thời đó nghĩ. Và người xem thời đó cũng cảm thấy đã chán ngấy một xã hội như thế.

Một bản án chung như thế, một sự thể hiện cẩu thả của thi nhân, với cảm giác về thứ luật pháp ngạo mạn và cao cấp hơn của mình, chúng ta đã không thể chịu nổi nữa. Những lúc như thế ta cảm thấy công lý là một cái gì đó khủng khiếp, độc đoán và không giới hạn. Chúng ta chỉ còn tin vào luật pháp. Ben Jonson thì vẫn tin vào chân lý.

Nụ cười

Maupassant đã ở suốt đêm bên giường bệnh khi Schopenhauer(*)_ qua đời, khi tỉnh dậy ông thấy trên gương mặt người quá cố một nụ cười. Đúng, cuối cùng thì con người đã hiểu một điều gì đó, và trở nên hiền lành.

Morphine

Trong ba ống thủy tinh tôi đựng chín phân khối morphine. Thỉnh thoảng tôi mở ngăn kéo, nhìn những lọ thủy tinh nhỏ, thấy yên tâm như một gã hà tiện tích góp một báu vật nào đó. Thứ báu vật đó là cái chết, một cái chết ngọt ngào, mơ màng, không ai có thể cướp đi của tôi được. Rồi mấy năm đã qua đi, tôi không nghĩ tới những lọ thủy tinh nhỏ ấy nữa.

Nhưng thỉnh thoảng tôi lại cầm những ống thủy tinh nhỏ xinh ấy lên tay, và cảm thấy phấn chấn. Cái chết không thể là điều gì to tát, cũng không thể khủng khiếp. Nó không màu, không vị, không chiều kích, không tính cách. Tất cả mọi ngôn từ trần thế đều mô tả nó thiếu hoàn hảo. Tất cả những gì chúng ta có thể nói đều là định nghĩa, nhưng cái chết là mặt trái của định nghĩa. Tôi nâng những ống thủy tinh nhỏ hướng về phía ánh sáng, rồi nhún vai và tiếp tục sống.

Bữa sáng

Sau một đêm, tấm mền bóng tối đã đồng lõa che kín thân thể cả hai, họ gặp nhau trên ban công ăn sáng của khách sạn. Người phụ nữ phết mật lên chiếc bánh mì nhỏ đã tách đôi, người đàn ông ăn hoa quả và nhìn chiếc đĩa.

Tôi đã nhìn thấy họ vào ban đêm, sau bữa tối, khi họ biến vào bóng đêm, và tôi thấy họ bây giờ, khi họ lại xuất hiện vào ban ngày, đã tắm gội xong còn đẫm mùi nước hoa, trong bộ đồ thể thao. Trong bữa sáng chàng tỏ ra quá lịch sự, nàng nghiêm cẩn như trong một nghi lễ.

Họ đã bước qua điều kỳ diệu, điều kỳ diệu của sự làm quen lớn và duy nhất trong đêm qua. Những gì tiếp theo đây chỉ là theo quy luật: họ sẽ quan hệ với nhau, hoặc sẽ thành hôn, sẽ hạnh phúc, hay sẽ làm khổ nhau. Chẳng ai quan tâm đến những điều đó, chỉ có họ hàng, cũng có thể - sau này - là thẩm phán. Nhưng trong bữa sáng nay họ còn đang ngồi kia, như một nghi lễ, như thể đâu đó ngân nga tiếng dương cầm, hay gió mùa hạ đang thổi tung bay những lá cờ, và tất cả diễn ra là vì họ, và để chào mừng một Đức Chúa lang thang. Nhưng nàng còn chưa biết chàng uống trà với mấy thìa đường. Họ mới chỉ quen biết phần xác thịt của nhau. Vì thế chàng và nàng bỗng cúi đầu, lúng túng mỉm cười và thẹn thùng.

London

Nghĩ đến London, là ký ức của tôi về cái mùi lấn át tất cả, ập đến tôi trên một con phố nhỏ phía sau Whitechapel(1)_, với sức vóc và cơn giận dữ của một gã say rượu đứng đường: đó là mùi của một cửa hiệu bán thức ăn mèo phía sau chợ súc vật, trong đó người ta bán gan, lòng cho những chú miêu London.

Mưa giông

Có lẽ vì điều này mà đáng sống: đứng giữa mưa giông, đầu trần, tóc xõa, chờ chớp giật và sấm động, nhìn gầm trời tối sầm vần vũ mây đen, biết rằng Ai Đó nắm trong tay số phận của ta, kể cả khi ta ở ngoài biển khơi, khi trên những cánh buồm vang lên tiếng chuông của Tử Thần... Phải chết đẹp, thật sự. Hãy cứ xối xả đi, định mệnh, mưa giông!

