Hoa và Lụa cùng tuổi sửu. Hoa trắng trẻo, đôi tay mềm, mắt lúng liếng. Lụa da bánh mật, đôi tay ô dề, mắt đen rượi. Hoa mặc áo tím sen ôm khít người, quần jean, dây thắt lưng chi chít lỗ, chân mang giày cao bảy phân, tóc mái lả lơi, da thoa kem. Lanh lẹ, Hoa rời xuồng đảm nhận việc chào hàng. Hoa mang theo chiếc chiếu hoa một mét sáu, bước sập sựng về dãy phố buôn bán hàng trang trí nội thất nằm bên kia dốc cầu. Lụa ở lại xuồng, giữ đống chiếu được cuộn dẻ chặt từng đôi. Lụa mặc sơ mi xanh nhạt. Chiếc áo có lẽ được xếp cất ở đáy rương lâu ngày, nếp gấp còn hằn nơi sống lưng. Quần Lụa chấm gót, ống rộng phủ lên mấy chiếc móng thâm sần, vết tích của nhiều lần thúi móng.
Không để ý đến mấy chiếc móng khó coi, Lụa kéo ống quần, duỗi chân thoải mái trên đống chiếu, rảo nhìn cảnh mua bán dọc theo bến chợ. Nắng ấm, trời trong, gió nhẹ, ghe buôn đậu san sát. Xoài, khóm, dưa, bí, khoai, dừa, chuối treo toòng teng trước mũi. Cách chào mời mộc mạc này xem ra hấp dẫn người mua. Đoạn cầu chênh vênh nối ghe buôn với bến chợ không ngớt người bưng, bê, xách, gánh. Nước lớn, mặt sông mênh mang. Nước sông đục như bùn khuấy loãng. Xuồng be chín, be mười cơ cỡ chiếc Hoa và Lụa đang đi không cần neo buộc mà rướn mũi lên bờ. Người mua đứng chồm chồm là có thể đưa tay chỉ chính xác thứ mình ưng: bó rau tươi xanh, trái chín thơm nức, lũ cá rô quẫy rồn rột, mớ tôm đất búng tanh tách...
Còn bé, lúc móng chân chưa hư chiếc nào và đôi tay chưa đẩy nổi mái chèo, Lụa đã biết cầm dầm bơi hụ hợ, theo cha chở xuồng trái cây hái từ vườn nhà ra bến chợ này. Mỗi khi chợ hiện ra là Lụa reo lên: “Chợ kìa, cha ơi!”. Cảnh chợ sao mà vui! Cha bé không nói thách, không kỳ kèo. Ông bán hết các thứ thật nhanh. Trước khi nhấc từng bước với chiếc nạng gỗ lên chợ, cha bé không quên mua quà cho con gái, khi là chiếc bánh cam áo lớp đường vàng ươm, khi là chiếc bánh mì còn âm ấm mà người bán ủ dưới mấy lớp vải ngả màu. Hôm nào bán kha khá, cha hào phóng mua cho bé chiếc bánh bao bốc khói và một cây cà-rem cũng... bốc khói. Bé thường bối rối không biết ăn món nào trước. Ăn bánh sau thì hết nóng mà ăn trước thì cà-rem tan chảy. Thà bánh nguội mà được ăn nguyên cây cà-rem, bé nghĩ và đưa cà-rem lên miệng mút. Lúc cây cà-rem còn tí tẹo, bé có cảm giác mình chưa được ăn bao nhiêu, cứ thòm thèm.
Thằng bé quảy thùng cà-rem đảo tới đảo lui. Tiếng rao của nó ngân dài trên bến. Lụa không biết cách nào dứt khỏi tiếng rao. Hai lần chồm ra khoát nước sông rửa tay, Lụa vẫn mường tượng giọt cà-rem dấp dính. Thằng bé dừng lại đặt thùng cà-rem cách xuồng Lụa có mấy bước. Nó bán liền tay. Khách mua còn có cả người lớn. Một người mẹ nón lá lụp xụp, tay nách con, tay gộp một lúc năm bảy que kem. Chị ta quày quả trở lại xuồng nơi có người đàn ông ngáp dài sau lái và lúp xúp một lũ con. Miệng, mắt chúng hau háu như bầy chim đói. Lụa dợm gọi thằng bé bán cà-rem nhưng sực nhớ Hoa. Hoa bảo người thành thị cười mũi khi thấy mình ăn cà-rem. Họ chỉ ăn kem và không ăn giữa đường, giữa chợ. Họ nhấm nháp ly kem trên chiếc ghế có chỗ dựa trong quán đèn màu chớp tắt và nhạc xập xình. Còn trù trừ, Lụa chợt thấy Hoa. Hoa quay lại với bước chân nặng trịch, mặt ỉu xìu như vừa bị móc túi. Hoa đặt chân xuống xuồng, nói ấm ức:
- Họ ép bớt mỗi chiếc năm ngàn!