Sự e thẹn

Đó là một phụ nữ e thẹn, nàng nói:

- Ông ta mổ cho tôi, rồi chúng tôi có quan hệ với nhau. Một lần tôi bỗng thấy xấu hổ. Trước một nhà giải phẫu, người tìm bới trong nội tạng ta, thì đó là sự trần trụi khác. Giống như ông ta có mối quan hệ với gan, với mật của ta. Ông ấy khen bàn tay tôi, nhưng có một lần ông nắn vuốt cả kết tràng tôi. Tôi không thích như vậy. Vì thế mà tôi chia tay ông ta nhanh thế. Tôi không thích quá trần trụi. Một phụ nữ bao giờ cũng nên giữ một tấm voan che: bộ lót, hay ít nhất một epidermis(1)_. Những gì bên dưới nó thuộc về riêng tư.

Những Chủ nhật Paris

Đôi khi sự u buồn ẩm ướt, băng giá của những chiều Chủ nhật Paris trở lại đeo bám tôi. Đó là những kỷ niệm dữ, có mùi một chiếc giường ẩm lạnh lẽo mà trên đó ta không sao chợp mắt nổi. Những quán rượu, nơi hội nghiện ngập đánh bài; những quán cà phê Paris, với không khí chua nồng và bất hảo của chúng; những giờ đi đi lại lại trong cái thành phố rộng lớn ấy, từ Montmartre tới Monpartnasse hay ngoài ngoại ô thành phố, nơi đâu đâu cũng khai mùi nước tiểu; những tiệm cà phê trên các đại lộ, với những cô gái đứng đường, những gã ma cô Pháp lang thang, những nhà tư sản lang thang, khó phân biệt họ một cách chính xác; những tờ báo ra buổi chiều với những tin thể thao vớ vẩn, những bài viết khờ khạo của các tay bộ trưởng và các bức ảnh Đài tưởng niệm Anh hùng vừa khánh thành; những ánh sáng lạnh trên mặt tiền các ngôi nhà ven đại lộ Champs-Élysées(2); những lão quản gia mặc quần có dây treo trên thảm cỏ Bois, bế trẻ nhỏ, tay cầm chai rượu vang, chân không giày, mùi thối chân làm ô nhiễm cả thảm cỏ; những cuộc đua ngựa, khi người xem nuốt bụi và chen nhau xô tới xe khách khi chặng đua cuối cùng kết thúc; sự trần trụi và buồn tẻ ấy, sự văn minh lạnh lùng ấy, nỗi vô vọng ẩm ướt và nhớp nhúa lạnh lẽo, u ám ấy - trong tất cả có một thứ gì đó của những Chủ nhật trong các nhà tù, các trại cải tạo và các nhà thương. Chủ nhật ở London trống vắng hơn, nhưng ấm cúng hơn, tình cảm hơn. Chủ nhật Paris nghiệt ngã và đáng sợ. Ở thành phố này chỉ có thể làm việc và hưởng thụ. Người ta không biết cách nghỉ ngơi.

Sẵn sàng

Phải viết mỗi dòng bằng sự cẩn trọng như thể sau đó cái chết sẽ đánh dấu chấm hết cho câu văn và cho cuộc đời nhà văn. Phải viết như định mệnh, không thể sửa đổi. Phải viết như người đã hết thời gian sửa chữa một dấu chấm, một thuộc từ và tính cách. Chúng ta chỉ sống một lần ư? Chưa hẳn. Nhưng ta chỉ viết một lần. Điều đó là chắc chắn.

Tử vi

Tôi không nghĩ là nếu được cầm tinh con Dê thì những điều không thể chịu đựng nổi khi phải cầm tinh con Cừu và Bọ Cạp có thể thay đổi đáng kể. Dưới tất cả Tinh và Mạng, trên Trái Đất này vẫn sinh tồn một điều gì đó khó hiểu và khó tin, nhưng đồng thời, bất chấp Tinh và Mạng, nó vẫn độc lập một cách rực rỡ với Hệ Thiên Hà. Điều đó chính là số phận của bạn và của tôi. Chúng ta làm nên số phận. Tôi tin chắc chắn vào điều đó.

Goethe, mùa hè

Goethe thù ghét hai trường phái: dân chủ và chủ nghĩa dân tộc giả dối, quá khích. Vào ngày hè nắng nóng này, khi trên khắp thế giới chủ nghĩa dân tộc đang lóe lên như một thanh gươm tuốt trần, và đây đó trên thế giới sự căm ghét dân chủ đang bùng phát, chẳng khác những giáo chủ Tây Ban Nha thời vua Phillip căm thù những người dị giáo, tôi nghĩ nếu còn sống không hiểu Goethe đang làm gì? Có lẽ vẫn những việc như thế: ông xếp những bức vẽ Anh, viết bốn-năm dòng vào phần hai của Faust, đàm đạo với Thủ tướng Müller hay với Eckermann(*)_, trả lời những lá thư nhiệt huyết của các nhà thơ trẻ một cách ngờ vực và lạnh lùng, viết lá thư căng thẳng cho nhà xuất bản về vụ thanh toán tác phẩm Hermann và Dorothea. Ông không thể làm khác. Vì thế ông là Goethe.

Những kỷ niệm hiền lành

Khi chúng ta còn là những kẻ buôn lậu trong thành phố Dalmatian thì điều đó cũng không đến nỗi tồi, một trăm năm mươi năm trước, và suốt ngày chúng ta lang thang vô công rồi nghề trên đê chắn sóng ngoài cảng, rình rập những cánh buồm màu gỉ sắt, vẫy gọi dân chứa chấp đồ ăn cắp - bọn bán rượu trắng và rượu vang ngọt Hy Lạp trong những tửu quán - bằng những tín hiệu riêng, và đêm đêm mài dao, trộn bột vàng với thuốc súng trong túi đựng thuốc lá, trong khi các ả nhân tình của chúng ta lả lơi với bọn cảnh sát trong quán bia hơi dưới cảng, và thỉnh thoảng khi trời mưa, vết đạn găm vào mông ta giữa eo biển Dardanelles_(1) vẫn còn đau, khi chúng ta đánh cắp cần sa và lụa Trung Hoa từ Hy Lạp vào ban đêm - chúng ta đã sống thế đấy, cậu em ạ! Cứ học đi!

Người Mehico

Thỉnh thoảng tôi phải nghĩ tới một người Mehico buôn bán nhà đất, khi đọc trên báo thấy từ “người Hungary” hay “Budapest” - và trong một tích tắc anh ta nhìn lên không trung, thấy một cái gì đó, một người hay một khung cảnh, hoặc hồi ức về một bức ảnh, đối với anh ta nó đồng nhất với khái niệm người Hungary và Budapest. Cái hình ảnh tưởng tượng mờ nhạt và lộn xộn ấy cũng là chúng ta. Anh ta nhìn tôi cũng đúng như tôi thấy anh ta, trong tiệm cà phê bên Buda, khi trên một tờ báo buổi chiều tôi đọc thấy chữ “Mehico”. Chúng tôi chẳng biết gì về nhau. Tôi biết về Alexandros Đại đế(*)_ còn nhiều hơn về người Mehico đương thời kia. Chúng tôi không chỉ sống xa cách nhau trong không gian và thời gian mà còn cả trong sự vô ý thức.

Bể tắm

Phía sau sự lõa thể được chính thức hóa, sau những thân thể trần truồng ngâm trong nước và ánh sáng lấp ló một sự lõa thể khác, không có mục đích là “sức khỏe”, cũng không phải là “văn hóa thân thể”, càng không có mục đích gợi cảm giác; tóm lại nó không có mục đích gì. Sự lõa thể này thuộc về Thiên đàng, nó chỉ thoáng lóe lên khi thấy những cơ thể trần trụi. Tội lỗi - giờ thì tôi đã nhớ ra - không bắt đầu từ sự lõa thể, mà từ trang phục.

Céline_(*) 

Louis Ferdinánd Céline là thiên tài của rác rưởi. Trên văn đàn thế giới không có một nhà văn nào, ngoài ông, nhúng mũi vào tất cả những gì thối tha không thể chịu nổi trong cuộc sống, với sự hiểu biết chuyên môn và niềm đam mê vô hạn, một cách cơ bản và không khoan nhượng như ông. Céline là bậc kì tài của những gì ô uế. Tôi thán phục những tác phẩm của ông, nhưng sách của ông - do nội dung của chúng, vì lý do vệ sinh - tôi không để trong phòng mình.