- Năm ngàn?
- Tao năn nỉ thiếu điều gãy lưỡi...
Không nói hết câu, Hoa cúi xuống tháo giày, ngồi bẹp lên đống chiếu, uể oải nhìn con nước nhửng ròng.
- Để tao lên đó, coi sao!
Lụa nói và nhảy lên bờ. Cô không men theo con đường vòng vèo qua sạp vải, sạp trái cây, sạp giày dép, sạp tạp hóa như Hoa đã đi. Cô chọn đường tắt, bước tất tả, dáng chúi chúi về phía trước giống hệt dáng hấp tấp của mẹ cô khi trời sắp đổ mưa mà trước nhà còn phơi kín một sân lác vừa nhuộm màu, sáng rực như tấm thảm kết hoa. Cô băng qua chợ cá lầy lội, luồn dưới chân cầu bày la liệt các loại khô cá. Chỉ ít phút sau, Lụa ngỡ ngàng đứng trước dãy phố mà cô từng đến mỗi khi mang chiếu ra chợ bán. Lụa không còn thấy dấu vết của dãy phố lợp ngói cũ kỹ chuyên bày bán các loại hàng được xe dệt đan dát từ lác, bố, tre, trúc với những chủ nhân luống tuổi lầm lì. Trước mặt Lụa là những con phố tươi rói, thoạt nhìn tương tự nhau bởi những mặt hàng na ná và người chủ trẻ, hoạt bát. Loại bàn thâm thấp và ghế bọc da, bọc nhung bày tràn ra lề đường. Hiệu nào cũng trưng ra mặt tiền những chiếc bàn trang điểm xinh xinh có mặt gương hình bầu dục, hình loa kèn hay hình chữ nhật. Lụa thoáng thấy mình trong gương với mái tóc dài xõa bời bời xuống lưng và vạt áo lật ngược. Cô sựng lại, kéo sửa vạt áo, tóm kẹp đuôi tóc và ngước đọc bảng hiệu một lần nữa, trước khi quả quyết bước vào lối đi hẹp của căn nhà rộng ken chặt các loại nệm mousse, bất chấp sự ngạc nhiên của cô gái bán hàng ngồi trước cửa.
Bà Tư Lan, chủ hiệu buôn nhận ra người quen, dù đã lâu cô ít khi gặp bà, kể từ khi miếng đất trồng lát của gia đình Lụa chỉ còn bằng cái gò mả và dệt chiếu không còn là nghề truyền thống được coi trọng. Ngày trước bà Tư ở cùng xóm Lụa. Bà từng làm ruộng và dệt chiếu. Chồng bà là một Hoa kiều giỏi buôn bán. Khi cưới vợ, ông ta chỉ có mỗi quầy chạp-phô ở chợ huyện. Lúc con gái đầu lòng đến tuổi đi học, ông bà đã tậu được hiệu buôn này. Nghe đâu họ còn khuếch trương
- Tui đã nói giá với cô kia rồi. Chịu thì đem hết lên đây. Không thì thôi!
Lụa thấy chiếc chiếu Hoa mang lên khi nãy nằm sập sượi trên nền gạch. Cô cúi xuống. Cử chỉ như nâng đỡ của Lụa khiến bà Tư khó chịu. Bà lên tiếng:
- Người mua sắm họ thích cái mới, cái lạ. Nên dệt chiếu người ta cũng thức thời lắm. Cô dòm kìa, giống y như cái túi du lịch!