Bártfa_(1)

Cuối chiến tranh chúng tôi đi nghỉ hè ở Bártfa. Chúng tôi thuê một ngôi nhà nhỏ tên là “Biệt thự Xanh”, nơi trước đó không lâu quân chiếm đóng Nga hạ trại, những chàng lính Nga tốt bụng trong khi vội vã đã mở nắp dương cầm và bĩnh bậy vào hộp dây. Chỉ tới khi chơi đàn chúng tôi mới biết điều đó, vì tiếng đàn nghe cụt ngủn. Cả vụ hè chúng tôi loay hoay cọ rửa những gì lính Nga để lại. Quân chiếm đóng đã rút khỏi vùng này từ mấy năm trước, nhưng một sự bẩn thỉu nào đó vẫn còn lại dai dẳng, không chỉ trong đàn dương cầm, trong các ngăn tủ của “Biệt thự Xanh”, mà cả ngoài rừng.

Đó là một mùa hè nóng bức và say mê. Chúng tôi thấy một chú gấu trong rừng đang dùng cả hai tay quơ phúc bồn tử, và khi thấy chúng tôi lại gần nó chậm rãi khật khưỡng bỏ đi. Mùa hè này có điều gì đó quyến rũ, đậm đặc và ngọt ngào. Bên cạnh giếng nước, những người Do Thái Ba Lan sùng kính vây quanh một giáo sĩ Do Thái, những thương binh xanh xao ngồi trên những chiếc ghế băng dọc lối đi dạo, và đâu đó luôn có tiếng nhạc, lạc điệu và hơi hấp tấp. Ông bác sĩ coi bể tắm - tôi xin thề danh dự - tên là “Kanári”(1). Cuối hè chúng tôi rời Bártfa và được biết chiến tranh đã kết thúc, và thay vào đó là khởi đầu một điều gì đó bất ngờ, đáng sợ và nguy hiểm không thể dự đoán trước: hòa bình.

 

Về quê

Một ngày nào đó phải vứt bỏ tất, tất cả, đồng hồ, đồ gỗ và sự giáo dục, và trở về quê hương với những người nghèo khổ. Không thể khác được. Họ là những người mạnh mẽ hơn. Họ vẫn đợi ta về.

Trên núi

Chiếc xe khách đi từ Fiume_(1) lúc sáu giờ trong sương mù ướt át, gần bảy giờ chúng tôi đã đến một vùng núi non, gió lạnh như roi quất, ánh nắng lấp loáng trên những mỏm đá. Từ trong đám hành khách một cô gái trẻ tóc vàng dáng quý phái, áo choàng len đan đứng dậy, tay xách cặp bước xuống xe. Cô đứng giữa những mỏm đá, không đâu thấy có nhà cửa, và cô gái trẻ đi giữa bãi đá trần trụi, tay cầm cặp giấy, với những bước chân nhẹ nhàng và sang trọng, như thể cô tới Fiume chỉ do nhầm lẫn, và đây mới là xứ sở đích thực của cô, vùng đất hoang sơ này, những mỏm đá, nắng buổi sớm và gió mạnh. Cô không nhìn lại. Cầu trời phù hộ cho cô, cô gái dễ thương, xinh đẹp và không thể hiểu nổi.

Đất nước tôi

Tôi yêu đất nước tôi. Số phận không cho tôi cảm xúc 181b y đơn giản như vậy. Tôi thật ghen tị với những người vì phận sự hay vì lòng vô tư, sẵn sàng bày tỏ với Người nhẹ nhàng như thế. Tôi chỉ dám nghĩ về Người sau nửa đêm, khi còn lại một mình trong phòng, trong cái công xưởng đáng sợ này, nơi tôi gọt giũa, khảo sát và đong đo từ ngữ theo đúng giá trị thực của chúng. Thật dễ dàng cho họ, những kẻ lộng ngôn và sung sướng, biết ngợi ca Người, đất nước tôi, bằng những bài xã luận hay những bài thơ nhiệt huyết âm vang! Nhưng với tôi, đây là lần đầu tiên tôi viết từ này, dưới dạng mộc mạc và đơn giản như số phận, tôi cúi xuống từng chữ, tay mỏi rời, gương mặt xanh xao, tôi nghe tiếng lạo xạo trên mặt giấy, kiểm tra từng chữ cái, nhâm nhi ý nghĩa của chúng, cái ý nghĩa đáng sợ và định mệnh cùng một lúc là cuộc sống và cái chết, điều mà “yêu” hay “không yêu” chỉ những kẻ xuẩn ngốc và hư hỏng mới biết. Tổ quốc tôi. Hai nguyên âm đầu giống của từ chết(1)_. Vì Người là sức mạnh chí tử, đất nước tôi, sức mạnh không buông rời. Người là tất cả, tất cả trong Người. Tôi xin thuần phục.