Bà Tư bước lại chỗ treo toòng teng các loại túi, tháo tung một chiếc có dây đeo to bản. Thì ra, là một chiếc chiếu. Nhiều đường vải xanh đỏ dọc ngang như một bàn cờ nối kết những mảnh chiếu con con vào nhau. Khi xếp lại, chúng biến thành cái túi gọn, nhỏ. Lụa chăm chú nhìn và buột miệng:
- Nó đâu còn là chiếc chiếu, thưa dì?
- Vậy nó là thứ gì?
Nghe giọng hỏi gay gắt, Lụa muốn trả lời thẳng với bà Tư rằng, đó chỉ là những manh chiếu. Còn đâu hoa văn? Còn đâu chữ lẫy? Còn đâu dấu ấn của đôi tay thuần thục?
Lụa nhìn đôi tay múp míp đeo đầy nhẫn rồi nhìn thẳng vào mắt bà Tư:
- Thứ gì thì cháu không biết, nhưng cháu chắc là không giống chiếu dệt ở xứ mình!
- Chiếu ở xứ mình, liệu ai còn thích nó?
- Tuy không còn được như xưa nhưng thỉnh thoảng vẫn có người đặt mẹ cháu dệt đôi chiếu hoa có lẫy chữ HẠNH PHÚC, giống đôi chiếu ngày nào dì làm quà cưới cho Hạnh, con gái dì.
Cho tới lúc ngồi với Hoa trong cái quán hủ tiếu tràn nắng và oi mùi rau cải úng trên bến chợ, Hoa vẫn không rõ vì sao bà Tư Lan đột ngột mua hết xuồng chiếu với giá “nới tay” như thế.
Hoa cắm cúi ăn một hơi và ngoái gọi hai ly cà phê đá trong khi tô hủ tiếu của Lụa mới lưng một ít. Bấy giờ nó mới để ý đến vẻ tư lự khác thường của bạn. Nó lườm bạn một cái:
- Lẽ ra mày phải vui lên chớ!
Lụa làm thinh. Cô sục đũa tìm mấy cọng giá bỏ vào miệng. Bàn bên cạnh thêm mấy người khách vai mang tay xách. Hai cha con lão mù lần đến bàn Hoa và Lụa đang ngồi. Lão so lại dây đàn, chưa kịp cất giọng, Hoa vội dúi mấy tờ bạc lẻ vào cái mê nón trên tay đứa con gái. Cha con lão lò dò sang bàn khác. Lão rải mấy tiếng đàn và cất giọng. Dường như chuỗi âm thanh khèn khẹt ấy được kéo ra từ cái thanh đới rách bươm. Hoa nhăn mặt:
- Hồi nãy không chịu nghe tao vô cái quán nào đó trên mặt phố!
Lụa cũng chẳng nói năng. Hoa đẩy ly cà phê đến trước mặt Lụa:
- Lạt nhách rồi, uống đi!
Lụa nhấp một chút cà phê. Hoa khiêu khích:
- Giờ thì tao biết tại sao bả chịu mua lẹ xuồng chiếu
cho mày!
- Tại sao? - Lụa bật hỏi.
- Tại mấy cái móng chân quá đẹp của mày làm chướng mắt bả!
Thoạt tiên, Lụa muốn bộp lại một câu cho nó biết mình biết ta. Ngẫm ngợi một lát, cô lại thôi. Biết đâu, bà Tư Lan cũng xử sự như Hoa khi nãy trước cha con lão ăn xin. Bỏ tiền ra mua đứt sự quấy rầy. Bố thí để tống khứ. Lụa nhớ lại cặn kẽ cuộc đối mặt với bà chủ hiệu buôn và cô chắc là mình không vướng phải mớ lưới đầy gai của lòng thương hại. Hy vọng chợt loé lên khi cô tin rằng: Cô, một cô gái quê mùa đã xốc dậy ký ức mà bà Tư Lan, một người còn dây mơ rễ má với ruộng đồng, đã vùi dưới vô số lớp nệm mousse. Ý nghĩ này thật sự trấn an Lụa. Cô uống liền mấy ngụm cà phê. Với một cử chỉ gần gũi, cô đưa tay chùi bợn kem dưới mang tai Hoa. Hoa mở hộp phấn “con én” ra và soi vào gương. Nó lật đật ngồi xoay lại, nép vào Lụa, phủ lẹ lớp phấn khô vào làn da nhờn mồ hôi và kem.
Nhìn gương mặt được chăm chút vội vàng của bạn, Lụa không còn tức câu nói xỏ xiên của nó. Tự dưng cô muốn làm cái gì đó cho nó vui. Đợi Hoa thoa thêm chút son, Lụa nói:
- Lần này thì tao nghe mày. Lát nữa nhớ tìm mua nước sơn phết vô mấy cái móng...
Hoa mừng rỡ cắt ngang:
- Phải vậy mới được chớ!
Hoa cầm ly chạm mạnh vào ly Lụa. Nó nheo nheo mắt, trỏ trỏ vào ngực:
- Nghe tao thì mới nên...
Hoa bỏ lửng câu nói, mắt cụp xuống, hai mũi giày gí gí vào nhau. Lụa biết, nếu không có lớp phấn kia, mặt Hoa tái nhợt hoặc đang ửng đỏ. Nó muốn đùa vui nhưng vô tình chạm nỗi đau...
Ngày nó xách túi bỏ nhà lên thành phố, Lụa không kéo níu, chỉ khóc. Nhìn theo khóc. Viết thư cũng khóc.
Ngày ấy, đồng xanh thành trảng nước. Nhà nhà nuôi tôm, làng làng nuôi tôm. Đất đai không còn gieo trồng. Làng quê không còn mùa màng. Đàn bà con gái không còn mạ cấy, không còn lúa gặt. Không còn những đêm trăng đập lúa, giũ rơm. Không còn chiều chiều tước rơm bó chổi, sáng sáng chống xuồng thăm câu, giở lờ, nhổ bông súng, hái bông điên điển. Ngày thu không còn nghe tiếng cốm dẹp nổ. Ngày xuân không còn tiếng quết bánh phồng. Cuộc sống đơn điệu trôi. Làng quê phập phồng chờ mùa tôm như trông đợi vào vận may của số phận.
Tuổi sửu nhưng Hoa thiếu tính nhẫn nại của con vật kéo cày. Nó không chịu nhìn con nước lớn ròng trôi lững lờ trước mặt. Mỗi ngày vài ba bận, nó bơi xuồng sang nhà Lụa thủ thỉ thêu dệt cái tương lai mà nó ao ước. Thương bạn nhưng Lụa còn thương mẹ, thương cha, thương lũ em, thương đàn heo, thương bầy gà, thương cây chùm ruột còn lơ thơ trái. Sợi dây yêu thương buộc ràng Lụa ở lại. Hoa một mình hăm hở ra đi, một mình lủi thủi quay về, bỏ lại nơi gác trọ chật hẹp của thành phố rộng lớn mà nó chỉ thuộc được mấy con đường, cái quý giá nhất của đời con gái.
Lụa kéo bạn đứng lên:
- Mình đi mua sắm đi!
Len lỏi được một đoạn chợ, chợt Hoa dừng lại:
- Hay mình vô siêu thị?
Lụa tò mò:
- Siêu thị là sao?
- Mày cứ vô rồi biết. Đó là cái chợ không nói thách.
- Chợ mà không nói thách?
- Ừa!
- Vậy thì đi!
*
* *
Siêu thị nằm trên lầu một. Vào siêu thị phải bước lên chiếc thang cuốn. Không chỉ có Lụa bối rối khi đặt chân lên nấc thang sáng choang. Nhiều người còn bỏ dép, luống ca luống cuống cho đến lúc đứng trước cánh cửa kính trong veo của siêu thị vẫn chưa kịp hoàn hồn. Hoa sân sân đi trước. Nhất cử nhất động Lụa đều làm y theo nó, dù cô hết sức hồi hộp, sợ va cái này, sợ quẹt cái kia. Tuy vậy, Lụa vẫn không thể học được cái vẻ mặt ra chiều từng trải của Hoa. Cô tròn mắt, hết ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, nhất là khi nhìn vào bảng giá của nhiều mặt hàng mà lần đầu tiên cô được thấy.
Săm soi một hồi, Lụa mới bạo gan cầm lên mấy lọ nước sơn thơm thơm mùi dầu chuối. Không có lọ nào vài ba ngàn như cô nghe người ta rao và bán trên mấy cái nia đặt cạnh lối đi ở chợ. Lọ rẻ nhất bằng thang thuốc trị nhức lưng của mẹ. Lọ vừa vừa cũng hơn mũi thuốc giảm đau cho cha khi trái gió, trở trời. Hoa cầm lọ nước sơn, lắc nhè nhẹ, ngắm nhìn màu hồng anh ánh bạc, khích lệ bạn:
- Mua đại đi, thứ này lâu phai!
Lụa đặt mấy lọ nước sơn về chỗ cũ, chùng chình:
- Ừa!...Nhưng đi một vòng rồi quay lại... mua cũng được!
Mấy lần bị Hoa bấm vào tay đau như đỉa cắn, Lụa vẫn lừng khừng trước quầy mỹ phẩm và đồ lót phụ nữ. Cô khó có thể tin chỗ kem dưỡng da ít ỏi trong cái lọ bé xíu kia có giá trị gấp đôi xuồng chiếu cô vừa bán. Hoa cầm trên tay chiếc áo coọc-sê, trầm trồ:
- Loại này mặc hết ý!
- Mày coi thử giá bao nhiêu?
Cùng một lúc, cả hai đều thấy giá tiền dán trên dây áo. Đột nhiên họ im bặt và lặng lẽ trả chiếc áo về chỗ cũ.
Hoa kéo Lụa đi tiếp. Bước từng bước trên nền gạch trơn bóng, Lụa thấy rã rượi như đang lội từ ngoài đồng về nhà sau một ngày dầm mình cấy lúa.
Hoa cũng thấm mệt, ngực phập phồng dưới lớp áo chật căng. Nó dừng chân trước gian hàng bày bán hoa khô. Nhìn qua vai bạn, Lụa thấy một bình bông lòe xòe vừa lạ vừa quen. Những cánh khô kia giống như là bông lau, bông sậy, bông cỏ gà và dường như có cả mấy bông lúa không ngậm sữa. Điểm xuyết cho cành cho lá là những cánh hoa màu tím, một sắc tím khó gọi đúng tên. Lụa chợt nhớ một loại hoa cũng tím. Không phải màu tím quen thuộc của hoa cà, hoa đậu rồng, hoa lục bình, hoa rau dừa, hoa rau muống mà là cái sắc tím buồn thiu của bông hoa mang hình dáng chú cóc be bé thổi kèn, loài hoa lầm lụi nở. Nở chơi vơi giữa những thân đước, thân vẹt. Nở quấn quýt bên lùm lau, lùm sậy. Nở lẻ loi trên rãnh nước, bờ mương...
Thấy Lụa vẫn lơ ngơ như vịt lạc bầy, Hoa huých bạn
một cái:
- Mình cũng phải mua cái gì đó, chớ vô đây rảo mỏi cẳng mà ra tay không à?
Lụa xoa xoa chỗ đau nơi sườn, bực ít, tiếc nhiều. Cô nhìn xuống gót giày Hoa như thể nó vừa giẫm lên một bông hoa tim tím.
Không để ý cái vẻ hụt hẫng của bạn, Hoa bước tới trước lấy một cặp giấy vệ sinh trắng tinh và quay lại bỏ vào chiếc giỏ nhựa của siêu thị mà từ lúc mới bước vào nó đã ấn vào tay Lụa.
- Nhà tao chưa biết xài loại giấy này!
Hoa véo bạn một cái:
- Nhỏ nhỏ giùm, ai người ta nghe được, kỳ lắm!
Nói xong, nó nhón lấy bịch băng vệ sinh Bạch Tuyết bỏ tiếp vào giỏ.
Cầm bịch băng trong tay, Lụa kề tai Hoa:
- Tao cũng chưa biết xài loại này!
Hoa nhìn bạn, nhỏ nhẹ:
- Thì trước tao cũng quê một cục như mày!
Hoa và Lụa rời siêu thị, bước ra đường khi mặt trời đã ở trên đỉnh đầu và đang phả hơi thở hầm hập xuống mặt đất.
Chẳng có gì che trên tóc, má đỏ lựng, mồ hôi nhễ nhại, Hoa và Lụa đều thấy tiếc vì đã chồng úp hai chiếc nón lá dưới xuồng.