Tỉnh giấc

Những buổi sớm trong một thành phố lớn, những giây phút vừa tỉnh giấc thường ẩn chứa kỷ niệm tuổi thơ: tiếng tàu điện leng keng ngoài rèm cửa đóng, tiếng còi xe cộ, người ta trò chuyện và vội vã tới những văn phòng cùng những nơi làm việc khổng lồ bí ẩn và lôi cuốn của thủ đô, nơi suốt ngày họ làm những công việc quan trọng lương cao bổng hậu - những lúc như thế trong tôi thức dậy một cậu bé nhà quê, một lần được cha đưa lên Pest, và sáng ra tỉnh giấc trong một phòng khách sạn bởi tiếng tàu điện, vừa sợ vừa mừng, tim đập rộn ràng, chẳng khác gì lọt vào một thế giới kỳ diệu, ở đó tất cả đều được bấm nút, và chỉ cần nhấn một cái nút là người bồi đưa đến một khay bạc đồ ăn sáng kiểu thủ đô, có hoa quả, cà phê, thịt giăm bông và cuộc sống.

Shakespeare

Thực ra tôi thích những bản sách Shakespeare kiểu dân dã hơn, với những phụ lục in màu giống như những bức vẽ vui vui trong truyện cổ tích có những người hùng lý tưởng và những mụ già mũi khoằm khủng khiếp, những con vật bốn tai khổng lồ, hay cậu bé Tom Thumb hóm hỉnh. Như thế mới đúng, vì Shakespeare vừa cổ tích, lại vừa dân gian, thật đơn giản và vĩnh hằng, đầy máu và sang trọng. Chỉ có truyện kể dân gian và tác phẩm của thiên tài mới chịu nổi minh họa. Những tác phẩm lớn bao giờ cũng hơi xoàng xĩnh, dân dã. Cervantes_(*) cũng thế. Werther_(1) cũng vậy. Cả Shakespeare nữa.

Đu

Thế nhưng trong tất cả vẫn có một sự cân bằng nào đó bí ẩn và không giải thích nổi. Có lúc nó vút đưa bạn lên cao và hạ xuống thấp với sức mạnh mà bạn tưởng sẽ ngã nhào - nhưng sự đu đưa nguy hiểm ấy vẫn có chủ ý, những quy luật tuyệt vời che chở bạn, bạn là một thành phần của cái công thức hình học kia... cái đu. Có một cái gì đó nâng đỡ, nắm giữ tất cả.

“Hãy yêu thương tôi!”

Đã bao lần trong đời ta nghe tiếng khẩn cầu này, mệnh lệnh này, tiếng kêu tuyệt vọng này, giống như nó vang lên từ cửa ngõ của Tử Thần, như người ta rên lên trời cao từ những hố thẳm của hổ thẹn và lụi tàn. “Hãy yêu thương tôi!” Như thể một người nào đó chối từ một linh hồn tàn tạ chút của bố thí, bởi bần tiện hay ác ý, như chúng ta là những kẻ quyền thế nhưng chỉ có điều ta không muốn dùng thứ quyền thế ấy, như việc ta yêu thương ai đó phụ thuộc vào sự cân nhắc hay quyết tâm vậy. “Hãy cứu vớt tôi!” Như kẻ bị một vết tử thương kêu “Giúp tôi với!” Nhưng ta muốn giúp ngươi, ta muốn giúp ngươi mà... này đây, một cốc nước! Này, tiền đây! Này đây, sự dịu dàng! Còn những thứ khác cần có để ta yêu thương ngươi, dù sao cũng chỉ có ngươi mới cho được.

 

Phụ phẩm

Tác phẩm của một nhà văn không chỉ là cuốn sách anh ta đã viết. Mỗi nhà văn lớn đều có một hay nhiều phụ bản, mà nhà văn không viết: Những cuốn sách hoặc vở kịch mà độc giả, thị hiếu chung, sự hiện đại, trào lưu mới đòi hỏi ở nhà văn, và nhà văn có đủ nghị lực để chống lại, để từ chối những đòi hỏi độc ác và ngốc nghếch ấy. Sự phản kháng này là phần khác của tác phẩm, phần không thể nhìn thấy. Đôi khi nó mới là phần quyết định, là chính phẩm.

Fjord_(1)

Ngươi hãy nghĩ rằng ngay giữa những vịnh hẹp ngươi cũng chẳng hạnh phúc.

Tản văn tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/30345


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận